Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VỀ CUỘC THI GIỌNG HÁT VÀNG KARAOKE 2002

(NCTG) Karaoke... Một từ không thật rõ nguồn gốc (báo chí Việt Nam từng có những kiến giải khác nhau về nguồn gốc của từ này), nhưng từ hơn một thập niên nay, đã trở thành một hình thức giải trí rất phổ biến của nhiều giai tầng trong xã hội Á Đông. Gần đây, nó còn dần dần chinh phục giới trẻ ở một số nước châu Âu, trong đó có Hungary.

Tại sao karaoke được ưa chuộng đến mức như thế tại Việt Nam và nhiều nước châu Á, câu hỏi này xin dành cho các nhà nghiên cứu xã hội học. Chỉ biết rằng, trong cộng đồng Việt Nam tại Hungary, thì bên cạnh sách báo Việt ngữ và VTV4, "loại hình" văn hóa này đã là một "thú" tiêu khiển thời gian chính của thanh niên, và của cả không ít người ở độ tuổi trung niên, thậm chí... cao niên. Không phải ngẫu nhiên mà từ nhiều năm nay, những quán karaoke Việt Nam luôn là nơi tập trung của nhiều người sau buổi chợ tàn, và nhiều cuộc thi hát karaoke cũng đã được tổ chức với sự tham gia và hưởng ứng của đông đảo bạn trẻ.

Cuộc thi Giọng hát vàng karaoke 2002, được Saigon Karaoke cùng Câu lạc bộ Trẻ tổ chức vào đúng đêm Giao thừa 31-12-2002 tại Câu lạc bộ Bermuda, là một dịp như thế.

Lần đầu tiên được là khách mời của một cuộc thi hát karaoke, chúng tôi đã đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Không ngạc nhiên sao được, khi một số anh chị em hàng ngày chúng tôi vẫn gặp ngoài chợ, trong cuộc mưu sinh bươn chải, hóa ra lại là những giọng ca không tồi, hát "hết mình" và hăng say không kém gì những... ca sĩ không chuyên. (Trong số hơn hai chục thí sinh dự thi, hầu như không ai hát hỏng, hát sai nhạc..., cũng là một "điểm son" của đêm thi). Không ngạc nhiên sao được, khi số người muốn đăng ký dự thi ngày càng tăng, đến nỗi BTC phải ấn định con số các thí sinh, khiến những ai "chậm chân" phải thòm thèm tiếc rẻ, làm chúng tôi có cảm tưởng rằng nếu như gọi Việt Nam là một "xứ sở thơ" (như nhiều người thường ca ngợi), thì có lẽ cũng phải coi mảnh đất hình chữ S của chúng ta là một "xứ sở... hát" nữa. J Và, không ngạc nhiên sao khi mỗi một thí sinh đi dự thi, còn kèm theo cả một "dàn" cổ động viên đông đảo và... hò hét cổ vũ rất nhiệt tình. (Không phải ngẫu nhiên mà ban giám khảo, khi chấm điểm, đã theo một số tiêu chí như kỹ thuật karaoke, cách thể hiện, phong cách..., nhưng "điểm cổ vũ" chỉ được để tâm với hệ số chỉ bằng phân nữa).

Một vài nhận xét khi chứng kiến cuộc thi. Đa số các bài được chọn đều là loại nhạc Pop "tân thời" của Việt Nam, hoặc nhạc Hoa..., chứng tỏ giới trẻ hiện nay thiên về thể loại nhạc "thời trang", dễ nghe, dễ "ngấm", nhưng ít có khả năng trụ lại với thời gian. Điều này không phải ngẫu nhiên: trong khi thị trường phim ảnh, băng đĩa trong và ngoài nước tràn ngập những "văn hóa phẩm" thời thượng của Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Công... thì việc thanh niên chuộng loại hình văn hóa đại chúng đó, không phải là điều khó hiểu. Ngoài ra, dễ thấy là các thí sinh đều đã chọn những bài "tủ" của mình; do đó, phần trình bày thường không gặp vấn đề gì lớn (nhất là khi giọng hát đã được trợ giúp bởi những kỹ thuật âm thanh hiện đại), nhưng phong cách biểu diễn nói chung chưa được để ý và do đó, cuộc thi hoàn toàn dừng lại ở mức độ "thi hát karaoke", chứ thông qua nó, chúng ta chưa thể nói đến những hứa hẹn, những triển vọng của tương lai.

Dù sao đi nữa, Giọng hát vàng karaoke 2002 đã là một cơ hội để cộng đồng Việt Nam có dịp vui chơi, giải trí sau những ngày chợ búa vất vả. Chừng 150 người có mặt tại Câu lạc bộ Bermuda ngay trong đêm Giao thừa đã chứng tỏ điều đó. Cũng phải có lời cám ơn đến sự hảo tâm và tấm lòng vì cộng đồng của chị Hồng (chủ nhân Saigon Karaoke), người đã chịu toàn bộ chi phí của đêm thi và quá trình tổ chức, cũng như nhóm các bạn thuộc Câu lạc bộ Trẻ, một lần nữa, đã lại tỏ ra năng động và tháo vát trong công việc điều hành một đêm vui chơi cho bà con Việt Nam. Không thể không nhắc đến sự nhiệt tình từ phía Ban quản lý người Hoa của Câu lạc bộ Bermuda: chẳng những cho cộng đồng Việt sử dụng miễn phí hội trường, họ còn góp vui bằng nhiều tiết mục hát, khiêu vũ..., khiến đêm thi càng trở nên màu sắc.

Kéo dài chừng 3 tiếng rưỡi và kết thúc vào hồi 23 giờ rưỡi đêm để nhường chỗ cho một chương trình Disco sống động, đêm thi 31-12-2002 đã khá thành công và việc nhiều người còn tỏ ra tiếc rẻ vì đăng ký chậm, không kịp dự thi, cho thấy nhu cầu của đông đảo bà con Việt Nam đối với loại hình văn hóa đại chúng này...

(*) Hai giải thưởng chính của cuộc thi (một đầu máy DVD và một micro mác hiệu Mỹ) đã được trao cho các bạn Nguyễn Vũ Hà và bạn Mai Công Trưa (chợ Bốn Con Hổ). Năm thí sinh khác cũng đã được nhận giải khuyến khích từ Ban tổ chức cuộc thi.

Tác giả bài viết: PV