Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TRƯỜNG ÐIỂM Ở HUNGARY VÀ NHỮNG BĂN KHOĂN CHƯA TỎ

(NCTG) Gần đây, khi gặp nhau, nhiều người thay vì hỏi “anh có bán được không?”, lại bắt đầu bằng câu “cháu nhà anh học hành ra sao?”. Có phải vì chợ búa kém quá nên mọi người mới quay ra đi học? Tất nhiên đấy chỉ là nói vui thôi, chứ việc học hành - tương lai của các cháu là việc nghiêm túc hơn nhiều.

Trường Thực nghiệm mang tên thi hào Radnóti Miklós, một trong những trường nổi tiếng của Hungary, nơi có nhiều học sinh Việt Nam theo học - Ảnh: Trần Lê

Sau câu “mào đầu” là hàng loạt câu hỏi như “cháu nhà em mới học lớp Một, còn bé quá, có nên học thêm hay không?”, “em có cháu học lớp Sáu nhưng không muốn nó vào Fazekas học Toán vì sợ nó phát triển lệch?”, “em cũng muốn cho cháu thi vào trường điểm nhưng thấy khó quá?”, “ối dào cháu nhà em học toàn năm cứng (csillagos ötös) chẳng cần phải kèm cặp gì cả!” (?)... Bên cạnh đó, tất nhiên không ít ý kiến đại loại như “cần gì học nhiều, đến bố cháu mấy bằng cũng phải ra chợ hết”, “dạo này chợ kém quá cái gì cũng phải giảm chi”, v.v... và v.v...

Tôi cũng có cháu đi học và cũng đã trải qua những thắc mắc, “đấu tranh tư tưởng” tương tự khi phải xác định cho cháu lên học tiếp vào trường Trung học nào đây: chuyển ngay từ khi đang học lớp Bốn, lớp Sáu, hay lớp Tám mới chuyển? Qua hơn hai năm “bố học con học”, đi sâu hơn tìm hiểu việc giảng dạy ở trường phổ thông Hung, tôi cũng rút ra một số kinh nghiệm và bài học.

Được BBT NCTG khích lệ, trên diễn đàn của tờ báo, tôi xin mạo muội trao đổi cùng bạn đọc với hy vọng việc học hành của các cháu ít nhiều sẽ được nhiều người quan tâm hơn.
 
Khi cháu còn bé, hãy bắt đầu bằng học tiếng Hung cho tốt

Trừ hai trường hợp: định hướng âm nhạc và thể thao chuyên nghiệp, nói chung trẻ em lớp Một lớp Hai còn bé quá chưa thể xác định được chính xác năng khiếu của cháu. Tôi nghĩ là các ông bố bà mẹ cũng đừng quá lo lắng nếu con mình chưa vào được trường Radnóti từ lớp Một. Cái chính là chuẩn bị cho các cháu học tiếng Hung thật tốt, tạo cho cháu thói quen đọc truyện (truyện gì cũng được, miễn là cháu say mê như... “Harry Potter”).

Ngay cả việc các cháu hay giở tiếng Hung ra nói chuyện với nhau cũng không cần phản đối, chỉ khi nào thái quá, nếu cháu không nói được chút tiếng Việt nào (chỉ biết nói tiếng Hung, không biết nói tiếng Việt lại là dở, lỗi một trăm phần trăm của bố mẹ - không có gì đáng tự hào!). Dạy cháu học cách giao tiếp chơi với bạn (đừng ích kỷ chỉ biết mình), học vẽ, học hát, âm nhạc, thể thao..., đều là những môn giúp trẻ phát triển cân đối.

Những mặt trái trong việc giảng dạy ở trường phổ thông

Những mặt tốt của nền giáo dục Hungary quá rõ ràng, ở đây tôi chỉ xin lưu ý vài nhược điểm cơ bản có thể ảnh hưởng tới kết quả thi cử chuyển cấp của các cháu.

Thứ nhất: họ dạy môn Văn học theo phương pháp nhồi nhét các kiến thức kinh điển, chứ không theo phương pháp phát triển kỹ năng, ví dụ như tập làm văn rất ít. Kết quả là học sinh không biết viết câu văn đàng hoàng, sai rất nhiều lỗi chính tả. Trong môn Toán, đến lớp Sáu hầu như chỉ có các phép tính mà ít có yêu cầu giải thích suy luận lô-gích. Trong khi đó, các cuộc thi học sinh giỏi thế nào cũng có phần “kiểm tra tiếng Hung”: có nghĩa là họ không hỏi trực tiếp kiến thức Toán, mà đầu tiên phải hiểu câu văn nói gì. Điều này giải thích một phần tại sao học sinh “trường làng” đi thi không đạt.

Về nguyên tắc, trong trường ở Hungary có thể cả lớp đều đạt toàn điểm năm (5), vì họ chấm điểm theo mức, cứ đạt mức là được năm. Ở Việt Nam thì khác, chấm điểm theo phân bố trình độ, trong lớp chỉ vài em được 9, 10, phần lớn là 6, 7. Chính vì vậy khi cầm sổ học bạ “csillagos ötös” (toàn 5), các bà mẹ thường tưởng ngay là con mình “siêu” lắm, không còn gì phải chú ý đến nữa. Tôi chỉ muốn lưu ý thêm: hãy nghi ngờ một chút, bằng cách kiểm tra kiến thức thực.

Trường điểm - những hy vọng và sự hiểu lầm

Trường điểm” là một từ chưa nói được hết ý nghĩa của từ tiếng Hung: ELITISKOLA. Nó có một ý nghĩa nôm na là trường của những học sinh xuất sắc, làm học sinh của trường đó là một niềm vinh hạnh được xã hội công nhận (không hoàn toàn có nghĩa là trường của con nhà giàu). Có thể nói đó là 15-20 trường xếp hạng đứng đầu nước Hung (hàng năm, Hungary xếp hạng thứ tự các trường theo kết quả điểm trung bình ít nhất 26 bài thi viết vào đại học trong 5 năm gần nhất).

Chính vì tiếng của nó mà tỉ lệ học sinh xin vào học trường điểm rất cao, bắt buộc nhà trường phải tổ chức thi tuyển vào hệ Trung học 8 năm (học từ lớp Năm đến lớp Mười hai), phổ biến hơn là vào hệ 6 năm (lớp Bảy - Mười hai), và thông thường là vào hệ Trung học 4 năm (lớp Chín - Mười hai). Có tới 70-80% số học sinh dự tuyển đều là “tiszta ötös” (học sinh xuất sắc, được toàn điểm 5), nên cần có sự chuẩn bị từ đầu thì mới không bị “bỡ ngỡ”.

Một quan niệm tôi cho là hơi bị sai lệch, ví dụ như nói tới trường Fazekas Mihály (Budapest) - trường xếp hạng số một của Hungary - là chỉ nghĩ đến Toán (“em không muốn con em học Toán sớm quá”). Đúng là trong lớp Toán Fazekas thế nào cũng có học sinh đi thi các kỳ Olympic Toán Quốc tế, nhưng tổng cộng chỉ gần 200 học sinh học lớp Toán trên tổng số khoảng 1.200. Theo thống kê, 100% số học sinh tốt nghiệp năm 2003 của trường có bằng C ngoại ngữ, vì vậy nếu con bạn muốn học ngoại ngữ xin cứ tự nhiên thi vào trường Fazekas.

Việc bố mẹ cháu học đầy kiến thức mà vẫn không được làm chuyên môn mà phải đi chợ để kiếm sống, có thể coi như “ta cùng các ngươi sinh ra vào thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi binh đao...”. Vì liệu ngày mai có còn chợ, có còn “vevő” (khách hàng) cho các cháu không? Bố đi chợ 10 năm sau con cũng đi chợ thì “hy sinh đời bố củng cố đời ai?”. Tôi tin là trong thâm tâm bố mẹ nào cũng muốn con mình sau này không còn phải dãi nắng dầm mưa, đầu tắt mặt tối như mình.

Lao động và hy sinh vì con cái là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Tuy bố mẹ cháu phải trả giá bằng sức khỏe của mình, nhưng ở thế hệ các cháu lao động bằng trí tuệ mới là hiệu quả. Các bạn hãy nhìn về quê hương một chút: ở Việt Nam hiện nay có những lĩnh vực như viễn thông phát triển ngang tầm thế giới, Hungary “chẳng là cái gì”. Và nhiều người nắm vị trí lãnh đạo các ngành đó có thể là bạn học bố mẹ cháu.

Tại sao chỉ có Đài Loan, Nam Triều Tiên mới làm được máy tính, ôtô mà không phải Việt Nam? Việt Nam cũng rất cần tài năng, trí tuệ! Việc định hướng điểm xuất phát ban đầu tốt hơn cho các cháu là trách nhiệm của chính các bậc làm cha mẹ. Tôi phải nhấn mạnh điều này: vì không ai có thể biết chính xác tương lai ngày mai sẽ ra sao nên phải chuẩn bị mà đón nó (nếu bạn biết được, hãy đi đánh xổ số hoặc thị trường chứng khoán!)

Làm học sinh trường điểm có một lợi thế cực kỳ quan trọng là đội ngũ giáo viên và học sinh được tuyển chọn, có nhiều kinh nghiệm và trình độ cao, mà học “ingyen” (miễn phí). Quan hệ bạn bè xã hội sẽ mở rộng vì “con ông cháu cha” cũng vào học nhiều ở đó. Bản thân tôi ban đầu cũng hơi ngập ngừng định không cho cháu thi vào lớp Toán trường Fazekas. Sau đó, vì hai lý do mà tôi phải thay đổi ý kiến.

Thứ nhất, theo lời khuyên của một anh bạn “phải cho trẻ con học khó hơn một chút thì nó mới phát triển được”, và người Việt chỉ có lợi thế hơn về môn tự nhiên so với học sinh Hung, mà môn Toán là môn cơ sở. Thứ hai, học lớp Toán không có nghĩa là sẽ phải trở thành nhà toán học (vì điều đó cần có năng khiếu thực sự), nhưng cháu có thể trở thành kỹ sư, nhà tin học, nhà kinh tế học, nhà vật lý phân tích trong nhà băng... Có tư duy toán học thì chân trời của rất nhiều ngành khoa học sẽ tự mở ra.

Quan trọng nhất là rèn luyện ý thức và niềm ham mê

Các bà mẹ hay mắc sai lầm là quá chiều con. Nhưng muốn con có kiến thức thì bố mẹ phải nghiêm khắc trong việc học hành của con và phải lao động thực sự. Rèn luyện ý thức cho cháu từ những việc nhỏ như phải biết nhường em, giúp bố mẹ việc vặt trong nhà, sắp xếp quần áo chăn màn, sách vở gọn gàng, tới việc cho các cháu tiếp xúc với cuộc sống thực.

Có anh bạn kể rằng thỉnh thoảng cuối tuần anh cho cháu đang học Trung học ra chợ xem bố mẹ “đuổi ruồi” và nghe “vevő sỉ nhục” bố mẹ cháu chỉ vì giá “sok darab” với “egy darab” (bán buôn và bán sỉ). Từ đó cháu có ý thức hơn khi tiêu tiền của bố mẹ và học tốt hơn (để khỏi bị “sỉ nhục” như bố cháu ???).

Lý tưởng nhất là nếu bố mẹ cháu có thể trực tiếp kèm cặp cháu, nhưng điều này hơi khó vì ít thời gian và kiến thức bị mai một nhiều theo năm tháng, hơn nữa không thể dùng kiến thức đại học để giải bài toán phổ thông. Nói chung các bậc cha mẹ ở Budapest (nhất là những ai đã từng học ở đây) hiện vẫn luôn luôn quan tâm giúp đỡ con cháu học hành.

Tôi rất thán phục tấm gương của hai vợ chồng anh Đinh Quốc Minh “tudós” có hai cháu học xuất sắc. Nhưng rất tiếc, cũng không ít trường hợp vì bố mẹ quá say mê kiếm tiền mà con đua đòi hư hỏng nghiện nghập. Đó thực sự là điều bất hạnh! Nên càng có nhiều dịp trao đổi kinh nghiệm dạy con tôi nghĩ chỉ có tác dụng tốt hơn cho phong trào “vì tương lai con em chúng ta”.

Vào được trường điểm cũng gần như kiếm được người thày thay bạn dạy con, bên cạnh sự phấn đấu không ngừng của cháu, nó trang bị cho cháu một kiến thức vững vàng trước khi bước vào ngưỡng cửa tiếp theo là trường đại học. Những kiến thức đó nơi khác có bỏ cả đống tiền ra (tại sao lại phải bỏ tiền lúc này nhỉ ?) cũng không mua được.

Bạn cũng đừng bắt con bạn phải biết nói tiếng Anh ngay. Cũng như với bố mẹ các cháu, đến lúc cần nó sẽ nói được hết. Hơn nữa, giờ đây việc thạo ngoại ngữ, đánh đàn, chơi một môn thể thao nào đó gần như là tiêu chuẩn văn hóa rất bình thường của người bình thường. Mục đích là bên cạnh những cái “bình thường” ấy cháu phải có kiến thức chuyên môn vững vàng.

Ghi chú:
 
Thứ tự xếp hạng 10 trường Trung học đứng đầu Hungary năm 1997-2001 (theo Học viện Nghiên cứu Giáo dục - Oktatáskutató Intézet):

1. Fazekas Mihály Fővárosi Gyakorló Gimnázium, Budapest
2. Apáczai Csere János Gyakorló Gimnázium, Budapest
3. Radnóti Miklós Gyakorló Gimnázium, Budapest
4. Szent István Gimnázium, Budapest
5. Bencés Gimnázium, Pannonhalma
6. SZTE Ságvári Endre Gyakorló Gimnázium, Szeged
7. Piarista Gimnázium, Budapest
8. Teleki Blanka Gimnázium, Székesfehérvár
9. Berzsenyi Dániel Gimnázium, Budapest
10. Németh László Gimnázium, Budapest

Tác giả bài viết: Trịnh Quang Thắng