Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TRÁNH KHỎI CÁI BẪY CỦA TÍN DỤNG NGOẠI TỆ

(NCTG) Thời gian gần đây, do đồng Forint liên tục mất giá so với một số “ngoại tệ mạnh” nước ngoài, người vay tín dụng tính theo ngoại tệ gặp không ít khó khăn trong việc chi trả hàng tháng. Đây là một vấn đề nan giải đối với rất nhiều người Hungary và không ít người nước ngoài sinh sống tại Hungary, trong đó có một số bà con Việt Nam.

Tín dụng ngoại tệ: lợi, hại ra sao?

Để hiểu được bản chất của vấn đề và vạch ra hướng đi khả dĩ trong tương lai, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với chị Fehérné Nguyễn Lệ Hà (L.H.), một chuyên gia tài chính, thuế vụ và kiểm toán.

PV:Xin chị cho biết, tín dụng theo ngoại tệ là gì, và tại sao nhiều người lại chọn nó.

Chị L.H.: Cần nhấn mạnh ngay là hiện tại, rất nhiều hộ gia đình tại Hungary gặp khó khăn trong vấn đề chi trả khoản tín dụng ngoại tệ.

Tuy nhiên, chỉ vài năm trước, tín dụng ngoại tệ còn rất được ưa chuộng, đặc biệt là tín dụng trên cơ sở đồng CHF (Frank Thụy Sĩ). Thử nhớ lại, bao nhiêu người đã chọn mô hình tín dụng này khi vay tiền trong 10-20 năm để mua nhà trả dần. Lý do rất đơn giản: khi đó, đây là mô hình có lợi nhất.

Khi ấy, đồng CHF chỉ “ăn” 145-150 Ft, và lãi suất tín dụng đối với CHF là 2,5-4%, kiểu gì cũng thấp hơn nhiều so với lãi suất đối với đồng tiền Hungary (HUF, 7-9%).

PV:Như vậy, vấn đề ở đây là...

Chị L.H.: Là trong 2-3 năm qua, kinh tế thế giới khủng hoảng toàn diện. Mùa thu năm 2008, Hungary bắt đầu rơi vào cuộc khủng hoảng toàn cầu này và tỉ giá CHF/HUF tăng vọt, hiện tại ở mức 1 CHF “ăn” 220-225 Ft. Như thế, khoản chi trả của các bạn tăng gần (hoặc có thể vượt) 50%!

Tất nhiên, không chỉ đè nặng lên bà con Việt Nam, mà gánh nặng này còn ảnh hưởng đến một tỉ lệ đáng kể cư dân Hungary nên chính quyền Hungary đã phải bàn thảo các biện pháp khả dĩ để hỗ trợ những hộ gia đình gặp khó khăn. Giới tài chính thì đề xuất phương án chuyển từ tín dụng ngoại tệ sang tín dụng HUF (Forint)...

PV:Chuyển trong thời điểm này, trong khi đồng Forint đang mất giá? Lợi hại thế nào?

Chị L.H.: Mọi thứ cần phải cân nhắc trên cơ sở tính toán thực tế!

Hãy lấy một ví dụ: bạn vay một khoản tiền tương đương 5 triệu Ft và chọn mô hình tín dụng ngoại tệ, chuyển sang Ft, sẽ phải trả tổng cộng 7 triệu Ft. Trả trong vòng 15 năm, tính ra, hàng tháng bạn phải trả chừng 70 ngàn Ft.

Đây là điều bạn biết chắc chắn, bạn có thể tính được và cũng thuận tiện cho bạn, vì thông thường bạn nhân được lương tháng, hoặc có thu nhập theo đồng Forint. Trả bằng Forint, bạn sẽ tính được, cho dù là trong khoảng 10 năm nữa, rằng bạn sẽ phải trả bao nhiêu.

Còn nếu giữ mô hình CHF, có thể dạo trước bạn đã từng được trả ít. Tuy nhiên, hiện tại, bạn đã phải trả nhiều hơn 40-50% so với 3 năm trước (và đây là “lỗi” của thị trường, của những biến động tài chính toàn cầu, chứ không phải “lỗi” của mô hình CHF - cần nói rõ như vậy!), và điều gì sẽ xảy ra nếu đồng Forint tiếp tục mất giá? Nếu tỉ giá CHF/HUF là 240 thì sao?

Ai để tâm chút đỉnh đến tin tức tài chính, kinh tế trong đài, báo, TV..., người ấy sẽ nhận thấy rằng đồng Forint lên xuống phập phù, chưa biết bao giờ mới “mạnh” lên được ở mức đáng kể, như xưa, so với các ngoại tệ mạnh. Còn, nếu muốn chờ Hungary gia nhập khối dùng đồng tiền chung Euro, thì cũng còn cần thời gian... chưa thể biết được...

Do đó, nếu ai hỏi bạn 3 năm nữa bạn sẽ phải trả tiền hàng tháng là bao nhiêu, nếu vẫn giữ mô hình CHF, bạn có trả lời được không?

PV:Vậy giải pháp ở đây là...

Chị L.H.: Chuyển sang mô hình HUF (Forint) là một giải pháp mà một số ngân hàng, một số chuyên gia tài chính khuyến dụ các thân chủ. Cho dù phải trải qua một thủ tục chuyển đổi, nhưng sẽ thuận tiện hơn cho bạn, “bõ” cho bạn... Còn hơn là “sống trong sợ hãi” (cười).

Để làm được điều này, bạn có thể hỏi tại cơ sở tài chính, nơi bạn mượn tiền. tất nhiên, văn phòng chúng tôi cũng có thể giúp đỡ bạn một cách hữu hiệu, từ việc tư vấn cho đến thực hiện các thủ tục chuyển đổi, và mọi vấn đề tài chính khác...

Dầu sao đi nữa thi mọi quyết định vẫn nằm trong tay bạn, và bạn sẽ là người nói lời cuối cùng! (cười)

PV:Xin cám ơn chị đã dành thời gian cho cuộc trao đổi hữu ích này!

Tác giả bài viết: Trần Lê thực hiện