Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TRÒ CHUYỆN VỚI DỊCH GIẢ, KÝ GIẢ NGUYỄN VÕ LỆ HÀ

(NCTG) Trong phái đoàn nhà báo của báo “Phụ nữ Việt Nam” sang thăm Hungary - do TBT Nguyễn Thị Phương Minh dẫn đầu -, có một ký giả, đồng thời là một dịch giả Hung - Việt, một cựu du học sinh Việt Nam tại Hung thập niên 70 thế kỷ trước.

Chị Nguyễn Võ Lệ Hà (thứ hai từ trái sang) trong cuộc giao lưu mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10-2004 - Ảnh: Trần Minh Tâm (NCTG)

Đó là chị Nguyễn Võ Lệ Hà, thường được biết đến với bút danh Hà Huy Anh (trong các tác phẩm dịch), hay Hà Anh My (trong các bài dịch, bài viết đăng trên báo).

Trong vòng 20 năm qua, Nguyễn Võ Lệ Hà đã chuyển ngữ thành công nhiều tác phẩm của nền văn học Hung sang tiếng Việt, trong số đó, có những tác phẩm kinh điển như “Nàng Iđo” (Ida regénye) hay “Tâm hồn bí ẩn” (Láthatatlan ember, cả hai đều của nhà văn lớn Gárdonyi Géza).

Ngoài ra, chị còn dịch “Lứa tuổi hai mươi” (Húsz évesek, Berkesi András), “Tập truyện ngắn Hungary”, “Mười người da đen nhỏ” (Tíz kicsi néger, bản tiếng Hung tiểu thuyết nổi tiếng của Agatha Christie) và “Truyện cổ tích thế giới chọn lọc”.

Cạnh đó, Nguyễn Võ Lệ Hà còn là tác giả của nhiều đầu sách sáng tác, cũng như rất nhiều bài báo trên đăng trên các báo, tạp chí.

Nhận dịp nhà văn, nhà báo, dịch giả Nguyễn Võ Lệ Hà (NVLH) trở lại Hungary sau bao năm xa cách, PV NCTG đã có một cuộc trao đổi ngắn với chị.
 
*

PV:Chị xa nước Hung đã bao lâu nhỉ? Trở lại Hung, chị thấy có điều gì khác... trong bầu không khí nước Hung bây giờ?

NVLH: Tôi rời Hung năm 1977, sau 5 năm học tại trường Cao đẳng Công nghiệp Xây dựng Ybl Miklós (mang tên một kiến trúc sư nổi tiếng của nước Hung). Như thế... đã 27 năm rồi nhỉ? (cười) Mà đây là lần đầu tiên tôi trở lại Hung sau ngần ấy năm đấy.

Cảm giác ư... tất nhiên là mọi thứ đều đổi khác cả. Đường phố không thể nhận ra, ngoài những khu trung tâm cổ kính như thành Vár, Nhà Quốc hội, Quảng trường Anh hùng... Cửa hàng, siêu thị đúng là mọc lên như nấm...

Một cái lạ nữa là... tiếng Hung: khi đàm phán với báo “Phụ nữ Hungary”, tôi hiểu họ nói, nhưng... phản xạ đáp lại, trả lời lại thì... chưa có ngay; chắc phải mất độ 1 tuần, mươi ngày mới “hồi” lại được (cười).

PV:Chuyên ngành kỹ thuật, nhưng chị lại đi theo con đường viết và dịch văn. Tất cả bắt đầu như thế nào?

NVLH: Thực ra, tôi có thiên hướng về văn học từ khi đi học. Hồi còn ở Hung, chúng tôi đã đọc rất nhiều sách vở tiếng Hung, nhất là thơ. Nhưng về nước, tôi đâu có làm về văn ngay. Thời kỳ 1978-1984, tôi vẫn đi làm tại Viện Thiết kế Quy hoạch trực thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội với chuyên môn là Kinh tế Đô thị.

Thời gian này, tôi thấy ở cơ quan có rất nhiều báo “Thiếu niên Tiền phong” (Pajtás) của Hung, mà không ai đọc được cả. Tranh thủ những lúc rỗi rãi, tôi dịch nhiều mẩu chuyện và kể lại cho bạn bè, đồng nghiệp; từ đó, tôi mới nghĩ chuyện cộng tác với tờ báo dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng của Việt Nam. Rồi từ năm 1985, tôi chuyển nghề hẳn (cười).

PV:Ngoài “Phụ nữ Việt Nam”, chị còn cộng tác với các báo chí khác ở Việt Nam?

NVLH: Có chứ, nhiều lắm! Ngoài các phóng sự (như phóng sự về đề tài “lấy chồng Đài Loan” mà tôi vừa thực hiện mới đây), tôi rất thích viết truyện vui, hoặc những tiểu phẩm vui dành cho trẻ em và cả người lớn. Cạnh sách dịch, tôi cũng đã có 5-6 đầu sách riêng về đề tài trẻ em và tình yêu.

PV:Nói về chuyện dịch. Chị có gặp khó khăn khi dịch các tác phẩm Hung, trong hoàn cảnh ở xa nước Hung và ít có dịp trau dồi vốn tiếng Hung?

NVLH: Thực ra, ở Việt Nam, tôi chỉ có thể trau dồi ngôn ngữ theo tự điển là chính. Khi về Việt Nam, tôi có mang theo 2 cuốn tự điển căn bản, là “Tự điển Việt - Hung” (cuốn màu đỏ ấy), và “Tự điển giải nghĩa tiếng Hung” (Magyar Értelmezõ Szótár), chỗ nào không hiểu là phải giở ra tra ngay (cười).

Về nhà, tôi có dịp học thêm được tiếng Anh và Pháp (cạnh tiếng Nga đã biết); vì thế, việc dịch các tác phẩm văn học nói chung cũng không có trở ngại gì đặc biệt.

PV:Chị là thành viên của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Việt - Hung, một cơ sở có chức năng dịch và phổ biến những tác phẩm văn học Hung đến bạn đọc Việt Nam. Vậy, chị có nhận xét thế nào về nền văn học Hung và sự đón nhận của nó ở Việt Nam?

NVLH: Văn học Hung quá hay, Hung có những tác giả & tác phẩm tầm cỡ thế giới, vậy mà tại sao chúng ta không dịch? Tôi nhớ là trước khi bản dịch cuốn “Lứa tuổi hai mươi” được phát hành (năm 1985) thì mới có một hai tiểu thuyết Hung (như “Ngôi sao thành Eger”) được dịch ra tiếng Việt, và bạn đọc Việt Nam rất thích.

Và ngay đến giờ, những gì chúng ta làm được để đưa văn học Hung đến độc giả Việt Nam, thực ra cũng vẫn chỉ như muối bỏ bể thôi.

Tôi hy vọng là với sự ra đời của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Việt - Hung thì việc dịch thuật, phát hành những tác phẩm ưu tú của nền văn học Hung sẽ được làm một cách quy củ và có hệ thống hơn. Bản thân tôi cũng cố gắng hoàn thành một bản dịch trong năm nay, để ra mắt độc giả Việt Nam thêm một tiểu thuyết nữa của Hungary.

PV:Xin cám ơn chị đã dành cho NCTG chút thời gian trao đổi. Chúc chị có được những giờ phút thoải mái trên nước Hung sao bao năm trở lại!

Tác giả bài viết: H.Linh thực hiện