Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Ghi chép của Lương Thị Thanh Hương: “CHO CHÚNG CHÁU CHẠM VÀO BÁC ĐƯỢC KHÔNG?”

(NCTG) “Thay bằng đôi mắt, những ngón tay đọc sách chữ nổi sẽ giúp các em biết rồi hiểu và cảm nhận cuộc sống này, cuộc đời này bằng những tâm hồn sáng tinh khôi”.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cùng cuốn sách chữ nổi “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”


Lời Tòa soạn: Tủ sách “Nhịp cầu Thế giới” được khởi động cách đây hơn một năm đã đem đến cho các em học sinh khiếm thị trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội 30 tác phẩm với hơn 300 đầu sách. Đây là nỗ lực lớn của một nhóm thiện nguyện, được sự hỗ trợ nhiệt tình của nhà trường cùng thầy và trò khiếm thị Trường Nguyễn Đình Chiểu.

Bên cạnh việc in sách chữ nổi, trong vòng một năm qua, Ban chủ trương còn tổ chức được một số cuộc giao lưu tác giả, giúp các em học sinh có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu và chia sẻ với các nhà văn, dịch giả những tác phẩm mà các em đã có dịp đọc. Đây là những cơ hội hết sức quý báu đối với các độc giả trẻ, nhất là các học sinh khiếm thị.

Ngày 2-3-2015 vừa qua, trong dịp ra thủ đô để ra mắt tác phẩm mới, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã dành trọn một ngày để giao lưu với học sinh khiếm thị và các thầy, cô trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Một số cảm nhận sau là của chị Lương Thị Thanh Hương, một người rất yêu quý các cháu khiếm thị và đã tham gia đóng góp nhiều chương trình hỗ trợ các em trong cuộc sống và học tập (NCTG).



Tác giả bài viết (trái) cùng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ra Hà Nội lần này nhân dịp phát hành cuốn sách mới “Bảy bước tới mùa hè”, bổ sung vào loạt tác phẩm ông viết cho độc giả thanh thiếu niên. Buổi ký tặng của ông được tổ chức tại phố sách Đinh Lễ sáng ngày đầu tháng 3 thu hút thật đông đảo các “fan” hâm mộ nhà văn, ai nấy ôm theo tác phẩm mới đến xếp hàng rồng rắn đợi đến lượt được ký tặng. Đứng bên lề đường ngắm nhìn sự háo hức của giới trẻ dành cho sách, trái tim các bậc cha mẹ xiết bao vui sướng.

Buổi gặp gỡ tiếp theo của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với các em học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu - Hà Nội đã để lại trong tôi những cảm xúc và ấn tượng đặc biệt. “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là cuốn sách đầu tiên và tới giờ là duy nhất của ông đã được chuyển thành chữ nổi trong khuôn khổ Tủ sách “Nhịp cầu Thế giới” dành cho các cháu khiếm thị của trường, vậy nhưng rất nhiều nhân vật nổi tiếng là quậy, là láu cá, là tinh nghịch hay dễ thương - thậm chí cả những chi tiết hoặc tình huống đắt giá trong nhiều tác phẩm khác của ông đều được các bạn nhỏ biết và nhớ.

Trò chơi hỏi đáp nhanh hàm chứa rất nhiều câu hỏi về tác phẩm hay nhân vật của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được các em học sinh tham gia hào hứng và sôi nổi, thực sự đã lôi cuốn và khiến mọi người tham dự buổi gặp gỡ phải thán phục. Nhà văn phải ngạc nhiên thốt lên: “Các cháu đã đọc sách của bác thế nào?”. Một cô bé giọng trong vắt trả lời: “Bằng sách tiếng, bằng sách chữ sáng và bằng các cô chú anh chị khác đọc lại cho nghe”. Các em cũng đã hào hứng chia sẻ cảm nhận và những băn khoăn về kết thúc của một câu chuyện hay một mối tình ngây thơ tuổi học trò.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ngoài đời cũng dí dỏm như văn phong, khi ông kể lại cho các em nghe những ký ức tuổi thơ, những kỷ niệm thời trai trẻ của mình. Các bạn trẻ lúc yên ắng trầm ngâm lắng nghe, khi ồn ào tán thưởng. Đặc biệt, câu nói cảm động của nhà văn “chú đến đây, thấy các con khiếm thị mà chăm đọc sách, chú rất vui, thấy rằng các con hoàn toàn không khiếm thị chút nào - những người mắt sáng mà lười đọc sách, đấy mới là người khiếm thị” được các em học sinh nhất loạt vỗ tay rần rần sung sướng.

Cho chúng cháu chạm vào bác được không?”. Câu hỏi ấy của một em gái dường như khiến cả hội trường lặng đi trong nỗi nghẹn ngào. Và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã đi từng hàng ghế, nắm tay từng bạn nhỏ chẳng thể nhìn thấy ông bằng ánh mắt háo hức như biết bao nhiêu bạn nhỏ cùng trang lứa khác. Nhà văn đã rất bất ngờ khi đến chỗ ngồi của một cháu để cháu chạm vào nhà văn, thì cháu trao tặng nhà văn một truyện ngắn, nói đó là tác phẩm đầu tay của cháu và mơ ước của cháu là trở thành nhà văn.

Kết thúc buổi giao lưu, các em học sinh trao tặng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cuốn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” in bằng chữ nổi. Nhà văn xúc động lần giở, chạm tay vào những chấm nổi và ông bắt đầu đọc một đoạn trong tác phẩm của mình. Phía dưới các em reo lên mừng rỡ khi nghe giọng đọc của ông. Ông dừng lại, các em lại reo lên yêu cầu đọc nữa, ông lại lật vài trang, sờ vào những chấm nổi và tiếp tục đọc một đoạn. Cả hội trường reo ầm lên, niềm vui của các em vỡ òa theo từng câu ông đọc.

Trong buổi giao lưu, không chỉ riêng các em học sinh khiếm thị, mà tất cả mọi người có mặt trong hội trường đều rưng rưng vui khi nhà văn hứa sau “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” và “Mắt biếc”, sẽ tặng thêm ba tác phẩm theo yêu cầu của các em để chuyển thành sách chữ nổi. Thay bằng đôi mắt, những ngón tay đọc sách chữ nổi sẽ giúp các em biết rồi hiểu và cảm nhận cuộc sống này, cuộc đời này bằng những tâm hồn sáng tinh khôi.

Mỗi trang sách chữ sáng chuyển sang sẽ thành bốn trang sách chữ nổi. Loại giấy đặc biệt dùng để in sách chữ nổi cũng đắt hơn rất nhiều lần giấy thường. Thế nên để các bạn học sinh khiếm thị có thêm nhiều sách đọc sẽ cần biết bao yêu thương và sự chung tay giúp đỡ của những người may mắn hơn các bạn ấy trong đời. Đến đây, tôi - một người phụ nữ có con ham đọc sách và rất yêu quý tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - bùi ngùi nghĩ các bậc cha mẹ yêu quý sách và luôn hướng cho con cái đọc sách, nên chăng hãy cùng các con chung tay giúp các bạn khiếm thị có thêm nhiều hơn nữa những cuốn sách chữ nổi?

Vì các bạn ấy cũng cần lắm việc học hỏi kiến thức và nâng niu xúc cảm tâm hồn mình bằng sách. Và chúng ta rất sáng để hiểu rằng hạnh phúc của cuộc đời đôi khi chỉ là đơn giản biết cho đi để nhận lại - từ nhau!

Chùm ảnh của Bích Ngọc về buổi giao lưu:


Mỹ Linh trao tặng cuốn sách chữ nổi cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh



Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đọc một đoạn trong tác phẩm của mình, được in chữ nổi


Thảo Xuân chia sẻ về truyện “Ngồi khóc trên cây”


Khánh Linh tặng nhà văn truyện ngắn đầu tay của mình với mong ước trở thành nhà văn



Tiếp xúc riêng với một số học sinh khiếm thị

Tác giả bài viết: Lương Thị Thanh Hương, từ Quảng Ninh