"NHỊP CẦU THẾ GIỚI": NGÀY ẤY... BÂY GIỜ...
- Thứ sáu - 08/12/2006 09:41
- In ra
- Đóng cửa sổ này
"Đến hẹn lại lên", trong ngày sinh nhật lần thứ 5 của báo, bạn bè xa gần lại giục tôi ghi lại những kỷ niệm "ngày ấy, bây giờ"... Ít ra, cũng để chia sẻ với những độc giả, mới biết đến NCTG như dạng bây giờ của nó, tức là cũng đôi chút dày dặn, hình thức đã có phần khấm khá...
Ngày ấy, nghe mà tưởng chừng đã rất xa xăm, với những kỷ niệm lãng đãng...
Xin được bỏ qua về sự ra đời của tờ báo vào một đêm đầu mùa Đông 2001; chuyện ấy, Thái Dương (tức Thương Huyền), từng là thành viên BBT, đã có một bài viết rất hay, và cũng rất vui, rất hóm hỉnh - đến mức... hư thực lẫn lộn khiến một vài bạn đọc chung thủy của tờ báo, đến giờ, vẫn coi đó là "lịch sử ra đời chính thức" của NCTG - ở số báo "thôi nôi" của NCTG (ra ngày 12-12-2002).
Những kỷ niệm của các thành viên BBT về chuyện đã đến với tờ báo như thế nào, cũng đã được các anh Giáp Văn Chung, Nguyễn Võ Cầm (C.A.), Nguyễn Thụ..., các chị Hồng Nhung, Đặng Phương Lan... thổ lộ trong một số dịp về sau. Những dòng ấy, đến giờ đọc lại, bao giờ tôi cũng muốn ứa nước mắt...
Cá nhân tôi, người phải chịu trách nhiệm chính yếu về nội dung và trị sự của tờ báo, có vô vàn kỷ niệm thật sâu sắc về những ngày đầu tiên ấy...
12-12-2001, ngày số báo đầu tiên "xuất xưởng", được coi là ngày đẹp bởi một bà Hung có tài bói toán, thuộc hàng "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý" (bà là người "tâm phúc" của Nguyễn Thanh Hải (Nam Sơn), một thành viên sáng lập của báo, từng thay mặt BBT "chấp bút" những lời "Cùng bạn đọc" đầu tiên của số báo ra mắt).
Sáng sớm hôm ấy, theo đúng tập tục "truyền thống" của Việt Nam (mà tôi là kẻ rất... mù mờ!), một tờ báo đã được đặt rất trang trọng lên bàn thờ và bà xã tôi thì... xì xụp hương khói.
Ngay sau đó, theo sự bố trí của "Ban tổ chức", chị Việt Hà, chị dâu của Nam Sơn, đã quá bộ đến nhà tôi (được gọi bằng cái tên mỹ miều là "trụ sở BBT") để mua mở hàng hơn chục số báo. Chúng tôi đã nhận được từ chị rất nhiều tiền lẻ, ngụ ý để bán được nhiều báo, "đầu xuôi đuôi lọt".
Cần nói thêm là ra được số báo đầu thì tôi lăn ra ốm, có lẽ vì thức đêm nhiều và gắng sức trong tiết trời Đông quá lạnh lẽo. Giọng cũng mất luôn, nói không ra hơi, cứ phều phào, rất tức cười. Đa phần anh em trong BBT, có lẽ cũng quan niệm "làm báo" một cách tương đối nhẹ nhàng, nên người góp ý này kẻ góp bài nọ, khi tờ báo ra lò thì... coi như là xong bổn phận. Việc bán báo, nói cho oai là "khâu phát hành", coi như nan giải.
Tuy nhiên, đã cưỡi lên lưng hổ, không lẽ chịu bó tay! Lên tinh thần mãi, cuối cùng, động lực - bất ngờ thay - lại thuộc phần "phái đẹp": Đặng Phương Lan tự nguyện xung phong nghỉ buổi chiều trong bệnh viện để ra chợ hỗ trợ!
Cuối cùng thì mọi sự diễn ra như mọi người đã biết (Lan cũng đã thuật lại câu chuyện này, trong một bài viết vui, hồn nhiên và cảm động, nhân báo tròn 2 tuổi): sau khi đã tạo ra một "tiền lệ" trong "phát hành báo" bằng cách... đi bán rong cùng... bà xã tôi tại chợ Bốn Con Hổ, Lan lại tươi tắn và hùng dũng dẫn đám đàn ông bẽn lẽn chúng tôi ra chợ Thượng Hải, rồi vài nơi khác.
Tôi và mấy anh trong BBT đã vượt qua cái ngưỡng tâm lý một cách ngoạn mục như thế, nhờ sự "can trường" và quả quyết của bác sĩ Lan! (1)
*
Một vài số báo đầu đã đến tay bạn đọc. Chúng tôi nín thở chờ hồi âm từ người đọc và từ... các bậc chức trách!
Với độc giả thì mọi sự có lẽ khá suôn sẻ. Chúng tôi nhận được vài ba cú "phôn" khích lệ, khen ngợi của một số anh chị khả kính trong cộng đồng. Nhiều người không nói năng gì, nhưng mua báo đều.
Các mục bình dân trên báo như đố vui, ô chữ được hưởng ứng nhiệt liệt - đặc biệt là ngay từ dạo đấy, các anh Hải Anh, Nguyễn Võ Cầm... đã "sáng tác" được khá đều đặn những ô chữ có lời giải rất trí tuệ, rất hay và ý nghĩa, đến giờ, báo chí Việt ngữ tại Hung vẫn chưa thể nào đạt được "tầm vóc" ấy.
Mảng tin cộng đồng và thông tin ngoại kiều (do bà Bereczki Zsuzsanna phụ trách) cũng rất được để tâm. Điều khiến tôi vui nhất là khi đặt ra hai mục "Cộng đồng" và "Thông tin Ngoại kiều", không ít bà con ngoài chợ còn hỏi tôi: "Cộng đồng với cả Ngoại kiều là cái quái gì vậy?". Ấy vậy mà, chỉ sau vài số báo, cũng chính những bà con ấy, khi gặp tôi, đã hồ hởi: "Chị biết rồi, Cộng đồng là chuyện chợ búa này, còn Ngoại kiều là... thẻ vàng!". Sau 5 năm kể lại, chuyện có thật tưởng như đùa...
Các bậc chức trách thì, dĩ nhiên, không thể hiện "tình cảm" một cách "lộ liễu" như thế, mà họ muốn chờ đợi kết quả những gì chúng tôi làm ra. Về phần mình, chúng tôi hiểu là cho dù không làm gì đi ngược lại "chủ trương chính sách" của Việt Nam, nhưng điều khó nhất ở đây là không được phép làm bất cứ điều khi khiến người khác đặt ra sự nghi vấn hay hiểu nhầm trong chuyện đó.
Chuyện tế nhị, nói thì dễ, nhưng khi làm mới mắc phải lắm chuyện cần nghĩ suy nát óc! Nhất là những gì có liên quan đến chính trị như hai câu chuyện nho nhỏ sau đây.
NCTG số ra ngày 2-1-2002, tôi có bài phỏng vấn ca sĩ Anh Khoa, một người từng sinh hoạt văn nghệ trước 1975 tại Sài Gòn. Chúng tôi có ghi âm cuộc nói chuyện và khi chép lại, tôi đã cố gắng đến mức tối đa, để lằn ranh "bên ni - bên nớ" khỏi dính dáng đến những trao đổi mang tính văn nghệ và tâm tình.
Vậy mà, khi gửi đi hỏi ý kiến mọi người, Thương Huyền vẫn phát hiện ra một "lỗi", mà anh sợ là sẽ gây hiểu nhầm. Ấy là, khi tôi dùng từ "biến cố 1975", để chỉ một ranh giới trong thời gian, khi nhắc đến hoạt động nghệ thuật của ca sĩ Anh Khoa. Thương Huyền cho rằng từ "biến cố 1975" nghe có vẻ không được... hân hoan lắm, và anh nghĩ sẽ có người thắc mắc sao mình không viết là "ngày giải phóng"?
Tôi, với ý muốn tế nhị là không nhắc đến những gì có thể đụng chạm đến cả hai phía, nên thiên về dùng cụm từ "ngày thống nhất", hay "biến cố", vì coi như thế là trung tính (2); tuy nhiên, sau một hồi suy nghĩ, tôi quyết định bỏ hết và viết đơn giản là "trước 1975", "sau 1975"... để "cho chắc".
Thế mà, sau khi bài phỏng vấn được in khiến ca sĩ Anh Khoa rất cảm động vì đây là lần đầu tiên anh được nhắc đến một cách trân trọng nơi đất khách quê người trên cương vị người làm nghệ thuật, thì tôi có nghe ai đó xì xào rằng chúng tôi "đi phỏng vấn ngụy quân ngụy quyền"!
Một bận khác. Nhân dịp đầu năm 2002, NCTG đăng một bài nhìn lại năm cũ, theo kiểu "vật đổi sao dời", với nội dung là điểm qua tên tuổi một số nhân vật có ảnh hưởng đến Việt Nam (về các mặt văn hóa, nghệ thuật, chính trị...) đã qua đời trong năm 2001. Trong danh sách 8 người ấy, có hai nhân vật chính trị miền Nam một thuở là Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Thiệu. (3)
Lập tức, ai đó ngầm "chụp mũ" NCTG là "ca ngợi ngụy". Chúng tôi thấy lời quy kết ấy là nhảm nhí, vả chăng, nó chỉ là lời nói xấu, đàm tiếu sau lưng, nên cũng không cải chính hay thanh minh gì. Tuy nhiên, những quy chụp kiểu đó không phải là không để lại sự căng thẳng trong anh em viết lách.
May thay, những vấn đề mà anh em chúng tôi hay gặp trong thời gian đầu, thường không đến nỗi ác ý và "tinh vi" như thế. Đa phần là những câu hỏi rất... ngộ của bà con, khiến chúng tôi cảm thấy vui vui khi được trả lời. Chẳng hạn, sao... báo mà cũng phải mua à? Tưởng báo cho không? Sao không thấy báo có truyện chưởng, truyện tình? Sao không in màu cho... đẹp mắt?, v.v.. và v.v...
Chúng tôi đã để trọn trang bìa 1 của số báo đầu năm 2002 để trả lời cụ thể những câu hỏi này và từ dạo đó, tôi luôn nghĩ rằng những dịp trao đổi như thế, gọi theo kiểu thời thượng hiện nay ở Việt Nam là "giao lưu", chứng tỏ có người quan tâm đến việc mình làm, dù là theo hướng phê bình hay khen ngợi. Mục "NCTG và độc giả", hay "Thư tín" trên báo, luôn được bà con để tâm, cũng vì lý do ấy.
*
NCTG ra được hơn một năm, có tăng được trang, cải thiện được chút ít về mặt hình thức, nhưng khốn nỗi anh em chúng tôi không ai rành về đồ họa nên phần trình bày vẫn còn rất búi xùi (cho dù báo có rất nhiều minh họa của họa sĩ Lê Thương, điều được các đồng nghiệp làm báo của chúng tôi ở hải ngoại và trong nước đánh giá là rất "sang trọng", với nghĩa một tờ báo mà có minh họa riêng, tức là "xôm" rồi).
Để đăng tải được thật nhiều bài vở, tin tức với lượng trang báo có hạn, chúng tôi đã dùng cỡ chữ bé li ti (mà đã có độc giả góp ý than phiền là dùng kính lúp rồi mà vẫn thấy mờ ảo), và ảnh thì thông thường có lẽ cũng chỉ xấp xỉ cái tem. Một bạn CTV bên Pháp, có lần đã nhẹ nhàng phê phán chúng tôi "không tôn trọng" một nhạc sĩ lớn của Việt Nam, khi đăng hình trên NCTG một họa phẩm của ông nhỏ xíu, nhìn chả đoán ra cái gì.
Giải bóng đá cộng đồng đầu tiên, do NCTG và anh em yêu thể thao ở chợ Bốn Con Hổ đồng tổ chức (năm 2002) - Ảnh: Nam Sơn (giữa), thành viên NCTG, đang làm phóng sự tại sân Orczy (Budapest)
Khoảng thời gian đó, tôi nhận được một bức thư bưu điện, không ghi tên người gửi, nội dung chê báo rất dữ dội và gay gắt, về nội dung và đặc biệt là hình thức. Thông thường, mọi góp ý chúng tôi đều đưa lên mặt báo và trả lời, hoặc trên báo, hoặc trực tiếp qua thư riêng, với điều kiện người góp ý phải cho biết danh tính và nguồn gốc để những lời góp ý được đảm bảo là có trách nhiệm và mang tính xây dựng.
Lần ấy, tôi có viết đôi dòng trên báo nhắn gửi tác giả lá thư, cám ơn những nhận xét, nhưng vì thư không có nguồn gốc nên không thể đăng tải và trả lời cụ thể được. Dù vậy, những gì tác giả lá thư viết cũng khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, và kết quả là NCTG đến nay, ít ra, cũng đã có được một "ngoại hình" chững chạc ở mức độ có thể, với trang bìa tương đối nền nã và với một số trang ảnh chủ đề kể ra cũng ít thấy ở các báo khác.
Để có được những trang báo với thiết kế đồ họa chững chạc và khá mỹ thuật như thế, chúng tôi phải có sự hỗ trợ vô cùng quý báu và nhiệt tình của một CTV từ phương xa: Cẩm Lệ. Một mình Lệ đã bằng cả một đội ngũ: Lệ có thể trực tiếp thiết kế và dàn các trang đồ họa - nhưng không dừng ở đó, Lệ còn có thể minh họa theo đủ kiểu, nhanh và đẹp; Lệ cũng còn là tác giả của những bức ảnh chụp đề tài phóng sự quý báu từ quê nhà. Vì chênh lệch thời gian, những trang đồ họa nhiều khi là cả những đêm thức trắng của Lệ, để rồi sáng hôm sau vẫn phải tất bật mắt nhắm mắt mở đi làm...
Có điều, chắc hẳn Lệ không thể biết được, cái quyết tâm để NCTG ít ra cũng phải có được hình thức "trên trung bình", để có thể đặt lên bàn cho các bạn Hung xem mà không cảm thấy quá ngượng ngùng, lại xuất phát từ một lá thư không rõ người gửi mà tôi được nhận cách đây gần 4 năm...
Ghi chú:
(1) Những ngày đầu "đi thực tế" với tập báo trên tay, giữa tiết đông giá rét, tôi còn nhớ như in anh Giáp Văn Chung đã mỉm cười khích lệ: "Cụ Vũ Trọng Phụng ngày xưa cũng bắt đầu như thế này!". Không rõ tác giả "Số đỏ" có đi bán báo rong ngày nào không, nhưng câu nói ấy thật ấm lòng!
(2) Nhân dịp 30 năm ngày thống nhất (1975-2005), tại Việt Nam, nhiều nhà cách mạng cựu trào (như nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt) cũng đã có ý kiến là chúng ta nên làm như thế: tránh những lời lẽ khoa trương, ầm ĩ về "chiến thắng", "giải phóng"..., hãy coi đây là dịp để hàn gắn vết thương lòng, hóa giải những oan khiên trong quá khứ và để cả dân tộc cùng đồng thuận, đi lên.
(3) Năm ngoái, báo chí Việt Nam đã có một số bài viết tương đối khách quan về vai trò của các nhân vật này trong cuộc chiến Việt Nam, đặc biệt là vai trò của ông Dương Văn Minh trong biến cố tháng 4-2005.
Để đáp ứng nhu cầu nhìn nhận lại lịch sử và trực diện với quá khứ, việc nhắc đến những nhân vật của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước 1975 đã trở nên thường xuyên và bình thuờng trên báo chí trong nước. Vậy mà ở bên này, đôi lúc vẫn còn những người "bảo hoàng hơn vua"...