Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


LỄ VU LAN KỶ SỬU 2009 TẠI HUNGARY

(NCTG) Từ lâu đời nay, Vu Lan là lễ hội đã quen thuộc trong đời sống người Việt. Do cố gắng và nhiệt tâm của thiện nam tín nữ và các nhà hảo tâm trong cộng đồng, nhờ sự trợ giúp tận tình của Đại sứ quán, của Trung ương Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam và các nhà tài trợ, Lễ Vu Lan Phật Lịch 2553 đã được tổ chức trọng thể tại Trung Tâm Thăng Long (TTTL) vào tối 30 tháng 8-2009.

Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng phát biểu tại Lễ Vu Lan

Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cùng Phu nhân, anh Vũ Quý Dương, chủ sở hữu TTTL, và đại diện các hội, đoàn thay mặt cộng đồng đã nồng nhiệt đón chào mừng Đoàn hoằng pháp Châu Âu năm 2009 của Trung ương GHPG Việt Nam. Đoàn gồm 9 thành viên, trong đó có 2 Thượng tọa là Thượng tọa Thích Thanh Phong (Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương GHPG Việt Nam, Phó Ban Từ thiện Trung ương GHPGVN, Chủ trì chùa Vĩnh nghiêm TP HCM) và Thượng tọa Thích Giác Dũng (trưởng đoàn), 4 Đại đức và 3 Phật tử.

Đông đảo Phật tử người Việt tại Hungary và gần một trăm bà con đã đến dự Lễ Vu Lan Kỷ Sửu và Lễ Cầu siêu Cửu huyền Thất tổ do Đoàn chủ trì.

Nhân dịp này, Thượng tọa Thích Thanh Phong đã long trọng đọc và trao Quyết định của Trung ưong GHPG Việt Nam về việc công nhận Hội Phật tử Việt Nam tại Hungary có Ban trị sự nhiệm kỳ 2009-2013 gồm 11 Phật tử, do anh Dương Tuấn Long làm chủ tịch.

Chủ tịch Hội Phật tử Dương Tuấn Long nhận quyết định

Sau các lễ thành lập Hội Phụ nữ, Hội Người Cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, v.v… một lần nữa, TTTL lại có vinh dự chứng kiến sự ra đời của Hội Phật tử. Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, trong lời phát biểu trước lễ hội, đã nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của Hội Phật tử trong sinh hoạt tâm linh của cộng đồng, góp phần giúp bà con an cư lạc nghiệp, thu nhiều thành công trong hội nhập và duy trì truyền thống văn hóa dân tộc.

Trong lời truyền giảng, Thượng tọa Thích Giác Dũng giới thiệu Lễ Vu Lan, xuất phát từ điển tích báo hiếu mẹ của Mục Kiền Liên, một trong 10 đại đệ tử của Đức Phật. Lễ Vu Lan gắn liền với chữ HIẾU. Và như vậy, Vu Lan không chỉ là một nghi lễ Phật giáo mà đã trở thành nét đẹp văn hóa trong truyền thống người Việt.

Thượng tọa chỉ rõ, đạo làm con đối với cha mẹ là đạo hiếu cả đời: Phương Tây có Ngày của Cha, có Ngày của Mẹ. Đối với người Việt, Vu Lan là dịp duy nhất trong năm, để con cháu tạm xếp lại việc đời bộn bề dành thời gian nhớ thương, kính dưỡng các bậc sinh thành.

Bắt đầu Lễ, bà con đã được nhận những bông hồng cài lên áo mình: bông mầu đỏ dành cho người còn mẹ còn cha, bông màu hồng dành cho ai đã mất mẹ hoặc cha, nhận bông màu trắng để ngậm ngùi sự thiếu vắng cả mẹ cả cha.

Các bậc chân tu cũng khuyên bảo bà con hãy chú trọng hơn nữa tới việc giáo dục trong gia đình, dạy dỗ con cái để các cháu vừa tân tiến hòa nhập cuộc sống mới, đồng thời sâu sắc văn hóa dân tộc. Vu Lan góp phần duy trì căn bản đạo đức gia đình, nhắc nhở đạo làm con lo tròn chữ Hiếu.

Từ trái sang: Thượng tọa Thích Thanh Phong, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng và Phu nhân, Phật tử Phan Bích Hằng và anh Vũ Quý Dương bắt đầu Lễ Vu Lan

Đặc biệt, trước khi cử hành Lễ Vu Lan và Lễ Cầu siêu, đông đảo bà con đã được Phật tử Phan Bích Hằng - một thành viên của Đoàn vừa đến Budapest - chia sẻ những suy tư chân tình về công việc mà nhà ngoại cảm nổi tiếng này đã làm lâu nay.

Chân thành, tự tin và duyên dáng trong mốt hiện đại, chị tự giới thiệu: là một phụ nữ bình thường, hiện chị công tác tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà nội. Chị cũng là một cán bộ của bộ môn Cận tâm lý thuộc Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người.

Được nghe trực tiếp, đông đảo người dự đã cảm nhận phần nào sự ly kỳ, đầy gian nan trên con đường dẫn chị trở thành nhà ngoại cảm nổi danh: thần kỳ bừng tỉnh lại sau chết lâm sàng suốt 7 giờ liền do bị chó dại cắn năm 17 tuổi, bằng thiên nhãn, thiên thống có thể nghe được người âm trò chuyện, thấy rõ hình hài tử thi nằm sâu dưới 4 mét phù sa, v.v…

Nhà ngoại cảm Phan Bích Hằng

Thời kỳ đầu, không một ai - kể cả cha mẹ và những người thân quen - tin những điều chị nghe thấy, trông thấy. Song qua những vụ việc cụ thể đối với các cán bộ địa phương và Trung ương, dần dà những điều nghe được, thấy được – tuy chưa giải thích được – đã được chứng minh (đúng tới 87%!)

Bằng khả năng thần bí khó tin, những gì Phan Bích Hằng làm được cho đời thực đáng trân trọng: chị đã tìm lại hài cốt của hàng ngàn liệt sĩ, mang lại niềm an tịnh cho hàng trăm gia đình.

Cuối phần nói chuyện, chị Phạn Bích Hằng đã giải đáp nhiều mắc mớ và khuyên bà con ta hãy kiên trì tu tâm, cầu Phật, xây dựng cuộc sống an lạc trong nghiệp nhân quả - nét đẹp ngàn năm văn hóa dân tộc chúng ta.

Tác giả bài viết: Phạm Khuê