Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Sổ tay NCTG: TÔN VÂN ANH

(NCTG) Ngày mai, Chủ nhật, lần đầu tiên NCTG có một CTV ra tranh cử trong cuộc bầu cử chính quyền tự quản địa phương ở nơi “đương sự” sinh sống: đó là Tôn Vân Anh (TVA).

Poster tranh cử chính quyền tự quản địa phương của Tôn Vân Anh

Thật ra, danh tính của TVA thì mình đã được nghe tới từ rất lâu, trong tin tức, trên báo chí, truyền thông và cả những lời kể của bạn bè, người quen - đặc biệt là từ vụ “lùm xùm” nổi/khét tiếng của cô liên quan đến cái “bát” (passport) Việt. Tuy nhiên, xuất hiện trên NCTG như một CTV, thì phải chờ đến tháng 1 năm nay, với một phóng sự về tư vấn ngoại kiều ở Ba Lan mà khi gửi cho báo, TVA đã than phiền là nó “khô như ngói” :).

Không sao, mình nghĩ (và cũng nói với tác giả), vì những hoạt động xã hội thế này - với sự tham gia của người Việt - cần, cần lắm. Và đặc biệt, bà con mình ở Đông - Trung Âu đa phần kinh doanh, chứ số người góp mặt vào đời sống dân sự, xã hội và chính trị ở nước sở tại thì vẫn “xưa nay hiếm”. Cho nên những sinh hoạt ấy rất cần phải đưa tin, để dần dà thấy sự quan trọng của nó, cho dù bản thân nó ít “hot” đối với đa số độc giả.

Và cứ như thế, bốn bài tiếp theo của TVA - bài nào cũng gắn liền với một nét nào đó trong hoạt động của cô - vẫn cứ không tránh khỏi nét... khô như ngói ấy - làm sao khác, đề tài nó vậy :). Nhưng đồng thời, nó đáng kể ở chỗ, cho thấy sự hiện diện của người (gốc) Việt trong sinh hoạt nhân quyền, dân quyền hay truyền thông của nước sở tại vùng Đông Âu - một biểu hiện của sự hội nhập chính trị - không còn là cái gì quá xa lạ nữa.

Trước đây, nhân dịp Nicolas Sarkozy - con trai một người nhập cư Hung - trở thành Tổng thống Pháp, đã có độc giả hỏi (vui) rằng không biết, luật Hung có cho phép các cháu thuộc thế hệ thứ hai, đã nhập tịch Hung, được thành... lãnh đạo, ví dụ: thủ tướng, tổng thống Hung, sau này? (Câu trả lời là có, vì trên góc độ này luật pháp Hung không phân biệt một người đã có quốc tịch Hung từ thời điểm ra đời hay về sau mới nhập tịch Hung).

Trong dịp đó, ở phần trả lời trên NCTG, mình có “tán rộng” ra rằng, “tất nhiên, nghề nào cũng quý, cũng đóng góp cho xã hội, nhưng biết đâu, một danh họa, một nhà tạo mẫu nổi tiếng, hoặc một nhà chính trị lỗi lạc gốc Việt, ngoài việc mang lại “danh lợi” cho bản thân và gia đình, lại chẳng góp phần nâng địa vị của cộng đồng Việt Nam và chứng tỏ một mức độ cao nhất của sự hội nhập với đời sống văn hóa và xã hội của nước bản xứ?”.

Thật ra, từ bao giờ mà đa phần người Việt chúng ta ngại những hoạt động kiểu vậy đến thế nhỉ, ngay cả khi đã ở nước ngoài? Không ít bận, hễ cứ nói đến “chính trị” là nhiều người dúm dó, lẩn tránh ngay, coi là chuyện “triều đình”, “dân đen” biết gì mà tham gia, sợ bị cho là “phản động”, v.v... Phải chăng đây là hậu quả của cái tư duy “nhường” hết cho “Đảng và Chính phủ” làm những việc đó - thường dân thì cứ học hành, buôn bán cho lành?

Ngẫm lại một chút thì dường như thế hệ cháu chắt hiện tại thua xa các cụ kỵ đầu thế kỷ 20, sao mà họ náo nhiệt những công việc chính trị, xã hội đến thế từ khi còn rất trẻ, mười bảy mười tám tuổi? Hết làm cách mạng, lập đảng này tổ chức nọ lại ra báo chí tùm lum, rồi tranh cử Hội đồng Thành phố hay Hội đồng Quản hạt các kiểu - có lẽ phải có một thể chế dân chủ và ít nhiều cũng công bằng nên các cụ mới “phát huy” được như thế.

Thế nên, mình vẫn nghĩ, giới trẻ, hoặc kể cả trung niên (gốc) Việt ở Đông Âu, đã đến lúc có thể nghĩ tới một cách nghiêm túc việc “tham chính” - hoặc nói rộng hơn là dấn thân vào các sinh hoạt xã hội, chính trị hay dân sự của nước sở tại như là một “chuyên môn”, một nghề hết sức chân chính và không phải là không có triển vọng - bên cạnh những nghề khác vốn dĩ rất phổ biến hiện tại như kinh doanh, kỹ sư, bác sĩ... Tại sao không?

Trở lại chuyện ra ứng cử của TVA (và một số anh, chị khác bên Ba Lan), mình nghĩ là tín hiệu rất mừng, và vui. Đặc biệt, với những quan hệ trong chính giới, truyền thông kèm thực lực, kinh nghiệm hoạt động dân quyền thời gian qua, mình tin và hy vọng rằng nếu không bây giờ thì một lúc nào đó, TVA sẽ có được vị trí xứng đáng trong sự hội nhập và giao thoa chính trị với xã hội bản địa. “Chỉ” cần sự kiên trì, quyết tâm và sự may mắn.

Hồi hộp chờ đợi xem thế nào!

(*) Các bài viết của TVA trên NCTG:

Người Việt ở Ba Lan: ĐI NGHE TƯ VẤN NGOẠI KIỀU

NGƯỜI NGOẠI QUỐC VÀ SỰ HỘI NHẬP CHÍNH TRỊ

HẬU TRƯỜNG TI-VI

KHÔNG HỐI LỘ - PHIÊN TÒA ĐẶC BIỆT CỦA NGƯỜI VIỆT TẠI BA LAN

BIỂU TÌNH CHO HỒNG KÔNG TẠI WARSZAWA

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh