NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT
- Thứ hai - 12/12/2011 12:58
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Tôi sẽ không bao giờ quên giây phút đầu tiên “Chùm tản văn….” của tôi được post trên NCTG Online và lần đầu tiên được cầm tờ “Sao Việt” có bài của mình, hai lần đó, nước mắt tôi đều trào ra vì hạnh phúc…” – chia sẻ của Bích Ngọc, một CTV nhiệt huyết và chung thủy của NCTG.
Ngày bé tôi sống với bà ngoại. Bà già và ít ra ngoài, còn tôi thì bay nhảy nhiều. Mỗi lần đi học, mỗi lần đi chơi đâu đó về bà luôn đón tôi bằng câu nói:
- Nào, kể cho bà nghe chuyện hôm nay đi.
Cứ như vậy, tôi ngồi kể cho bà các sự việc diễn ra quanh tôi từ lúc tôi bước chân ra khỏi cổng cho đến lúc sà vào vòng tay bà. Vô hình chung, từ lúc nào tôi có thói quen cứ ra ngoài đường lại để ý khắp mọi thứ xung quanh, những cái vui, lạ để về kể cho bà tôi nghe.
Bà mất, mỗi lần gặp một sự việc gì tôi đều đứng bần thần, vậy là hôm nay về không kể được cho bà nghe nữa rồi. Thói quen để ý tỉ mỉ các sự việc diễn ra xung quanh không thể bỏ, nhưng bà thì không còn, tôi bắt đầu viết bất cứ cái gì tôi vớ được. Khi là quyển vở đang học, lúc là một quyển nháp và mỗi lần dọn đồ vứt đi tôi luôn cảm thấy thú vị được đọc lại những cái đó, nhưng cũng không có ý thức cần giữ lại.
Khi có máy tính, có Internet, tôi viết trên máy và chia sẻ với những người bạn của tôi. Các bạn tôi khen hay và bảo tôi gửi báo. Mẩu đầu tiên tôi được báo “Tiền Phong” đăng là “Viên gạch vỡ”, sau đó tôi cũng có viết nhiều mẩu chuyện như thế về cuộc sống diễn ra quanh tôi, nhưng đều không được đăng ở bất cứ báo nào và tôi cũng không hỏi được lý do vì sao.
Tôi mang thắc mắc hỏi một người bạn làm báo, anh xem rồi bảo: “Em viết thế này không một báo nào dám đăng đâu, cái gì em viết cũng đều chống lại… chính sách của Nhà nước. Người ta đang cấm bán hàng rong thì em lại viết về cảnh những người bán hàng rong bị công an đuổi. Em hãy viết ca ngợi, viết về những cái đẹp ấy hoặc lành nhất là viết về tình yêu, cứ yêu đương nhăng cuội lên là ô-kê, tay ba tay tư loạn xì ngậu vào càng tốt.”
Thế là tôi thử sức với mảng đề tài yêu đương, và bài nào cũng được đi, kể cả trên “Tạp chí Văn hóa Văn nghệ Công an” là nơi mà toàn cây bút kỳ cựu - những dạng vớ vẩn như tôi đáng ra không thể len chân vào được. Đôi lần thành phố tổ chức viết về phòng chống HIV/ADIS tôi cũng tham gia và lần nào cũng được giải nhì (không lần nào có giải nhất), đứng trên bục nhận giải cùng các nhà văn có tên tuổi tôi cũng cảm thấy vinh dự lắm lắm.
Nhưng đề tài yêu đương, những cái phong trào không phải là cái tôi thích viết, không phải sở trường của tôi. Tôi dừng lại, để chứng tỏ là tôi cũng có thể viết được mảng đó, vậy thôi. Tôi vẫn viết những cái tôi nhìn thấy hàng ngày vào máy và để đấy. Mỗi lần dọn máy tôi lại xóa hết đi, cũng không có ý thức giữ, vì nghĩ giữ cũng chẳng làm gì khi không thể đăng ở đâu - thêm nữa, tôi nghĩ các sự việc hàng ngày tôi vẫn gặp, tôi vẫn có thể viết được nữa sau này.
Rồi bắt đầu có blog, có Facebook, thay vì chỉ viết để trong máy, tôi đã post thẳng trên blog (trước kia) và Facebook của tôi (bây giờ) cho các bạn tôi đọc. Thế là cũng toại nguyện lắm rồi.
Có thể lúc đầu anh cũng chưa để ý đến những cái tôi viết lắm, dưới mỗi bài của tôi anh cũng com khá nhiều nhưng thường các câu com không mấy liên quan gì tới bài viết. Mãi sau này anh mới đề nghị tôi viết một cái gì cho báo anh. Tôi nói với anh, những cái tôi viết “phản động” lắm, mắt tôi chỉ hay nhìn thấy những mặt trái (đầy rẫy) của xã hội, chắc anh không dùng được đâu. Vả lại, trước tôi cũng có gửi cho một số báo mà có báo nào đăng đâu - ấy là không phải tôi gửi bằng đường bưu điện, toàn người thân quen trong tòa soạn cầm bài vào tòa soạn cho tôi đấy nhé.
Anh động viên tôi và tôi mạnh dạn gửi NCTG một số bài viết cũ rồi hồi hộp chờ. Nhận được, anh đọc và một thoáng sau, nhận xét ngay là nó không hề có gì “phản động”, đó là những cái xảy ra trong cuộc sống hàng ngày và phản ánh rất đúng thực trạng xã hội Việt Nam thời “mở cửa”. Anh cũng nói là, chính những bài viết, góc nhìn thế này có thể khiến mọi người tự nhìn nhận lại mình, may ra góp phần để xã hội ta lành mạnh và trong sạch lên chăng.
Cũng rất nhanh thôi, anh chọn ra 3 mẩu và anh nói không phải sửa một từ nào. Tôi thở phào, vì tôi sợ nhất bị sửa. Tôi rất sợ, biên tập viên (BTV) có thể sửa chính tả, sửa từ, sửa câu nhưng không được sửa ý, sửa tứ và sửa nội dung bài viết. Tôi đã từng có bài bị “biên tập” mà lúc cầm tờ báo trên tay, không thể nhận ra bài đó là con đẻ của mình nữa.
Hôm đó cũng muộn rồi, anh bảo tôi chờ để NCTG đưa luôn bài của tôi. Khi bài bắt đầu hiện lên trên trang báo điện tử, bên này tim tôi thắt lại, nước mắt cứ thế trào ra. Đây là lần đầu tiên bài của tôi được đăng trang trọng trên một tờ báo trực tuyến như thế: đúng đề tài, đúng sở trường mà tôi yêu thích.
Tôi có bảo anh, anh ở xa quá, chứ anh ở gần chắc tôi sẽ ôm anh mà khóc mất rồi. Tôi thấy hạnh phúc vô cùng, cái cảm giác lúc đó lạ lắm. Và cho đến cả bây giờ, khi đã có rất nhiều bài được đăng trên NCTG, nhưng cảm giác đó vẫn vẹn nguyên như lần bài đầu tiên được đưa lên báo.
Tôi gửi link cho các bạn tôi, ai cũng mừng, vậy là cuối cùng tôi cũng có nơi thích hợp cho những gì tôi đã đặt tâm huyết để viết.
Mỗi một bài tôi viết ra đều được NCTG đón nhận và biên tập kỹ càng trước khi đăng. Biên tập luôn là khâu tôi lo lắng nhất. Tôi luôn bị ám ảnh bởi các BTV ở nhà, nên mỗi lần gửi bài cho NCTG là tim thót lại, cứ ngong ngóng chờ xem lúc bài được lên báo thì bị cắt sửa thế nào. Nhưng không, sau khi biên tập xong, bài luôn được gửi trả lại cho tôi, xem tôi có đồng ý với những chỉnh sửa hay không. Thực sự, những bài đơn giản thì không nói, có một số bài phức tạp hoặc nhạy cảm thì chúng tôi đã luôn phải thảo luận qua lại rất lâu để tìm ra một điểm thống nhất khả dĩ cho cả hai trước lúc post.
Đang quen phong cách làm việc tù mù từ lúc gửi bài cho đến lúc báo hoặc tạp chí ra, dưới bàn tay của BTV, bài của mình có thể thế này, có thể thế kia, đúng hoặc sai ý mình thì mình cũng chỉ có chấp nhận mà thôi, không thể sửa hoặc làm gì được nữa. Thì nay được đọc cả bản sửa, được tham gia ý kiến và trao đổi khi chưa hài lòng với sự biên tập của NCTG, và được chứng kiến trọn vẹn sự ra đời của đứa con của mình - bỗng dưng tôi thấy cái quyền của mình cũng lớn lao gớm!
Dầu sao đi nữa, dần dần, quen với cách làm việc này, sau một số bài ban đầu, tôi đã hoàn toàn tin tưởng vào khả năng biên tập của NCTG: gần như viết xong là tôi phó mặc đứa con của mình cho báo, không còn phải ngồi chong mắt soi xét từng chỗ màu đỏ anh biên tập nữa.
Vui nhất là hầu như tất cả các bài của tôi, sau khi đăng mấy hôm thì luôn được xếp đầu trong danh sách 10 bài được đọc nhiều nhất, chứng tỏ những tâm tư của tôi có được bạn đọc để tâm. Âu cũng là niềm vui, là một động lực khá lớn để tôi tiếp tục viết trong những lần sau.
Và cũng không ít lần, tôi phải chiến đấu với một số tờ báo mạng hay blog, khi họ lấy nguyên xi bài của tôi mà không đề nguồn từ đâu, nhiều khi chỉ một lúc sau khi bài được đưa lên NCTG. Tôi lại phải mail cho những báo và blog đó, đề nghị đề nguồn vào bài viết, để tôn trọng tác giả, nhưng cái chính là tôn trọng tờ báo nơi bài viết được xuất hiện một cách trân quý...
Rồi một hôm, tôi nhận được quà của NCTG. Tôi hồi hộp đi nhận và thoạt tiên, tôi nghĩ không hiểu mình có quà gì? Chắc lại nước hoa, sữa tắm, kem dưỡng da như… thường lệ? Nhưng thật bất ngờ, món quà của tôi là mấy tờ “Sao Việt”, báo giấy của cộng đồng người Việt ở Hungary.
Lại một lần nữa tôi trào nước mắt khi nhìn thấy những bài viết của mình, tên mình trên một tờ báo Việt ngữ xuất bản ở nước ngoài. Vậy là ở một nơi xa lắm, cách tôi hơn mười bốn ngàn cây số, ở một nơi mà tôi chưa một lần đặt chân đến, những cái tôi viết đã được in trên báo giấy, được đến với rất nhiều người Việt ở đó.
Từ đó cứ có ai về Việt Nam, anh lại gửi dần những tờ báo có bài của tôi, cho đến giờ, trong tay tôi đã có rất nhiều số báo có bài của mình (nhưng cũng có một số bài, anh xin lỗi vì báo bị tuyệt bản, đã không để lại được một tờ nào cho tôi cả, và rất nhiều tờ gửi cho tôi, là tờ báo cuối cùng anh có).
Hôm nay, nhân kỷ niệm NCTG tròn 10 năm tuổi, tôi viết những dòng này thay lời cảm ơn gửi tới anh Nguyễn Hoàng Linh - TBT NCTG Online và báo giấy “Sao Việt” - người đã đưa những đứa con tinh thần của tôi đến với mọi người qua những trang báo. Ðể chúng không chỉ nằm im ở blog hay facebook của tôi, không phải ở trong một vũng nhỏ như xưa, mà được chảy theo con sông để ra biển lớn.
Và, cao hơn tất cả, anh đã luôn cho tôi thấy mình được tôn trọng trước mỗi bản thảo gửi tới báo. Cám ơn NCTG đã tạo ra một sân chơi, mà ở đó tôi được viết theo đúng sở thích của tôi, không phải viết những câu chuyện tình nữa nếu muốn bài được đăng.
Tôi sẽ không bao giờ quên giây phút đầu tiên “Chùm tản văn…” của tôi được post trên NCTG Online và lần đầu tiên được cầm tờ “Sao Việt” có bài của mình, hai lần đó, nước mắt tôi đều trào ra vì hạnh phúc…