VĨNH BIỆT MỘT ÐỘC GIẢ
- Thứ hai - 04/08/2003 21:44
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Tôi vốn không quen chị Quế, mà chỉ biết đến chị lần đầu tiên, khi tờ báo NCTG đã ra được ít số và anh Giáp Văn Chung có giới thiệu chị với tôi, như một phụ nữ có uy tín và có nhiều công đóng góp với chi hội Việt Nam tại Szeged.
TS. Bùi Thị Quế, một gương mặt tiêu biểu của cộng đồng Việt Nam tại Hungary
Thú thực, xuất phát từ một lý do rất... cá nhân và thực tiễn, là mời chị đặt báo và vận động bà con mình dưới Szeged để tâm đến tờ báo mới ra đời, tôi đã có một vài lần trò chuyện với chị qua điện thoại, và, rất nhiệt tình, chị đã hứa với tôi là sẽ cộng tác, cũng như sẽ lập ra một “chi hội NCTG” tại Szeged, cho dù chị mới đọc qua 1-2 số báo của chúng tôi.
Tiếc là, lời hứa ấy của chị mới được thực hiện một “vế”: chỉ trong vài ngày, chị đã gọi điện báo cho tôi là chị đã vận động được một nhóm các anh chị ở Szeged đặt mua báo dài hạn - với một người luôn phải “lo cơm gắp mắm” cho tờ báo như tôi, không gì “thực tế” hơn thế! Còn loạt bài viết về Y - Dược mà chị định làm, thì rốt cục đã không ra được: trong một lần nói chuyện qua điện thoại, chị nói, rất thành thật: “Mình muốn làm nhiều thứ, dự định là thế, cũng không phải mình không có khả năng làm, chỉ hiềm vì luôn luôn có những cái thiết thực hơn, trước mắt, bắt mình phải “ưu tiên” trước. Thôi, cứ để mình là một độc giả cái đã”.
Trong gần 2 năm ra báo và hàng tuần, đều đặn in từng địa chỉ và gửi từng tờ báo đi, tôi luôn gặp tên chị và cứ mỗi lần gói báo để mang đi gửi, tôi lại vui vui nhớ đến một người chị hơn tôi vài thế hệ, đã “gây dựng” được cho NCTG một “chi hội” thuộc loại lớn nhất trong số các “chi hội” ở các tỉnh, thành ngoài Budapest.
Gặp trực tiếp chị, thì chỉ một lần, vào Đại hội của Hội người Việt Nam tại Hungary lần thứ 5 (tháng 4-2003 vừa rồi). Trong Đại hội, chị đã phát biểu, say mê về khả năng “nâng cấp” cộng đồng Việt Nam tại Hung thành một cộng đồng sắc tộc thiểu số, như chị đã làm được với chi hội Szeged, trên địa bàn tỉnh Csongrád. (Mơ ước ấy, như chúng ta đã biết, còn gặp phải những trở ngại chính hiện chưa thể vượt qua nổi).
Trong giờ giải lao, chị đã đến chỗ tôi, nói vui “nghe tên em suốt mà bây giờ mới được gặp mặt”, và tôi thì đang luống cuống trong đám đông xuôi ngược, cũng chỉ nói được với chị một vài câu mang tính xã giao. Đến giờ, nghĩ lại về lần gặp mặt đầu tiên và cũng là duy nhất ấy, tôi luôn cảm thấy tiếc vì đã không có điều kiện tìm hiểu và trò chuyện với một con người đã âm thầm làm được nhiều cho cộng đồng mình ở đây.
Tin dữ về sự ra đi của chị đến với tôi khi tôi đang cắm cúi làm số Đặc san Thể thao cuối cùng cho kỳ Hội thao mùa Thu 2003. Thoạt đầu, bận bịu với công việc, tôi không cảm ngay được sự mất mát ấy: tôi cách chị nhiều thế hệ và cũng chưa có mấy dịp trao đổi, trò chuyện với chị. Nhưng rồi, mấy hôm sau, được chứng kiến sự rung động trong lòng những người quen biết chị, và nhất là đến khi đi gói báo để gửi cho các độc giả đặt mua dài hạn, nhìn đến tên chị, tôi hiểu là có những mất mát không gì bù đắp nổi.
Vài dòng tản mạn này - để tưởng nhớ về một ĐỘC GIẢ mà tôi hằng kính trọng, dù mới sơ giao -, được viết ra với tấm lòng chân thành sau khi tôi đi gửi số báo mới nhất cho chị. Cho dù, số báo ấy, chị chỉ có thể đọc nó ở bên kia thế giới...