NHỮNG CÂU HỎI VÀ VÀI SUY NGHĨ BÊN THỀM ĐẠI HỘI HỘI NGƯỜI VIỆT NAM TẠI HUNGARY
- Thứ hai - 04/06/2007 22:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thực ra, tất cả những câu hỏi này đều rất nghiêm túc, đặt ra những vấn đề chung, chắc chắn sẽ có hồi âm "thích đáng" từ phía Hội. Cá nhân tôi, trên tư cách một người có nhiều dịp tham gia các hoạt động cộng đồng, có dăm ba suy nghĩ nhỏ như sau.
1.
Sự tồn tại của nhiều hội đoàn thực chất cũng là tất yếu, phản ánh sự phát triển trong một thế giới đa dạng, đa cực, dân chủ và bình đẳng. Tại Hungary, cộng đồng mình có hội đoàn mang tính chuyên nghề (như Hội Doanh nghiệp), mang tính truyền thống (như Ban liên lạc Cựu chiến binh), có những tổ chức hội tụ một số đối tượng nhất định (như Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Sinh viên, CLB Tennis...), v.v... Hội đoàn nào cũng có mặt mạnh và sở trường của nó, cũng cần thiết cho sự tồn tại và lớn mạnh của cộng đồng và đặc biệt, cũng có tiếng nói chung hữu ích cho người Việt tại Hung.
Tất nhiên, điều này cũng đúng đối với Hội người Việt, tổ chức quần chúng lớn nhất, và đến giờ có lẽ vẫn là tổ chức xã hội rộng rãi nhất, của bà con Việt tại Hung.
2.
Nếu để tâm, có thể thấy rằng mỗi hoạt động lớn nhỏ của cộng đồng, đều được thực hiện bởi sự chủ trì của một hội đoàn, và sự tham gia, hỗ trợ của nhiều hội đoàn khác. Cho đến giờ, vì những lý do dễ hiểu, rất ít sinh hoạt nào được tổ chức bởi một vài cá nhân, đơn giản là vì công việc tổ chức đòi hỏi nhiều yếu tố phức tạp mà các cá nhân riêng lẻ khó thực hiện được.
Điểm qua một số hoạt động sau đây, theo kiểu "gạch đầu dòng", để thấy ít nhiều những gì "bà con cần" đã được đáp ứng:
- sinh hoạt thể thao truyền thống hàng năm (nhất là bóng đá)
- đón mừng tết cổ truyền dân tộc
- kỷ niệm những ngày lễ lớn
- thăm hỏi, động viên những gia đình neo đơn hoặc có người qua đời
- khích lệ các cháu thiếu nhi trong học tập và trong ngày lễ của các cháu
- hoạt động từ thiện hướng về quê hương, đùm bọc đồng bào những vùng bị thiên tai, lũ lụt...
- tổ chức và mời các đoàn nghệ thuật từ trong nước qua biểu diễn
- hòa giải các xung đột trong nội bộ, đoàn kết bảo vệ quyền lợi của các hộ gia đình kinh doanh (như chống tăng giá), v.v...
Nhìn qua, có nhận thể thấy đó là những công việc mà từng cá nhân khó đảm đương. Trong 12 năm tồn tại và phát triển của mình, Hội người Việt đã nắm vai trò tương đối chủ đạo trong những sinh hoạt ấy, kết hợp cùng các hội đoàn khác của bà con Việt Nam tại Hungary.
Nói như thế để thấy, thực ra, hoạt động của các hội đoàn Việt tại Hung, trong đó có Hội người Việt, nhiều khi... vô hình, không dễ nhận ra, vì chúng ta đã quá quen với những gì chúng ta được hưởng!
Hoạt động truyền thống và mang tính quần chúng lớn nhất thường niên của Hội người Việt Nam tại Hungary: Hội thao Mùa thu
3.
Nhưng, không thể phủ nhận được rằng, bà con Việt tại Hung còn rất nhiều nhu cầu chưa được thỏa mãn, nhất là từ khi Hungary gia nhập mái nhà chung Châu Âu. Việc thực hiện những nhu cầu ấy, thực ra không phải nhiệm vụ riêng của bất cứ tổ chức nào, mà cần một sự điều hợp nhịp nhàng, một sự đoàn kết và phối hợp gắn bó và chuyên nghiệp giữa các hội đoàn. Tuy nhiên, vì là một hội mang tính quần chúng và xã hội rộng rãi nhất, Hội người Việt - với "thâm niên" của mình - có những đặc thù (và cả điểm mạnh) khác các hội đoàn khác, và như thế, sự kỳ vọng vào Hội người Việt, có thể cũng cao hơn, trong bà con quần chúng?
Nếu không đáp ứng được đòi hỏi ấy, dĩ nhiên Hội người Việt vẫn có thể tồn tại với một vài hoạt động đã trở thành truyền thống, nhưng cũng mang tính chất tối thiểu, như hội thao, từ thiện... Và cũng chỉ dừng lại ở đó!
4.
Riêng về Hội người Việt, để làm được nhiều việc hơn, hữu ích hơn cho cộng đồng, thiết nghĩ, cần một sự phối hợp chặt chẽ hơn, rộng rãi hơn, giữa Hội và quần chúng, cũng vì lợi ích của cả đôi bên:
- Hội cần đưa ra được một cơ cấu hoạt động và nhân sự thật sáng sủa, chuyên nghiệp, tránh cảnh "nói hay làm dở", "nói nhiều làm ít", "báo cáo hay"... Cần một BCH có đủ số thành viên để làm việc hữu hiệu, sao cho bất cứ việc gì cũng có sẵn một lượng người thực hiện mà không ai bị "quá tải" bởi những "việc thiên hạ".
- Hội cần có một quỹ hoạt động dư dật, trên cơ sở phi vụ lợi, tài chính công khai, điều hành chuyên trách, để các tổ chức, doanh nghiệp và bà con có thể ủng hộ một cách dễ dàng, thuận tiện và hợp lý hơn hình thức... "nước đến chân mới nhảy" hiện nay.
- Ngược lại, bà con cũng nên tham gia và ủng hộ hết mình các hoạt động do Hội đề xướng, cả về tinh thần lẫn vật chất. Tuyệt đối tránh cảnh trùm chăn thờ ơ, hoặc không làm nhưng lại dè bỉu kẻ khác làm việc chung, khiến họ nản chí. Hưởng những kết quả đạt được, mỗi người chúng ta phải chăng cũng nên góp một tay, cho đẹp và tử tế?
5.
Thực chất thì sự tồn tại của mỗi hội đoàn cũng xuất phát từ nhu cầu của những người mà họ đại diện, hoặc phục vụ. Sẽ có những người cho rằng, mình có thể tự giải quyết được mọi nhu cầu của cá nhân, mà không cần đến bất cứ ai, bất cứ hội đoàn nào - đó cũng là chuyện tự nhiên. Nhưng trên đất khách quê người, mấy ai đã đủ khả năng và sự tự tin để làm được điều đó một cách đơn độc? Không ở đâu có được một cộng đồng lớn mạnh, nếu không có những hội đoàn lớn mạnh, có tiếng nói và có tầm ảnh hưởng đến xã hội bản xứ - cho dù có thể có nhiều cá nhân xuất sắc đến mấy đi nữa. Ví dụ của các cộng đồng thiểu số, như người Hoa, người Do Thái... hay chính người Hung (ở ngoại quốc) đã chứng tỏ điều đó.
Hy vọng rằng, Đại hội lần này của Hội người Việt, trên tinh thần đổi mới, cầu thị và dân chủ, với sự hưởng ứng và ủng hộ của đông đảo bà con, sự đoàn kết và quyết tâm của BCH mới, chắc chắn sẽ trả lời và đáp ứng được những câu hỏi, những nhu cầu trên của cộng đồng Việt tại Hungary!