XỨ THANH
- Chủ nhật - 01/06/2008 08:36
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Tuy là dân mạn ngược, con đẻ của đất nghịch „núi rừng Yên Thế” (Bắc Giang), nhưng hình như có mối cơ duyên nào đó khiến tôi có nhiều gắn bó, nhiều kỷ niệm với những con người và vùng đất ấy - xứ Thanh.
Cầu Hàm Rồng - Thanh Hóa
Năm 1977, vừa lớ xớ từ Hung về được vài tháng, hình như để thử thách hay thử đày anh chàng non choẹt mới đi Tây về, tôi liền được cử dẫn một lớp học sinh cuối khóa vào Đoạn Đầu Máy Thanh Hóa, khi đó nằm ngoài khu Đình Hương, đi thực tập tốt nghiệp chừng ba tháng. Ba tháng, mới từ Budapest của „thập kỷ vàng 70” về, tới ăn đậu ở nhờ một xí nghiệp sơ tán toàn sắt thép, dầu mỡ vừa qua những năm chiến tranh, cơ sở tồi tàn nhà tranh vách đất, cơm độn toàn hạt bo bo, canh hến hay cải xoong triền miên, và triền miên đói. Lại phải quản hơn hai trục học trò „nhất quỉ nhì ma” có khi còn đói hơn cả thày, quả là một thử thách, với tôi không dễ gì quên. Và từ đó, trong khoảng mươi năm, dù ít hay nhiều tôi cũng một vài lần ngồi tàu chợ vào xứ Thanh, và cũng từ đó mà có thêm bao bè bạn, có thêm chút hiểu biết rồi trở nên thân thương với vùng đất này.
Tôi đã về Thọ Xuân, nơi phát tích của hai dòng vua Lê thăm khu di tích Lam Kinh và một lần ngâm mình xuống dòng sông Chu nước xiết. Đã đạp xe ngược cơn bão số 5, về ngủ - hay đúng hơn là thức trắng - một đêm ở Trường cấp III Hoằng Hóa mưa bão gió giật tơi bời, để mấy hôm sau làm trọn chức năng thư ký một cụm coi thi tuyển sinh đại học. Đã về ngồi uống rượu tận vùng chiêm trũng Hà Trung để tận thấy sự nghèo khó, đức cần cù, siêng năng của người dân nơi đây. Khi viết những dòng này, trong đầu tôi lần lần hiện lên hình ảnh của bao kỷ niệm cũ, của bao nhiêu bè bạn, học trò của xứ Thanh.
Kỳ lạ và may mắn sao, sau này quay lại đất Hung, trong nhóm bạn bè đồng niên - cùng lọc cọc đi tàu liên vận hai tuần lạ nước lạ cái sang đây năm 1970 - hiện đang sống tại Hung có tám người, thì bốn là dân xứ Thanh, một là rể xứ Thanh, tháng tháng vẫn gặp nhau, mà cứ ngồi với nhau là rôm rả ôn lại chuyện ngày xưa, thế chẳng phải cơ duyên thì biết gọi là gì?
*
Năm 1931, viên toàn quyền Đông Dương người Pháp Pierre Pasquier đã viết: „Thanh Hóa không phải là một tỉnh, đó là một Xứ” (c’est un pays), nhận xét của một viên quan lại thực dân, nhưng tỏ ra rất am tường xứ sở mà ông ta cai trị.
Thanh Hóa với diện tích 11.168 km2 và dân số gần 4 triệu người là một tỉnh, theo chỗ tôi biết, lớn nhất trong hơn năm chục tỉnh trên dải đất hình chữ S, tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ và quay nhìn ra Biển Đông, quê hương của mỗi người Việt Nam chúng ta.
Có thể nói Xứ Thanh là một nước Việt thu nhỏ, địa hình có đủ núi rừng trùng điệp, trung du cằn cỗi, đồng bằng úng lụt, đất ngập mặn và biển cả. Có thể coi Xứ Thanh là địa đầu phía Bắc của khúc ruột miền Trung, cũng có thể coi là sự nối dài của Bắc Bộ. Phía Bắc Thanh Hóa giáp Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình, phía Nam giáp Nghệ An, phía Tây giáp Lào và phía Đông giáp Thái Bình Dương.
Thanh Hóa xưa là một trong những địa bàn cư trú quan trọng của người Việt cổ, là nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa như văn hóa Đa Bút (Đa Bút, Cồn Cơ Ngựa), văn hóa Hoa Lộc (Hậu Lộc) và đặc biệt nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng thời sơ sử với hàng loạt trống đồng Đông Sơn tiêu biểu cho nền văn minh lúa nước của người Lạc Việt cổ. Ngày nay Xứ Thanh là nơi chung sống của nhiều dân tộc như Kinh, Mường, Lào, Lự..., mỗi dân tộc đều có những tập tục, bản sắc văn hóa riêng.
Xứ Thanh là vùng đất có nhiều truyền thuyết, huyền tích đẹp. Vùng biển Nga Sơn có sự tích vợ chồng chàng Mai An Tiêm bị Hùng Vương hiểu lầm đày ra đảo, được chim trắng bay qua nhả hạt, vợ chồng chàng gieo trồng, chăm sóc thành giống dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng cho đời. Vùng ven biển Nghi Sơn - Biện Sơn, huyện Tĩnh Gia còn lưu Giếng Ngọc, chứng tích bi thảm của mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy, mà hậu thế còn mãi xót xa.
Thanh Hóa cũng được coi là một vùng đất „địa linh nhân kiệt”, có truyền thống văn hóa lâu đời, đã sản sinh cho đất nước nhiều danh nhân văn hóa và anh hùng dân tộc.
Hình tượng Bà Triệu trên tranh dân gian Đông Hồ
Năm 248 sau Công nguyên, thời thuộc Ngô, ở xứ Cửu Chân, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh nổ ra cuộc khởi nghĩa nông dân lớn dưới sự lãnh đạo của bà Triệu Thị Trinh mà sau này dân gian quen gọi là Bà Triệu; sử sách chép bà mặc áo giáp vàng, đi dép vàng cưỡi đầu voi mà đánh giặc. Nay trên núi Gai, làng phú Điền huyện Hậu Lộc còn đền thờ ghi công tích vị nữ tướng với câu nói đầy khí phách: „Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Trên núi Tùng Sơn, nơi bà ngã xuống nay còn lăng miếu, với câu ca dao lưu danh liệt nữ: „Tùng Sơn nắng quyện mây trời/ Gót chân Bà Triệu rạng ngời sử xanh”.
Một người con kiệt xuất của xứ Thanh là Dương Đình Nghệ (?-937), một hầu tướng của Khúc Hạo đã khởi binh, với nhân tài vật lực của Ái Châu (Xứ Thanh), đánh đuổi quân Nam Hán, giành lại quyền tự chủ cho đất Việt được 6 năm (931-937). Sau này Ngô Quyền đã từ đất Sơn Tây vào Dương Xá xứ Thanh đầu quân Dương Đình Nghệ, lấy con gái Dương Đình Nghệ, cùng quân dân xứ Thanh và cả nước đánh thắng quân Nam Hán trong trận thủy chiến oanh liệt trên sông Bạch Đằng, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc sau gần một nghìn năm Bắc Thuộc.
Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, người Thọ Xuân, công tích phá Tống (năm 981), bình Chiêm lừng lẫy, được Thái Hậu Dương Vân Nga lập lên làm vua, hiệu Lê Đại Hành khởi đầu nhà Tiền Lê.
Thắng cảnh Sầm Sơn
Sau mười năm nếm mật nằm gai, trường kỳ kháng chiến chống xâm lược Minh, Lê Lợi, tức Lê Thái Tổ (quê xã Xuân Lâm, huyện Thọ Xuân) quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi, lên ngôi vua, mở đầu triều Hậu Lê (Lê sơ:1428-1527, Lê Trung Hưng: 1533-1789). Khu di tích gồm đền thờ, mộ chí Lê Lợi và điện Lam Kinh (được xây dựng từ năm 1433) nay vẫn còn đó, ngay trên quê hương người anh hùng giải phóng dân tộc.
Hồ Quí Ly (1336-1407), sinh ở hương Đại Lại, Thanh Hóa là là vị vua đầu tiên dùng chữ Nôm mong chấn hưng nền văn hóa dân tộc. Thành nhà Hồ (còn có tên là Tây Đô) xây dựng từ năm 1397, là thành đầu tiên xây dựng từ những khối đá lớn ở nước ta, nay trở thành một di tích lịch sử, điểm du lịch nổi tiếng của Vĩnh Lộc.
Người mở đầu sự nghiệp kéo dài hơn hai trăm năm của 12 đời các chúa Trịnh (1545-1787) là Trịnh Kiểm, người huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Một dòng tộc để lại không ít công tích, nhưng cũng nhiều khuất tất trong lịch sử.
Theo phả hệ họ Nguyễn, các chúa Nguyễn là dòng dõi họ Nguyễn ở Gia Miêu, Tống Sơn, Thanh Hóa và là con cháu của Định Quốc công Nguyễn Bặc, Nhà Đinh. Mở đầu là chúa Nguyễn Hoàng (1525-1613) con của Nguyễn Kim, xưng chúa năm năm 1558, trải qua 9 đời chúa, bị nhà Tây Sơn diệt năm 1777, có công khai mở đất phương Nam, tiền thân của triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam.
Một xứ sở trải rộng dài trên 200 km dọc lưu vực sông Mã, mà là nơi phát tích của ba dòng vua, hai dòng chúa, quả là một vùng đất hiếm có.
Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, chiến khu Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành là một cơ sở của cách mạng từ năm 1941, đỉnh cao của phong trào khởi nghĩa vũ trang vùng Bắc Trung Bộ. Hiện còn một bảo tàng về chiến khu du kích và tượng đài kỷ niệm chiến khu Ngọc Trạo, một địa chỉ hành hương của du khách gần xa.
Đồi Quyết Thắng bên cầu Hàm Rồng
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cầu Hàm Rồng là một mục tiêu đánh phá ác liệt của không quân Hoa Kỳ. Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Cầu Hàm Rồng trên núi Cánh Tiên (sau đổi thành đồi Quyết Thắng) là những người con xứ Bắc, con em của các chiến sĩ Trung đoàn bắc Bắc-Bắc (tên ghép của hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Đại đoàn 308) năm xưa từng tham gia trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, đã gan góc đối đầu với bom đạn Mỹ, bắn tan xác hàng chục „thần sấm”, „con ma” của không lực Hoa Kỳ. Khu di tích Hàm Rồng gồm đồi Quyết Thắng, đồi C4, cầu Hàm Rồng, nhà máy điện mãi mãi ghi lại những chiến công của họ.
Còn có thể kể rất nhiều về vùng đất, con người xứ ấy.
*
Nay được tin những người con của Thanh Hóa đang sống trên đất Hung tổ chức Đêm giao lưu „Thanh Hóa quê ta”, tuy chẳng phải con dân của xứ Thanh, tôi bỗng thấy nôn nao một chút nhớ, một chút tình với miền quê ấy. Xin ghi lại đôi dòng những hiểu biết sơ lược của mình về xứ Thanh, như một lời tri ân, như một chút tâm tình gửi những người bạn xưa và nay.