NGHE NHẠC "QUÊ HƯƠNG TÔI" Ở XA QUÊ
- Thứ năm - 26/06/2008 07:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
"Năm Dòng Kẻ" trong đêm diễn tại Budapest - Ảnh: Nhật Minh
Tất nhiên, đó là một niềm vui, một hân hạnh cho tất cả bà con sống ở đây. Nhiều người có lẽ nếu ở Việt Nam cũng chẳng mấy khi đi xem ca nhạc, nhưng tại đây, cách quê nhà hàng chục ngàn cây số, có nhu cầu được "tai nghhe mắt thấy" hương vị cội nguồn. Đáp lại tâm lý đó, đoàn ca nhạc nào sang lưu diễn cũng chuẩn bị trước hàng loạt tiết mục đặc trưng dành cho "đồng bào ở xa Tổ quốc". Bao giờ cũng có tiết mục đàn dân tộc: đàn bầu, t'rưng, bao giờ cũng có dân ca quan họ Bắc Ninh với các "liền chị" mặc áo tứ thân và các "liền anh" khăn dõng áo dài tay cầm ô. Múa của Việt Nam thì khó nói vì thực ra dân tộc Kinh chẳng có điệu múa nào điển hình, các nghệ sĩ chỉ cần cầm nón đi đi lại lại, cười thật đẹp thật xinh là khán giả đã vỗ tay râm ran. Các bài hát cách mạng nổi tiếng thời chinh chiến như "Việt Nam đường chúng ta đi" được các nam ca sĩ hát rung cả hội trường. Những giọng ca có tiếng tăm từ vài chục năm qua hễ mới cất lên "Đi mô mà cũng nhớ về Hà Tĩnh..." đã phải dừng lại vì khán giả quá mừng rỡ chạy lên tặng hoa ào ào như sóng cồn. Khán giả thích bài gì, các ca sĩ "đáp ứng" bài đó, và bao giờ khán giả cũng yêu cầu những bài "tủ" đã nghe quen cả trăm lần: thường bà con trong tâm hồn vẫn vương vấn những câu ca điệu nhạc quen thuộc, cả năm mới nghe hát một lẩn nên dù có hát đi hát lại một bài cũng vẫn thích.
Ấy là cái tâm lý chung của đông đảo bà con bên này, những người "năng" mua vé xem văn nghệ và lần này cũng chờ đón đêm nhạc 24-6 tại Budapest với những giờ phút "văn nghệ thường lệ". Thế nhưng, có lẽ không ít người đã có được sự ngạc nhiên thú vị trong đêm diễn.
Buổi biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật TP HCM được tổ chức tại Nhà Văn hóa Quân đội của thành phố Budapest, ấm cúng, nhộn nhịp: người Việt tíu tít trò chuyện hỏi han nhau, tay bắt mặt mừng trước khi vào xem. Vài phút đầu, hẳn khán thính giả không khỏi ngỡ ngàng bởi các cô gái "quê hương tôi" bây giờ không nhất thiết phải thướt tha trong nbững bộ áo dài quần xoe, tóa xõa ngang vai nữa, mà ăn mặc hiện đại, tóc để rất "mốt" như bất kỳ thiếu nữ Châu Âu nào chúng ta gặp trên đường phố Budapest. Nhóm nhọc "Năm Dòng Kẻ" biểu diễn nhạc dân tộc độc đáo, đầy vui nhộn, bè thanh bè trầm theo trường phái acappella (hợp ca - nhiều người Việt mới nghe từ này lần đầu), chẳng cần nhạc đệm để nổi bật chất giọng có sự "tôi luyện" qua các trường thanh nhạc. Một bài hát quen thuộc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhờ thế, mà nghe cứ như hoàn toàn mới lạ, cách tiếp cận và khám phá mới này mang lại cho khán giả những cảm xúc mới. Có lẽ lâu lắm rồi mới được thấy một ban nhạc rất Việt Nam mà cũng rất "Tây" như vậy!
Tạ Thùy Chi với những bước nhảy tinh tế và điêu luyện - Ảnh: Nhật Minh
Kế đến tiết mục múa. Ban đầu, còn nghe tiếng mấy chàng trai trong đám khán giả xì xào "múa gì mà chỉ có một cô, ít quá!" Nhưng diễn xuất của Tạ Thùy Chi thì chẳng hề ít chút nào! Một mình trên sân khấu, cô đã thu hút được hàng ngàn cặp mắt của khán giả vì tài năng và sự điêu luyện trong từng động tác múa, trong cả cách thể hiện tình cảm trên khuôn mặt thường thiếu ở các nghệ sĩ múa Việt Nam từ trước đến nay. Người không rành về múa chỉ biết khen "đẹp, đẹp thế!", còn những ai có được chút kiến thức về môn nghệ thuật này hẳn nhận ra được sự gian lao, khổ luyện và mức độ chuyên nghiệp của màn trình diễn.
Tùng Dương với màn diễn "thôi miên" khán giả - Ảnh: Nhật Minh
Ở thế kỷ XXI này, tất cả nhu cầu của con người đều phức tạp hơn, đa dạng hơn, nghệ thuật hát cũng đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố vì nếu "chỉ" có "giọng hát vàng" thôi chưa chắc đã chinh phục được người xem. Ca sĩ phải có năng khiếu, có trình độ, cái đó đã hẳn - nhưng còn phải có "duyên", có phong cách biểu diễn để lại ấn tượng, đây cũng là điều quan trọng không kém. Làm sao, khi hát bản nhạc phải truyền được hết nhiệt huyết của mình tới cử tọa khiến ai cũng nhấp nhổm muốn hát theo, muốn cùng được biểu diễn. Các nam ca sĩ Tạ Minh Tâm và Tùng Dương đã làm được điều đó. Như trong một tiết mục, người xem già trẻ gái trai đều hào hứng hát theo Tùng Dương như bị thôi miên, vài nữ khán giả nhiệt tình - trong đó có cả phu nhân đại sứ Việt Nam tại Hungary - cũng lên nhảy mùa "phụ họa" cho điệu Apsara. Khi ấy, cả cầu trường tràn ngập tiếng võ tay, tiếng hát và tiếng cười!
Nhớ nhà, nhớ những giai điệu quen thuộc của quê hương, nhưng có lẽ khán giả Việt tại Budapest cũng giang tay đón nhận sự đổi mới trong nền âm nhạc Việt Nam - cũng như sự đổi mới của chính quê hương mình -, để hội nhập và hòa nhập cùng thế giới!