Tủ sách chữ nổi “Nhịp cầu Thế giới”: THÊM MỘT LẦN VUK SỐNG ĐỘNG
- Thứ tư - 11/03/2015 12:58
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) 14 giờ ngày 11-3, tròm trèm một tiếng rưỡi đồng hồ giao lưu giữa một nhóm học sinh khiếm thị khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội và dịch giả Giáp Văn Chung một lần nữa lại làm sống động thêm một hình ảnh quen biết của dòng văn học thiếu nhi Hungary: chú cáo Vuk dũng cảm, yêu thương đồng loại.
Dịch giả Giáp Văn Chung cùng thầy cô và học sinh khiếm thị tại phòng đọc của Tủ sách chữ nổi NCTG - Ảnh: Bích Ngọc
“Vuk - chú cáo dũng cảm” của tác giả Hungary Fekete István là cuốn sách được in đầu tiên trong Tủ sách chữ nổi “Nhịp cầu Thế giới” (NCTG) cách đây hơn một năm. Với thời gian, sách đã xẹp hơn nhiều so với ban đầu. Vì là sách chữ nổi, mỗi lần các cháu học sinh khiếm thị mượn và đọc, khi đọc cần phải rà lên chữ, nên sách xẹp là chuyện bình thường. Tuy nhiên, chỉ có tờ nào khó đọc quá mới được thay thế.
Vuk ấn tượng thế nào?
Các cháu nhỏ ngồi quây quần bên dịch giả Giáp Văn Chung mới từ Hungary về Việt Nam trong phòng đọc nhỏ của Tủ sách chữ nổi NCTG, đặt tại trường Nguyễn Đình Chiểu, phố Lạc Trung, Hà Nội. Áp ngay sau lưng chúng là kệ sách chất đầy gần như khít bốn tầng, những cuốn sách chữ nổi. Hiện tại, tháng 3-2015, đã có ba chục đầu sách của các tác giả Việt Nam và nước ngoài được in ra chữ nổi cho bọn trẻ.
“Vuk - chú cáo dũng cảm” đã có bản tiếng, qua giọng đọc của Giang Trang, cô ca sĩ chuyên hát nhạc Trịnh. Bích Ngọc - người khởi xướng dự án, đồng thời trực tiếp chịu trách nhiệm xin phép bản quyền, tổ chức in ấn những bản sách chữ nổi - đặt câu hỏi với bọn trẻ: “Các cháu hình dung phong cảnh thiên nhiên khoáng đạt trong câu chuyện Vuk thế nào? Nhất là với những bạn chưa hề nhìn thấy ánh sáng từ lúc chào đời”.
Các cháu nhỏ nhao nhao tranh nhau trả lời: “Cháu hình dung được Vuk chui ra từ cây lúa mì”. Cháu khác lại ấn tượng với cách cha mẹ Vuk đã đặt tên cho nó.
Cô bé Mỹ Linh duyên dáng, năm ngoái còn là người phụ trách Tủ sách chữ nổi NCTG, giờ vào cấp 3 chuyển sang trường Thăng Long, hôm nay cũng trở về trường cũ tham dự cuộc giao lưu cùng các bạn nhỏ đã đọc và yêu quý chú cáo Vuk. Đã có kinh nghiệm trên cương vị một MC, Mỹ Linh biết nối câu chuyện rất liền mạch bằng những câu hỏi đối với dịch giả Giáp Văn Chung: “Cảm xúc đầu tiên của bác khi đọc Vuk?”.
Xúc động trước sự quan tâm của lũ trẻ, anh thoải mái trả lời: “Vuk là nhân vật hoạt hình đã được dựng thành phim dài tập ở Hungary. Bác đã xem từ những năm 70. Câu chuyện ngắn thôi, đọc hấp dẫn. Mọi người trước khi đọc chỉ nghĩ con cáo biết trộm gà, vịt, ranh ma, nhưng biết Vuk thấy nó rất dũng cảm, yêu thương đồng loại, và thậm chí còn có cả tình yêu ở cuối truyện nữa, các cháu đã đọc rồi và biết đúng không?”. Lũ trẻ cười đồng thanh: “Đúng ạ!”.
Bồi thêm niềm yêu sách
Dịch giả Giáp Văn Chung đã có mười ba đầu sách chuyển ngữ Hung - Việt, trong đó có những tác phẩm quan trọng bậc nhất của văn học đương đại Hung thế kỷ 20. Hiện anh đang bận rộn với kế hoạch dịch thuật mới nhằm giúp độc giả Hungary hiểu rõ thêm văn chương Việt thông qua tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng. 20 giờ hôm nay, anh sẽ có cuộc gặp gỡ độc giả Thủ đô yêu “Bảo tàng ngây thơ” của tác giả Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk cũng do anh chuyển ngữ.
Tuy nhiên, những em học sinh có mặt trong cuộc gặp gỡ buổi chiều với dịch giả đã có dịp hiểu thêm về độ khó của ngôn ngữ Hung, biết được những khổ đau của quốc gia này qua hai cuộc Thế giới (mà Hungary luôn đứng về phe bại trận), cũng như được tiếp thêm niềm đam mê văn học từ một người đi trước.
Khánh Linh, cháu bé khiếm thị ở trường Nguyễn Đình Chiểu hỏi: “Ngoài dịch tiếng Hung sang tiếng Việt, bác còn dịch ngôn ngữ nào khác không?”. Đáp: “Tiếng Anh - Nga - Pháp bác đều dùng được, đọc được, tuy nhiên bác chưa từng sống ở các quốc gia đó, mà muốn dịch chắc tay một ngôn ngữ cần phải sống trong môi trường đó, thông thạo phong tục tập quán. Các cuốn sách như “Bốn mùa - Trời và đất”, “Không số phận” của bác nhận được phản hồi tốt dù là những cuốn sách khó đọc, nhưng văn phong nhuần nhuyễn”.
“Bác rời xa Việt Nam ba mươi ba năm, quá trình ở Hung bác có thường xuyên sử dụng tiếng Việt không?”. Dịch giả đáp: “Tiếng Việt phải dùng thường xuyên trong gia đình và giữa bạn bè chứ. Nhưng để tiếng Việt tốt, nhuần nhuyễn thì cần phải gắn bó tiếng Việt, yêu tiếng Việt, và đọc nhiều”. Anh cũng chia sẻ: có những từ hay, khó có người đã dùng, mình hiểu nghĩa nhưng không biết dùng, anh thường ghi riêng ra một cuốn vở, thường xuyên ngó vào, đọc lại và biến nó thành của mình.
Anh Giáp Văn Chung nói vui mà thật: “Chả ai kiếm tiền bằng dịch sách bao giờ. Những khoản tiền nhuận sách NXB bản trao, tôi thường chuyển vào Quỹ khuyến học của dòng họ Giáp ở quê, xây dựng đình chùa, nhà thờ họ. Bởi cuộc sống kinh tế bên đó không vất vả”. Anh thường dịch sách tranh thủ vào lúc 3 giờ sáng, đến 7 giờ là đi làm. “Tôi vẫn nói vui, mình dịch sách là do mất ngủ”.
Dù chưa dám hứa trước, nhưng dịch giả vẫn nói với bọn trẻ: “Vuk là cuốn sách đầu tiên của Tủ sách chữ nổi NCTG, tuy nhiên bác sẽ tiếp tục chuyển ngữ thêm văn học thiếu nhi Hung cho các cháu”. Bọn trẻ hát tặng bác Chung, bác thì tặng các cháu nhìn kém học chữ sáng năm cuốn sách “Cổ tích Việt Nam” của tác giả Nguyễn Đổng Chi, hai cuốn sách chữ sáng in song ngữ Hung - Việt “Vuk - chú cáo dũng cảm”, và ủng hộ thêm cả tài chính cho Tủ sách.