Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VÀI SUY NGHĨ VỀ SỨC MẠNH CỦA MỘT CỘNG ĐỒNG

(NCTG) Hơn hai chục năm trước đây, khi đoàn du học sinh (DHS) chúng tôi chân ướt chân ráo sang đến Hungary, chưa hề có cộng đồng Việt mình tại đây!

1.
Người Việt ở Hung khi ấy, đa phần là DHS, nghiên cứu sinh hay thực tập sinh, có lẽ tổng cộng không quá bảy, tám trăm. Thi thoảng, có vài ba đoàn lao động, chủ yếu làm việc tại các nhà máy dệt, may... và đa phần là chị em phụ nữ. Có một hai DHS tốt nghiệp, không về nước "nhận nhiệm vụ mới" mà lại "trót" ở lại lấy vợ Hung, thường bị nhìn với con mắt phê phán lắm.

Những năm ấy, đối với DHS chúng tôi, Budapest nhiều khi chỉ là mấy con phố và khu vực liên quan đến trường sở nằm ở Quận XI. Dĩ nhiên là trong mấy năm học tiếng Hung, rồi lên đại học, chúng tôi có được đi thăm vài tỉnh thành của Hung, cũng như một số danh thắng ở thủ đô Budapest, nhưng tầm "bao quát" khi đó còn hạn hẹp lắm: mấy năm đầu, trong dịp gặp gỡ duy nhất của mấy trăm đồng hương tại Hungary - dịp Tết Nguyên đán -, thường được tổ chức tại Nhà Văn hóa Pataky, bọn sinh viên chúng tôi chuẩn bị cho cuộc "du hành" đến "địa điểm tập kết" hệt như là đi picnic, dã ngoại tại một vùng quê xa xôi nào đó. Còn ký túc của chị em mấy nhà máy dệt, may... ở vùng Kőbánya (gần Trung Tâm Thăng Long hiện nay), “điểm hẹn” của rất nhiều anh em hồi ấy, thì quả là một nơi hẻo lánh: muốn đến đấy, phải qua bao nhiêu mảnh đất hoang...

Cộng đồng Việt Nam tại Hungary, theo đúng nghĩa của từ này, thực sự chỉ ra đời và hình thành vào đầu thập niên 90 thế kỷ trước, khi nước bạn thay đổi thể chế chính trị và người Việt có cơ hội (tuy rất khó khăn và hạn chế) sang Hung du lịch, thăm thân, đoàn tụ gia đình, kinh doanh, hoặc ở lại làm ăn sinh sống. Từ bấy đến giờ, với "sĩ số" tăng và thành phần "phong phú" thêm gấp bội, với cách thức làm ăn đặc thù đối với dân Việt tại Đông Âu - kinh doanh tập trung, đa phần trên các địa bàn chợ búa -, đã hình thành một xã hội Việt thu nhỏ trên đất Hung, với tất cả tính chất đặc thù và các mặt ưu, nhược của nó. Và, từ sự xuất hiện của Hội người Việt Nam tại Hungary (năm 1995) đến giờ, chúng ta đã có thêm rất nhiều hội đoàn, tổ chức khác, làm giàu thêm các sinh hoạt văn hóa, tinh thần và thể thao trên nước bạn.

2.
Gần hai mươi năm trôi qua, có nhớ lại những ngày xưa tháng cũ, mới thấy được sự lớn mạnh, bước tiến đáng kể của cộng đồng Việt tại Hung!

Nếu ngày nào, mấy nhà văn hóa nhỏ như Pataky, Fehérvári - thậm chí... CLB Bermuda! - với sức chứa vài trăm người, là đủ cho nhu cầu của người Việt tại Hung trong các dịp văn nghệ, tết nhất, kỷ niệm này nọ..., thì ngày nay, chúng ta đã phải mượn những trung tâm văn hóa lớn, bề thế của nước bạn (như Cung Đại hội, Hội trường lớn Đại học Tổng hợp Budapest, Cung Petőfi...) cho những mục tiêu ấy.

Nếu dạo trước, khái niệm "văn nghệ" đối với người Việt ở Hung mới đơn thuần là những tiết mục "cây nhà lá vườn" (tất nhiên là rất đáng quý), thì về sau, chúng ta đã mời được rất nhiều ca sĩ nổi tiếng từ trong nước, trên phương diện đoàn thể và gần đây, cá nhân.

Hội thao thường niên, một hoạt động truyền thống của Hội người Việt Nam tại Hungary

Nếu hồi xưa, hoạt động thể thao thường niên của dân Việt tại Hung mới bó gọn trong khuôn khổ giải bóng đá sân nhỏ (7 người) của mấy đội sinh viên, thì những năm gần đây, cả cộng đồng đã có những ngày hội thể thao quy mô với nhiều môn, mà đỉnh cao, dĩ nhiên, vẫn là túc cầu sân cỏ, có lúc thu hút tới 8 đội bóng của mọi khu vực kinh doanh, sinh sống và học tập.

Không chỉ có vậy, người Việt ở Hung, tuy ít, nhưng cũng có nhiều hoạt động từ thiện, đùm bọc đồng bào trong và ngoài nước rất cảm động, mà đỉnh cao là các đêm nhạc từ thiện ủng hộ nạn nhân sóng thần Nam Á, hoặc chia sẻ với gia đình các bác sĩ, y tá qua đời vì bệnh dịch SARS... Đó là những nỗ lực mà nhiều cộng đồng Việt trong vùng Đông Âu, lớn và mạnh hơn chúng ta nhiều lần, cũng từng tỏ ý khâm phục.

Đạt được những thành công đáng quý ấy, cố nhiên cần sự cố gắng của đông đảo bà con trong cộng đồng, trong đó, vai trò của các nhà hảo tâm là vô cùng quan trọng. Nhưng ở đây, không thể thiếu vai trò của các tổ chức nòng cốt, như Hội người Việt (từ năm 1995), Hội Doanh nghiệp, Ban Liên lạc Cựu chiến binh, Hội Sinh viên, Hội Phụ nữ, CLB Tennis (từ năm 2002)..., mà thực chất là nỗ lực không mệt mỏi của một số cá nhân "đầu tàu", hết mình với phong trào cộng đồng. Thiếu họ, có lẽ mọi hoạt động mà lâu nay, chúng ta đã quen và cho là rất bình thường của cộng đồng - như thăm hỏi bà con nhân các dịp hiếu hỉ, tổ chức các phong trào thể thao, văn hóa, từ thiện, hay lễ hội, kỷ niệm hàng năm, hoặc mang tính "chuyên môn" hơn, như vận động đấu tranh bảo vệ quyền lợi của các hộ kinh doanh, chống tăng giá... - sẽ bị đình trệ.

Những nỗ lực ấy nhiều khi rất vô hình, khiến chúng ta, lắm lúc, đã lãng quên vai trò và tầm quan trọng của các tổ chức và cá nhân; cho dù, hàng ngày chúng ta vẫn đối diện với biết bao kết quả do họ làm ra...

3.
Hiện tại, có lẽ chưa bao giờ cộng đồng Việt ở Hung lại có nhiều tổ chức - ít nhiều mang tính bảo vệ quyền lợi, và đại diện - đến thế. Nhưng, một câu hỏi được đặt ra: với ngần ấy hội đoàn, sức mạnh của cộng đồng Việt tại Hung đã được tập trung ở mức tối đa hay chưa? Nhu cầu và những mong muốn của bà con đã được thực hiện và đáp ứng đầy đủ hay chưa?

Lời đáp ở đây, mâu thuẫn thay, là CHƯA!

Xét về sự đoàn kết và tính tổ chức, cộng đồng Việt vẫn còn yếu, và chắc chắn là thua kém nhiều cộng đồng sắc tộc thiểu số khác tại Hung.

Tổ chức Ngày Văn hóa Việt Nam, một sinh hoạt đối ngoại thành công của chi hội người Việt tại Szeged

Về ngoại giao, chúng ta chưa làm được gì mấy, để nước sở tại quan tâm đến nền văn hóa của chúng ta, đến những cố gắng hội nhập của một cộng đồng được coi là có tỉ lệ trí thức và những người thạo tiếng Hung cao ở mức đáng nể. Chúng ta cũng chưa thắt chặt được quan hệ cần thiết với cộng đồng các sắc tộc thiểu số khác, mà nhiều khi, có thể thực hiện một cách không mấy khó khăn, như qua một trận thi đấu giao hữu bóng đá, một buổi giao lưu văn hóa chung...

Về những sinh hoạt nội bộ, cho dù có tổ chức được nhiều hoạt động đáng quý, nhưng rất nhiều nhu cầu khác của bà con, như để con em chúng ta (thế hệ thứ hai tại Hungary) có dịp học hỏi và tiếp xúc với văn hóa Việt, được vui chơi giải trí đầm ấm trong các dịp nghỉ hè, nghỉ đông; hoặc giả, để những ai không ít sinh ngữ có thể nắm bắt các thông tin hữu ích về luật pháp, văn hóa và tin tức nước sở tại, bảo vệ quyền lợi của họ trong bối cảnh Cộng hòa Hungary đã là thành viên của Liên hiệp Châu Âu, v.v... - vẫn chưa được đáp ứng.

Lý do và những khó khăn thì có nhiều, và có lẽ ai cũng biết. Đa phần các hội đoàn và ban lãnh đạo đều làm trên cơ sở "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng", kinh phí dựa trên sự hảo tâm của một nhóm cá nhân, nên không tránh khỏi nhiều hạn chế. Những anh em tích cực, nhưng vì lý do mưu sinh và gia đình phải dần dần thôi "vác ngà voi", chưa được sự tiếp nối của lớp người đến sau. Và cái chính là tâm lý thụ động, ưa "tọa sơn quan hổ đấu" đã ăn sâu vào tâm thức người Việt: sẵn sàng hưởng cái người khác làm, thậm chí, dễ dàng "nổi hứng bất tử" để chê bai, dè bỉu những ai dám nghĩ dám làm, trong khi bản thân mình thì không muốn động tay làm bất cứ việc gì, coi đó như "việc thiên hạ".

Chừng nào, chúng ta chưa coi bất cứ việc chung nào của cộng đồng cũng một phần là việc của mình, thì sức mạnh cộng đồng không thể được quy tụ, và nhân lên! Chừng nào, chúng ta chưa đoàn kết và sẵn lòng gánh vác một phần công việc, trên tinh thần tùy theo sức và khả năng của mình, thì chừng ấy, tất cả mọi hội đoàn cùng lắm chỉ giữ được sinh hoạt ở mức cầm chừng, mà không thể phát triển.

4.
Hội người Việt Nam tại Hungary, tổ chức xã hội ra đời sớm nhất từ 12 năm nay, và đã có vai trò lớn lao trong sự phát triển cộng đồng, đang chuẩn bị cho kỳ Đại hội nhiệm kỳ VI của mình (tháng 6-2007 - tháng 6-2010).

Thời gian gần đây, hoạt động của Hội có phần trầm đi, bên cạnh sự "nở rộ" của các tổ chức khác. Điều đó, thiết nghĩ cũng hợp lý và cũng không có gì đáng buồn. "Trăm hoa đua nở", mỗi hội đoàn Việt tại Hung đều có thế mạnh riêng, sắc thái riêng và nếu những bản sắc và khả năng đó đều được thể hiện trong những hoạt động chung của cộng đồng, thì đây là điều đáng mừng.

Tuy nhiên, Hội người Việt vẫn còn một cội rễ rất nên duy trì và khai thác: ấy là tính chất "phổ quát" của một đoàn thể xã hội, có khả năng đoàn kết mọi cá nhân trong cộng đồng và có sức vươn tỏa đến từng cơ sở, địa bàn có người Việt sinh sống trên đất Hung. Với kinh nghiệm và "thâm niên" đáng nể, tất nhiên, Hội cần một cơ cấu, một hình thái tổ chức mới để có thể thực hiện hữu hiệu những mong muốn được ban lãnh đạo đề ra: tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, giữa rất nhiều hội đoàn khác, Hội người Việt vẫn có cơ sở để tồn tại và giúp ích cho bà con Việt Nam tại Hungary.

Để làm được điều ấy, Hội cần những thành viên biết nói và sẵn sàng làm. Hội cần sự đoàn kết, tham gia và ủng hộ của đông đảo bà con, những người, trước nay, ít nhiều cũng đã thấy được thành quả của nhiều nỗ lực mà Hội đã làm trong hơn một thập niên qua. Và cuối cùng, Hội cần một cơ cấu chuyên nghiệp trong hoạt động và tổ chức.

Vẫn biết rằng, nói dễ, làm khó! Nhưng trong cảnh xa quê, cuộc sống mới gặp vô vàn khó khăn (và cả những thuận lợi), mỗi con người chúng ta có thể, có nên làm gì khác, ngoài việc đùm bọc, đoàn kết và ủng hộ nhau trong công việc chung? Đó là mong ước của một số anh em trong Hội người Việt, muốn gửi đến cộng đồng trong dịp Hội chuẩn bị cho kỳ Đại hội vào thượng tuần tháng Sáu tới, mà người viết những dòng này cũng rất muốn chia sẻ với mọi độc giả tại Hung...

Chúc Đại hội có được những quyết định khả quan, vì sức mạnh và sự đi lên của một cộng đồng!

Tác giả bài viết: Trần Lê