HỌA SĨ LÊ THƯƠNG VÀ TRẠI SÁNG TÁC QUỐC TẾ HAJDÚSÁG
- Thứ sáu - 12/11/2004 20:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Gốm (sơn dầu, 2004)
Lần theo dòng lịch sử, chúng ta có thể biết rằng lần đầu, Trại sáng tác Quốc tế Hajdúság được mở vào năm 1964 tại vùng Hajdúböszörmény, thoạt tiên dành cho cả các họa sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư. Từ năm 1971 trở đi, Trại được mở rộng cho các họa sĩ nước ngoài và kể từ năm 1980, trại chỉ dành cho giới họa sĩ chuyên nghiệp, đã "thành danh" trong làng hội họa. Tại Trại, lần đầu tiên, các họa sĩ gốc Hung ngoài nước có dịp gặp gỡ và làm quen với các đồng nghiệp Hung trong nước và cũng tại đây, không ít họa sĩ Nga, Pháp, Ba Lan, Na Uy, Đức, Phần Lan... đã trở thành những người bạn, người đồng nghiệp trong 3 tuần cùng sáng tác và học hỏi bên nhau.
Với mục đích tạo nên một "sân chơi" sáng tạo cho các họa sĩ vùng lòng chảo Kárpát, cũng như thiết lập mối quan hệ giao lưu & học hỏi giữa các họa sĩ Hung và ngoại quốc, đảm bảo khả năng triển lãm và giới thiệu các tác phẩm của các họa sĩ tham gia Trại tại các nước châu Âu và Hung, trong vòng hơn 40 năm qua, Trại sáng tác Quốc tế tại Hajdúság đã thu hút tổng cộng hàng ngàn họa sĩ, vài chục nhà điêu khắc, đồ họa và các nghệ sĩ nhiếp ảnh đến từ nhiều nước. Điểm đặc biệt là mọi họa sĩ tham gia Trại - đều là những người cầm cọ "nhà nghề", đã có nhiều triển lãm cá nhân - sau 3 tuần sáng tác, đều để lại 2 tác phẩm tại đây. Trong số đó, một tác phẩm sẽ được bán đi và số tiền thu được dùng để tổ chức các kỳ trại sau đó, tác phẩm kia được cho vào bộ sưu tập của Triển lãm [Nghệ thuật] Đương đại Thường kỳ.
*
Tháng Bảy vừa qua, cùng 27 đồng nghiệp (trong đó có những họa sĩ đến từ Thụy Sĩ, Ukraina, Slovakia, Israel, Serbia - Montenegro, Trung Quốc), lần đầu tiên, Lê Thương - một họa sĩ quen thuộc với cộng đồng Việt Nam tại Hungary - cũng có mặt tại Trại sáng tác Quốc tế Hajdúság.
Trong cuộc trao đổi ngắn giữa PV NCTG với họa sĩ Lê Thương, chúng tôi được biết: Lê Thương nhận lời mời chính thức từ phía Hung thông qua ĐSQ Việt Nam tại Hung và như thế, vừa từ Việt Nam sang lại Hung sau chuyến thăm nhà đầy ấn tượng và chan chứa kỷ niệm (tại TP HCM, Lê Thương cũng đã có một kỳ triển lãm lớn, hết sức thành công, được giới phê bình và truyền thông Việt Nam đánh giá cao), anh lại có dịp đắm mình trong bầu không khí sáng tác và học thuật giữa các đồng nghiệp ngoại quốc. Trong 3 tuần tại Trại, Lê Thương đã sáng tác được cả thảy 5 bức sơn dầu (trong đó có 2 tấm khổ lớn trên vải bố, cỡ 100 cm x 70 cm), và được giới phê bình hội họa đánh giá là "lạ, mỗi bức một phong cách khác biệt, không lặp lại".
Cánh đồng (sơn dầu, 2004)
Họa sĩ Lê Thương cho biết: trong số 5 bức anh vẽ, có 2 bức ("Trâu lá" và "Bóng chiều") là dư âm của chuyến hồi hương Việt Nam sau bao năm xa cách; đặc biệt, "Trâu lá" (bìa báo NCTG kỳ này) có dạng phảng phất hình tượng gỗ truyền thống Việt Nam. Ba tấm còn lại hướng về chủ đề Hung, trong đó "Cánh đồng" là hồi quang của những trò chơi trong nghệ thuật dân gian Hung, "Gốm" là tổng hợp vóc dáng những lọ gốm Hung - Việt Nam mà Lê Thương thường bày trong phòng ở và mang theo mình qua bao đợt chuyển nhà, "lãng du", và "Vĩ cầm xanh" thì mang tính trìu tượng, phảng phất mô-típ nghệ thuật dân gian Hung. Trong số 5 bức tranh, 2 bức "Cánh đồng" và "Gốm" đã được hội đồng thẩm định nghệ thuật của Trại sáng tác Quốc tế Hajdúság lưu giữ lại như những sáng tạo thành công đáng ghi nhận, nhưng 3 bức còn lại cũng được đánh giá cao.
Đã có không ít họa sĩ Việt Nam tu nghiệp tại Hung, số họa sĩ Việt sang Hung sinh sống, kinh doanh cũng không thực hiếm. Tuy nhiên, điểm đáng khích lệ là trong số họ, Lê Thương có lẽ là người duy nhất, đã nỗ lực hội nhập với nền nghệ thuật "bản xứ", giao lưu không mệt mỏi với giới họa sĩ "chính mạch" và những thành công của anh, ở một chừng mực nhất định, cũng là cách giới thiệu nền văn hóa Việt Nam - hay và hiệu quả nhất - đến công chúng và giới học thuật Hungary!
(*) Độc giả NCTG có thể xem 19 bức tranh của họa sĩ Lê Thương trong kỳ triển lãm tại Suzuki Ház (tháng 11-12 năm ngoái), được cập nhật trên địa chỉ trực tuyến sau.