Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VIẾT CHO “NHỊP CẦU THẾ GIỚI” TUỔI HAI MƯƠI

(NCTG) “Hai mươi năm qua, báo NCTG đã ghi giữ lại bao sự kiện, tâm tư vui buồn cũng như những biến đổi, phát triển của cộng đồng người Việt tại Hungary, giữ sự kết nối với quê hương và mở mang tầm nhìn ra thế giới” - hồi ức của BS. Đặng Phương Lan về 20 năm song hành với NCTG.
Tác giả trong một cuộc gặp mặt cuối năm của NCTG - Ảnh: Trần Lê (NCTG)
Chẳng biết 20 năm trong đời của một tờ báo có phải là nhiều, nhưng 20 năm trong đời của một con người quả là quãng thời gian không nhỏ. 

Đối với tôi, cột mốc đầu của tuổi 20 đúng vào lúc tôi chuyển sang một thế giới khác: từ một em bé mặc váy xòe tay bồng ngồi sau xe đạp của mẹ, tới cô học sinh hồi hộp bám chân bố tới nhà thầy giáo xin học thêm, rồi những năm cấp ba hàng ngày cùng bạn bè đạp xe tới trường… bỗng thấy mình 20 tuổi ở một đất nước khác, nói một ngoại ngữ khác, gặp gỡ những con người khác, hoàn toàn xa cách vòng tay của gia đình, tự lo lắng mọi mặt của cuộc sống. Có thể nói lứa tuổi 20 của tôi khởi đầu với việc học những kiến thức trong sách vở: hiểu biết của tôi thời đó về con người và cuộc sống có lẽ chưa bằng các bạn trẻ tuổi teen thời nay. 

Những năm tháng sinh viên ở Đông Âu đầy vất vả và thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Giờ nghĩ lại, tôi nghĩ có lẽ mình may mắn hơn các bạn học trường khác vì sinh viên Y khoa tại Budapest bận tới mức chẳng còn nhiều thời gian mà buồn! Trong 6 năm học Y đa khoa, tôi là sinh viên Việt Nam duy nhất, chẳng mấy khi giao lưu với các bạn trường khác hay năm trên năm dưới. Sáng tỉnh dậy vào trường nghe giảng, chiều đi thực hành, tối về nấu ăn học bài vì thời đó học theo kiểu “cổ điển”, tuần nào cũng có kiếm tra miệng, tháng nào cũng có viết bài, cuối kỳ là thi cử chồng chất. Dầu vậy, dạo ấy tuy bận rộn nhưng cuộc sống lại có mục đích rõ ràng. 

Sau khi tốt nghiệp đại học, đi làm chuyên khoa tại một bệnh viện có tiếng ở Budapest, cái ý tưởng muốn “nổi loạn” trong người tôi mới thức dậy. Tôi muốn biết thêm nhiều thứ khác trong cuộc sống chứ không phải chỉ có ngồi học. Tôi thích đi xem phim, đi nghe hòa nhạc và thường xuyên ăn uống tụ tập. Tôi thử vài môn thể thao “thời thượng” thời đó như tập aerobic, đi bơi, học cưỡi ngựa... Tôi chia tay với bạn trai mà chẳng có nguyên cớ gì cụ thể, chỉ vì cảm thấy ngột ngạt nếu giờ mình lập gia đình, rồi suốt ngày lo chuyện nhà cửa nấu nướng. Tôi muốn sống tự do và tự mình khám phá thế giới xung quanh. Nhưng nào mọi thứ có đơn giản: tôi cảm thấy chẳng có ai thân thiết bên cạnh, tôi chẳng hiểu biết gì về văn hóa, lịch sử nước Hung nơi mình sinh sống đã đành, mà cũng khôngg biết gì về cuộc sống của những đồng hương Việt khác và do đó, tôi cảm thấy cô đơn . 

Tại đúng thời điểm đó, tôi có duyên gặp tờ báo “Nhịp cầu Thế giới” (NCTG) cùng anh Nguyễn Hoàng Linh. Khác với nhiều người hành động theo suy tư chín chắn, nhưng tôi ở tuổi 20 toàn làm theo bản năng. Chưa cần biết báo NCTG nội dung sẽ thế nào, hoạt động ra sao, vừa nghe anh Linh nêu ý tưởng tôi đã thấy hay và giơ cả hai tay ủng hộ! Kỷ niệm đầu tiên mặc áo dạ đen, thắt khăn len đỏ, đi bốt cao gót ra chợ bán báo đúng hôm mưa tuyết được anh Linh về sau “đánh giá cao, nhưng thực ra vì lý do rất tầm thường: tôi nào có phải “vượt qua chính bản thân” hay ngượng ngùng gì. Chẳng qua hồi đó, không mấy hiểu biết về tâm lý cộng đồng, tôi cho rằng được đi bán số báo đầu là một vinh dự chẳng kém gì được phát biểu ở trường trong lễ nhận bằng tốt nghiệp, được ăn bát phở nóng ngoài trời sướng như nhận bằng khen học sinh giỏi.

Lúc đó, đương nhiên tôi cũng chưa hề hình dung báo NCTG sẽ gắn bó với mình suối 20 năm tiếp theo! 

Tôi nhớ, thói quan đọc báo của tôi hình thành thời đi trực bệnh viện, buổi tối những lúc rỗi rãi các cô y tá trẻ chắc thấy tôi mặt non choẹt nên hay rủ “BS. Lan ơi, vào đây đọc sách chuyên môn nào!”. Rồi các cô ấy dúi cho toàn những tờ báo xanh đỏ đầy chuyện tình của các sao, scandal của các mẫu, chuyện vớ chuyện vẩn kiểu xe cán chó, gà hóc xương… chẳng hiểu biết được cái gì nhưng đọc nó thoáng cái đầu, đỡ buồn ngủ.
 
Những số bảo thuở ban đầu - Ảnh tư liệu
Những số bảo thuở ban đầu - Ảnh tư liệu

Rồi tiến tới, tôi mang báo NCTG đi trực, thỉnh thoảng lại giở ra xem, có mục đọc rồi thì đọc lại hoặc bài số cũ giờ “bấn quá” đành giở ra xem. Đầu tiên, cầm tờ báo, tôi chỉ xem tranh ảnh, đọc các “chữ to”, lật trang cuối xem mục ô chữ hay chuyện tiếu lâm, mấy trang thơ tình hay truyện ngắn tôi đều cho rằng “sến quá”, chỉ đọc lướt qua, còn các mục thời sự, lịch sử Hungary hay chính trị thế giới thì phải nói là tránh xa! Nhưng rồi, với thời gian, cảm giác cô đơn của tôi giảm đi rất nhiều, tôi cảm thấy mình hoà nhập với cộng đồng, thông cảm được với nhiều số phận xung quanh, nhận thấy mình có nhiều đồng cảm vì hóa ra bà con sống xa nhà cũng có những cảm xúc và suy nghĩ giống mình, cảm thấy học hỏi được thêm nhiều kiến thức mà trước đây chẳng hề được nghe nói tới trên trường lớp nào. 

Tôi nhớ như in những bài báo đầu tay gửi cho báo NCTG như bài viết về ca mổ cắt Amiđan cho hai em bé Việt và Hung được ra đời trên cái máy tính to đùng, cũ rích, màn hình nhòa nhoẹt của phòng trực. Tôi hồn nhiên bấm nút gửi cho anh Linh mà không hề nghĩ tới, anh phải mất bao nhiêu công đánh máy, chỉnh sửa, biên tập... để có thể đưa lên mặt báo. Những năm đầu tiên, những tưởng tờ báo chỉ như một thú vui giải trí, một sân chơi nho nhỏ cho một bộ phận nhỏ người Việt tại Hungary mà thôi, nhưng không ngờ anh Linh đã chèo lái giỏi để tới bây giờ, báo trở thành món ăn tinh thần bổ ích cho nhiều kiều bào hải ngoại, và cả bà con trong nước.

Nhớ lại giai đoạn căng thẳng nhất của tờ báo là lúc chuyển đổi từ báo giấy sang báo điện tử. Những đóng góp ít ỏi về tài chính thu được thông qua việc phát hành báo đến lúc không đủ chi phí in ấn tối thiểu, thói quen đọc báo điện tử khi đó chưa thành thiết yếu, tưởng chừng số phận của NCTG sẽ “an bài” tại đây. Nhưng rồi dù mọi thứ có biến đổi thế nào đi chăng nữa, nhu cầu tìm hiểu và nắm bắt thông tin vẫn luôn tồn tại như một bản năng của con người. Số lượng người đọc có thể thay đổi, nội dung của báo cũng biến chuyển rất nhiều theo nhu cầu của bạn đọc. Nhất là thời gian vừa qua, khi đại dịch Covid-19 hoành hành cả thế giới, những thông tin nhanh, chính xác, bố ích và xác tín của NCTG hàng ngày là một trợ giúp không nhỏ cho cộng đồng Việt Nam sinh sống tại Hungary và gia đình họ ở trong nước, góp phần để tất cả có sự cân nhắc, quyết định đúng đắn thời dịch bệnh.

Có thể do hoàn cảnh sống, số phận đưa đẩy, con người ta làm được cả những việc mà mình không thích. Nhưng để duy trì một tờ báo như NCTG ròng rã 20 năm qua, chắc chắn phải có sự đam mê, kiên trì và lòng nhẫn nại của các CTV, những người tham gia báo, mà dù có lúc nhiều và phong phú đến mấy đi nữa thì phần việc chính - điều hành, tổ chức, viết và biên tập bài vở - vẫn thuộc về TBT Nguyễn Hoàng Linh.

Hôm nay, nhân đọc bài viết của anh Linh về bài hát nổi tiếng về một “Ngôi nhà trắng” (Fehér házikó) như mái nhà cất giữ rất nhiều kỷ niệm. Năm tháng qua đi, con người thay đổi, nhưng mỗi khi về lại ngôi nhà xưa, những ký ức cũ sẽ được đánh thức lại. Lật giở từng trang báo giấy cũ, nhiều lúc thầm mỉm cười với các bài tường thuật dí dỏm về giải đá bóng của bà con ngoài chợ thời xưa, hình dung có thời đã từng háo hức đón chờ những câu chuyện dài “số sau đăng tiếp” như xem phim bộ Hàn Quốc, nhận ra những bài thơ Hungary nổi tiếng được dịch ra tiếng Việt mà cả chục năm sau thấy con mình đọc bằng câu chữ nguyên văn, nhớ lại những buổi giao lưu văn hóa, lịch sử, âm nhạc, điện ảnh... với nhiều khách mời đáng quý. Thỉnh thoảng, giật thót mình khi bỗng gặp lại những bài cho chính tay mình viết và buồn nhất lúc nhận ra nhiều gương mặt trên báo giờ đã về cõi vĩnh hằng.

Hai mươi năm qua, báo NCTG đã ghi giữ lại bao sự kiện, tâm tư vui buồn cũng như những biến đổi, phát triển của cộng đồng người Việt tại Hungary, giữ sự kết nối với quê hương và mở mang tầm nhìn ra thế giới. Chúc báo NCTG mãi là “Ngôi nhà trắng” của những ai đã, đang và sẽ yêu quý tờ báo này!

(*) Tác giả là thân hữu của NCTG, tham gia với tờ báo từ những ngày đầu.

Tác giả bài viết: BS. Đặng Phương Lan, từ Budapest - Ngày 7/12/2021