Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VÀI GHI CHÉP VỀ TỦ SÁCH CHỮ NỔI “NHỊP CẦU THẾ GIỚI”

(NCTG) Tôi là cựu học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu – Hà Nội. Một tháng trước bỗng được nhận nhiệm vụ thực hiện một bài phóng sự về tủ sách có tên “Nhịp cầu Thế giới”.

Tác giả bài viết, PV khiếm thị phỏng vấn thầy giáo cũ tại trường Nguyễn Đình Chiểu - Hà Nội - Ảnh: Bích Ngọc

Nghe sếp nói qua mà tôi giật mình, một tủ sách chữ nổi với đủ mọi thể loại dành cho học sinh khiếm thị! Giờ tụi nhỏ sướng quá, chẳng bù cho chúng tôi ngày xưa, đến cuốn sách giáo khoa còn là một điều xa xỉ. Muốn nghe truyện là phải thường xuyên theo dõi chiếc đài cát-xét, hôm nào bận đi học thì đành thôi.

Sau này thuận lợi hơn, tuần nào học sinh cũng mong tới Chủ nhật để nhờ các sinh viên tình nguyện đến đọc giúp. Có lần anh bạn tôi lỡ mê một cuốn truyện quá, hình như là quyển “Cánh buồm đỏ thắm”, nên đành ngồi tỉ mẩn chép lại từng trang từ chữ sáng sang chữ nổi. Bây giờ tụi nhỏ đã có được một tủ sách dành riêng cho mình, điều này gợi ra trong tôi nhiều điều tò mò.

Về thăm lại trường Nguyễn Đình Chiểu vào một chiều đông, khu nội trú giờ đã được xây lại khang trang hơn, thậm chí mỗi phòng đều gắn một chiếc loa nối từ phòng thầy phụ trách.

Một cô bé đang ngồi gấp hạc giấy.

- Này em! Em biết cô Ngọc không? - sở dĩ tôi hỏi vậy là vì nghe sếp nói chị Nguyễn Thị Bích Ngọc là cầu nối đưa tủ sách ước mơ đến với các em học sinh khiếm thị.

- Dạ có, cô Ngọc tốt lắm chị ạ!

Tôi vẫn chưa hiểu mô tê gì nên lặp lại câu hỏi ấy với vài em nữa và một cô bé nói:

- Cô vừa tặng cho chúng em chiếc đài này này, để em bật thử cho chị nghe nhé - nói rồi cô bé lần sờ chiếc đài nhỏ trên giường và bấm vài nút một cách thành thạo.

- Bọn em thích nhỉ, bạn nào cũng có chiếc đài để nghe nhạc.

- Dạ vâng, chiếc đài này hay lắm còn cắm được thẻ nhớ cơ. Bọn em thường cóp rất nhiều bài tiếng Anh vào đây để đi đâu cũng nghe chị ạ.

- Chị cứ tưởng cô Ngọc chỉ mở tủ sách cho các em thôi?

- Không, cô còn tặng cho chúng em đài này, tất này, mỳ tôm và cả gấu bông nữa… (cười).

Nói đến đây, đúng lúc thầy Thắng phụ trách khu nội trú bật loa, thông báo: “Tủ sách vừa mở, các em xuống trả sách đã đọc và mượn sách mới”.

Gần như ngay lập tức, bọn trẻ con dừng mọi hoạt động, dắt nhau xuống tủ sách.

- Từ từ thôi, mấy đứa làm gì mà vội thế?

- Phải nhanh không tụi nó mượn mất chị ạ - nói rồi bọn trẻ con dắt nhau đi.
 

Thầy và trò, những người thực hiện tủ sách - Ảnh: Bích Ngọc

Một lát sau chúng nó về phòng, đứa thì hớn hở vì đã mượn được quyển ưng ý, đứa thì thở dài vì về tay không.

Một cô bé lớn trong phòng đi tới.

- “Truyện lịch sử Việt Nam” đấy chị ạ, đọc cái này hay lắm - vừa là đọc truyện vừa học thêm được về lịch sử. (cười)

Một cậu bé khác chừng 6, 7 tuổi khệ nệ ôm một cuốn sách dày cộp ra hành lang và bắt đầu đánh vần. Cô bé Mỹ Linh – khối phó khu nội trú nói:

- Bọn trẻ con ở đây thích đọc sách lắm chị ạ, có những bé mới học lớp dự bị hoặc lớp 1 cũng đòi mượn sách về rồi tỉ mẩn đánh vần từng chữ dù chẳng hiểu được là bao. (cười)

Rồi Mỹ Linh dẫn tôi xuống chỗ tủ sách “Nhịp cầu Thế giới”. Nó là những giá bằng sắt, có lẽ lúc nãy thì chất đầy những cuốn truyện, nhưng lúc này chỉ còn lác đác vài cuốn đang in dở. Vừa nhanh tay sắp xếp cho ngay ngắn mấy cuốn sách, Mỹ Linh nói:

- Hiện giờ em đang phụ trách cho các bạn mượn và trả sách ở đây chị ạ.

- Vậy có mất nhiều thời gian của em lắm không?

- Mỗi tuần em bỏ ra hai buổi chiều cho tủ sách. Nói chung thời gian của học sinh lớp 9 cũng khá hạn hẹp nhưng được nhìn thấy nụ cười của các bạn, các em ôm trên tay những cuốn truyện dành cho mình, em cứ muốn được làm nhiều hơn nữa thôi.

- Ai là người in sách cho các em thế?

- Thầy Hiếu chị ạ. – Thầy Hiếu là thầy giáo dạy toán cũ của tôi, thầy cũng là cựu học sinh của trường Nguyễn Đình Chiểu.

Tôi bước lại chỗ tủ sách và lật giở trang đầu tiên của một cuốn truyện, vô tình đọc được những dòng chữ thế này:

Không có ánh sáng là bất hạnh lớn của đời người. Nhưng niềm vui đọc sách còn lớn hơn nỗi bất hạnh ấy vì sách chính là ánh sáng. Ba mươi năm nay nhiều thế hệ trẻ em đã đọc cuốn sách này và giờ đây tác giả rất vui mừng và cám ơn khi được các em khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu - Hà Nội đọc nó. Chúc các em luôn lạc quan và hạnh phúc. Nguyễn Quang Thân”.

Một xúc cảm khó tả xuất hiện trong tôi. Tôi hẹn gặp chị Ngọc tại tủ sách lúc 7 giờ, sau giờ làm việc của chị. Tôi đang nôn nóng để được giải mã những thắc mắc có chiều hướng tăng dần từ chiều tới giờ.

Chị Ngọc là một phụ nữ có ngoại hình khá cao và giọng nói nồng nhiệt. Tôi hỏi chị vài thông tin về tủ sách và được biết: “Nhịp cầu Thế giới” là sự chung tay góp sức từ rất nhiều người bạn của chị ở khắp mọi nơi trên thế giới. Hiện tủ sách đã có được 7 đầu truyện.

Điều đặc biệt của tủ sách này, ngoài việc có những cuốn sách chữ nổi này là mỗi cuốn đều được xin bản quyền của tác giả hoặc nhà xuất bản, và ngay ở trang đầu mỗi cuốn đều có lời đề tặng của tác giả dành riêng cho các em học sinh khiếm thị.

Chị Ngọc vui vẻ chia sẻ:

- Tủ sách này không phải là của chúng mình đâu nhé. “Nhịp cầu Thế giới” là của các em, dành cho các em, để các em tham gia vào quá trình in sách và do chính các em tự quản lý.

Rồi chị nói thêm:

- Mình cảm thấy thực sự may mắn khi nhận được sự ủng hộ cũng như giúp đỡ của rất nhiều bạn bè ở khắp mọi nơi trên thế giới. Các tác giả, dịch giả sau khi nghe về tủ sách đặc biệt này cũng lập tức trao tặng bản quyền truyện cho các em. Nhiều em học sinh đang mong được đọc cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký”, mình đã đến nhà của tác giả Tô Hoài hai lần mà chưa gặp được ông. Nhưng trong thời gian sắp tới mình sẽ cố gắng xin bản quyền cuốn truyện nhiều thú vị và ý nghĩa này cho các em.

Bất ngờ càng thêm bất ngờ khi qua những câu chuyện của chị, tôi được biết các em học sinh khiếm thị không chỉ được nguồn kinh phí thông qua dự án mà chị Ngọc chủ trương để làm sách, cũng như có những món quà nho nhỏ, mà những em có hoàn cảnh khó khăn nhất còn được hỗ trợ tiền ăn hằng ngày ở trường.
 

Trò chuyện với chị Bích Ngọc, người khởi xướng và điều hành dự án tủ sách chữ nổi - Ảnh: Mỹ Linh

Sau một tiếng trò chuyện với chị Ngọc, đã có kha khá tư liệu để làm phóng sự, tôi trở lại khu nội trú. Vào một phòng trên tầng bốn, thấy có mấy em đang ngồi dưới sàn nhà bên cạnh là những cuốn sách chữ nổi. Tôi tò mò:

- Mấy đứa đang làm gì đấy?

- Em đang xé gáy sách chị ạ.

- Xé gáy? – tôi tròn mắt.

Một cô bé giải thích:

- Cứ nghe thấy thông báo vừa in xong truyện mới là tụi em tranh nhau xuống xin thầy Hiếu cho lấy những cuốn sách về để xé lề, tách trang rồi sau đó cô Ngọc sẽ dán và đóng gáy xoắn. Như vậy, mới là hoàn chỉnh một cuốn truyện chị ạ.

Một cô bé khác ghé tai tôi thì thầm:

- Với cả như thế này sẽ được đọc truyện trước chúng nó chị ạ. (cười lém lỉnh)

Nói chuyện với các em thêm một lát, hơn chín giờ tối tôi mới ra về, đi ngang qua phòng máy thấy điện còn sáng, thầy Hiếu và chị Ngọc đang vừa in cuốn truyện thứ tám vừa thảo luận về việc chỉnh sửa bản mềm những cuốn truyện tiếp theo…

(*) Tác giả bài viết, Hương Giang, hiện là học sinh lớp 12 trường THPT Thăng Long, CTV của VOV Giao thông.

Tác giả bài viết: Hương Giang, từ Hà Nội