Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VỀ THỦ TỤC ĐĂNG KÝ GIỮ QUỐC TỊCH VIỆT NAM

(NCTG) “Đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà nước có thể thực hiện các biện pháp bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mình được tốt hơn, vì những người này không còn hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng”.

Minh họa: Internet

Thời gian vừa qua, nhiều bản tin trên các báo Việt Nam liên quan tới thủ tục đăng ký giữ quốc tịch đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã thu hút sự chú ý của không ít bà con xa xứ, trong đó có bà con Việt sinh sống tại Hungary.

Các bài báo trong nước cho rằng, theo Luật Quốc tịch năm 2008 và các văn bản hướng dẫn, hàng triệu người Việt định cư tại nước ngoài sẽ mất quốc tịch Việt Nam nếu cho đến thời hạn 1-7, bà con không làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch.

Báo chí cũng cho biết, thống kê cho thấy chỉ có chừng sáu ngàn kiều bào trên tổng số khoảng 4,5 triệu người Việt ở nước ngoài thực hiện thủ tục này, kể từ năm 2009 cho tới nay. Trên các diễn đàn, mạng xã hội trên mạng Internet, đã diễn ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi liên quan tới đề tài này.

Để giúp bà con trong cộng đồng có thêm một số thông tin xác tín, NCTG đã có cuộc trao đổi với anh Ngô Đàm Linh, phụ trách Phòng Lãnh sự, thành viên Ban Công tác Cộng đồng ĐSQ Việt Nam tại Hungary.



Anh Ngô Đàm Linh (bên phải ngoài cùng, hàng đầu) trong một sinh hoạt cộng đồng - Ảnh: Trần Minh Tâm

- Thưa anh, xin anh cho biết một vài thông tin về Luật Quốc tịch năm 2008. Việc đăng ký giữ quốc tịch chiểu theo đạo luật này có ý nghĩa như thế nào đối với bà con Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài?

Luật Quốc tịch năm 2008 (viết tắt là LQT), được Chủ tịch Quốc hội phê duyệt ngày 13-11-2008 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7-2009, trong đó có 6 chương, 44 điều quy định về các vấn đề liên quan đến quốc tịch và quan hệ giữa nhà nước với công dân.

Trong phạm vi cuộc phỏng vấn này, tôi chỉ xin trao đổi riêng về vấn đề đăng ký giữ quốc tịch đối với người Việt Nam ở nước ngoài, được quy định tại khoản 2, điều 13 của LQT. Đây là vấn đề đang được đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng ta tại Hungary rất quan tâm.

Mục đích của việc quy định đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, theo quy định của LQT hiện hành, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà nước có thể thực hiện các biện pháp bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mình được tốt hơn (vì những người này không còn hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng).
 
- Những đối tượng nào là người cần đăng ký giữ quốc tịch? Đối với những công dân Việt Nam sinh sống tại Hung, có hai quốc tịch hoặc có vợ hay chồng là người quốc tịch Hung, nhưng họ vẫn mang hộ chiếu Việt Nam hợp lệ, chưa hết hạn, thì họ có cần đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam không thưa anh?

Đối tượng đăng ký giữ quốc tịch là những người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không còn hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng và có nguyện vọng giữ quốc tịch Việt Nam. Trong trường hợp đó, bà con phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam tại các cơ quan đại diện của Việt Nam tại địa bàn.

Đối với những trường hợp vẫn còn hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng thì không cần đăng ký giữ quốc tịch.
 
- Trẻ em sinh ra tại Hung, có giấy khai sinh do ĐSQ Việt Nam tại Hungary cấp, thì có cần đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam không thưa anh?
 
Đối với những trường hợp này, nếu chưa được cấp hộ chiếu thì nên đăng ký giữ quốc tịch.
 
- Sau ngày 1-7-2014, nếu những đối tượng cần đăng ký quốc tịch Việt Nam mà không đăng ký, họ sẽ bị mất quốc tịch, và không thể nhập lại quốc tịch Việt Nam nếu muốn?

Để tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch, Thủ tướng chính phủ mới đây đã ra quyết định kéo dài thời gian đăng ký giữ quốc tịch thêm năm năm nữa, cho đến ngày 1-7-2019.

Trả lời câu hỏi trên, theo tôi được biết, LQT hiện hành quy định công dân chỉ bị mất quốc tịch Việt Nam khi họ xin thôi quốc tịch hoặc bị tước quốc tịch theo quy định của pháp luật.

- Đối với những đối tượng cần đăng ký, xin anh cho biết thủ tục đăng ký và lệ phí (nếu có) để giữ quốc tịch Việt Nam.

Thủ tục đăng ký giữ quốc tịch gồm có:

- 1 tờ khai theo mẫu số TP/QT-2010-TKDKGQT, có thể lấy tại Cơ quan đại diện hoặc lấy trên trang web của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp Việt Nam, kèm theo 1 ảnh cỡ 4x6 mới chụp trong vòng sáu tháng.

- Bản sao Giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam gồm một trong các giấy tờ như hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh... của cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp.

Trong trường hợp đương sự không có giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam thì có thể nộp tờ khai  sơ yếu lý lịch và các giấy tờ khác, kể cả do cơ quan thẩm quyền nước ngoài cấp trong đó có ghi đương sự có quốc tịch Việt Nam để phục vụ việc xác minh quốc tịch.

Việc đăng ký giữ quốc tịch, theo quy định hiện hành, không mất lệ phí

- Hiện tại ĐSQ VN tại Hungary có lịch làm việc vào các sáng thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần. Theo đề xuất của nhiều bà con, Bộ phận Lãnh sự có thể để riêng một buổi hàng tuần (có thể vào giờ khác) để nhận hồ sơ đăng ký giữ quốc tịch của bà con kiều bào tại Hungary không, thưa anh?

Trong thời gian qua, chúng tôi thấy lượng khách đến làm việc tại Phòng Lãnh sự ĐSQ trong giờ tiếp khách không nhiều. Giờ mở cửa tiếp khách của Phòng Lãnh sự cũng khá sớm nhằm tạo thuận lợi cho bà con có thể đến làm thủ tục trước khi đi làm. Hơn nữa, việc đăng ký giữ quốc tịch thủ tục khá đơn giản, không bắt buộc đương sự phải đến làm thủ tục trực tiếp, mà có thể ủy quyền cho người khác làm thay.

Tuy nhiên, thời gian tới, nếu nhu cầu giải quyết công việc lãnh sự hoặc đăng ký giữ quốc tịch của bà con tăng, chúng tôi sẵn sàng sẽ bố trí thêm ngày tiếp khách để đáp ứng yêu cầu trên.

- PV: Chân thành cám ơn anh Ngô Đàm Linh!

Nhân dịp này, tôi xin gửi lời chúc bà con cộng đồng người Việt Nam tại Hungary sức khỏe, hạnh phúc và thành công hơn nữa trong công tác của mình. Xin trân trọng cảm ơn BBT báo NCTG.

Tác giả bài viết: Khánh Dung thực hiện