Kỷ niệm 2 năm NCTG: BÁO CHÍ VÀ SỨC KHỎE
- Thứ sáu - 12/12/2003 00:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
BS Đặng Phương Lan
“Anh nghĩ ở Hung có nên ra một tờ báo tiếng Việt không nhỉ? Em nghĩ cộng đồng người Việt ở Hung thế này mà chẳng có lấy được một tờ báo tử tế”. - “Ôi giời, ai đọc, đọc để mà làm gì, sang đây là để đi... cày, để kiếm tiền, ai còn hứng thú gì mà đọc báo, thôi dẹp cái ý nghĩ đó đi!”
“Thưa chú, giá như ở Hung có một tờ báo tiếng Việt cho người Việt Nam để nâng cao đời sống tinh thần, đồng thời giúp cho những người ít biết tiếng Hung những thông tin cần thiết, thì rất đáng làm chứ?”. - “Ừ, nghĩ thế cũng đúng nhưng mà cũng phải cân nhắc kỹ cái đã, chuyện này chẳng phải đơn giản”.
“Chị có thích đọc báo tiếng Việt không?”. - “Có chứ, tuần nào mà mình chẳng mua báo “đánh” từ nhà sang, đọc cho đỡ nhớ nhà nhưng nếu có báo ở ngay tại đây thì đọc càng thích”. “Thế chị tham gia viết báo nhé?” - “Ôi nói thế thôi chứ mình viết thế nào được, ngại lắm, à mà nghe nói làm báo vất vả lại cũng chẳng lời lãi gì đâu em ạ”.
“Lâu lắm mới gặp anh, có tin gì mới không?... em đang nghĩ chuyện phải làm một tờ báo tiếng Việt ở đây”. - “Mình nghĩ đến chuyện đó từ lâu rồi” - đó là câu trả lời của anh H.L., hiện là TBT tờ NCTG - vào một buổi chiều cuối hè năm 2001.
*
Chỉ vài tháng sau, cuối giờ làm việc, đầu óc còn đang ngổn ngang đến những ca mổ xẻ, bệnh nhân, bệnh viện, quên việc gì, nhớ việc gì... Thì nhận được điện thoại của “phu nhân” anh H.L., giọng run run: “Lan ơi, có báo rồi đấy, đến mà xem!”. Ngồi nhà anh chị, cầm bản nháp của tờ báo in bằng máy in “vườn” mà tôi không khỏi thấy lòng xao xuyến.
Cuống quá cũng chẳng đọc được dòng nào ra hồn nữa mà có lẽ cũng chỉ giở từ trang đầu đến trang cuối, lật lại từ trang cuối về trang đầu, mà ngắm nghía, mà hí hửng: “Vậy là có tờ báo tiếng Việt ở Hung rồi”.
Thậm chí cho đến bây giờ tôi vẫn thấy ân hận, quá ân hận vì nhớ lại mình chẳng nói được một câu nào khen ngợi cho nên hồn cả mà hình như tôi chỉ “góp ý kiến”, đúng hơn là chỉ chê chỗ này chỗ kia: buồn quá nhỉ, chỉ có đen trắng chứ chẳng có màu, chữ chỗ này in thế nhìn không rõ, để liền thế này khó đọc quá, sao mà ảnh lại mờ mờ nhòe nhoẹt thế...
Cả buổi tối trên đường về nhà đến tận đêm vẫn cứ nghĩ mãi về tờ báo, đến khi nằm trên giường rồi mới thấy nhói lên một điều quên chẳng nói ra: em thấy phục các anh quá, làm một tờ báo như vậy tốn biết bao nhiêu công sức, thời gian, bao đêm thức trắng và bao nhiêu giờ ngồi gõ máy tính...
Rồi ít bữa sau... “Lan ơi, ông L. nhà mình ốm rồi”. Làm bác sĩ, đã quá quen với những điện thoại tương tự như vậy, tôi chẳng hề mảy may suy nghĩ nhiều mà tuôn luôn một tràng các câu hỏi nghề nghiệp: “Có sốt không? Đau họng lắm à? Tất nhiên ốm thì phải mệt rồi, cần em khám không? Đã có thuốc thang gì chưa? Em ghi cho nhé. Chị cứ bình tĩnh làm gì mà hốt hoảng thế?”.
Nhưng rõ ràng lần này tôi cảm thấy những liều thuốc thông thường chẳng có hiệu quả rồi, chắc có chuyện gì đó nghiêm trọng hơn. Quả thật tôi không nhầm: “Ông L. nhà mình ốm thế nào... mất cả tiếng, không nói được, báo làm xong, để đó, chẳng có ai đi bán báo. Lan đi... bán với mình nhé?”.
Tôi trả lời “vâng” rất mạnh dạn nhưng thực ra trên đường chở báo ra chợ bán nhịp tim cũng tăng lên gấp đôi gấp ba... Chiều mùa đông, mới có khoảng 4 giờ mà chợ Bốn Con Hổ đã tối sập, có lẽ đã lạnh hơn mùa đông năm nay, mưa không ta mưa, tuyết không ra tuyết, đường uớt lép nhép, chỉ bước được vài bước là cái loại giày “cộng số” của tôi đã thấm đẫm nước.
Sau một ngày lao động cật lực ngoài trời, mặt mũi ai ở chợ cũng bơ phờ, mệt mỏi, lác đác có người đã dọn hàng chuẩn bị đóng cửa... Bỗng dưng cảm thấy thương người Việt mình xa xứ xở làm việc sao vất vả, cũng tất cả chỉ vì cuộc sống, biết làm sao được. Rồi lo lắng ập đến: khéo đúng thật, thế này thì ai còn tâm trí đâu mà đọc báo, vả lại, tờ báo mới ra cũng còn đơn sơ, đầy thiếu sót... có lẽ cũng chẳng ai quan tâm.
Tinh thần hăng hái làm báo của tôi biến đâu mất hết, mới đứng ở cổng chợ thôi đã chỉ chực muốn quay về cho xong, hèn đến suýt chảy nước mắt! Bỗng có tiếng gọi của một cô gái: “Chị Lan, chị ra chợ chơi đấy à?”.
Quay lại tôi nhận ra một cô bệnh nhân cũ, chắc vừa ra chợ lấy hàng về, tay xách nách mang nhưng giọng nói rất niềm nở của cô bé khiến tôi trấn tỉnh lại. “Không, chị ra bán báo, mới có tờ báo tiếng Việt làm ở Hung, em có mua về đọc thử?”. “Trời, vậy hả chị, hay quá nhỉ, để em mua vài số mang về nhà đọc cho vui, mấy anh chị ở gần nhà em chắc cũng thích lắm”.
Tới giờ chẳng nhớ tên, cũng chẳng biết cô bệnh nhân “trời phú” đó bán ở đâu, nhà chỗ nào, nhưng có lẽ không gặp cô ấy buổi đó chắc tôi cũng “giải nghệ” báo chí luôn. Vậy là có lúc bác sĩ phải cám ơn bệnh nhân!
Được tiếp thêm sức mạnh của thắng lợi bán được một lúc mấy tờ báo mở hàng, tôi và “phu nhân” anh H.L. mạnh dạn hơn trong việc chào mời, rao bán. Bao khuôn mặt, bao gian hàng, chẳng thể nào đếm được nhưng mọi người đều để lại trong tôi một cảm xúc nho nhỏ nào đó: người mua vì mừng có báo đọc, người mua vì tò mò, người mua vì thấy người khác mua mình cũng mua.
Rồi có người chần chừ rồi thì cũng “mua một tờ giúp cho em”, người mua rồi dọa nếu không hay sẽ trả lại, người nhất quyết lạnh băng không trả lời, người đóng góp cho tờ báo bằng cách không cần lấy lại tiền thừa, người hẹn sẽ tham gia viết cùng...
Sau mỗi gian hàng tôi đều cảm ơn những người đã chú ý đến tờ báo: không chỉ vì mọi người mua báo mà có lẽ cả vì nụ cười, ánh mắt, cả về sự háo hức của họ khi cầm tờ báo trong tay. Bỗng dưng lúc đó tôi lại nghĩ đến niềm vui của mẹ tôi mỗi khi kỳ công nấu nướng một món gì mà anh em tôi khen ngon, ăn nhiều, ăn hết sạch.
Thì ra niềm vui của con người ta cũng đơn giản: mang lại niềm vui cho người khác thì chính bản thân mình cũng thấy vui vẻ hơn.
Không biết có phải vì thế mà anh H.L. ít ốm không nhưng từ ngày làm báo đến giờ đúng là thấy TBT chẳng “nghỉ ốm” nữa. Mà cầu trời, cầu Phật cho anh đừng ốm, hoặc có ốm cũng đừng nghỉ, vì nghỉ thì báo gay go lắm! Mấy anh trong BBT cũng thấy vui vẻ lắm, chẳng thấy kêu ốm đau gì nữa.
Cứ theo cái đà này không khéo tôi hết cả bệnh nhân để khám. Vậy đấy, phòng bệnh hơn chữa bệnh, từ trước đến nay đó vẫn là lời khuyên quan trọng nhất của bác sĩ.
Một lần nữa cám ơn các bạn đã tham gia đọc báo NCTG, mong rằng các bạn sẽ tìm được trong đó nhiều thông tin cần thiết trong cuộc sống, nhiều nụ cười, nhiều phút thư giãn là những điều không thể thiếu được để đảm bảo cho sức khỏe của các bạn!