TỦ SÁCH CHỮ NỔI NHỊP CẦU THẾ GIỚI ĐI VÀO HOẠT ĐỘNG
- Thứ sáu - 03/01/2014 09:30
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Sau một tháng rưỡi khởi động, Tủ sách chữ nổi Nhịp cầu Thế giới (NCTG) dành cho học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) đã ra được bốn đầu sách và được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các thân hữu, tác giả, dịch giả và các cơ sở xuất bản.
Đọc sách chữ nổi
Được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường, tủ sách ra đời do sự khởi xướng và điều hành trực tiếp của Bích Ngọc, thành viên NCTG, với sự hỗ trợ về tài chính và kinh phí của nhiều bạn hữu và CTV báo. Khâu xử lý kỹ thuật và in ấn được các thầy cô khiếm thị thực hiện ngay tại trường Nguyễn Đình Chiểu với các thiết bị của trường.
Ý tưởng xây dựng một tủ sách cho học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu, do chính các em quản lý và chủ động sử dụng được thai nghén từ mong muốn để các em có thể tiếp cận các giá trị văn hóa, tinh thần của Việt Nam và thế giới thông qua sách vở in chữ nổi.
Đối với các cơ sở kinh doanh và xuất bản, đây là một ý muốn bất khả thi vì việc đầu tư dàn máy in chữ nổi rất tốn kém, giá thành sách cao, khả năng tiêu thụ hạn chế, v.v... Thêm vào đó, hiện tại, các học sinh khiếm thị cũng đã có nguồn sách nói tương đối phong phú, thông qua các kênh từ thiện.
Bích Ngọc (giữa), người khởi xướng và thực hiện dự án, cùng các học sinh khiếm thị tại nơi đặt Tủ sách
Tuy nhiên, có nhiều dịp gặp gỡ và làm từ thiện tại trường Nguyễn Đình Chiểu, chị Bích Ngọc được các học sinh khiếm thị cho hay rằng các em vẫn thích đọc sách chữ nổi hơn là nghe. Vì đọc mới thẩm thấu được hết ý nghĩa của các tác phẩm, ngoài ra, sách đọc sẽ tiện hơn sách nói rất nhiều khi cần tra cứu, đọc lại hay tìm lại.
Ngoài ra, đọc sách chữ nổi sẽ khiến học sinh khiếm thị rèn luyện kỹ năng đọc, đồng thời, là một phương thức hữu hiệu để nâng cao tình yêu với sách vở, với “văn hóa đọc” cho các em, giúp các em có được những người bạn đồng hành tin cậy trong cuộc sống, cùng các em chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn cùng những kỹ năng hữu ích cho cuộc sống.
Xuất phát từ mong mỏi ấy, Bích Ngọc cùng các bạn hữu và CTV báo NCTG tổ chức vận động quyên góp kinh phí, thu thập, xin phép và chỉnh lý các bản thảo để khởi động tủ sách. Cuốn sách đầu tiên được ra mắt vào cuối tháng 11-2013 là tác phẩm văn học nổi tiếng dành cho thiếu nhi “Vuk - Chú cáo dũng cảm” của tác giả Hungary Fekete István.
Hồi hộp và vui mừng với cuốn sách đầu tiên “ra lò”
Dịch giả Giáp Văn Chung, người “mở hàng” cho Tủ sách, vui mừng chia sẻ rằng, sau khi đã được dịch ra mấy chục thứ tiếng, có lẽ đây là lần đầu tiên trên thế giới tác phẩm được in bằng chữ nổi, để học sinh khiếm thị cũng có điều kiện tiếp cận một cuốn sách nổi tiếng của Hungary, hàm chứa nhiều bài học về tình yêu nhiên nhiên, tình cảm mẫu tử, cảm nhận cuộc sống...
Một danh sách các tác phẩm Việt Nam và thế giới - trong đó có nhiều tác phẩm kinh điển dành cho thiếu nhi - đã được đưa ra và liên tục bổ sung, để phục vụ sự hình thành và hoạt động của Tủ sách. Không chỉ là người khởi xướng, Bích Ngọc còn rất nhiệt tình và năng nổ trong các khâu xin phép tác giả, chỉnh lý bản thảo và đưa tin tức về dự án.
Qua những hình ảnh, clip do Bích Ngọc thực hiện được đăng trên fanpage của trường Nguyễn Đình Chiểu, đông đảo các thân hữu, tác giả và dịch giả tham gia dự án - cũng như những người có sự quan tâm - có thể theo dõi mọi công đoạn trong quá trình làm ra một cuốn sách in chữ nổi với rất nhiều thời gian, công sức, chi phí và tâm huyết.
Có thêm hiểu biết về nỗ lực của các em học sinh khiếm thị thông qua dự án
Nhiều tác giả, khi có dịp tìm hiểu những thông tin này, đã tự liên lạc với nhóm thực hiện dự án với mong muốn ủng hộ những tác phẩm của họ. Một phần cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày và sự học tập của học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu, thông qua dự án, cũng đã được biết tới nhiều hơn qua các trao đổi trên mạng xã hội.
Hiện tại, ngoài “Vuk - chú cáo dũng cảm”, các tác phẩm “Cánh buồm đỏ thắm” (Aleksandr Grin), “Những tác phẩm chọn lọc” (Tạ Duy Anh), “Đường ra biển lớn” (Tuệ An) đã được ra mắt và được các em khiếm thị truyền tay nhau đọc với sự thích thú và hạnh phúc. Một số nhà xuất bản cũng đã cho biết sẽ hỗ trợ dự án trong việc xin phép tác giả, dịch giả và cung cấp bản thảo.
Tủ sách chữ nổi NCTG chỉ là một trong số các hoạt động từ thiện cho học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu mà Bích Ngọc thực hiện trong thời gian qua, với sự ủng hộ tài chính của các thân hữu, CTV của báo, trong đó có nhiều người đang sinh sống ở nước ngoài, như các thành viên VINAPHUNU (CLB Phụ nữ Việt Nam tại Berlin, Đức).
Ủng hộ máy giặt cho khu nội trú của trường
Trước đó, nhóm từ thiện đã trang bị được khu nội trú của cho trường hệ thống máy giặt, tặng đài và ủng hộ tất ấm cho học sinh khiếm thị để các em chuẩn bị vào mùa đông khắc nghiệt, mua quà tặng các em trong các dịp kỷ niệm, cũng như, hỗ trợ tài chính cho một số cá nhân mà gia đình, phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn.
Trao đổi với NCTG, thầy giáo khiếm thị Ngô Văn Hiếu, một giáo viên trường Nguyễn Đình Chiểu, người phụ trách khâu xử lý kỹ thuật và in ấn sách nổi trong trường, chia sẻ: “Về việc chăm sóc, giáo dục các con, ngoài gia đình, nhà trường thì chúng tôi rất cần có sự đóng góp của cộng đồng xã hội.
Những nghĩa cử mà chị Bích Ngọc cùng mọi người đã làm cho các con có một ý nghĩa vô cùng lớn lao. Các con cần được chăm sóc về vật chất, nhưng quan trọng hơn là được chăm sóc về tinh thần. Những sự giúp đỡ ấy là nguồn động viên, khích lệ các con vươn lên, hoàn thiện mình hơn.
Thầy Ngô Văn Hiếu phụ trách và giám sát khâu kỹ thuật và in ấn
Và đặc biệt, các con hiểu được rằng không chỉ vì khuyết tật mà các con được quan tâm chăm sóc. Các con phải sống tốt hơn, sống có ích hơn, đấy là niềm mong ước của tất thảy mọi người muốn các con nên người. Ở trường, các con được trang bị sách giáo khoa đầy đủ, còn sách tham khảo và sách văn học thì còn vô cùng thiếu thốn. Tủ sách NCTG là niềm hy vọng, niềm vui lớn của các con.
Từ đây, các con được đọc, được học những nhân cách lớn, những cách cư xử đúng mực hơn trong cuộc sống, để qua đó các con tự hoàn thiện nhân cách, nhân cách một con người có ích, nhân cách một con người có văn hóa, có đạo đức, có tri thức”.