Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VÀI SUY NGHĨ NHÂN SINH NHẬT MỘT TỜ BÁO

(NCTG) Hôm qua, Hoàng Yến Anh cho tôi biết “Tạp chí Hương Việt” mà cô giữ cương vị Thư ký Tòa soạn kỷ niệm sinh nhật lần thứ hai vào hôm nay. Khi ấy, tôi hứng chí, hứa bừa phứa rằng sẽ viết một bài “hùa” với báo, nhưng rồi, nghĩ mãi, chả biết viết gì.

Báo chí Việt ở Đức thực ra không xa lạ với tôi: trước khi ra báo tại Hungary, tôi cũng có hơn 7-8 năm cộng tác khá đều đặn với đại đa số các tờ báo bên ấy với những bài viết hổ lốn đủ đề tài mà bây giờ nghĩ lại thấy chả có gì hay ho, nhưng vẫn bồi hồi, vì ai làm báo cũng có “một thời để yêu - một thời để nhớ” ban đầu như thế.

Cho dù xuất phát điểm của những tờ báo Việt ngữ ở Đức vào đầu thập niên 90 thế kỷ trước có những đặc thù và mục đích không hoàn toàn giống như hiện tại, thì những tờ báo ấy - với “ngoại hình” nhiều khi còn hết sức thô kệch, xộc xệch, và đa phần những cây bút tham gia đều không chuyên - vẫn phản ánh một nhu cầu là người Việt xa xứ cần đọc những nguồn địa phương - ngay cả khi, với thời gian, hiện tại báo chí từ Việt Nam (cả báo mạng lẫn báo giấy) đều trong tầm tay với của độc giả bên này.

Tôi vẫn nhớ như in những ngày tháng ấy, khi Internet còn là một khái niệm... trên trời, và đại đa số anh em làm báo đều hài lòng nếu bản thảo được gửi đến tòa soạn (gọi cho oai, kỳ thực là một phòng con của ai đấy) bằng bản in, chứ không phải viết tay. Bởi lẽ, trước đó, chúng tôi đã tốn vô khối tiền cho nhà bốt vì những tranh luận (lắm lúc vô bổ, nhưng dễ thương) xung quanh một chữ viết tháu, không ai đọc ra, và đa phần là tội dồn lên đầu ông đả tự ở bổn báo vì đã không hiểu được “thâm ý” của tác giả.

Nói thế để thấy rằng, đến giờ, làm báo sướng lắm, ít nhất là về mặt kỹ thuật. Cần bất cứ thông tin gì, loáng một chút trên mạng, có tất. Rất nhiều tờ “báo” tồn tại mà hoàn toàn không cần người viết và biên tập viên, vì mọi thứ có thể nhặt tuốt trên mạng rồi. Bài vở cũng có thể gửi đi rất nhanh chóng: tin về một cái hắt xì hơi ở Việt Nam chuyển sang Châu Âu mất chừng đôi ba phút, không phải chờ đợi cả tuần, thậm chí cả tháng như xưa.

Tuy nhiên, đối với những ai muốn làm báo nghiêm túc - đặc biệt là làm báo ở vùng Đông - Trung Âu - thì bản chất của công việc báo chí vẫn không thay đổi: ấy là sự hành xác, một trò chơi của lòng kiên nhẫn, bền bỉ và tỉ mỉ đến mức... khó chịu! Đặc biệt, làm báo tự lập mà không có ai “chống lưng” về tài chính, thì còn luôn phải đối mặt với câu hỏi “đầu tiên”, mà chắc “Tạp chí Hương Việt” của Hoàng Yến Anh hiểu hơn ai hết!

Đến đây, không thể không đặt câu hỏi: những người trẻ, thạo nhiều nghề và có thừa khả năng làm những công việc khác đỡ vất vả và có kết quả “nhãn tiền” hơn như Hoàng Yến Anh và bè bạn, tại sao lại lao vào làm báo, cho dù có thể chỉ là một thú vui trong thời gian rảnh rỗi đi nữa?

Nếu đơn thuần là một sự bốc đồng kiểu “tự nhiên nổi hứng”, thì khó có tờ báo nào có thể vượt qua được 6 tháng đầu, chứ không phải hai năm như “Tạp chí Hương Việt”. Và tôi chắc, các bạn còn muốn đi tiếp nữa, đến chừng nào có thể, dù Hoàng Yến Anh trong mẩu tin nhắn cho tôi, có nói đại loại không biết bọn em sẽ đi được đến bao giờ...

Níu quê hương lại gần”, “phục vụ kiều bào”, v.v... tất nhiên là những mỹ từ, những lý do chính thống trên mặt báo. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, có lẽ bất cứ ai trong “dân làm báo” bên này, khi đeo đuổi công việc gian nan và nhiều khi bạc bẽo này, đều mang trong mình một nhu cầu tự thân, là được viết - dù có khi cái mà mình viết chưa hay; được chia sẻ - cho dù cái mình muốn chia sẻ nhiều khi mới chỉ bó gọn trong một nhóm, một giai tầng nào đó; và được cảm thấy mình có thể làm điều mình muốn.

Cũng như tôi, gần 10 năm trước, khi trả lời nhiều câu hỏi ngạc nhiên của bà con “sao lại làm báo? ai phân công mà làm?”, đã đáp giản dị: “Không ai, nhưng vì tôi thích!”.

Chúc “Tạp chí Hương Việt” mạnh giỏi và chân cứng đá mềm thật lâu, thật dẻo dai trên con đường mà các bạn thích!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh, từ Budapest