Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“NHỊP CẦU THẾ GIỚI”: NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ

(NCTG) Trước hết tôi xin chân thành chúc mừng tờ báo lên tuổi thứ mười, cái tuổi vững vàng, đầy bản lĩnh trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay!

Dịch giả, nhà nghiên cứu văn học và ngôn ngữ Vũ Ngọc Cân - Ảnh: Bích Ngọc

Đối với một đời người thì cái tuổi lên 10 này còn trẻ con lắm bởi vì con người ta phải tam thập nhi lập thì mới gọi là trưởng thành,nhưng đối với một tờ báo thì lại khác. Nhiều tờ báo chỉ xuất hiện được vài ba năm thì chết yểu. Đến như các tờ báo lớn có uy tín, có tài trợ lớn mà cũng chỉ tồn tại được vài chục năm là nhiều.

Tôi đến với NCTG không được thường xuyên và liên tục, nhất là thời gian trước năm 2007, khi tờ báo còn ở dạng bản giấy. Lúc ấy tôi chỉ được đọc thỉnh thoảng vài số thông qua sự nhiệt thành cổ vũ của các anh trong Ban chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam - Hungary. Chả là tôi hay viết bài cho tờ Bản tin của Hội nên có cơ hội gặp các anh trong Ban chấp hành Hội, các anh ấy cho mượn để đọc.

Thành thực mà nói về hình thưc, NCTG hồi ấy trông từa tựa như “An ninh Thế giới” ở trong nước nên có người đã nghĩ nó có quan hệ họ hàng với tờ báo của Bộ Công an quả thật cũng không sai. Về nội dung, NCTG dạo đó chủ yếu mang tính thời sự, đăng tải chủ yếu là tin tức và phóng sự. Cũng đương nhiên thôi, đây là tờ báo nên nó phải phản ánh tin tức thời sự, các hoạt động ngoại giao giữa Việt Nam, Hungary và quan hệ của hai nước này với thế giới…

Tuy thế, nó đã là một nhịp cầu vô cùng quan trọng để những người trong nước - trước hết là các thế hệ người Việt Nam đã từng học tập, nghiên cứu, làm việc ở đất nước Hungary nhỏ bé, xinh đẹp và vô cùng thân thiết - biết được những thông tin, những hoạt động, đời sống vật chất, tinh thần, tình cảm của Hungary và của cộng đồng Việt kiều tại đó như thế nào.

Có thể nói những người sáng lập ra tờ báo đã đáp ứng được nguyện vọng và mong mỏi của đông đảo các tầng lớp độc giả - chỉ riêng điều đó thôi thì họ, và tờ báo rất xứng đáng được các tổ chức chính quyền cũng như các Mạnh Thường Quân ủng hộ tài trợ và nhiệt tình giúp đỡ!

Đằng này lại không.Tôi có nghe một vài người nói và cứ tưởng báo được “đại gia” nào đó tài trợ. Hóa ra, sự thực thì Ban biên tập tự thân vận động cả, mà suốt cả chục năm ròng rã mới thật là giỏi và tài hoa! Thế nên tôi vừa khâm phục, nhưng cũng cảm thấy ái ngại cho những người duy trì tờ báo, mà trước hết là TBT Hoàng Linh: bên cạnh gánh nặng gia đình, anh đã gắng sức lo cho tờ báo bền bỉ, liên tục trong gần 10 năm nay!

Từ khi báo giấy chuyển sang báo điện tử, NCTG đã có những thay đổi đáng kể.Trước hết, báo có những chủ đề nhất định, độc giả muốn xem chủ đề nào chỉ việc click vào đó một cách nhanh chóng tiện lợi. Một đặc điểm khác về hình thức là báo điện tử có rất nhiều hình ảnh - điều này càng tăng thêm tính chính xác, sinh động cho các bài viết.

Tuy nhiên, ở đây tôi muốn nhấn mạnh hơn ở sự thay đổi về nội dung, vì đó chính là yếu tố làm cho tờ báo có sức sống lâu bền và lan tỏa. Đó là tính văn hóa - hay chính xác hơn là chất văn của tờ báo. Trước hết, chủ đề về văn hóa toàn diện hơn: các bài viết về nghệ thuât gồm cả tin tức, những bài phân tích ngày càng nhiều hơn, kể cả về âm nhạc, điêu khắc, hội họa, phim ảnh, du lịch… Có lẽ lĩnh vực còn thiếu là thể thao thôi.

Đặc biệt là về văn học: không chỉ đề cập đến tin tức, sự kiện mà cả các truyện ngắn, thơ cũng thường xuyên được đăng tải trên NCTG. Ngoài ra, một cuộc vận động dịch thơ Hungary cũng có mặt trên các trang báo, đáng tiếc là còn dang dở và chưa có hồi kết. (Tôi nghĩ lý do chính có thể thuộc về khía cạnh tài chính vì nếu đánh giá được các giải thưởng mà không có cái gì kèm theo thì cuộc thi sẽ bị hẫng hụt thế nào ấy!)

Viết ra những dòng cảm nghĩ trên đây, tôi hy vọng sẽ có những tổ chức, những doanh nghiệp nào đó động lòng trắc ẩn mở rộng vòng tay nhân ái, giúp đỡ cho tờ báo của chúng ta để nó mãi mãi là Nhịp Cầu Thế Giới giữa Việt Nam, Hungary với các quốc gia khác trên trái đất này! (*)

(*) Tác giả là PGS. TS. Ngữ văn, dịch giả của nhiều tác phẩm văn học Hungary như “Những cậu con trai phố Pál”, “Cái chết của ông bác sĩ”, “Tình yêu trong xanh” (dịch chung), “Dạ, thưa thày”, thơ của các tác giả Petőfi Sándor, Vörösmarty Mihály, József Attila...

Tác giả bài viết: Vũ Ngọc Cân, từ Hà Nội