“MÓN QUÀ CỦA BÈ BẠN TỪ KHẮP NƠI TRÊN THẾ GIỚI...”
- Thứ sáu - 28/02/2014 20:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Tủ sách là của các cháu (...). Mong muốn của cô và bạn bè là sẽ xây dựng tủ sách dài lâu, bên ngoài có sách gì bên trong các cháu cũng có sách đó. Việc này có thể thực hiện được lâu dài hay không phụ thuộc chính vào sự đón nhận của các cháu! Cảm ơn các cháu đã đón nhận món quà của bạn bè cô từ khắp nơi trên thế giới gửi tặng các cháu” - phát biểu của chị Bích Ngọc trong lễ ra mắt Tủ sách chữ nổi “Nhịp cầu Thế giới”.
Chị Bích Ngọc phát biểu
Lời Tòa soạn: Sau mười đầu sách đã được in ấn và đến tay các học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu - Hà Nội, vào ngày 28-2-2014, Tủ sách chữ nổi “Nhịp cầu Thế giới” đã được chính thức ra mắt với sự có mặt của lãnh đạo nhà trường, học sinh, và các vị khách mời đến từ các nhà sách, cơ sở xuất bản, các thân hữu đã hỗ trợ dự án sách nổi dành cho học sinh khiếm thị.
Trong buổi lễ, chị Bích Ngọc, một CTV thân thiết của NCTG, người đề xướng, tổ chức vận động và trực tiếp điều hành, thực hiện dự án, đã có những chia sẻ, tâm sự rất cảm động với toàn thể cử tọa, về ý tưởng lập tủ sách chữ nổi, cũng như quá trình thực hiện dự án này, với sự hỗ trợ nhiệt tình và hết lòng của các tác giả, dịch giả, bạn bè, thân hữu tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
Chụp ảnh kỷ niệm bên Tủ sách Nhịp cầu Thế giới - Ảnh: Bích Ngọc
Kính thưa Ban giám hiệu nhà trường,
Kính thưa các thầy cô giáo,
Thưa các bác, các anh, chị,
Các cháu học sinh yêu quý!
Hôm nay, được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường, tôi rất vui mừng được tổ chức buổi ra mắt Tủ sách chữ nổi “Nhịp cầu Thế giới” dành cho học sinh khiếm thị.
Lời đầu tiên tôi muốn nói là lời cảm ơn Ban giám hiệu nhà trường đã rất ủng hộ và cho phép tôi cùng thầy Hiếu được xây dựng Tủ sách “Nhịp cầu Thế giới”. Đây là tủ sách dành cho học sinh khiếm thị và do chính các em trực tiếp in ấn, đóng quyển trên thiết bị máy móc của nhà trường, cũng như tự quản lý và sử dụng.
Các cháu học sinh yêu quý! Từ lâu lắm rồi, mỗi lần cầm trên tay một cuốn sách mới, cô luôn ao ước một ngày nào đó sách cũng sẽ được in bằng chữ nổi để các cháu có thể đọc được bằng chính đôi tay của mình.
Cô cũng đến các nhà xuất bản để hỏi nhưng họ nói là khó có thể thực hiện vì lượng người dùng sách chữ nổi hạn chế, không hiệu quả cho kinh doanh. Thêm nữa, cũng nhiều tổ chức tự ghi âm và phát miễn phí cho các cháu những cuốn sách nói nên đã có lúc cô cũng đã từ bỏ ước mơ của mình.
Đến một buổi cô nói chuyện với Mỹ Linh và một vài cháu khác. Cô hỏi về tác dụng của chiếc đài mà cô tặng đợt trước, các cháu có dùng để nghe được những tác phẩm văn học không? Các cháu nói chiếc đài đó các cháu dùng cho việc học tiếng Anh, nghe ca nhạc còn các cháu ít nghe truyện văn học.
Cô nghĩ là các cháu không tiếp cận được nguồn sách nói nên cô bảo để cô “cop” những truyện đó các cháu nghe nhé. Nhưng Mỹ Linh lại bảo, không phải vậy mà vì các cháu thích đọc hơn, khi đọc thì mình chủ động còn khi nghe mình bị động. Nhưng các cháu không có sách chữ nổi để đọc!
Cô hỏi tiếp một vài cháu khác thì các cháu đều trả lời như vậy. Vậy là mong muốn in sách chữ nổi cho các cháu lại trỗi dậy, nhưng làm thế nào đây?
Cuộc đời quả là có nhiều cái duyên kỳ lạ mà đôi khi ta không lý giải được. Có những sự xuất hiện đúng lúc như một sự sắp đặt sẵn mà nghĩ mãi vẫn không hiểu tại sao.
Lời cảm ơn thứ hai cô muốn gửi đến chính là cám ơn thầy Hiếu của các cháu. Thầy đã xuất hiện đúng lúc đó và hiện thầy đang chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật in ấn sách, đồng thời, là người chịu trách nhiệm chính về tủ sách với nhà trường.
Rất cảm ơn anh, anh Hiếu ạ!
Như vậy là thầy Hiếu nhận sẽ in sách chữ nổi cho Tủ sách, Ban giám hiệu cũng đã đồng ý cho thành lập Tủ sách và in ấn trên thiết bị của trường. Cô bắt đầu kêu gọi bạn bè đóng góp kinh phí cho Tủ sách.
Cũng vẫn như mọi lần, khi cô đề đạt ý tưởng của mình, thì luôn được bạn bè cô hưởng ứng. Đó là những bạn bè, CTV, thân hữu của báo “Nhịp cầu Thế giới”, là các thành viên CLB VINAPHUNU ở Berlin, là bạn bè của cô giáo Lê Mai Khuyên, v.v… - ngay lập tức, mọi người đã đóng góp kinh phí để cô mua giấy bắt đầu cho việc in sách.
Các vị khách mời: dịch giả Lê Quang, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, họa sĩ Phạm Tô Chiêm trong buổi giao lưu và mạn đàm tại lễ ra mắt Tủ sách - Ảnh: Bích Ngọc
Và, đặc biệt, vừa cách đây mấy hôm cô nhận được một khoản tiền khá lớn từ CLB VINAPHUNU dành cho Tủ sách của mình. Số tiền này được các cô trong CLB quyên góp nhân dịp CLB tổ chức triển lãm Một thế kỷ ảnh cưới Việt Nam dịp tết vừa rồi, vậy là mình thoả sức in sách, có khi cho đến tết sang năm may ra mới cần kêu gọi kinh phí tiếp!
Như thế, lời cảm ơn thứ ba cô muốn gửi tới chính là lời cám ơn những người bạn của cô, đã luôn đồng hành cùng mọi ý tưởng của cô trong nhiều hoạt động hỗ trợ các cháu trong ngôi trường này. Cảm ơn báo “Nhịp cầu Thế giới” đã kết nối tất cả mọi người lại ở đây, cảm ơn CLB VINAPHUNU, cảm ơn tất cả bạn bè mình đã đóng góp kinh phí để xây dựng và duy trì Tủ sách này, bây giờ và cả sau này!
Vậy là đã có kinh phí, giờ đến tác phẩm. Cô và các bạn bè bắt đầu liệt kê các tác phẩm văn học kinh điển dành cho lứa tuổi các cháu, rồi cô bắt đầu tìm địa chỉ, điện thoại của các tác giả, dịch giả để tiếp cận xin phép được sử dụng tác phẩm in bằng chữ nổi cho các cháu.
Đang loay hoay vậy thì dịch giả Giáp Văn Chung từ Budapest gửi cho cô tác phẩm “Vuk - Chú cáo dũng cảm”, vậy “Vuk...” là cuốn sách đầu tiên của Tủ sách. Cô bắt đầu liên lạc với các tác giả và một điều bất ngờ là ai cũng rất nhiệt tình ủng hộ gửi ngay bản mềm cho cô kèm những lời đề tặng dành riêng cho các cháu.
Đó chính là điều đặc biệt trong mỗi cuốn sách của tủ sách này: trang đầu tiên sau bìa của cuốn nào cũng đều là trang ghi những lời đề tặng của chính tác giả, dịch giả cho các cháu!
Cho đến hôm nay, Tủ sách của mình đã có mười đầu sách với 110 cuốn - trong đó có những cuốn vừa mới xuất bản chữ sáng, có những cuốn đang in chưa phát hành nhưng các cháu đã có để đọc rồi. Đó là sự ưu ái của các tác giả dành cho các cháu!
Và do đó, lời cảm ơn thứ tư mà cô muốn gửi đến, đó chính là sự tri ân các tác giả, dịch giả đã tặng những đứa con tinh thần của mình cho các cháu. Cảm ơn nhà sách Alphabooks, nhà sách Nhã Nam đã rất nhiệt tình hỗ trợ bản quyền một số tác phẩm cho tủ sách của mình. Và hôm nay, đến đây vui cùng các cháu có họa sĩ Phạm Tô Chiêm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, dịch giả Lê Quang, đại diện Nhã Nam.
Các cháu thân mến, có một hôm cô đến trường và trường mất điện, cô mở cửa bước vào phòng Tủ sách, phòng tối um phải một lúc sau định hình cô mới nhìn rõ mọi vật trong phòng. Cô ngạc nhiên lắm khi thấy thấy Hiếu và bốn, năm cháu nữa đang lúi húi xé diềm, đóng gáy xoắn sách. Cô kêu lên khá to:
- Sao tối thế này mà mọi người vẫn làm việc được!
Tất cả các bạn và thầy Hiếu đều cười cô và lúc này cô mới thấy mình… vô duyên ghê. Cô cũng có hỏi sao các bạn ấy lại ở đây thì được các bạn trả lời mất điện được nghỉ học nên tranh thủ xuống xé diềm và đóng gáy xoắn cho tập sách vừa in xong tối qua.
Lời cảm ơn thứ năm, như thế, cô dành cho nhóm các cháu thực hiện mọi công việc của tủ sách. Tủ sách được từng kia quyển chính là nhờ công của nhóm các cháu này. Các cháu đã luôn tận dụng thời gian rỗi, lúc được nghỉ học để hoàn thiện dần từng quyển sách một. Cảm ơn Mỹ Linh, Thảo Duyên, Thanh, Loan rất nhiều!
Cảm động nghe học sinh khiếm thị đọc lời đề tặng trong sách - Ảnh: Bích Ngọc
Và cuối cùng, cô cảm ơn tất cả các cháu đã đón nhận tủ sách nhiệt tình. Quả thật mỗi lần đi trong trường hoặc vào khu nội trú thấy các cháu tung tăng cầm cuốn sách đi về phòng, lòng cô rộn ràng khôn tả. Cô cũng hạnh phúc vô cùng khi đứng trong phòng Tủ sách, chứng kiến các cháu đến đổi sách và mượn sách. Đặc biệt, thấy các cháu ríu rít khi làm sách cô rất vui.
Các cháu ạ, Tủ sách là của các cháu, cô chỉ là người giúp các cháu đi tìm kinh phí và xin tác phẩm từ các tác giả, còn mọi việc khác là do các cháu hết. Mong muốn của cô và bạn bè là sẽ xây dựng tủ sách dài lâu, bên ngoài có sách gì bên trong các cháu cũng có sách đó. Việc này có thể thực hiện được lâu dài hay không phụ thuộc chính vào sự đón nhận của các cháu! Cảm ơn các cháu đã đón nhận món quà của bạn bè cô từ khắp nơi trên thế giới gửi tặng các cháu.
Thưa Ban giám hiệu, hôm nay có rất nhiều bạn bè của tôi đã không đến đây dự buổi ra mắt sách được vì các anh chị ấy đều ở rất xa. Nhưng các anh chị cũng có nhờ tôi, chuyển lời cảm ơn chân thành tới Ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô giáo cùng toàn thể học sinh. Cảm ơn nhà trường đã tạo điều kiện để các bạn bè tôi được quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ các cháu trong trường mình!
Xin gửi tới tất cả mọi người lời cám ơn chân thành nhất!