Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


THIỀN TRONG THẾ SỰ

(NCTG) Trong năm qua, Chùa Phổ Tế đã là một nơi hấp dẫn đối với nhiều thiện nam, tín nữ cũng như các bạn có ước nguyện tầm sư tập thiền. Phạm Khuê, BTV báo NCTG, đã có cuộc đàm đạo với thiền sư Minh Lai cùng các môn sinh về tập thiền và những kinh nghiệm của Ông ở Hung. Nhân dịp Chùa Phổ Tế kỷ niệm tròn 2 năm thành lập với một chương trình họat động rất đáng quan tâm đối với bà con Việt Nam chúng ta, NCTG xin lược trích giới thiệu cuộc trao đổi đó. (BBT)

Các thiện nam tín nữ Việt Nam trong một buổi lễ ở Chùa Phổ Tế

Phạm Khuê (PK): Cuộc sống hiện tại của đại đa số người Việt, người Hoa ở Hung quá hối hả và gấp gáp. Làm thế nào để thư giãn và tìm lại chính mình? Luyện thiền cũng là một phương pháp hữu ích. Thiền có nghĩa là gì?

Thiền sư Ming Lai (ML*): Thuật ngữ "thiền" có nguồn gốc từ tiếng Trung Quốc: "chan" có nghĩa là trầm tư, mặc định. Đó là một phương pháp cổ xưa ra đời vào khoảng thế kỷ thứ VI. Thiền học không phải là một tôn giáo mà là một triết học, một nghệ thuật sống. Nói một cách văn học, thiền nghĩa là ổn định tâm thần, khiến cho tinh thần thanh thản, yên bình. Mọi người đều có thể luyện tập. Tập thiền sẽ thu được những thành quả tinh thần, chúng ta sẽ gặp gỡ bản thân ta, hiểu rõ những điều sâu kín nhất trong con người ta. Sống cuộc sống của ta, tự nhiên, nhưng theo một cách khác, một ý nghĩa khác, không phải là thờ ơ, buông xuôi! Mục đích của thiền không phải là tìm hiểu thế giới, mà để hiểu, để biết chúng ta thật sự là ai, là cái gì, làm những gì trong hiện tại.

PK: Theo "Từ điển Phật giáo": thiền là lặng nghĩ suy xét. Đạo Phật lấy thanh tĩnh xét tỏ chân tâm làm tôn chỉ nên gọi là thiền. Cũng gọi là thiền na (dhyana). Phép tu chuyên chú tâm vào một cảnh gọi là thiền định, môn tu theo phép thiền định thấy lòng tỏ tính năng thành Phật được gọi là thiền tông, khi lòng đã đắc đạo thì gọi là thiền duyệt. Hội Phật giáo Thiền tông Trung Quốc tại Hung sắp tròn 2 tuổi?

ML: Đúng như vậy. Thiền tông là môn phái chính của Phật giáo: Phật pháp đơn giản, chân trực, không giáo điều và rất dễ dàng hành đạo. Thiền tông đã bảo trì sự thuần khiết sở nguyện của Đạo Phật từ ngàn xưa. Khởi nguồn từ Ấn Độ, Thiền tông đã phát triển rực rỡ, chói lọi hào quang như muôn vàn viên ngọc Minh Châu trong lịch sử văn hóa Trung Quốc và văn minh, trí tuệ nhân loại.

Những hoạt động của Hội Phật giáo Thiền tông Trung Quốc tại Hung trong hai năm qua, cũng như của Chùa Phổ Tế trong một năm vừa qua, đã là những biểu hiện đẹp đẽ của sự kết hợp sâu sắc văn hóa Đông - Tây, tôn vinh văn minh tâm linh người Á Đông trên đất nước Hung tươi đẹp.

Thiền sinh Herman Attila (HA*): Phổ Tế tiếng Hung có nghĩa là "mindenki megmentője" (đại chúng phổ độ: cứu vớt mọi người). Trong năm qua, đã rất nhiều người tìm đến Chùa Phổ Tế. Chúng tôi đã được đón hàng trăm người đủ các sắc tộc đã tới đây: nhà sư Nhật, nhóm môn sinh Nepal, các đoàn người Đức, Ý, các bạn Hàn Quốc, Mông Cổ, Thổ, v.v... Trong năm qua, hai đám cưới theo nghi thức Nhà Chùa đã được tổ chức tại đây: có lẽ đó là những hôn lễ Phật giáo đầu tiên ở Hung!

Thiền sư Ming Lai (giữa) và một cặp uyên ương Hungary trong một lễ cưới tổ chức ở Chùa Phổ Tế

ML: Các bạn Việt Nam đã là những quý khách và cộng tác viên đắc lực ngay từ những ngày đầu: đại hòa thượng Thích Minh Tâm, chủ tịch Hội đồng Điều hành Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất Châu Âu, cùng các thiền sư gốc Việt ở Pháp đã đến chính thức khai quang Chùa vào ngày 2-8-2003. Từ đó, các thiện nam, tín nữ, các bạn Việt Nam đã đến nơi đây như là một chốn đi về, giúp làm thanh tịnh tâm linh trong cuộc sống bộn bề lo âu hàng ngày.

Chúng tôi đã vô cùng xúc động khi được tiếp đón các cụ ông, cụ bà ở tuổi "cổ lai hy" đến từ Việt Nam: các cụ sang Hung thăm con cháu và đã cùng con cháu đến thăm và cầu nguyện tại Chùa, các cụ đã thực sự ngạc nhiên, vui mừng thấy ngay tại Budapest cũng có một ngôi chùa đẹp như thế này!

HA: Được đại hòa thượng Minh Tâm hỗ trợ, nhờ hợp tác chặt chẽ với Chùa Khánh Anh (ở Paris) và Hội Thiền sư gốc Việt ở Pháp, nên chúng tôi đã luôn nhận được các sách báo, tài liệu Phật pháp bằng tiếng Việt. Chùa chúng tôi dành riêng nguồn tài liệu này cho các bạn Việt Nam đến tham khảo và tìm hiểu!

Nhiều bạn Việt Nam đã rất tích cực giúp đỡ khi có bất kỳ công việc gì: phiên dịch, giới thiệu, v.v... Một gia đình ái hữu người Việt đã mang một giống hoa rất đẹp đến trồng, tô điểm cho khôn viên nhà chùa. Nhiều bạn Việt Nam làm ở các văn phòng kế toán đã giúp chúng tôi rất nhiều trong dịp vận động tài trợ 1% thuế thu nhập năm qua.

ML: Chúng tôi cũng bắt đầu thực hiện các khóa học cơ bản về Phật pháp, các lớp luyện thiền, tập Thái Cực Quyền (Tai Chi), các khóa với nhiều bài giảng về thiền học bằng tiếng Hung, tiếng Hoa có phiên dịch (cả tiếng Việt trong trường hợp có nhu cầu!) Các hoạt động này đều miễn phí. Rất mong đông đảo các bạn Việt Nam đến tham gia!

HA: Mới đây, chúng tôi cũng đã triển khai thực hiện các hoạt động cầu siêu, tế độ. Gia đình, người thân của những người quá cố đã bình tâm và có thể tiếp tục cuộc sống an lành nơi dương thế khi tin tưởng người thân của mình đã siêu sinh tịnh độ. Mới đây, nhờ môi giới của Chùa, một vợ chồng già người Hung đã nhận nuôi dưỡng một cháu bé gốc Hoa chẳng may lâm cảnh côi cút.

ML: Chúng tôi đang chuẩn bị một chương trình phong phú (**) cho thời gian tới. Nhân dịp kỷ niệm 2 năm thành lập Hội và Chùa Phổ Tế tròn 1 tuổi, một phái đoàn cao cấp của Hội Phật giáo Trung Quốc do đại hòa thượng Thích Giới Nhẫn dẫn đầu sẽ sang thăm và làm việc tại Hung từ ngày 11-9 đến 17-9-2004.

Đại hòa thượng Thích Giới Nhẫn tốt nghiệp Đại học Phật giáo Trung ương Bắc Kinh năm 1990. Năm 2002, nhuận sắc phương trượng Chùa Phổ Đà. Từ tháng Giêng năm 2004, lĩnh nhiệm chủ tịch Hội Phật giáo tỉnh Triết Giang và phó chủ tịch Hội Phật giáo Trung ương Trung Quốc.

Tháp tùng hòa thượng Thích Giới Nhẫn còn có hai thiền sư Dương Tuấn, pháp hiệu Tĩnh Mân, và Trương Gia Sinh, pháp hiệu Trí Tông cùng hai nghệ sĩ điêu khắc Triệu Quảng Linh và Hoàng Tài Luợng. Hai nghệ sĩ này đã có nhiều tượng Phật trưng bày ở nhiều chùa tại Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan và các vùng Nam Á; những tác phẩm điêu khắc của họ sẽ được giới thiệu tại Hung lần đầu tiên ở khuôn viên Chùa Phổ Tế trong dịp này. Chúng tôi luôn vui mừng đón nhận sự tham gia của các thiện nam tín nữ và các bạn hữu Việt Nam!

Chú thích:

(*) Thiền sư Minh Lai, phương trượng Chùa Phổ Tế, hội trưởng Hội Phật giáo Thiền Tông Trung Quốc tại Hungary. Sinh năm 1968, tốt nghiệp Đại học Cát Lâm, xuất gia tòng sự đại hòa thượng Tĩnh Tuệ tại Chùa Bách Lâm, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Năm 1977, tòng sự đại hòa thượng Tĩnh Tuệ đến Hungary, khai quang Chùa Hư Vân Thiền Viện. Năm sau, nhận lĩnh sắc phong phó chủ tịch kiêm thư ký Trung tâm Phật giáo Thiền định Hư Vân tại Hung. Năm 2002, kiến lập Hội Phật giáo Thiền Tông Trung Quốc tại Hungary, được bầu làm hội trưởng.

Thiền sinh Herman Attila: nguyên là nghệ sĩ ca hát kịch của Đoàn Ca kịch Trung ương Hungary, đã biểu diễn nhiều nơi, 7 dịp công diễn ở Nhật. Say mê trà đạo và ngộ đạo tại Thiền viện Kyoto.

NCTG đã có bài giới thiệu về thiền sư Ming Lai, thiền sinh Herman Attila và Chùa Phổ Tế (xin xem "Tầm sư tập thiền", tác giả Phạm Khuê, NCTG số ra ngày 24-7-2003).

(**) Chương trình:

- Ngày 11-9: Đón Đoàn tại Sân bay Quốc tế Budapest (Ferihegyi 2)
- Ngày 12-9 Chủ nhật: 18 giờ: Hoằng pháp tại Chùa Phổ Tế
- Ngày 13-9 Thứ Hai: Thăm và làm việc với Trung ương Giáo Hội Hungary
- Ngày 14-9 Thứ Ba: Lễ kỷ niệm 2 năm ngày thành lập Hội Phật giáo Thiền tông Trung Quốc tại Hungary (Chùa Phổ Tế)
* 9 giờ 30: Chúa Phổ Tế mở cửa đón khách
* 10 giờ: Khai mạc buổi lễ, phát biểu, lễ đặt tượng Phật Cứu Độ tại khuôn viên Chùa Phổ Tế, lễ hoằng pháp của đại hòa thượng Thích Giới Nhẫn
* 11 giờ 45: Biểu diễn võ thuật do các môn sinh Thiếu Lâm (tại Hungary) trình diễn.

Chùa Phổ Tế: Quận XIV Budapest, đường Rádió, số 12 - có thể đi bằng phương tiện công cộng như sau: từ Őrs vezér tere, đi HÉV và xuống ở bến Cinkota, sau đó đi bộ chừng 100m và rẽ phải.

Tác giả bài viết: Phạm Khuê