Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TẦM SƯ TẬP THIỀN

(NCTG) Thiền sư Ming Lai đón tôi trước một khuôn viên yên tĩnh rợp bóng cây, có một cổng cao đắp ba chữ "Phổ Tế Tự", còn thơm mùi sơn. Sau hơn năm năm gặp lại, tôi đã không giấu nổi sự ngạc nhiên về trình độ tiếng Hung của sư thầy còn quá trẻ. Với một giọng điệu rất uyển chuyển, lưu loát, thiền sư bảo tôi: "Xin thứ lỗi vì y bát không được chỉnh tề cho lắm. Công việc đang rất bề bộn. Tất cả nỗ lực của chúng tôi là sao Chùa phải thật khang trang, hoàn thiện trước mồng 1 tháng tới".

Chùa Phổ Tế (Budapest, Quận XVI)

* Chùa Phổ Tế sắp khai quang

Đã hơn 5 giờ chiều mà mọi người đang còn mê mải: mấy anh đang vun đất bên hàng cây vừa trồng, nhiều chị, em đang sơn hàng rào; một tốp đang dọn vườn, khuân chuyển gạch gỗ; tiếng cười, nói rộn ràng vui vẻ. Tôi nhận ra phần đông là những thương gia vừa từ Chợ Bốn Hổ tới. Nhiều người cũng mỉm cười hoặc cao giọng chào tôi; những khuôn mặt phấn chấn rạng rỡ, như cảnh lao động tập thể trong các phim của thời Đại Nhảy Vọt khi xưa.

Đến cửa một phòng đầu của dãy nhà dài, nơi phát ra tiếng cưa gỗ, theo tiếng gọi của sư thầy, một "magyar férfi" (người đàn ông Hung) chính hiệu, cao lớn bước ra, trên áo quần còn phủ đầy mạt cưa. Với dáng một nghệ sĩ, anh nghiêng người bắt tay tôi, cười rất tươi: "Rất hân hạnh, tôi là chú tiểu Attila". Phải thú thật là tôi đã gần như té nhào khi nhận ra đó chính là Herman Attila, một ca sĩ, một nghệ sĩ ca kịch của Đoàn Ca Vũ Trung ương Hung nổi tiếng, người mà tôi đã được gặp sau một chương trình biểu diễn chiêu đãi quốc tế năm xưa. Một câu hỏi không thật lịch sự cho lắm, đã bật ra: "Hogyan kerültél ide?" (Sao anh lại đến nơi đây?)

- Đúng là tôi đó. Tôi đã đi biểu diễn gần khắp thế giới, đã sống với nhiều nền văn hóa, tiếp xúc nhiều dạng người, đã vào tuổi "tùy tâm sở dục" và tôi đã là thiền sinh, tôn Ming Lai làm thầy - Herman Attila đáp. Rồi mặc sự tò mò của tôi, anh rảo bước dẫn tôi vào chính điện của dãy nhà, còn đang bừa bộn các tấm ván ép và đá lát sàn. Pho tượng Đức Phật Thích Ca Mầu Ni và pho Quan Thế Âm Bồ Tát đang còn trùm kín, vừa hé mở đã thấy lóe sáng sơn son thiếp vàng. "Rất tiếc là các bậc đại lão thiền sư từ Trung Quốc không đến khai quang, họ không xin được thị thực vì dịch SARS. Chúng tôi đang chờ đón các đại lão hòa thượng gốc Việt sẽ từ Pháp tới".

Thiền sư kính cẩn vuốt lại tấm vải che, đưa mắt nhìn tôi: "Cầu mong các bạn Việt Nam cũng đến dự lễ. Dãy nhà bên kia, gian đầu là thư xá của sư phụ, phòng sau là tệ xá của bần tăng. Còn dãy nhà tiếp sẽ được kiến tạo thành những quán trà đạo kiểu Nhật. Một thiền viện ở Yokohama sẽ gửi tới một bộ trà cụ đầy đủ cả từ gáo múc nước đến ấm sành ủ bột chè".

* Thiền sinh học và thiền tâm linh

- Nhưng đâu có phải vì mê trà đạo mà anh trở thành chú tiểu của Chùa này? - tôi vội chớp cơ hội, đặt câu hỏi.

- Đúng là không phải chỉ vì mê trà đạo. Nhưng trong suốt cả bảy lần đi công tác ở Nhật, nhất là từ khi đã có vốn tiếng Nhật kha khá, tôi luôn tìm đến các thiền viện. Ở đó, trà đạo mới thật đạt tới bậc diệu huyền, mà hơn nữa, tôi có dịp may được nghe (và đọc) những mẩu chuyện về cuộc đời và hành trạng của các bậc thìền sư Nhật Bản. Mỗi mẩu chuyện là một bài học về nỗ lực tự hoàn thiện bản thân, phát triển tâm thức và thăng hoa nhân cách. Tôi dần hiểu ra rằng hơn hai chục năm tập thiền (tôi có học Yoga từ thời còn thanh niên), mới chỉ ở mức các bài tập thể dục thiền sinh học, chưa đến được thiền tâm linh. Cũng như sự cần thiết phải tu chỉnh cái tâm của chính mình.

Là một nghệ sĩ, có điều kiện, nên tôi cũng đã nhiều phen chạy theo những mốt sống ưa tiêu xài. Nhưng cũng chính tại một thiền viện ở Kyoto, tôi đã ngộ đạo: tự bản thân mình phải đào xới mảnh đất tâm linh của chính mình. Vì cuộc sống là vốn quý, dẫu cho kiếp người phù sinh, không thể để mê mù khuất lấp, không thể mặc cho cái thân xác mình biến thành "thùng rượu bị thịt" mãi được.

* Hư Vân Thiền Viện

- Vào giữa năm 96, tôi đã quyết định đi tu. Bỏ nhà cửa, gia đình, quay lại Nhật, tôi sẽ đi ở hẳn tại một thiền viện. Nhưng rồi tình cờ, tôi được gặp sư phụ đây tại Hư Vân Thiền Viện (ở phố Belle Imre, quận 15, gần Chợ 96).

- Lúc đó, sao tôi thấy tiếng Hung khó thế! - vị sư phụ cắt ngang dòng tự sự.

Tôi nhớ lại đúng là dạo đó tôi cũng không mấy tích cực khi thỉnh thoảng nhận đến đó phụ đạo hai sư tiếng Hung, đổi lấy các bài giảng về kinh Kim Cương, càng đọc càng khó hiểu. Dạo đó, sư Ming Lai tòng sự Lão sư Tĩnh Tuệ mới đến Hung. Ngày ngày sư hoằng pháp tại Chùa Hư Vân và khổ công luyện học tiếng Hung.

Attila kể tiếp: "Ở Hư Vân Thiền Viện, tôi tập thiền, nhưng luôn cảm thấy thiếu một môi trường trà đạo. Mỗi người đến với thiền bằng những con đường khác nhau. Tôi đã từ mê trà đạo và thơ hài cú (haiku). Đọc "Lãn Nhân Lục" (Sách do kẻ vô công rồi nghề viết ra), tôi thấy đó là một tác phẩm chứa đựng những tư tưởng thâm triết và uyên ảo, rất cần cho kẻ học đạo, cư sĩ tham cứu và ứng dụng. Không có gì lạ khi tôi tôn Ming Lai làm thầy, gọi bằng sư phụ, tự xưng môn sinh (tanítvány) dù tôi là người Hung, tuổi đời gần gấp hai lần. Ngược lại, đối với tôi đó lại là một may mắn: được tu thân ngay trên đất quê mình".

Thiền sinh Attila và sư phụ Ming Lai (mặc áo may ô trắng) trong bữa cơm đời thường sau một ngày lao động

* Âu Á kết hợp

- Thế là tôi đã bán nhà cửa, góp với ba bạn Tầu cùng tậu khuôn viên này. Hơn nửa năm qua, chúng tôi đã cùng nhau cải tạo, sửa sang. Hoàn toàn tự lực cánh sinh. Một thiền viện đang được kiến lập, sẽ khai quang vào đầu tháng Tám. Nó sẽ trở thành nơi tọa thiền cho tất cả các bạn, người Hung, người Tàu, người Việt... sau những giờ phút bộn bề lo toan. Và nó sẽ giúp các bạn tĩnh tâm để làm đẹp hơn những cuộc sống đời thường, trong ngày tháng tha hương...

Tôi ngắm nhìn Attila, không, thực không có gì phải quá ngạc nhiên, anh vẫn là nghệ sĩ. Anh vẫn hát bằng tâm hồn ngày càng thánh thiện những bài ca võ sĩ đạo đầy hòa khí, cầu mong cho sự an bình của chúng ta, tất cả những người đang sống trên quê hương anh.

(*) Chùa Phổ Tế hoan nghênh Các Bạn đến dự Lễ Khai Quang sẽ được cử hành từ 9 giờ đến 11 giờ ngày 2-8-2003 - Hoằng pháp và tọa thiền sẽ được tổ chức từ 19 giờ các ngày 2 và 3-8-2003 - Địa chỉ: nhà số 12 Radió utca, Quận 16.

Điện thoại liên hệ: (36-1) 400-0061 - Mobil: (06-30) 508-7571 - Từ bến cuối của Metro đỏ (Örs vezér tere), đi theo đường HÉV đến ga CINKOTA, đi thêm 50m sẽ thấy tấm biển lớn đề "Fu Ji Templom", vào 10m là Nhà Chùa Phổ Tế.

Tác giả bài viết: Phạm Khuê