MỘT LẦN GẶP GỠ
- Chủ nhật - 28/12/2014 16:11
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Chỉ hai ngày ngắn ngủi nhưng cũng đủ làm nên một nỗi nhớ quá dài với Budapest xinh đẹp và bình yên….”.
TS. Nguyễn Thị Hậu trên Thành Cổ Buda
Đã có lần tôi kể cho em nghe về duyên nợ của tôi với đất nước Hungary xinh đẹp trong một tùy bút ngắn “Bắt đầu từ Blue Danube” đăng trên “Nhịp cầu Thế giới”. Thế nhưng “duyên nợ” của tôi và em thì bắt đầu từ lâu hơn nhưng gần về khoảng cách, khởi đầu từ một tản văn về vùng đất mà cả tôi và em đều có nhiều kỷ niệm: “Hoài niệm xứ Đoài” là bài đầu tiên của tôi được hiện diện trên trang báo của em.
Hò hẹn mãi (như câu mở đầu của tản văn này) tôi và em đã gặp nhau, chỉ trong hai ngày mùa thu ngắn ngủi.
Khi chuyến tàu “hành” mà “không “tốc” từ Krakow đến Budapest dừng ở nhà ga Keleti, tôi nhận ngay ra em trong đông đúc dòng người dù đây là lần đầu tiên gặp mặt. Vòng tay ôm vai thân thiết của em làm tôi có cảm giác như gặp lại cậu em trai ngày nào còn nhỏ xíu, giờ đã là một người đàn ông cao lớn chững chạc. Câu chào đầu tiên của tôi là “khiếp, sao em cao thế?” và đón nhận nụ cười rạng rỡ hiền hậu của em.
Hai ngày quá ngắn cho một cuộc rong chơi ở một trong những kinh thành đẹp nhất Châu Âu nhưng cũng chẳng thiếu nơi nào cần mà không đến được từ Buda đến Pest. Cũng được ăn món xúp cá halászlé ngon đặc trưng Hung, nhiều lắm tiếng cười từ những câu chuyện hóm hỉnh, và cũng lắm nỗi niềm khi chứng kiến nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử đau đớn.
Tôi không thích cách so sánh thành phố Budapest bên bờ Danube như “một Paris thu nhỏ”, cũng như không thể nói “sáng nay Sài Gòn se lạnh đẹp như ngày thu Hà Nội”. Mỗi thành phố chỉ là đúng như nó, dù khi khởi lập và trong quá trình phát triển, người ta có cố tình theo một hình mẫu nào đó.
Budapest với thành cổ lâu đài, những đường phố nhỏ nhắn, những cửa tiệm cà phê xinh xắn, những ngôi nhà thờ cổ kính, những đại lộ sang trọng những khu vườn nhỏ… Tôi tự hỏi vì sao Budapest lại có sự hòa hợp kỳ lạ giữa cổ xưa và hiện đại? Vì sao trải qua những sự biến tàn khốc của một thời kỳ dài vài chục năm mà con người ở đây vẫn giữ được vẻ hồn hậu đáng yêu đến thế?
Hungary có vị trí địa lý ở “trung tâm” Châu Âu, là quốc gia có lịch sử lâu đời nhất Châu Âu, từng là một đế chế hùng mạnh và trải qua nhiều biến cố lịch sử thậm chí cả mất nước. Tôi có cảm nhận rằng quá trình hình thành văn hóa Hungary là sự hòa trộn kỳ lạ giữa Đông và Tây Âu, giống như sắc đẹp và cá tính độc đáo của những cô gái trong đoàn Di-gan “lang thang” hàng thế kỷ khắp miền trung nguyên Châu Âu.
Chất “Tây” tạo nên sự tinh tế, trang nhã còn chất “Đông” để lại sự duyên dáng và an nhiên, có thể nhận thấy điều đó ở tất cả: từ quy hoạch đô thị, kiến trúc các công trình đến vẻ đẹp của những người phụ nữ và khẩu vị nhiều món ăn. Có lẽ chính điều đó làm cho Budapest nói riêng và Hungary nói chung trở nên thân thuộc với tôi dù lần đầu tôi đến.
Chia tay, em còn hẹn tôi, lần sau chị qua sẽ đi hồ Balaton, đến thành cổ Eger - nơi đã đi vào cuốn tiểu thuyết và bộ phim yêu thích từ thời thơ ấu của thế hệ chúng mình. À, nói đến bộ phim này, điều làm tôi nhớ nhất không phải phong cảnh tuyệt đẹp, là tình yêu lãng mạn hay những trận chiến ác liệt, mà chỉ là một chi tiết: “Nhà sử học – một chàng trai trẻ, giữa cuộc chiến ác liệt tên bay đạn lạc mà vẫn lăm lăm tay bút lông ngỗng tay cuộn giấy da dê, miệt mài ghi chép những gì đang diễn ra trong trận đánh, kể cả từng mệnh lệnh từng câu… chửi. Khi bị một mũi tên bắn trúng mông anh ta vẫn không từ bỏ nhiệm vụ dù máu chảy đầm đìa”.
Tình tiết vui vui về “ghi chép lịch sử trung thực” này về sau cứ quay lại trong ký ức mỗi khi tôi bắt đầu đi khảo sát thực địa hay ghi chép gì đó về chuyên môn. Âu cũng là một cái “duyên” nữa của tôi với đất nước và con người Hungary.
Chỉ hai ngày ngắn ngủi nhưng cũng đủ làm nên một nỗi nhớ quá dài với Budapest xinh đẹp và bình yên. Và với cậu em - nhà báo Nguyễn Hoàng Linh.
Bao nhiêu lâu rồi Linh nhỉ? Vẫn mong gặp lại em giữa Budapest hay ở Hà Nội, Sài Gòn dù mỗi ngày chị đều gặp em qua trang báo “Nhịp cầu Thế giới”.