Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


PHẠM NGỌC CHU - NGƯỜI KHÔNG GIẤU NGHỀ

Từ hai bàn tay trắng, ngoại ngữ không thạo, mọi thứ đều ngỡ ngàng trong cảnh xa quê, kiên nhẫn và cần cù kiếm từng xu, từng đồng trong thuở đầu lập nghiệp - nhiều Việt kiều đã khởi đầu như thế trên xứ người để trở thành những chủ doanh nghiệp, những doanh nhân thành đạt, xứng đáng là tấm gương phấn đấu cho thế hệ trẻ.

Anh Phạm Ngọc Chu


Đó cũng là trường hợp của Phạm Ngọc Chu, hiện là ủy viên Ban Chấp hành Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary. Ở anh, còn một điểm đặc biệt nữa ít thấy trong tư duy của các doanh nhân Việt Nam: đúc kết những kinh nghiệm cá nhân, anh thường xuyên chia sẻ một cách có ý thức những “bí quyết” trong kinh doanh với bà con trong cộng đồng.

Tâm nguyện trong sáng ấy của Phạm Ngọc Chu - giúp cộng đồng vững mạnh về kinh tế, và để hàng hóa Việt Nam có được vị trí xứng đáng trong những nỗ lực “mang chuông đi đấm xứ người” - đã được anh thổ lộ tại nhiều hội thảo, diễn đàn doanh nghiệp lớn, mà gần đây nhất là Đại hội thành lập Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (tháng 8-2009).

Gửi phim “quấn vòng quanh trái đất” từ CHDC Đức

Là học sinh trường Trung học Kim Liên vào cuối thập niên 70 thế kỷ trước, chàng trai Phạm Ngọc Chu thời gian đầu học không giỏi, nhưng đến giai đoạn cuối đã phấn đấu để có học lực khá với những môn học “tủ” mà anh ưa thích là hình học và địa lý.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh vào Đà Nẵng và Cam Ranh học kỹ thuật do chuyên gia Nga giảng dạy. Biến chuyển lớn trong cuộc đời đến với anh vào năm 1985, khi anh có dịp sang Đông Đức (cũ) để tiếp tục theo học các khóa đào tạo về kỹ thuật.

Ở môi trường mới, chàng thanh niên tỏ ra thích nghi rất nhanh và như lời anh kể lại, “tôi rất vui vì vì luôn luôn được sinh hoạt tập thể, làm những công tác xã hội”. Trên cương vị một bí thư Đoàn thanh niên, Phạm Ngọc Chu đã đề ra nhiều chương trình hoạt động văn hóa, thể thao rất sôi động, và có nhiều sáng kiến, ý tưởng mới được giới trẻ cùng lứa ủng hộ và tán thưởng.

Cũng như bao người Việt khác thời ấy, vừa học, Phạm Ngọc Chu vừa buôn bán lặt vặt để gửi hàng về giúp đỡ gia đình. Dạo ấy, xe đạp và xe máy là những mặt hàng “đỉnh” đối với bà con Việt Nam học tập và lao động ở Cộng hòa Dân chủ Đức - hơn 20 năm nhìn lại, anh tự hào thuật lại: “So với nhiều người, tôi đã gửi được nhiều xe đạp, xe máy hơn. Ngoài ra, tôi còn gửi rất nhiều phim chụp ảnh về nhà, khiến có anh bạn cùng đoàn phải thốt lên, “phim của thằng Chu quấn vòng quanh trái đất!”.

“Quyết định đau buồn” để lập nghiệp tại xứ lạ

1990 là năm đánh dấu một biến chuyển lớn khác trong đời Phạm Ngọc Chu. Đông Đức sụp đổ, câu hỏi “về hay ở?” được đặt ra một cách cấp thiết đối với hàng trăm ngàn người Việt đang làm việc tại CHDC Đức thuở ấy.

Ở tuổi ba mươi, anh Chu có một quyết định can đảm: sang lập nghiệp tại một nước thứ ba, Cộng hòa Hungary, theo lời mời của một người bạn.

Trong hai năm đầu (1990-92), Phạm Ngọc Chu làm việc tại Nhà máy In tiền Quốc gia Hungary (Budapest). Vì có bằng kỹ thuật của Đức, anh được nhận việc ngay vì khi đó, Hungary muốn nhập kỹ thuật mới để thay loại tiền cũ (có kích thước rất lớn).

Thuở ban đầu, dù không hề biết một câu tiếng Hung, hầu như không quen biết một ai, nhưng anh hòa nhịp rất nhanh với cuộc sống mới cùng các đồng nghiệp. Không chỉ vì chuyên môn vững, anh còn được bạn bè quý mến vì tích cực tham gia những hoạt động tập thể, như tham gia CLB bóng chuyền của nhà máy.

Mặc dù có công việc ổn định, nhưng tính cách năng động, không bao giờ chịu ngồi yên khiến Phạm Ngọc Chu không muốn dừng lại trong vai trò “sáng cắp ô đi tối cắp về” của một kỹ thuật viên. Muốn hòa mình trong biến chuyển kinh tế thị trường mà xã hội Hungary bắt đầu trải qua thời kỳ đó, anh đã xin thôi việc để theo đường kinh doanh.

Nhớ lại những ngày ấy, anh hồi tưởng: “Việc rời bỏ nhà máy, rời bỏ chuyên môn là quyết định rất khó khăn và đau buồn của tôi”.

Rời chợ, vào phố phục vụ khách hàng bản địa

Thoạt tiên, như bao bà con Việt Nam tại Hungary, Phạm Ngọc Chu cũng khởi đầu bằng cách thuê một quầy nhỏ ngoài chợ và lấy ít hàng quần áo, tạp hóa để bán lẻ. Được một thời gian, thấy bán chạy, anh làm cái thứ hai. Bán vẫn chạy, nhưng từ rất sớm, anh đã cảm nhận được rằng mô hình kinh doanh ngoài chợ - về dài hạn - sẽ không thích hợp với văn hóa và hoàn cảnh xã hội của một nước Châu Âu, nên tính cách chuyển sang làm cửa hàng ngoài phố.

Tất cả những mô hình bán riêng quần áo, thực phẩm, hàng xa xỉ phẩm, thậm chí tiệm ăn... đều đã được Phạm Ngọc Chu thử nghiệm. Quán ăn của anh được coi là một trong những tiệm ăn Việt đầu tiên tại Hungary, du thành công ở mức độ nhất định, song vẫn không khiến anh thật vừa ý.

Vừa làm vừa mò mẫm, kiên trì và bền bỉ tìm hiểu thị trường, anh rút ra kết luận rằng muốn thành công, phải tiếp cận được với đông đảo các giai tầng người tiêu dùng Hungary, chứ không thể dừng lại với những ai hay ra “chợ Tàu” (cách gọi các khu chợ của người nước ngoài buôn bán tại Hungary, trong đó, đa phần là người Việt, người Hoa...)

Muốn làm được điều đó, phải hội nhập, phải nắm được văn hóa bản địa cùng tâm lý, tập quán mua sắm của Châu Âu và ngoài việc đưa ra giá cả vừa phải, cạnh tranh, phải hiểu và đáp ứng được mọi nhu cầu thường nhật của người tiêu dùng.

Cứ từng bước như vậy, Phạm Ngọc Chu xây dựng chuỗi cửa hàng bán lẻ ngoài phố với rất nhiều mặt hàng gia dụng, trong số đó có một số mặt hàng Việt Nam được anh chọn lựa rất kỹ lưỡng để phù hợp với thị hiếu người Hungary, mà anh để tâm và tiếp xúc hàng ngày.

Phạm Ngọc Chu cũng là người rất chú trọng việc tạo ra bản sắc riêng trong phong thái kinh doanh, xây dựng uy tín và thương hiệu riêng, và đoạn tuyệt với mô hình buôn bán “tranh tối tranh sáng” ngoài chợ mà nhiều bà con Việt Nam vẫn tiếp tục trong hoàn cảnh mới. Như lời anh chia sẻ: “Chúng ta xưa nay thường làm ăn theo kiểu “truyền thống”, đa phần ít quan tâm đến công tác “hậu mãi”: bán xong là “phủi tay”, không để lại “dấu vết”, khách hàng có vấn đề gì cũng không biết làm sao “kêu ca” được.

Nhưng đến giờ, khách đã bỏ tiền, họ có quyền đòi hỏi những hình thức bảo hành khi hàng hư hỏng, hoặc có thể đổi chác, kiện cáo… theo đúng luật định. Văn hóa Châu Âu là vậy và nếu chúng ta cứ bám mãi những cung cách thịnh hành ngoài chợ như trước, sẽ chẳng ai mua hàng của chúng ta!

Những năm gần đây, khủng hoảng kinh tế toàn cầu và tình trạng suy giảm trong nền kinh tế Hungary đã ảnh hưởng đến tuyệt đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam tại nước này, nhưng doanh nghiệp của Phạm Ngọc Chu vẫn hoạt động ổn định.

Là chủ nhân của 9 cửa hàng bán lẻ quy mô lớn và một tổng kho, anh có chừng 100 nhân công và thường tự hào nói rằng, anh là doanh nhân có nhiều đóng góp cho nước sở tại với khoản thuế rất lớn hàng năm, mà anh luôn tuân thủ và trả đúng hạn.

Gương mặt sáng của cộng đồng

Cộng đồng Việt Nam tại Hungary biết đến cái tên Phạm Ngọc Chu từ 5-6 năm nay, khi anh là một trong những nhà tài trợ hảo tâm của hầu hết mọi hoạt động cộng đồng. Nhưng trên hết, anh còn là người sẵn sàng sẻ chia những kinh nghiệm thu vén được, với mong muốn bà con cùng áp dụng và cùng thành công trong kinh doanh.

Được coi là có con mắt sắc sảo, “màu nhiệm” trong việc chọn cửa hàng ngoài phố, xem xét và đánh giá khả năng “thắng”, “thua” đối với từng địa điểm bán hàng, từng mặt hàng cụ thể, từ lâu nay, anh vẫn thường đóng vai trò “tư vấn” cho bà con Việt Nam tại Hungary trong những dịp khởi đầu.


Anh Phạm Ngọc Chu (thứ hai, từ phải sang) tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều tại Châu Âu lần thứ ba (Balatonfüred, tháng 9-2008)


Trái với rất nhiều phát biểu đơn thuần mang tính “hiểu hỉ” tại các hội thảo, diễn đàn lớn, các tham luận của Phạm Ngọc Chu - khởi đầu từ kỳ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều tại Châu Âu lần thứ ba (tổ chức ở Hungary, tháng 9-2008) - luôn “nóng” vì chúng đề cập tới những vấn đề rất cụ thể, sát sườn, và đã thu hút sự chú ý rộng rãi của cử tọa cùng giới truyền thông với những góc nhìn độc đáo, những ý tưởng mạnh bạo.

Làm sao đưa và tiêu thụ hàng Việt Nam tại Châu Âu; đi đâu, làm gì, thay đổi thế nào trong hoàn cảnh Châu Âu thống nhất và mở rộng; đoàn kết như thế nào giữa các doanh nghiệp Việt để cùng tiến, cùng tận dụng những khả năng còn bỏ ngỏ của thị trường Châu Âu... là một số đề tài mà Phạm Ngọc Chu luôn tâm đắc và đã có nhiều dịp chia sẻ trên báo chí, trong các hội nghị chuyên đề.

Trả lời câu hỏi: “Trái với nhiều người làm về kinh doanh, tại sao anh không “giấu nghề” mà sẵn sàng trao đổi “bí kíp” làm ăn với mọi người?”, anh đáp dung dị: “Tôi thấy thị trường ở đây còn lớn lắm, còn có rất nhiều cơ hội để kiếm tiền, để cùng phát triển. Còn nếu có người nào “copy” làm theo tôi, thì tôi bỏ chỗ đó đi làm chỗ khác. Cùng là bà con Việt mình mà!”.

Là một doanh nhân thành đạt tại Hungary, nhưng Phạm Ngọc Chu không hề có tính cách kẻ cả, “siêu sao” mà nhiều “ông chủ” phạm phải. Trong đời thường, anh sống chan hòa, thân thiện với mọi người; là thành viên trụ cột trong nhiều hoạt động của Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary, anh luôn quán xuyến công việc và nép mình trong hậu trường.

Đang chuẩn bị cho Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều tại Châu Âu lần thứ 5, tổ chức ở thủ đô Moscow (Liên bang Nga) vào cuối hè 2010, Phạm Ngọc Chu cho biết: trong dịp đó, anh muốn thảo luận đề tài làm sao tiếp thị, chào hàng các sản phẩm Việt Nam tại Châu Âu, để hàng Việt có thể thâm nhập thị trường Tây. “Muốn vậy, phải có được cái nhìn về thị trường Châu Âu hiện tại và mai sau”, anh cho biết và tâm sự rằng, đây là điều anh đang suy ngẫm cho “chín”.

Không được đào tạo “bài bản” về kinh tế, tài chính, chỉ dựa vào thực lực và sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm của mình, Phạm Ngọc Chu đã đi một chặng đường dài để có được thành công như ngày nay - đó cũng là chặng đường đầy chông gai, khó nhọc của các cộng đồng Việt xa xứ để tồn tại và góp ích cho bản thân, gia đình và quê hương...

(*) Bài viết đã trích đăng trên “Tiền Phong”.

Tác giả bài viết: Trần Lê