Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VỀ MỘT KHÔNG GIAN VĂN HÓA VIỆT NAM TẠI HUNGARY

(NCTG) Bạn đọc NCTG hẳn đã nhận thấy: liền trong 3 số báo vừa qua, tờ báo đã có được những trang tranh của các cháu thiếu nhi ở độ tuổi từ 3,5 đến 14 tuổi (*). Tuy nhiên, có lẽ không nhiều người biết rằng với 3 số báo đó (và 2 lớp học vẽ bắt đầu từ mùa Hè vừa qua), một phần ước mơ của họa sĩ Lê Thương đã trở thành hiện thực: tập trung các cháu ít nhiều có năng khiếu về hội họa, dạy dỗ các cháu và làm một triển lãm tranh nho nhỏ cho các cháu (và các bậc phụ huynh).

Giờ học vẽ của các cháu thiếu nhi, dưới sự chỉ dẫn của họa sĩ Lê Thương

Như chúng ta đều nhận thấy, đời sống của cộng đồng Việt Nam tại Hungary đã chuyển sang một giai đoạn mới, khi các nhu cầu về văn hóa, tinh thần được nâng cao, với sự ra đời của một số hội đoàn trong thời gian gần đây như Hội Sinh viên Việt Nam tại Hungary, CLB Người cao tuổi, CLB những người yêu cầu lông... và sắp tới, là CLB Tennis Việt Nam tại Budapest và CLB Cựu chiến binh... Hiện tại, đã có tới 4 tờ báo Việt ngữ ra định kỳ và 1 tờ hàng năm ra vài ba số. Các hoạt động văn hóa, thể thao cũng diễn ra liên tiếp, và được bạn bè gần xa tán thưởng. Những điều này cho thấy, cho dù không đông, nhưng cộng đồng Việt Nam tại Hung đã có bước trưởng thành và lớn mạnh về CHẤT.

Kỳ Trung Thu 2003 được tổ chức rất thành công mới đây cho thấy một mảng rất quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng tại Hungary: mảng dành cho các em thiếu nhi. Có đến dự đêm Trung Thu, mới thấy không khí náo nhiệt và tưng bừng khi vài trăm em nhỏ có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện và vui chơi với nhau. Những bức tranh của các em, được bày trong đêm Trung Thu, ít nhiều cho thấy khả năng sáng tạo, cho dù mới ở mức khởi đầu, của thiếu nhi Việt Nam. Và việc các cháu bé tham gia chương trình văn nghệ, mặc dù Tết Trung Thu đã qua, vẫn gạn hỏi cha mẹ "khi nào đi tập tiếp?", cho thấy nhu cầu có một NƠI CHỐN để các cháu tụ tập, làm quen với nhau, trau dồi tiếng mẹ đẻ và trong chừng mực có thể, học hỏi các môn học mà các cháu có chút năng khiếu, như nhạc, họa, thể dục, cờ vua... Cho dù về sau này, các cháu có làm nghề gì đi nữa, thì vốn văn hóa cơ bản mà các cháu tiếp thu được tại một MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA như thế, sẽ đi theo các cháu trong suốt cuộc đời. Và, một NƠI CHỐN như thế cũng sẽ là chỗ lý tưởng để cha mẹ các cháu, sau những giờ khắc kiếm sống vất vả, có dịp bồi bỏ những giá trị tinh thần mà nhiều khi, trong dòng đời xuôi ngược, chúng ta đã tạm quên, tạm bỏ qua...

Triển lãm của họa sĩ Lê Thương tại BM. DUNA PALOTA (1051 Budapest, Zrínyi utca 5), từ 16-10 đến 25-10-2003

Ý tưởng về một NHà VĂN HÓA Việt Nam tại Hungary đã được nhiều người đưa ra từ lâu, nhưng trước kia, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, nó tỏ ra chưa có cơ sở. Tuy nhiên, ở điều kiện hiện tại, khi Hungary sắp gia nhập Liên hiệp châu Âu và các sắc tộc ngoại quốc ở Hung đều cố gắng để có tiếng nói và góp phần với dân bản xứ, thì một KHÔNG GIAN VĂN HÓA như thế càng trở nên cần thiết và cấp thời. Chưa cần nghĩ tới một trung tâm cao đẹp, sang trọng và đầy đủ tiện nghi; hiện tại, chúng ta có thể bằng lòng với một hội trường, một thư viện, một căn phòng rộng rãi để các em thiếu nhi có thể học tập, sinh hoạt văn hóa cuối tuần... Xét đến tiềm năng của cộng đồng Việt Nam tại Hung, với nhiều doanh nghiệp thành đạt được nước sở tại thừa nhận, thì điều này không thực khó.

Miễn là chúng ta có muốn hay không, và có đồng lòng gây dựng cho tương lai con em chúng ta hay không? Câu hỏi đó, xin để toàn thể cộng đồng ta suy ngẫm!

(*) Nhân đây, NCTG xin chân thành cám ơn chị Phan Bích Thiện đã trợ giúp tài chính để chúng tôi có thể in màu những bức tranh đó.

Tác giả bài viết: NCTG