Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VIẾT NHÂN MỘT CHUYẾN ĐI THĂM TRƯỜNG TRẺ EM KHUYẾT TẬT

(NCTG) “Mong rằng những hoạt động và tinh thần tương thân như thế ngày càng lan tỏa và trở thành một nét đậm trong suy nghĩ và nếp sống của chúng ta, để cuộc sống trở nên đẹp hơn, phong phú và có ý nghĩa hơn, hay như ai đó nói, “đời thay đổi khi chúng ta thay đổi”...
Anh Lê Việt Hùng (bên phải, ngoài cùng) cùng một phụ huynh và các cô giáo - Ảnh: Trần Lê
Trẻ em như đàn bướm trong gió:
có con bay cao, và có con bay thấp
nhưng tất cả đều bay hết khả năng có thể
vậy tại sao lại phải so sánh chúng?
Mỗi đứa trẻ đều khác biệt.
Mỗi đứa trẻ đều đặc biệt.
Mỗi đứa trẻ đều tuyệt vời
” (*)

Chúng tôi đến thăm Trường Mầm non và Tiểu học Kőbányai (Kőbányai Komplex Óvoda, Általános Iskola) dành cho các cháu thiểu năng và khuyết tật ở Quận 10, Budapest vào một buổi chiều mùa đông dù thời tiết không thật lạnh, nhưng tiết trời khá ảm đạm và ẩm ướt, đúng vào lúc anh Lê Việt Hùng cùng một phụ huynh học sinh đã chở một xe đồ tới trước và đang khệ nệ vác vào trường.

Theo tìm hiểu và trao đổi sơ bộ trước đó, chúng tôi được biết từ nhiều năm nay, anh Lê Việt Hùng cùng doanh nghiệp của mình đã nhiều lần ủng hộ nhà trường phần nào những nhu yếu phẩm cần thiết nhất, mà như lời anh nói, “ngay giấy toilet, xà phòng hay bỉm cho các cháu trường cũng thiếu”. Lần này, cộng đồng Việt cư ngụ và làm việc tại Quận 10 cũng gách vác một phần kinh phí với anh.

Cùng các cô giáo - mà theo chúng tôi được biết, đều là những người có kinh nghiệm trong ngành Giáo dục đặc biệt, có nghiệp vụ và kỹ năng để chăm sóc và giáo dục các học sinh có nhu cầu đặc biệt (thường được gọi là trẻ khuyết tật và thiểu năng) -, chúng tôi lên tầng hai của một căn nhà cũ, trang thiết bị rất tồi tàn, có lẽ hiếm thấy trong một gia đình Việt Nam nào đang sinh sống tại Hungary!

Đó là một khu của trường dành riêng cho các cháu vừa thiểu năng trí tuệ ở mức độ rất nặng, vừa bị khuyết tật vận động. Hiện có 11 cháu đang được chăm sóc toàn diện trong 2 phòng vừa đủ lớn, theo lời cô hiệu phó Bencze Anna. Một số đã được đón về, nên khi chúng tôi vào phòng, chỉ còn 3 cháu và 3 cô giáo: các cô vừa cho học sinh ăn, đồng thời vừa trò chuyện và nắn chân tay cho các cháu.

Theo giới thiệu của cô Bencze Anna, trường là cơ sở chăm sóc và giáo dục cho các cháu có nhu cầu và đòi hỏi cách ứng xử đặc biệt. Tuy khuyết tật về thể chất và tinh thần và do đó, có sự khác biệt nhất định, nhưng các cháu cũng vẫn là những con người biết vui, buồn, yêu, ghét và mọi cảm xúc khác, cũng có giá trị và đặc biệt, cũng có thể sáng tạo, hoạt động và mang niềm vui tới cho mọi người.

Để làm được điều đó, trường cố gắng tạo dựng môi trường để các cháu không bị trêu chọc, giễu cợt, tẩy chay và chỉ trích, mà khiến các cháu được cảm thông, chấp nhận, khích lệ, có cảm giác an toàn và được bảo vệ với đầy đủ mọi quyền lợi và nhu cầu mà các cháu cần. Trường đặt ra tiêu chí chấp nhận sự khác biệt và đa dạng, giúp các cháu có được sự hòa nhập xã hội ở mức cao nhất.
 
Các cháu thiểu năng và khuyết tật được chăm sóc tận tình - Ảnh: Trần Lê
Các cháu thiểu năng và khuyết tật được chăm sóc tận tình - Ảnh: Trần Lê

Tổng cộng, trường có 165 học sinh ở độ tuổi từ mầm non tới 25, đều bị thiểu năng trí tuệ từ nhẹ tới rất nặng, nhiều cháu bị kèm khuyết tật vận động mà theo ý kiến giám định chuyên môn, phải được hưởng giáo dục chuyên biệt. Nặng nhất chính là các cháu được chăm sóc tại khu chúng tôi tới thăm, mà theo lời cô Bencze Anna, hiện đang gặp vô vàn khó khăn về cơ sở vật chất và trang thiết bị.

Là một cơ sở thuộc sự quản lý và điều hành của nhà nước, trái với thời gian trước kia còn hay được hưởng kinh phí và hỗ trợ của chính quyền tự quản địa phương, hiện tại hầu như các cháu không được trung ương để tâm tới và do đó, thiếu thốn đủ đường, từ thảm, đệm trải sàn cho các cháu chơi tới các loại xà phòng, nước tẩy rửa, khăn ướt, găng tay... để làm vệ sinh phòng ốc và cho các cháu. 

Một danh sách những “nhu yếu phẩm” như thế đã được trao cho anh Lê Việt Hùng, và được doanh nghiệp của anh cùng bà con Việt sinh sống, làm việc tại Quận 10, Budapest hỗ trợ cho các cháu trong dịp này. Trao đổi với chúng tôi, bà hiệu phó cảm động trước nghĩa cử của cộng đồng Việt Nam, và cho hay mọi sự giúp đỡ dù lớn hay nhỏ đều hết sức quý báu với trường trong hoàn cảnh này.

Chỉ được cái xây sân vận động là giỏi”, chúng tôi không khỏi có lời cảm thán trước chính quyền hiện tại, và được sự tán thưởng của các cô giáo xung quanh. Vẫn biết, sự chung tay của cộng đồng dù rất quý, nhưng cùng lắm chỉ giải quyết được chút ít ở phần ngọn, phần gốc thuộc về nhà nước, nhưng nhìn cảnh thiếu thốn của các cháu, và nỗ lực của đội ngũ giáo viên, không thể cầm lòng...

Chia sẻ với chúng tôi về một số mong muốn cho các cháu trong tương lai, nhưng bị hạn chế bởi giá cả quá cao, do sản phẩm dành cho trẻ khuyết tật được nhà nước quy định chỉ cho một vài cơ sở độc quyền, cô hiệu phó Bencze Anna cũng bày tỏ mong muốn cộng đồng có thể tới thăm và làm quen với trường và các cháu, cũng là nhằm tạo dựng sự đồng cảm với những khác biệt của các cháu.

Trở về và mang trong lòng nhiều nỗi xúc động và tâm tư, cảm nhận được phần nào khó khăn của các cháu khuyết tật, thiểu năng hoặc mắc chứng tự kỷ, cũng như cố gắng lớn lao của các gia đình và trường sở chuyên dạy dỗ cho các cháu, chúng tôi nghĩ rằng, những đóng góp của cộng đồng như trong dịp này cũng là một phần của sự hội nhập xã hội rất cần thiết của mỗi người nơi xa xứ...

Mong rằng những hoạt động và tinh thần tương thân như thế ngày càng lan tỏa và trở thành một nét đậm trong suy nghĩ và nếp sống của chúng ta, để cuộc sống trở nên đẹp hơn, phong phú và có ý nghĩa hơn, hay như ai đó nói, “đời thay đổi khi chúng ta thay đổi”...

Chùm ảnh của Trần Lê:​
 
IMG 3537
 
IMG 3539
 
IMG 3547
 
IMG 3541
 
IMG 3544
 
IMG 3543
 
IMG 3550
 
(*) Phương châm của Trường Mầm non và Tiểu học Kőbányai trên trang chủ của Trường.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh