Tâm sự quê hương: CÙNG MỘT KIẾP NGƯỜI
- Thứ năm - 02/12/2010 13:53
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Quê nghèo: Ảnh: Internet
Hồi bé chúng tôi thường nghe mẹ tôi gọi chị An, nên mấy chị em tôi gọi là dì An (ở quê tụi em gái hay chị gái của mẹ đều gọi là dì). Chúng tôi chỉ biết gọi vậy mà chẳng biết mối quan hệ họ hàng với dì. Nhiều lần tôi hỏi mẹ tôi, nhưng mẹ cứ lờ đi, như sợ một điều gì hệ trọng. Trong bụng tôi cứ mong mẹ tôi nói chẳng có họ hàng gì cả, để tôi có quyền nói điều đó với các bạn hàng xóm, cùng đội Thiếu niên Nhi đồng, bởi sợ bà là địa chủ, là kẻ bóc lột, là nguồn gốc của đế quốc phong kiến…
Tuy nhiên, cứ mỗi tuổi lớn lên, chắp nhặt từ câu chuyện của nhiều người, nên tôi biết rõ dì là ai và bớt dần cái căm giận, thù oán, ghét bỏ… và chuyển dần sang yêu thương, thương hại, xót xa cho cuộc đời và số phận của dì.
Ba dì sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, lớn lên cái tuổi 17, trốn không đi lính khố xanh thì lại bị Tây bắt đi làm cu ly đồn điền cao su mãi tận Đồng Nai, nơi rừng thiêng nước độc. Hàng ngày từ sáng sớm tinh mơ cho đến tận hoàng hôn, ông phải làm việc vô cùng cực khổ, thiếu cả thức ăn nước uống, thường xuyên bị Tây đánh đập, hắt hủi.
Cảnh xa xứ, buồn, cực khổ, nhớ quê da diết, ông thường đi lại với một gia đình người Nam Bộ cũng làm cu ly trong đồn điền. Gia đình duy nhất có một người con gái khá xinh đẹp, nết na, nhưng lại bị bệnh thong manh từ khi mới sinh ra - cả hai con mắt không nhìn thấy gì. Cùng cảnh ngộ nên ông được cả nhà quý mến, yêu thương đùm bọc, ông đem lòng yêu thương người con gái thong manh ấy và nên vợ nên chồng.
Vào khoảng năm 1913–1914, không biết vì số phận nghiệt ngã và cay đắng hay nỗi nhớ bố mẹ, quê hương da diết, ông dẫn bà về thăm quê, lúc đó bố mẹ, anh em chẳng còn ai nữa. Đúng năm đó gặp trận lụt rất to, tàu hỏa Bắc Nam bị ngưng trệ cả tháng trời, nên cả hai vợ chồng đành ở lại quê và chẳng bao lâu sinh được một người con gái đặt tên là An.
Khi dì An được vài tuần tuổi, vì yêu thương vợ con, ông đi ngược sông Lam rồi lên ngàn Sâu (nơi cụ Phan Đình Phùng làm căn cứ khởi nghĩa chống Pháp) để chặt gỗ, tre, nứa về làm nhà cho vợ con. Ông bảo đi mười ngày, bà bồng con đợi hai mươi ngày, rồi cả tháng chẳng thấy chồng về, bà cứ khóc hoài, khóc mãi…
Sau đó, bà nghe tin ông đã bị cọp vồ mất xác ở trong rừng. Mắt thì mù lòa, tiền bạc không có, con còn nhỏ, bà buồn khổ không biết trông chờ vào ai, cũng chẳng thể quay trở về với ba má ở Đồng Nai. Vào một đêm đông lạnh, bà đặt dì An vào rổ lót rơm, rồi mò dần từng bước ra bên sông, đặt con dưới gốc cây si, khóc nức nở cho con bú hết giọt sữa cuối cùng rồi xuống sông trầm mình tự tử. Thấy tiếng trẻ con gào khóc thảm thiết, dân làng chạy ra chẳng thấy bà đâu, ba ngày sau thấy xác bà cách bến sông vài ba cây số.
Ông cậu họ tôi lúc đó hiếm con, xin xóm làng đưa dì An về nuôi, thương yêu chăm sóc như con đẻ của mình. Khi dì An lên 8 tuổi, ông cậu có thêm một cậu con trai, cả họ hàng ai cũng mừng đặt tên là Phận. Hai chị em rất thương yêu đùm bọc lẫn nhau, phận gái dì An không theo con đường học hành, suốt ngày làm lụng, tận tụy giúp bố mẹ, hy sinh tất cả cho em trai, dì ở vậy chẳng đi lấy chồng vì thương bố mẹ, thương em, dù dì khá xinh đẹp, được nhiều anh trai làng gần xa dòm ngó.
Năm 1944, cậu Phận học xong tú tài ở Huế, sau đó cậu đi đâu, làm gì chẳng ai biết cả, người thì bảo theo Tây đi Pháp, người thì bảo ở Tam Đảo. Năm 1951, cả hai ông bà ông cậu mất, để lại cho dì An ba mẫu ruộng, hai ngôi nhà năm gian, cùng với ba người ở. Năm 1955 cải cách ruộng đất, dì An bị quy là địa chủ, tất cả tài sản bị tịch thu. Dì về dựng một túp lều tre cạnh nhà tôi ở, sống cuộc đời khốn khó về cả vật chất lẫn tinh thần, nhưng chẳng bao giờ than oán ai.
Không còn ruộng vườn, hàng ngày dì đi bán hàng, dân làng cả xóm ai cũng muốn tránh né, vừa căm ghét, vừa khinh bỉ, nhất là lũ trẻ con được học ở trường địa chủ là giai cấp bóc lột “phải đào tận gốc, trốc tận rễ”, ấy thế bây giờ lại thành thương gia - cũng là giai cấp bóc lột nên càng bị người ta căm ghét, khinh bỉ gấp bội phần.
Tôi thì cảm thấy dì bình thường như những con người xung quanh tôi, cần cù lao động, chẳng ngại nắng mưa, hàng ngày đi bán hàng ở những làng xa. Thỉnh thoảng dì sang nhà cho tôi cục đường đen, tôi thích lắm! Họa hoằn lắm dì cho tôi quả chuối. Nhưng cuối cùng nghe bọn trẻ con trong xóm nói hoài, nói mãi, tôi cũng đâm ra sợ sau này không dám nhận quà của dì nữa.
Tôi nhớ rõ một chiều hè, gió Nam (gió Lào) chuyển sang gió Nồm (gió biển), túp lều của dì tự nhiên bốc cháy, cả xóm chạy đến cứu chữa, ngọn lửa bùng lên cao hơn cả ngọn tre, người thì xúc cát, người thì múc nước sông dội vào nom như trò chơi, chẳng thấm thoát gì cả, còn ngọn lửa lại bùng cao lên, có mấy người dân quân miệng la toáng lên, đòi quẳng dì vào lửa cho dì là phản động, vì dì đã làm sai luật của xóm trong mùa hè khi có gió Lào từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều không được ai để lửa.
Dì bò lăn, bò lóc van khóc thảm thiết, xin trời đất, xin bà con xóm giềng cứu nhà và đừng giết dì. Hơn ba mươi phút sau toàn bộ túp lều cháy sạch, chỉ còn những cục than hồng cứ rực lên theo từng cơn gió thổi, còn lại mình dì… đất cát và tiếng van khóc rên rỉ nhỏ dần.
Bắt đầu từ ngày đó dì An chẳng còn nhà, chẳng còn gánh hàng để kiếm sống. Dì đến sống ở gốc cây bàng cạnh lò vôi để mùa đông khỏi lạnh, hàng ngày đi lang thang xin ăn ở những làng xa, hoặc ra sông bắt cá, bắt cua. Mẹ tôi vẫn thỉnh thoảng lén lút cho dì bát gạo, những thức ăn thừa sau đám giỗ (hồi ấy ai biết tủ lạnh là cái gì?) tất cả đổ vào nồi đun lên thành món hổ lốn đưa cho dì, để ăn được nhiều ngày.
Bố tôi công tác xa, thỉnh thoảng ghé thăm nhà, đưa mẹ tôi vài ba đồng và bảo đưa cho dì An nhưng phải kín đáo. Có lần tôi chứng kiến dì đói quá nhặt cả con chuột chết, gà toi ở bến sông đem về vặt lông và luộc lên ăn với muối ngon lành. Cuộc đời dì ngày càng xuống dốc, người xanh xao, bủng beo, tàn tệ… xóm làng lại càng xa lánh dì hơn.
Năm 1966, chiến tranh ngày càng trở lên ác liệt, bến sông là nơi mục tiêu đánh phá của máy bay Mỹ. Cả xóm tôi phải đi sơ tán. Dì cũng theo xóm làng, có lẽ chính là theo mẹ tôi và cả nhà tôi đi sơ tán, lúc này dì sống ở bụi ngâu, đôi cẳng chân đã đen xì, lở loét, nước vàng rỉ ra, dì chỉ biết quấn giẻ rách hoặc lá chuối, đi đến đâu mùi hôi thối kinh khủng đến đó, có những khi tôi thấy nhiều con giòi nhỏ cứ lúc nhúc ở vùng lở loét rơi xuống đất.
Dưới con mắt của bọn con nít dì là con chó ghẻ hôi thối, đi đến đâu chúng ném đất, ném đá, chửi rủa, tôi thương dì lắm mà chẳng dám bênh dì, sợ bọn bạn bè bảo tôi đứng về phía giai cấp bóc lột. Có những đêm tôi nghe tiếng dì than khóc thảm thiết: “Ba má bỏ con ra đi khi còn vài tháng tuổi, được bố mẹ đưa về nuôi yêu thương chăm sóc con, con đã làm lụng suốt đời để có nhà cửa, ruộng vườn, để người ta qui con là Địa chủ, làm đời con khốn kiếp đến cùng. Cả cuộc đời con chưa làm hại ai bao giờ… ông Giời ơi, ông bà ơi, ba má ơi, bố mẹ ơi! Nếu thương con, cho con được chết, con khổ quá, con đau đớn quá, con nhục nhã quá!...”.
Chẳng bao lâu sau một cơn mưa mùa hạ, vừa đói, vừa đau, vừa rét dì quằn quại không còn tiếng khóc than - chỉ nghe tiếng rên rỉ qua kẽ răng, nhìn thấy mẹ tôi nước mắt cứ ứa ra, mẹ tôi cố bón cho dì được lưng bát cháo rồi dì tắt thở. Chiều hôm đó chỉ có hai thanh niên tình nguyện khiêng dì bằng một chiếc võng gai của nhà tôi, đi theo dì có mẹ tôi, mấy chị em chúng tôi cũng lon ton chạy theo, ai cũng dùng khăn mùi xoa để bịt mũi. Trên mình dì, vẫn bộ đồ rách rưới hôi thối, chẳng có hòm, chỉ có manh chiếu nhỏ… Mẹ tôi lẩm bẩm những điều gì và khóc, ném ba nắm đất xuống hình hài của dì, vĩnh biệt dì.
Tháng 8 năm 1975, đúng lúc tôi về nghỉ hè, cả nhà tôi tự hào, vui sướng hân hoan đón cậu Phận trở về thăm làng, thăm nhà tôi với quân hàm Đại tá, đi với cậu còn có Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chính ủy Quân khu và còn nhiều người nữa. Cậu chính là người chỉ huy điệp báo của thành phố Sài Gòn – Gia Định cũ, từng nhiều lần quyết định sinh mệnh của hàng vạn người của phía bên kia, vậy mà bây giờ trước mặt chúng tôi cậu đã òa khóc nức nở sau 31 năm xa quê.
Cả nhà tôi đưa cậu thăm mộ ông bà, mộ ông bà được dì An xây thành lăng năm 1953. Nhưng đến khi đi tìm mộ dì An, suốt cả buổi chẳng thấy đâu, mẹ tôi rất lấy làm bối rối, thời gian gặp thì ngắn, quan khách thì đông mẹ tôi làm sao kể được những năm tháng cuối đời của dì cho cậu biết được. Đã chín năm rồi có ai chăm sóc mộ của dì đâu, cái nắng gió khu Tư, chỉ cần vài năm là ngôi mộ đã phẳng lì.
Cậu bảo mẹ tôi đi mua cho một trăm nhành hoa huệ trắng để viếng người chị suốt đời tần tảo nuôi cậu ăn học thành người. Lấy đâu ra hoa huệ bây giờ? Cả huyện chẳng có lấy một cửa hàng hoa, đành hái hết hoa lan của cả mấy vườn trong xóm, tự tay cậu rắc hoa lan hết các mộ khu dì An nằm và rắc dọc con đường tiễn dì về nơi an nghỉ cuối cùng và cậu khóc nức nở, xin lỗi chị…
Dì An ơi, cuộc đời con là tấm vải sồi, được dệt lên từ khoai sắn ngọt bùi, từ tiếng hò ơ đêm trăng mẹ hát, từ cái nắng gió khu Tư, từ cái thời thơ ấu đêm đêm thổn thức đau nhói nghe tiếng than khóc thảm thiết của dì… cho đến bước đi dài lỡ chốn phải sống xa Tổ quốc. Cho lòng con biết yêu thương, biết căm giận, biết lẽ phải trái giữa dòng đời!
Đêm nay ở trời Âu giá lạnh, chẳng có hương thơm, cũng chẳng có trầm hương, chỉ có những bông tuyết trắng nhẹ nhàng rơi lả tả làm trắng phố, trắng đường… Nhớ thương dì, khóc cho số phận của dì, con ngồi viết những dòng này để xin đốt nén hương lòng kính viếng hương hồn dì nơi chín suối, mười sông, cầu chúc dì an giấc ngàn thu.