Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


SAU THỀM ĐẠI HỘI VÀ TRƯỚC THỀM WORLD CUP

VNKATONÁK, diễn đàn các cựu học viên quân sự Việt Nam tại Hungary, là một địa chỉ ngày càng được nhiều người tham gia vì nội dung hấp dẫn của nó! Ngoài loạt bài hồi tưởng rất đặc sắc về những năm tháng học tập và công tác trên nước bạn (mà NCTG đã đăng dài kỳ), forum còn thu hút người đọc vì các mục về văn hóa, con người Hung, cũng như các bài viết hóm hỉnh, trào lộng và trí tuệ. Những thảo luận nhẹ nhàng, "trà dư tửu hậu" của VNKATONÁK cũng rất đáng chú ý vì nội dung sâu lắng của chúng.

Trong số báo này, NCTG xin giới thiệu một bài viết dí dỏm của một thành viên xuất sắc của diễn đàn. Bản đã được hiệu chỉnh và biên tập của NCTG (BBT)

Các bạn phần lớn đều là vnkatona (cựu quân nhân Việt Nam tại Hung), là K-ista (đảng viên Cộng sản), nên trước và sau "thềm Đại hội (ĐH)" vừa rồi chắc không ít thì nhiều cũng có theo dõi.

Tôi thì nói thật là theo dõi cúp C1 và tình trạng sức khỏe của các cầu thủ như Ronaldinho, Kaka, Toti, Deco, Del Piero, Owen... còn kỹ hơn nhiều. Chả là đã quá quen với các kết quả của các lần ĐH, mà lần nào cũng như lần đó, cũng là thành công tốt đẹp cả, mà không thành công sao được khi đã ĐH trước rồi còn đến khi quay phim chụp ảnh thì đã xong rồi, làm gì chả "tốt đẹp". Vấn đề là đất nước có thành công hay không (để các tổ chức quốc tế đánh giá, qua các con số) chứ mình đánh giá thì lúc nào cũng "thành công tốt đẹp" hết.

Nhớ lại chút ít môn Triết học Marx - Lenin hồi học ở Hung. Tiếc là hồi đó học lơ mơ quá vì thày giáo quá dễ (không đi học cũng đỗ) nên lý luận chả thấm vào người bao nhiêu, nhưng hình như chủ nghĩa Marx có nói: Xã hội luôn tồn tại mâu thuẫn và đấu tranh giải quyết mâu thuẫn làm xã hội phát triển. Trở về quê, xem trên TV và sách báo, thấy đưa tin mấy nước "khùng", nhất là những nước có bất đồng ý kiến ở mức cao nhất (trong Quốc hội). Thăm dò ý kiến được đăng công khai hàng tuần, thậm chí hàng ngày (bao giờ nước mình mới được như vậy?) về mức độ tín nhiệm của chính phủ, tổng thống hoặc thủ tướng...

Còn mình thì lúc nào cũng nhất trí "trăm phần trăm". Tôi ở nhà quê nên liên tưởng ngay: vì ở "trển" luôn "trăm phần trăm" nên ở các bàn nhậu ở quê tôi cũng luôn luôn "trăm phần trăm"! Mấy "thằng" lãnh đạo tư bản không nhất trí với nhau nên dân của nó hình như cũng vậy, không nhậu nhẹt nhiều như mình và vì thế cũng ít "trăm phần trăm". Có lẽ người ta còn phải lo nhiều vấn đề liên quan đến "giãy chết". Khổ thật! Còn mình chẳng có mâu thuẫn gì cả nên lúc nào cũng 100% nhất trí. Sướng tê người!

Kèm mấy đứa con học bài cũng nhân thể ôn lại kiến thức Lịch sử chứ không thì quên hết ráo, tôi mới thấy trong quá khứ Việt Nam ta, thời phong kiến đất nước chỉ một vua (đương nhiên), nhưng cũng có giai đoạn hưng thịnh vì ông vua đó vì đất nước. Nhưng phần lớn là các ông vua không đóng góp gì mà chỉ ăn chơi, phá phách. Đơn giản là không có ai kiểm tra, giám sát và không sợ mất ngôi (lớn nhất rồi còn ai lớn hơn mà cách chức). Nói theo ngôn ngữ bây giờ là không có "ông vua đối lập". Tại vì bây giờ có người (chức to) đề cập đến vấn đề "MultiPart" (đa đảng) nên tôi cũng "tát nước theo mưa" lấy vấn đề này đi phỏng vấn vài người xem họ suy nghĩ gì. Câu hỏi "Anh (chị, đồng chí...) suy nghĩ gì nếu nước mình có MultiPart?" có những câu trả lời sau:

1. Một người đạp xích lô: Một đã khổ rồi, MultiPart thì chết luôn.

2. Một bà nội trợ: Một tuần ông nhà tôi bảo đi sinh hoạt chi bộ 3 buổi bây giờ MultiPart để ông ấy sinh hoạt tối ngày không về nhà sao?

3. Một vnkatona: Không biết MultiPart có tốt hay không nhưng trước mắt thấy cái gì đa cũng hay cả, như TV đa hệ, đa dịch vụ, công ty đa quốc gia, cầu thủ đa năng...

4. Một K-ista (không phải vnkatona): Chưa chắc tốt vì gây mất ổn định, như Trung Quốc, Singapore... có sao đâu, vẫn phát triển rầm rầm...

5. Một cháu sinh viên trong nước: Chắc là tốt vì họ "soi" nhau kỹ thì không ai dám làm bậy..., v.v...

Năm người mười ý! Thời phong kiến một vua, nếu là minh quân thì đất nước được nhờ (như Singapore và Trung Quốc bây giờ), nhưng không phải ông vua tốt thì sao? Vậy phải có cơ chế nào giám sát và bắt nó không được hư hỏng? Giống như nhiều người trong số các bạn vnkatona chúng ta thôi, tôi cũng thế, vợ đi vắng lâu lâu (không ai giám sát) là y như rằng nhậu với bạn lâu hơn một chút, ăn uống qua quýt (khỏi nấu nướng) một chút, lười dọn dẹp nhà cửa một chút. Hay cụ thể hơn như là một bài hát bây giờ họ hay hát (xuyên tạc):

... Mẹ đi vắng, Mẹ đi vắng!
Ba sang chơi nhà Dì, í a...
Ba cầm tay Dì ba hát
Ba cầm tay Dì ba hát
Hát mong mẹ về với em
Chứ ba và Dì rất vui...

Không giám sát là hỏng người ngay, chứ mấy ai nghiêm túc giữ mình. Theo cơ chế không bị giám sát như vậy nên bây giờ cán bộ mình phần lớn ở trong tình trạng khi đi dự hội nghị được đọc: "Kính thưa các đồng chí (chưa bị phát hiện)..." Nói vui vậy thôi chứ còn nhiều người tốt, không tôi lại mắc tội "gieo rắc tư tưởng bi quan".

Khi sang Hung mới thấy cuộc sống của họ nhiều màu sắc, từ nhà cửa, trang phục, hàng hóa... chứ không một màu xám xịt như nước mình hoặc Trung Hoa thuở đó (đi tàu hỏa qua). May mà nước mình có đổi mới nên cũng đỡ nhiều và có "anh-tơ-nét" mà tán gẫu với các đồng chí thế này. Tuy thế, khi nghe bài hát "Sắc màu" của Trần Tiến - mà phải giọng hát của cô cháu gái sắc đẹp loại "nghiêng thùng đổ nước" Trần Thu Hà hát - mới thấy hay làm sao! Đúng là nghệ sĩ họ hay thật, ý tưởng là thể hiện ra bằng giai điệu được ngay. Xã hội phải có màu sắc, mà phải đa sắc màu mới phong phú. Nước Đức quá hiện đại và phát triển nhưng kỷ luật đến máy móc và lạnh lùng. Bạn Phan Hồng có kể rằng cùng khóa với bạn, có một sinh viên người Đức suốt 5 năm không bao giờ đi học muộn và ngồi đúng một chỗ trên giảng đường. Đi học thì chỉ đi bộ (chắc phải dậy từ rất sớm) , không phải không có tiền mà là rèn luyện sức khỏe (bố dặn như vậy). Có một lần không đến đúng giờ, mọi người thắc mắc ngay thì thày giáo "trấn an" cả giảng đường rằng anh ta đã gọi điện xin phép vì phải ra sân bay đón người nhà... Vì lẽ đó mà bóng đá của Đức cũng tẻ nhạt, các năm sau này họ nhập cảng rất nhiều cầu thủ ngoại (như Brasil) để bóng đá của họ có thêm "sắc màu" ngẫu hứng, cuồng nhiệt và lãng mạn. Nhờ vậy các sân vận động lại chật cứng người.

Mà như Singapore kỷ luật cao quá đến độ trẻ em ra đường không dám cười đùa nên hủ tướng nước họ phải phát biểu: "Trẻ em ra ngoài đường mà không còn hồn nhiên thì xã hội có vấn đề..." Rồi một phiên tòa tại Thụy Điển xử không cho một cặp vợ chồng già nọ không được nhận một đứa trẻ về nuôi với lý do họ ở với nhau mấy chục năm mà không bao giờ cãi nhau nên không đủ kỹ năng dạy cho đứa trẻ vượt qua những khó khăn về tâm lý. Ôi chuyện này ở nhà quê như mình đọc thấy cứ như đùa!

Bởi vậy, toàn cầu hóa có cái hay là làm dân Việt mình san sẻ bớt các đức tính mà có thể cho là "Người Việt xấu xí" như luộm thuộm, không có tổ chức, kỷ luật cho các "bác" da trắng quen kỷ luật khô cứng. Dân Việt mình cũng phải ngăn nắp, kỷ luật lên do ảnh hưởng khi làm việc với họ.

Cứ lan man đâu đâu không trở lại vấn đề là trước và sau thềm ĐH: tôi thấy ĐH không được sắc màu lắm, luôn luôn nhất trí "trăm phần trăm" và không thấy cơ chế nào để những người đứng đầu các ngành phải mất chức khi ngành mình xảy ra sự cố. Tóm lại vẫn các đồng chí như Nguyễn Y Vân, Vũ Như Cẫn... Các "bác" này vẫn làm quản lý nhà nước thì vẫn còn chuyện nước nghèo nhất thế giới nhưng phải mua xe hơi đắt nhất thế giới. Phải chứng minh có chỗ đỗ xe hơi mới được mua xe hơi, xe máy ngoại tỉnh không được vào nội tỉnh, mỗi người chỉ được sở hữu một chiếc xe máy, phải có hộ khẩu mới được mua nhà và phải có nhà mới được đăng ký hộ khẩu. Quá đánh đố người dân, khó hơn nhiều so với câu đố trắc nghiệm sau: "Phương tiện thông tin nào hiện nay truyền thông tin nhanh nhất?" (các khả năng: 1. Điện thoại; 2. Internet; 3. Phụ nữ).

Cứ tình hình quản lý nhà nước theo cảm tính như thế này thì đến một lúc nào đó sẽ có quy định bạn phải chứng minh được bạn có giường đôi bạn mới được cưới vợ. Hoặc để tránh hỗn loạn thị trường may mặc, bạn chỉ được phép có một bộ... com-lê (cà-vạt có thể được nhiều hơn một chút). Các bạn ở trong Nam không dùng tiêu chuẩn này có thể bán lại tiêu chuẩn cho các bạn ở phía Bắc vì nóng không mặc được, giống như người nghèo đứng tên hộ xe máy cho người giàu thời gian qua.

Chưa hết, gần đây có mấy "chuyên viên cấp cao" còn đề xuất thuế thu nhập cho những người có thu nhập trên 1 triệu đồng hàng tháng, cũng may mà mấy "bác" cấp cao hơn nữa chưa ngủ gật nên chưa duyệt chứ không thì chả hiểu quản lý nhà nước thế này sẽ đi đến đâu. Người ta phải sống được mới có thu nhập mà đóng thuế, chứ không sống được thì lấy đâu mà đóng? Các "chuyên viên cấp cao" này quả là giàu óc "sáng tạo"!

Thời đại "anh-tơ-nét" bùng nổ lại sinh ra và phải nuôi một bộ phận cán bộ nhân viên tạo bức "tường lửa" vì sợ bà con vào các trang web phản động và bậy bạ. Vô ích! Vì tôi thấy người lớn tuổi như mình mà chỉ bằng thủ thuật nhỏ là vào được tất các trang web nước ngoài, hải ngoại nữa là các bạn thanh niên nhanh nhạy bằng mấy mình. "Tường lửa" cũng như chống buôn lậu nhưng biên giới thì dài, rừng nhiều, biển nhiều không thể chặn hết được. Tập trung vào việc gì mình làm được có hơn không? Nên tập trung vào bảo mật các dữ liệu là chính thôi, giải tán các "bố" làm "tường lửa" này đi, để tập trung xuất khẩu phần mềm còn hơn. Con người ai chả có trí tò mò nhưng khi mọi thứ bão hòa thì lại quay về những giá trị cốt lõi nhất của con người. Người Mỹ hay Tây Âu có phải lúc nào họ cũng xem "Playboy" hoặc phim "chăn nuôi" đâu, ngược lại những phim nghiêm túc, tiểu thuyết hay... lại được họ thưởng thức nhiều nhất. Tiếc là không có thống kê cho xứ sở mình, hay các "bác" quản lý nhà nước sợ cho thăm dò và thống kê lại ra những con số không mong muốn?

Quay lại chủ đề Multi hay không Multi. Xin nói trước là nhà tôi 3 đời bần cố nên cũng là 3 đời K-ista, nhờ K-part (Đảng Cộng sản) mà mình mới có cơm ăn áo mặc và được học hành tử tế nhưng vẫn phải thừa nhận một thực tế rằng: toàn thế giới, tất cả những nước phát triển với khoa học kỹ thuật tiên tiến, văn hóa cao, xã hội văn minh hơn mình nhiều lần mà họ áp dụng mô hình Multi Part thì không lý gì mình lại đi ngược lại mà cứ cho là hay. Tôi thì cứ liên tưởng đại như thế này: ở vùng nọ trong làng toàn thanh niên hư hỏng và lưu manh mà có một cô gái đẹp nhiều người để ý. Biết chắc chắn những thằng kia không ra gì nên mình tuyên bố chỉ mình là người đem lại hạnh phúc cho cô gái đó, vậy những thằng kia... đi chỗ khác chơi. Điều đó đúng trong giai đoạn đó. Nhưng bây giờ cô gái đó có hiểu biết và trong làng cũng có người tốt kẻ xấu mà mình vẫn cho rằng chỉ mình là người đem lại hạnh phúc cho cô gái, ai đến gần cô ta sẽ bị "đập tơi tả", như vậy là tước đi quyền lựa chọn của cô gái. Mình phải chứng minh mình tốt và... có duyên hơn mấy anh kia. Chí ít thì không ai toàn diện (nhân vô thập toàn), vậy mình phải là người có nhiều mặt tốt nhất, ít xấu nhất để được chọn, còn không thì phải "cắn răng chúc mừng" đội bạn thôi!

Sau thềm ĐH nghĩ lung tung vậy thôi, nếu có ai đó bảo mình "bậy bạ" cũng chịu mang tiếng vậy. Cũng chả biết thế nào, vì nói huyên thuyên thì giỏi chứ mình là sếp cái PMU nào đó có khi vân tay mòn hết vì đếm tiền và bóc lịch rồi cũng nên!

*

Trước thềm World Cup lại nhiều cảm xúc hơn là trước thềm ĐH nhiều các đồng chí ạ!

Không hiểu các đồng chí vnkatona ở Doanh trại Petőfi còn nhớ không khí ở câu lạc bộ (CLB) tầng 2, nơi có TV màu duy nhất hồi đó, xem 2 kỳ World Cup đáng nhớ là Achentina 78 và Espana 82 cùng "đồng chí" thường trực Sanyi hò reo ầm ĩ: "Hajrá magyarok!" (Hung cô lên! - trừ năm 82). Bây giờ xem tiện nghi hơn nhiều, TV to hơn đẹp hơn, có vợ con phục vụ ăn uống kèm theo, nhưng không khí thì kém xa lúc đó. Lúc ấy, các cầu thủ nổi tiếng hay đến các CLB giàu có để đá thì giới cầu thủ Xô-viết lại không được đi đâu. Hồi đó, Oleg Blokhin của Dinamo Kyev không được ra nước ngoài nên tôi hay nói đùa là nếu có ra nước ngoài cũng không biết tìm chỗ nào để sinh hoạt... chi bộ. Các bạn hâm mộ bóng đá mà hay xem ở CLB khi đó còn nhớ không nhỉ, chả là khi đó ở Liên Xô gọi nhau toàn bằng đồng chí; ngay cả trên TV cũng vậy chứ không có "quý vị" hay "các bạn" như bây giờ đâu).

Bóng đá lại dính đến chính trị, mà không dính không được! Hiện nay Oleg Blokhin lại là HLV trưởng của đội tuyển Ucraina có Shevchenko lừng danh đá cho AC Milan mùa rồi và năm tới là Chelsea của Anh. Cầu thủ này phát biểu trên báo còn "chính trị" hơn cả chính khách của nước mình. Khi có nhà báo hỏi: "Anh có thấy tiếc là không sinh ra ở nước có nền bóng đá mạnh để có điều kiện tham gia các giải lớn như Euro hay World Cup không?", đáp: "Bạn không bao giờ được suy nghĩ như vậy, vì không có Ucraina và Dynamo Kyev thì không có Shevchenko và tôi tự hào khi khoác áo đôi tuyển Ucraina!" Chả bù cho các cầu thủ Việt Nam hai mấy tuổi mà cứ như con nít. Lúc nào cũng "em còn trẻ người non dạ, cho em một cơ hội nữa...", đọc mà phát chán. Chính khách đến như tổng giám đốc Vietnam Airlines cũng phát biểu rất... củ chuối, nữa là... Điều cơ bản là văn hóa hấp thụ vào người chứ không phải học thuộc lòng như "bí thư chi bộ chỉ đạo" mà phát biểu ngon lành được đâu, các bạn nhỉ.

Nhân kỳ World Cup kỳ này lại thấy buồn cho bóng đá Tổ quốc thứ nhất (quá nhiều tiêu cực) và Tổ quốc thứ hai (không được dự 20 năm rồi). Hình như hai nền bóng đá này có một điểm chung là có thể có những thời điểm đội tuyển tập hợp nhiều cầu thủ đá hay nhưng vẫn cứ thua các đội khác vì thể lực kém (chỉ đá hay hiệp một). Nhưng trên hết, lâu lắm mới lại có một World Cup tập hợp nhiều đội mạnh và nhiều ngôi sao (giống năm 1982) đến như vậy! Xem các nghệ sĩ múa trên sân cỏ, mà ở nước mình xem chả tốn một xu nào, thì thức đêm , thiếu ngủ, sụt mấy ký cũng cam lòng phải không các bạn? Nói thế này phải trộm vía một cái. Người ta kết hôn, khi đó thì thề non hẹn biển, nhưng không phải ai cũng chung thủy trọn đời, nhưng những ai yêu bóng đá thì tôi thấy ai cũng chung thủy cả. Chưa thấy ai "ly dị".

Nhân World Cup mới được thức cùng đồng bào thế giới, cùng xem một trận đấu, cùng hò reo. Chứ còn những lúc khác thì mấy khi cùng. Thể thao, nhất là bóng đá, liên kết mọi người (hơn hẳn điện thoại Nokia), thời điểm này làm hàng tỉ người "cùng" nhau, đó chẳng phải là điều kỳ diệu sao!

Bóng đá và World Cup muôn năm!

Tác giả bài viết: nquan