Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


LÀM BÁO TIẾNG VIỆT Ở HUNGARY

Tờ báo “Nhịp cầu Thế giới” (NCTG) ra đời vào ngày 12-12-2001 bởi một nhóm cựu sinh viên Việt Nam tại Hungary, và là tờ báo tin tức, xã hội và văn hóa tiếng Việt duy nhất ra đều đặn tại Hungary.
NCTG thời báo giấy - Ảnh tư liệu
Nhân kỷ niệm 15 năm trang báo này, BBC Tiếng Việt đã có bài phỏng vấn TBT tờ NCTG về quá trình làm báo tiếng Việt tại Hungary và nền tự do báo chí của nước chủ nhà nay ra sao.

- Xin anh cho biết trang NCTG đã chuyển tải những tin tức, sự kiện quan trọng gì của Hungary cho cộng đồng Việt tại nước sở tại?

Một trong những mục tiêu quan trọng mà NCTG đặt ra từ lúc thành lập là chú trọng phản ánh các mặt của đời sống chính trị, xã hội, văn hóa và lịch sử của nước Hung cho cộng đồng Việt sinh sống tại đây. Thế nên, hầu hết các tin chủ đạo của Hungary, từ các diễn biến quan trọng trên chính trường (bầu cử, sửa đổi Hiến pháp, tranh luận và thông qua các đạo luật quan trọng...) cho đến các sự kiện văn hóa, xã hội của Hung, NCTG cũng có chú trọng đưa tin.

Trong một tương quan khác, những kinh nghiệm của quá trình thay đổi thể chế năm 1989 tại Hungary, cũng như những biến cố lớn của Hung thế kỷ 20 như cuộc cách mạng 1956, hoặc vai trò của Hungary trong hai cuộc Thế chiến... cũng được NCTG tập trung phân tích, mổ xẻ trong những “hồ sơ” theo cách chúng tôi gọi, ngõ hầu để độc giả tham khảo và rút ra được những kinh nghiệm, bài học về cách ứng xử của một dân tộc nhỏ giữa những gọng kìm của lịch sử.

Liên quan tới những vấn đề là Việt Nam và Hungary cũng có những sự tương đồng trong hiện tại, như quan hệ với các cường quốc, hoặc vấn đề môi trường (nhà máy điện nguyên tử, khai thác bauxite...), NCTG cũng có loạt bài được nhiều báo chí trong và ngoài nước tham khảo, và như chúng tôi được biết, giới ngoại giao hai nước cũng đã để tâm tới những tư liệu ấy.

- Những khó khăn, thách thức trong công tác làm báo cho một cộng đồng tại Hungary? Và rộng ra là vùng Đông Âu?

Cộng đồng Việt Nam tại Hungary có vỏn vẹn 5-6 ngàn người, phần đông kinh doanh tại các khu chợ và trung tâm thương mại, cuộc sống mưu sinh bươn chải và vất vả khiến mọi người còn rất ít thời gian cho những giá trị tinh thần, mà trong đó báo chí là một. Tôi nghĩ, đây cũng là tình hình chung cho báo chí cộng đồng tại các nước Đông - Trung Âu khác, cho dù tại những nơi đó cộng đồng có thể đông đúc hơn nhiều.

Mặt khác, hiện tại về thông tin, bà con cũng có rất nhiều nguồn - đặc biệt là do sự phát triển của kỹ thuật, hầu như ngồi bán hàng nhưng ai cũng có thể mở điện thoại ra “lướt” tin, nhất là tin tức trên các mạng xã hội, nhanh và có độ tương tác, “phát tán” rất lớn. Bên cạnh đó, do là một tờ báo hoàn toàn thiện nguyện, người làm báo và các CTV đều không có lương hay nhuận bút, nên chi phí cho tờ báo cũng là thách thức đáng kể.

Tôi nghĩ, đó là những khó khăn chung đối với những ai muốn làm báo nghiêm túc, độc lập và có chủ kiến ở Đông Âu, không phụ thuộc vào các tổ chức chính trị, tôn giáo hay ngay cả các doanh nghiệp. Riêng đối với NCTG, đó cũng là một trong những lý do khiến sau 7 năm hoạt động như một tuần báo (báo giấy), về sau NCTG chuyển lên mạng và thành một tờ báo trực tuyến như hiện tại.

- Phong trào dân tuý, dân tộc chủ nghĩa đang lên mạnh tại Châu Âu có gây khó khăn cho việc hội nhập của người Việt Nam tại Hungary hay không? Nếu có thì báo NCTG đã và đang làm gì để đề cập đến chủ đề này?

Hungary vốn là một quốc gia mến khách, và người dân Hung có truyền thống tốt bụng, thiện cảm với cộng đồng Việt, xuất phát từ một mối quan hệ đã tồn tại hơn 6 thập niên giữa hai nước. Tuy nhiên, chính sách ngoại kiều của Hung được coi là chặt chẽ và hà khắc, Hungary cũng ít có những chương trình giúp dân nhập cư hội nhập, nên bản thân việc hội nhập đã là vấn đề tương đối khó với đông đảo bà con Việt Nam.

Kể từ khi phe hữu lên cầm quyền và chiếm “thượng phong” trong đời sống chính trị và xã hội nước Hung (6 năm nay), việc hội nhập của người Việt không khó khăn hơn bởi cái đích của chính quyền không nhằm vào người Việt hay người nhập cư như kiểu người Việt nói chung, nhưng rõ ràng là tâm trạng của mỗi người và bầu không khí bao trùm hàng ngày đã nặng lên đáng kể, bởi những định kiến và hằn học.

NCTG đã có rất nhiều bài viết bình luận, phân tích về khuynh hướng dân túy, dân tộc chủ nghĩa nhiều khi dẫn tới một số hành vi, phát ngôn cực đoan của nội các Hung, đặc biệt là trong các hồ sơ khủng bố, Hồi giáo, tỵ nạn hay di dân, đều là những vấn đề mấu chốt có tác động lớn tới Liên Âu hiện tại, mà Hungary - do vị trí địa lý và hiện trạng chính trị - là một trong những quốc gia chịu và gây ảnh hưởng.
 
Số báo kỷ niệm NCTG 15 tuổi - Ảnh: Bùi Uyên (từ Paris)
Số báo kỷ niệm NCTG 15 tuổi - Ảnh: Bùi Uyên (từ Paris)

- Chính phủ Orbán Viktor bị Liên hiệp Châu Âu cho là đã dùng các biện pháp khác nhau nhằm hạn chế đối lập và báo chí phê phán họ, điều này có đúng không?

Đây chính là một trong những cáo buộc thường xuyên nhất là Liên Âu - cũng như những tổ chức phi chính phủ, dân sự độc lập - thường xuyên đưa ra, kể từ khi nội các Orbán ra bản Hiến pháp mới được coi là có những điều khoản phi dân chủ, bóp nghẹt tự do ngôn luận, cho tới việc Đạo luật Truyền thông được sửa đổi theo chiều hướng tương tự, cùng những dịp tu chính Hiến pháp nhằm “bê tông hóa” quyền lực của phe cầm quyền.

Những động thái này khiến phe đối lập Hung vốn dĩ đã yếu và chia rẽ, lại ngày càng suy yếu và mất đoàn kết hơn. Quyền được nói, được phê phán chỉ trích chính quyền và cá nhân giới lãnh đạo, cũng như quyền tự do biểu đạt của người dân còn bị hạn chế qua những bản án thiếu thuyết phục, mà nhiều khi người bị thua kiện đã đệ lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu Strassborg, và tại đó đã chiến thắng chính quyền.

Điều đáng nói là nội các cánh hữu đã thiết lập và gia tăng một hệ thống những “nhóm lợi ích” trong mọi lĩnh vực, mà trong đó, truyền thông là một. Truyền thông công ích được chính quyền sủng ái, luôn có những bê bối về đưa tin thiên lệch, có lúc bóp méo, không tạo điều kiện để phe đối lập được lên tiếng đầy đủ trước công luận. Và truyền thông đối lập thì luôn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, kể cả nỗi lo về tài chính khi bị uy hiếp.

- Môi trường truyền thông tại Hungary thời gian qua gặp nhiều thách thức, anh có thể mô tả việc báo “Tự do Nhân dân” (Népszabadsag) bị đóng cửa xảy ra như thế nào?

Đó chính là một ví dụ điển hình của sự can thiệp của chính trị vào báo chí đối lập và độc lập, thông qua những phương tiện quyền lực và tài chính. “Tự do Nhân dân” vốn là tờ nhật báo chính luận, xã hội lớn nhất và cũng được coi là có uy tín hàng đầu tại Hungary, quy tụ nhiều thế hệ ký giả kỳ cựu của nước Hung. Đột ngột, vào ngày 8-10, tập đoàn Mediaworks, cơ sở ấn hành báo cho tạm đình chỉ tờ báo, cả phiên bản in lẫn trực tuyến.

Lý do được đưa ra là vì mô hình kinh doanh hiện tại của báo thua lỗ, và ảnh hưởng tiêu cực đến thành quả của cả tập đoàn một cách dài hạn nếu không được chấn chỉnh. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, lý do thực sự nằm ở chỗ liên minh cầm quyền muốn thâu tóm trong tay toàn bộ các cơ quan ngôn luận độc lập, trong đó “Tự do Nhân dân” cho tới giờ vẫn là tờ đáng kể nhất, và nếu cần thì tìm cách “bịt miệng”.

Cần nói thêm là thời điểm tờ báo bị tạm đình bản - được gọi bằng cái tên ngày đen tối cho tự do báo chí Hungary - cũng là lúc cuộc trưng cầu dân ý chống việc nhận người tỵ nạn do nội các Hung đề xướng không đạt được lượng cử tri tham dự như ý muốn, và giới truyền thông độc lập bị coi là những “tội đồ” lớn. Cũng vào lúc đó, “Tự do Nhân dân” còn có loạt phóng sự điều tra về các bê bối lớn của giới lãnh đạo phe cầm quyền cánh hữu.

Rốt cục, vào ngày 12-12, đúng vào kỷ niệm NCTG tròn 15 tuổi, thì tờ báo uy tín nhất của Hung, “Tự do Nhân dân” chính thức bị đóng cửa, và theo quan điểm của rất nhiều người, chỉ vì nó đã viết nên sự thật...

- Bài học, câu chuyện, kỷ niệm gì anh muốn chia sẻ thêm liên quan đến Việt Nam hoặc người Việt trên thế giới.

Trong suốt 15 năm làm báo cùng NCTG, tôi có nhiều kỷ niệm vui buồn, mà nhiều chuyện từ thời đầu bây giờ nhắc lại có thể nhiều người không tin. Chúng tôi đã phải chịu ánh mắt và cả thái độ nghi kỵ của không ít người, với những lời cật vấn “ai phân công, ai cho tiền mà làm báo?”, “muốn phản động hả?”, hoặc cả những tin nhắn, điện thư dọa giết, đốt nhà... khi có một bài trên báo bị coi là đã đụng chạm tới tâm tư tình cảm một số người.

Nhưng tựu trung, bài học nhận được, là mình cứ kiên nhẫn làm việc với cái tâm sáng, nghiêm túc, thì trước sau cũng nhận được sự đồng cảm và ủng hộ và khích lệ. Nếu không có điều đó, làm sao một tờ báo nhỏ, của một nhóm nhỏ trong một cộng đồng nhỏ ở một nước nhỏ (như chúng tôi thường nhấn mạnh) lại có thể trụ lại và phát triển trong một khoảng thời gian dài, trong khi không hề có cơ sở tài chính và nhuận bút cho các CTV.

Những bạn hữu của tờ báo, mà tôi có thể nói là NCTG rất tự hào và trân trọng, từ khắp nơi trên thế giới và rất nhiều từ trong nước, cho chúng tôi thấy rằng, từ một nỗ lực mang tính cộng đồng tại một địa phương, có thể mở rộng và làm những việc có ích cho người Việt xa xứ nói chung. Bên cạnh đó, một số bạn đọc có chia sẻ rằng, nhiều bài viết trên báo cũng giúp họ có thể tham khảo cho nhiều vấn đề của Việt Nam càng khiến chúng tôi cảm thấy rằng việc mình làm là có ích...

(*) Bản tin đã đăng trên BBC.