Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HỌA SĨ LÊ THƯƠNG VÀ ƯỚC MƠ ĐẠT ĐƯỢC TRÊN QUÊ HƯƠNG

(NCTG) Dù quen biết họa sĩ Lê Thương chưa lâu, không bằng những người bạn cũ của anh, nhưng trong khoảng hai năm rưỡi qua, khi anh cộng tác cùng chúng tôi làm tờ NCTG, có lẽ tôi là một trong những người thuộc loại hiểu anh ít nhiều.

Kể ra, hiểu một con người là chuyện khó, nói gì đến chuyện hiểu Lê Thương, một người nổi tiếng vì lối diễn đạt mà người bình thường phải kêu lên là rối rắm, là khó hiểu, là không ra đầu ra đũa gì cả và nói chung, là rất khó theo dõi! (Anh thì, khi tôi đả động đến chuyện này, thường cười rất hiền, bảo: "Ừ, mình... phức tạp Linh ạ" - đối với anh, từ "phức tạp" có một nội hàm đặc thù gì đó mà anh rất thích).

Thành thử, khi nghe tin anh đang có một cuộc triển lãm lớn tại Mai's Gallery (TP HCM), từ 31-3 đến 12-4, do Tổng lãnh sự quán Hungary và Hội Mỹ thuật TP HCM phối hợp tổ chức, lòng tôi vừa rất vui, nhưng cũng thoáng chút buồn. Vui vì, dù sao đi nữa, anh đã thực hiện được ước mơ của mình, là có một cuộc triển lãm cá nhân đàng hoàng trong lòng bạn bè (ngày khai mạc, theo tin từ Việt Nam, đã có rất đông bạn hữu của Lê Thương trong giới Mỹ thuật, đến dự), những người có khả năng (và thẩm quyền) đánh giá những gì anh đã âm thầm sáng tạo trong hơn 10 năm sống xa xứ. Cho dù, đã rất nhiều lần Lê Thương bảo tôi: "Mình vẽ có phải để triển lãm đâu, làm thằng họa sĩ, chỉ chăm chăm vào triển lãm thì còn... thời gian đâu mà sáng tạo!", nhưng tôi vẫn tin rằng trong sâu thẳm tâm hồn, anh vẫn muốn có một cơ hội xứng đáng để người thưởng ngoạn có dịp làm quen với những bức họa tâm huyết của anh. Và, cho dù Lê Thương cũng đã có nhiều kỳ triển lãm tại Hung - quê hương thứ hai của anh, nơi anh thực sự trưởng thành về quan niệm nghệ thuật và cả về ý niệm sáng tạo -, cho dù chỉ trong vòng hai năm gần đây, anh đã xuất hiện ba lần tại Budapest, ở Benczúr ház (2001), Duna Palota (tháng 9-2003) rồi Suzuki-ház  (tháng 11-2003), nhưng có lẽ một kỳ triển lãm lớn ngay tại mảnh đất quê hương vẫn là ước nguyện thầm kín của người họa sĩ.

Tuy nhiên, niềm vui ấy vẫn đi kèm với một nỗi buồn vẩn vơ. Không có gì nghi ngờ, 40 bức họa và sơn dầu của Lê Thương sẽ được giới thưởng ngoạn mỹ thuật TP HCM đánh giá, anh sẽ nhận được những lời khen, những sự cảm phục... nhưng rồi sau đó, sẽ ra sao? Bữa tiệc nào rồi cũng đến lúc tàn, và cơm áo thì không đùa với khách thơ, điều này càng đúng trong trường hợp chàng nghệ sĩ Lê Thương. Sau ánh đèn hào nhoáng của những gallery, trở về với cuộc đời thực thường nhật, liệu Lê Thương có đủ sức bền bỉ đi tiếp trên con đường chông gai, có khi khổ ải, mà anh đã lựa chọn? Nhất là, ở một xứ sở xa xôi, mặc dù Lê Thương có nhiều bạn hữu trong giới nghệ sĩ, truyền thông sở tại, những người có thể đánh giá được tài năng của anh, nhưng sống bằng cành cọ vẫn là một điều gần như không tưởng. Bà con Việt Nam quen anh, sẵn lòng giúp đỡ anh những khi tối lửa tắt đèn, nhưng mấy ai đi được với anh để, qua những nét vẽ, "thêm tin tưởng vào hội họa, [...] luôn song hành trong đời sống văn minh, cho dù không cùng một hệ quy chiếu với các lĩnh vực khác", như ước vọng của người nghệ sĩ?

Ờ, mà thôi, tại sao trong những giờ phút cần chúc mừng cho sự sáng tạo của một người nghệ sĩ đã được thăng hoa, đã được đưa tới đông đảo người yêu tranh, tôi lại nói những lời lo âu ấy? Hãy biết rằng, Lê Thương hạnh phúc biết bao khi gặp lại thày cũ, bạn cũ và những người xưa chốn cũ mà anh đã chia tay mười mấy năm trước khi ra đi. Như lời anh trả lời báo chí, cuộc trở về lần này của anh "như một con người ở mọi nơi khi về lại chốn mình sinh sống, toàn bộ hoài niệm thức dậy trước hiện tại từng ngày", và "thực chất cuộc trưng bày là nơi gặp lại gia đình, thày bạn, anh em; đó là một cuộc đối thoại qua ngôn ngữ hội họa, môn nghệ thuật xa xưa nhất luôn đồng hành với cuộc sống. Với khoảng cách địa lý và thời gian, tôi luôn mở cửa cho cuộc sáng tạo và ngược về thời gian để tinh lọc kỷ niệm bản thân, hoài niệm về nơi mình đã và đang sống".

Biết như thế, xin được chúc Lê Thương giữ mãi trong mình nguồn cảm hứng đã khiến anh là anh, một Lê Thương họa sĩ đích thực, ngông nghênh và ngu ngơ trên cõi đời khó nhọc này!

(*) Bài viết đã đăng trên "Tuổi Trẻ". Nhật báo "Thanh Niên" và tờ báo điện tử "Tin nhanh Việt Nam" (VnExpress) đã có bài giới thiệu về triển lãm tranh của họa sĩ Lê Thương.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh, ngày Cá tháng Tư 2004