Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


THẮC MẮC VỀ GỌI CỨU THƯƠNG

Hỏi: Có những lúc con hay vợ tôi ốm mà đêm hôm, tôi muốn gọi cứu thương mà không biết có nên không, hoặc chờ đến hôm sau đưa khi khám bác sĩ. Có khi muốn gọi, nhưng lại sợ phiền (vì mình là người nước ngoài, không biết có gì rắc rối hay không?) Xin NCTG cho biết thêm một số thông tin (khi nào nên gọi, gọi ra sao, v.v…) (Một độc giả)

NCTG: Theo thông báo của Cơ quan Cứu thương Quốc gia Hungary, trong trường hợp cần thiết phải cấp cứu, bất cứ ai trên lãnh thổ Hungary cũng đều có thể gọi cứu thương, cho dù người bệnh mang quốc tịch gì và trạng thái bảo hiểm y tế ra sao.

Những trường hợp sau đây, được coi là cần chữa trị ngay lập tức và Cơ quan Cứu thương Quốc gia khuyến cáo rằng chúng ta có thể gọi cứu thương:

- nếu người bệnh bị nguy hiểm đên tính mạng, hoặc có triệu chứng khiến chúng ta phải nghĩ đến điều đó (bất tỉnh nhân sự, ra máu nhiều, v.v…),

- người bệnh bị tai nạn, bị thương, hoặc bị ngộ độc vì bất cứ nguyên nhân gì,

- đau đẻ, chuyển dạ hoặc bất cứ triệu chứng gì bất thường trong thời gian thai nghén,

- bị đau nặng, hoặc những triệu chứng đáng ngại khác (ngạt thở, khó thở, cử động khó khăn tứ chi, v.v…),

- nếu ở người bệnh có những cử chỉ không tỉnh táo, có thể ảnh hưởng và gây hại đến bản thân và những người xung quanh.

Trên lãnh thổ Hungary, có thể gọi cứu thương theo số 104 (từ máy bàn và máy cầm tay). Từ năm 1999 trở đi, Hungary có thêm một số điện thoại khẩn thống nhất (112) mà chúng ta có thể gọi nếu đồng thời, cần xe cứu thương kèm cứu hỏa, hoặc cảnh sát.

Để thuận tiện cho việc gọi xe cứu thương, chúng ta nên chuẩn bị các nội dung sau:

- Người bệnh ở đâu? (địa chỉ chính xác, nếu không rõ thì có thê hướng dẫn cách cho xe đến),

- Điều gì xảy ra? (ví dụ: bị thương, bị ngã quỵ, bị ngất, bị bệnh tim, ngạt thở, bị ngã từ trên cao xuống, bị tai nạn ôtô, phóng xe máy đâm vào cây, v.v…),

- Có mấy người bệnh hoặc bị thương?,

- Vết thương kèm những triệu chứng như thế nào? (ví dụ: nằm dưới đất, đau chân, mặt mày nhợt nhạt, toát mồ hôi, ngạt thở, bồn chồn, môi tím ngắt, tay chân co thắt, sùi bọt mép, v.v…),

- Tên và số điện thoại của người gọi cứu thương (cần thiết nếu xe cứu thương không tim đến nơi vì địa chỉ không chính xác, phải gọi lại, v.v…)

Khi gọi cứu thương, chúng ta hãy chờ đợi xem Tổng đài có hỏi han gì không (rất quan trọng, để Tổng đài ghi lại địa chỉ chính xác và có những thông tin cần thiết về hiện trạng người bệnh), rồi hẵng đặt máy.

Nếu người bệnh bị bệnh mãn tính, nhưng có thể chưa cần cứu thương ngay, chúng ta nên gọi bác sĩ khu vực hoặc bác sĩ trực ban; sau khi khám, họ sẽ cho ý kiến là có cần cấp giấy giới thiệu cho bệnh nhân vào viện hoaặc gọi xe chở bệnh nhân hay không. Nếu có, họ sẽ làm những việc cần thiết.

Hy vọng những thông tin chính thức nói trên trả lời được đầy đủ câu hỏi của bạn!

Tác giả bài viết: NCTG