Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA CHỢ TỨ HỔ

(NCTG) Thứ Năm tuần sau, ngày 21-11, là ngày chấm dứt hợp đồng thuê khu đất được dùng làm chợ Tứ Hổ. Cho dù nhiều người bán hàng tại chợ cho rằng hợp đồng đã được gia hạn, tuy nhiên, từ mùa hạ năm nay, chủ sở hữu khu đất - Đường sắt Hungary (MÁV) - không thay đổi quan điểm của họ, và chuẩn bị để thu nhận mặt bằng.

Cổng 4, Chợ Tứ Hổ - Ảnh: MTI


Bài viết của nhà báo Kiss András đăng trên mạng metropol.hu, ngày 15-11-2013, cho hay: tại khu chợ đã hoạt động từ gần hai thập niên này, có thể dễ dàng mua các loại bằng cấp chứng từ hay thuốc lá lậu. Tuy nhiên, chính quyền tự quản Józsefváros (khu vực nơi chợ tọa lạc) đã có những kế hoạch cho tương lai.

Nhóm ký giả của metropol.hu đã ra chợ “thị sát” vào sáng thứ Tư vừa qua và ghi nhận rằng không có gì cho thấy là sau một tuần nữa, khu đất sẽ bị “giải phóng mặt bằng” để trao trả lại cho MÁV. Cho du có một số cửa hiệu không hoạt động, nhưng các nhà báo cho rằng, sở dĩ như vậy là vì họ ra chợ vào ngày thường và còn sớm, khi khách hàng thưa thớt.

Các vị cứ chọn hàng tự nhiên đi, những mặt hàng này chúng tôi sẽ còn tới tháng 12, tới lúc đó cũng vẫn ra mua được, loại tất này làm quà tặng cũng tốt” - một người bán hàng thân thiện nói với một ký giả khi nhà báo này vừa làm bộ lục lọi đống tất giá rẻ đựng trong thùng, vừa hỏi “như vậy, chợ sẽ không đóng cửa một sớm một chiều phải không?”


Ảnh: Katona László


Chị bán hàng cho hay, theo như chị biết thì không vì hợp đồng đã được gia hạn. Tuy nhiên, có thể nhanh chóng “tra” ra rằng điều chị “biết” là sai. Tại Phòng Báo chí của Đường sắt Hungary, MÁV nói rằng họ không thay đổi quan điểm trước đây.

Thực tế là vào ngày 17-6, MÁV đã chấm dứt hợp đồng cho thuê đất đã ký từ năm 1997, và được sửa đổi nhiều lần từ đó đến nay, với cơ sở vận hành chợ Tứ Hổ là Công ty TNHH Komondor Kft. Kể từ ngày 24-6, khi quyết định của MÁV được trao tận tay “chủ chợ”, Công ty Komondor có 150 ngày để “giải phóng mặt bằng” và trao lại khu đất trống cho Đường sắt.

Được biết, hàng tháng MÁV có doanh thu 31,5 triệu Ft trên cơ sở bản hợp đồng - vô thời hạn - được ký kết lần cuối cùng vào năm 2007 giữa ngành Đường sắt và Công ty Komondor Kft. MÁV cũng chú ý quá trình trao trả mặt bằng: họ cho mạng metropol.hu hay rằng lần gần nhất, họ đã thị sát hiện trường vào ngày 9-9 vừa qua.


Ảnh: MTI


Tờ báo cũng muốn hỏi các nhân viên chức trách của Công ty Komondor về tiến độ trao trả khu đất, nhưng khi gọi đến số điện thoại bàn được ghi trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì một giọng nữ cho hay, lãnh đạo hãng không có ở đây và họ cũng không muốn trả lời báo chí về việc này.

Tháng 6 vừa rồi, Quận trưởng Quận 8 (nơi khu chợ Tứ Hổ tọa lạc), ông Kocsis Máté nói rằng chính quyền tự quản địa phương từ lâu nay đã muốn đóng cửa chợ. Một lý do là vì hàng năm, theo các ước tính, chợ gây thất thu cho nhà nước khoảng 15 tỉ Ft tiền thuế, ngoài ra Tứ Hổ còn là một “ổ tội phạm”, nơi tiêu thụ nhiều hàng ăn cắp.

Trong một trao đổi trước đây với tờ báo, Cơ quan Thuế quan và Thuế vụ Quốc gia Hungary (NAV) cho hay, trong vòng 5 năm qua, những hành vi vi phạm pháp luật đặc thù tại chợ Tứ Hổ là kinh doanh hàng giải, hàng nhái mác (vi phạm bản quyền hoặc các quyền liên quan tới bản quyền), hàng thuế suất đặc biệt, cũng như vi phạm các nguyên tắc kiểm toán.


Ảnh: Katona László


Theo nhóm ký giả mạng metropol.hu, những năm qua họ cũng hay ra chợ Tứ Hổ nên nhận ra rằng có thể mua tại chợ thuốc lá lậu, dùi cui cảnh sát, hóa đơn, hoặc bằng tốt nghiệp. Các nhà báo cho biết, họ bỏ qua lời mời mọc của những kẻ đáng ngờ đút tay túi quần đi lại ngoài chợ, và cũng không mua hàng kỹ thuật tại Tứ Hổ.

Tuy nhiên họ có nhận xét rằng các mặt hàng như tất, đồ lót, xà phòng, thuốc giặt... hoặc ngay cả túi xách có thể mua với giá rẻ ở đây, và cho dù ra chợ hay phải đối mặt với cái nhìn đáng ngại của những kẻ mập mờ, nhưng nhiều người vẫn thích bầu không khí chợ.Cũng nhiều người thì ra chợ không phải vì thích thú gì, mà vì không đủ khả năng tài chính mua bán ở nơi khác.

Trong trường hợp chợ Tứ Hổ giải thể, họ vẫn có thể tới các cửa hiệu của người Hoa mọc lên như nấm trong thành phố. Phòng Báo chí của chính quyền tụ quản Józsefváros cho hay, Ban lãnh đạo Quận cũng không muốn xua đuổi những người làm ăn lương thiện. Trước đây, Quận đã tạo điều kiện để họ có thể thuê chỗ với giá phải chăng tại những địa điểm do chính quyền Quận quản lý.

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo metropol.hu