Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Hoa hậu Nguyễn Phạm Bảo Quỳnh: COI BẢN SẮC HUNGARY NHƯ MỘT PHẦN CỦA TÍNH CÁCH MÌNH

(NCTG) “Tôi nghĩ rằng việc gìn giữ truyền thống Việt Nam là rất quan trọng, nhưng nếu thực sự muốn hội nhập, muốn sinh sống lâu dài tại Hungary, bên cạnh việc nắm vững ngôn ngữ Hungary, điểm thiết yếu hàng đầu là phải coi nền văn hóa Hungary là của mình” - Nguyễn Phạm Bảo Quỳnh chia sẻ.

Nguyễn Phạm Bảo Quỳnh (trái) và nhà báo Olti Máté

LTS: Cộng đồng Việt Nam tại Hungary với gần 5 ngàn thành viên, trong những năm gần đây, đã dần dần thu hút sự chú ý của truyền thông Hungary với những nỗ lực trong sinh hoạt và hội nhập văn hóa. Đặc biệt, trong khuôn khổ chuyên mục “Những người nhập cư sống quanh chúng ta”, mạng tin “Tầm nhìn” (tekinto.hu) đã loạt loạt tin, bài về Việt Nam và một số nét hoạt động của cộng đồng Việt tại Hungary.

Trong loạt những bài trao đổi với một số gương mặt nổi bật của cộng đồng Việt Nam tại Hungary về những phong tục tập quán, về sự hội nhập, về những quan điểm, góc nhìn và sự lựa chọn, ký giả Olti Máté của mạng tekinto.hu đã chọn Nguyễn Phạm Bảo Quỳnh là nhân vật phỏng vấn đầu tiên. Bảo Quỳnh, Hoa hậu Việt Nam tại Châu Âu năm 2008, hiện là sinh viên khoa Quan hệ Quốc tế Đại học Kinh tế Corvinus (Budapest).

*

- Sự hội nhập với xã hội Hungary của cộng đồng Việt là vấn đề phụ thuộc vào lứa tuổi. Đối với thế hệ những người nhập cư đầu tiên, hiện đã đứng tuổi, tới Hungary vào thập niên 70 thế kỷ trước, sự hội nhập khó khăn hơn nhiều vì họ đến đây với mục đích hàng đầu là để học tập, tại một đất nước hoàn toàn khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa. Tuy nhiên, thế hệ thứ hai chúng tôi gần như đã sinh sống tại Hungary từ khi chào đời, trong thực tế đã coi bản sắc Hung như một phần của tính cách mình.

- Trong trường hợp gia đình bạn, sự khác biệt này đã thể hiện như thế nào?

- Cha tôi, sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa tại Việt Nam và giàng dạy ở dó một thời gian, đầu thập niên 90 đã sang Hungary nhờ có một học bổng. Ông bảo vệ luận án PTS tại Đại học Y Dược Semmelweis và quyết định ở lại hành nghề tại Budapest. Đối với ông, việc sử dụng tiếng Hungary - chủ yếu trong giao tiếp - khó khăn hơn nhiều so với tôi, người được làm quen với ngôn ngữ Hungary từ năm mẫu giáo.

- Như vậy khi ở nhà, trong gia đình, các bạn chủ yếu nói tiếng Việt với nhau?

- Vâng, vì như thế tiện hơn đối với tất cả chúng tôi. Tuy nhiên, với em trai tôi, chúng tôi thường dùng tiếng Hung khi trò chuyện. Chúng tôi thường dùng luân phiên, khi thì tiếng Việt, khi tiếng Hung, đôi lúc ngay trong một câu cũng đã chuyển từ tiếng này sang tiếng khác.

- Một ngày bình thường của một gia đình Việt Nam diễn ra như thế nào?

- Cũng như đa số các gia đình Việt Nam tại Hungary, gia đình chúng tôi coi bữa tối là một sinh hoạt chung đặc biệt. Mỗi tối, chúng tôi lại tập trung bên bàn ăn và chuyện trò về những gì diễn ra trong ngày. Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên đến thăm bạn bè của gia đình, chủ yếu là bảy gia đình thân nhau, thường xuyên có những chuyến du lịch chung.

- Bạn tham gia đến mức nào trong những chương trình tập thể như thế này?

- Thuở nhỏ tôi tham gia thường xuyên cùng gia đình, đến giờ thì tôi thường có mặt trên tư cách cá nhân. Cho đến nay tôi vẫn thường xuyên tham dự và dẫn chương trình trong các hoạt động do ĐSQ Việt Nam, cũng như các dịp lễ hội do cộng đồng Việt Nam tại Hungary tổ chức. Cạnh đó, tôi cũng thường xuyên tham dự các hoạt động xã hội, từ thiện và là một trong các sáng lập viên Quỹ vì các mối quan hệ Hungary - Việt Nam.

- Năm 2008, tất cả chúng tôi đều tự hào vì bạn đã chiến thắng trong cuộc thi Miss Vietnam Europe tại London - bạn đã vượt 20 thí sinh để giành danh hiệu Hoa hậu Việt Nam tại Châu Âu. Bạn khởi đầu sự nghiệp người mẫu như thế nào, và cộng đồng Việt Nam tại Hungary đã chấp nhận ra sao công việc ấy của bạn?

- Sau khi nhận được nhiều lời khích lệ, vào năm 16 tuổi (2005), tôi quyết định thử nghề người mẫu: thể hiện những khả năng của bản thân trước thế giới bên ngoài. Tất nhiên, làm người mẫu là cơ hội tuyệt vời giúp tôi gia tăng sự tự tin và để kiếm thêm tiền tiêu vặt thì cũng không tệ, nhưng chưa bao giờ tôi thật tập trung cho nghề.

Tại Hungary, ngoại hình Á châu - lạ lẫm đối với trong vùng này - đem lại cho tôi lợi thế không thể tranh cãi được, nhưng với tôi việc học tập luôn được ưu tiên hàng đầu. Có lẽ cũng vì vậy mà cộng đồng Việt Nam tại Hungary đã đón nhận thành công của tôi tại cuộc thi hoa hậu một cách hết sức tích cực - và đây là điều khiến tôi rất vui mừng.

- Điều đó cũng mang lại danh tiếng đáng kể cho Hungary và cộng đồng Việt Nam tại đây...

- Vâng, nhưng tôi cố gắng nhìn nhận thành công này là món quà của cuộc đời, với tôi, nghề người mẫu chỉ là một sở thích. Trong truyền thống và tư duy của người Việt Nam, sự học hỏi, không ngừng bồi bổ kiến thức quan trọng hơn tất cả. Bạn chỉ được tôn trọng nếu sau những thành công có sự học hỏi của bạn. Ở Việt Nam, trẻ em từ 7 giờ đã bước vào giờ học, sau bữa trưa ai nấy tranh thủ đi học thêm. Các bậc phụ huynh dành rất nhiều thời gian để đảm bảo khả năng học hành cần thiết cho con cái.



- Điều này đúng đến mức nào đối với nam và nữ? Hiện trạng của phụ nữ trong xã hội Việt Nam như thế nào, và nó được thể hiện ra sao trong đời sống hàng ngày của cộng đồng Việt Nam tại Hungary?

- Ở Việt Nam, thông thường phụ nữ đóng vai trò chính trong nội trợ, còn đàn ông là người kiếm tiền, do đó trẻ em trai đặc biệt quan trọng trong gia đình Việt Nam. Tại Hungary sự khác biệt này ít hơn nhiều, nhưng trong số các doanh nhân đàn ông vẫn chiếm tỉ lệ áp đảo và ở đây, người giữ vai trò gắn bó trong gia đình cũng vẫn thường là phụ nữ. Tuy nhiên, ở bên này, từ thế hệ này sang thế hệ khác, chúng tôi cũng nhận thấy sự đổi thay, càng ngày chúng tôi càng có suy nghĩ tự do hơn.

Thời xưa, cũng như ở các nước XHCN khác, cha mẹ chúng tôi phải tiến theo con đường đã vạch ra từ trước, nên những phản xạ của xã hội cũng vận hành tốt hơn. Một chuyện khác là hiện tại cho dù có nhiều cơ hội, nhưng nếu cá nhân bị đặt trong một xã hội mà sự học hành, tinh thần sáng tạo dám nghĩ dám làm được khích lệ, thì sẽ không có gì thay đổi về quan điểm trong bất cứ vấn đề gì.

- Nếu cần nói ba đặc tính, tập quán mà người Hungary chúng tôi có thể học hỏi từ quan niệm Việt Nam, bạn sẽ chọn những điểm gì?

- Một câu hỏi khó, vì người Việt chúng tôi sống xa nhà tại một xứ sở khác, nên sự đoàn kết và quan niệm phải nỗ lực hơn, có khát vọng lớn hơn đặc trưng cho chúng tôi thì cũng chính là những đặc điểm của người Hungary sinh sống ở nước ngoài. Chúng tôi chỉ có thể thành công, có thể thực sự hội nhập với xã hội Hungary nếu chứng tỏ được rằng chúng tôi không kém dân Hung.

Nhưng nếu vẫn cần phải nói tới vài nét đặc trưng độc đáo, bên cạnh nỗ lực trong học hành, tôi muốn nhắc tới sự kính trọng đối với người già, cũng như sự hy sinh quên mình của thế hệ cha mẹ, ông bà. Họ đã làm tất cả để có được những gì cho con cháu sau này. Đặc biệt là phụ nữ, nhưng đàn ông cũng vậy, không phải làm cho bản thân, mà cho thế hệ trẻ, cho con cái, để họ không phải thiếu thốn gì.

- Thế nếu đặt một câu hỏi là cộng đồng Việt Nam đã tiếp nhận những phong tục tập quán nào của Hungary mà các bạn không có?

- Tôi muốn nhấn mạnh ở đây những ngày lễ mà Việt Nam không kỷ niệm. Cố nhiên, một phần tôi nghĩ đến những ngày quốc lễ của Hungary mà chúng tôi cũng rất tôn trọng: chẳng hạn ngày 15-3 chúng tôi cũng đeo lá cờ Hung trên ngực. Phần khác là những ngày lễ tôn giáo như lễ Giáng sinh mà Việt Nam không tổ chức vì đa số cư dân Việt Nam không phải người Ki-tô giáo.

Tôi nghĩ rằng việc gìn giữ truyền thống Việt Nam là rất quan trọng, nhưng nếu thực sự muốn hội nhập, muốn sinh sống lâu dài tại Hungary, bên cạnh việc nắm vững ngôn ngữ Hungary, điểm thiết yếu hàng đầu là phải coi nền văn hóa Hungary là của mình. Phần nào đó, chúng tôi phải đồng hóa (về văn hóa).

- Giới hạn của sự đồng hóa ấy ở đâu? Trong mắt cộng đồng Việt Nam tại Hungary, khi nào một người không còn là người Việt?

- Rõ ràng là khi một người không nói tiếng Việt, không tham gia các chương trình của cộng đồng và hoàn toàn tách mình khỏi các đồng hương. Tuy nhiên, may mắn là điều này rất hiếm khi xảy ra, cộng đồng Việt vẫn tiếp tục duy trì được sự đoàn kết chặt chẽ...

Tác giả bài viết: Trần Lê chuyển ngữ