Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


GIÃ TỪ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP TẠI HUNGARY

(NCTG) “Với sự ra đi của ông, thế giới mất đi một lãnh đạo quân sự lớn, nhưng lòng kiên cường, bền gan, chí hướng và tình yêu nước của ông mãi mãi là tấm gương cho mọi quân nhân” - Trung tướng về hưu, Cựu Cục trưởng Cục Quân báo Hungary Botz László bày tỏ sự ngưỡng mộ tới vị Đại tướng Việt Nam mới qua đời.

Cờ rủ trước trụ sở ĐSQ Việt Nam tại Hungary

Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hungary đã được tổ chức trọng thể và chu tất trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu, từ 10-10-2013 đến 11-10-2013, mỗi ngày trong vòng 5 tiếng rưỡi cả sáng lẫn chiều ở trụ sở ĐSQ Việt Nam tại Hungary.

Theo thông tin từ Ban Công tác Cộng đồng ĐSQ, ngay từ ngày đầu tiên, các cán bộ nhân viên ĐSQ, đại diện Ban Chấp hành Hiệp hội, đại diện các Hội, Đoàn trong cộng đồng Việt Nam tại Hungary đã cùng nghiêng mình giã từ vị “Đại tướng của nhân dân”. Đặc biệt, đoàn cán bộ, lưu học sinh cách thủ đô 200 km gồm hơn 40 người cũng về kính viếng Đại tướng.

Có tổng cộng 82 lượt đoàn đến viếng Đại tướng, trong đó 24 đoàn quốc tế gồm Vụ Châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Ngoại giao Hungary), Hội Hữu nghị Hungary - Việt Nam, các vị đại sứ (Cuba, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Bungaria, Ý, Nam Phi, Angola, Iran, Angieria), đại biện (Kuwait, Chile) và đại diện các ĐSQ Nga, Tây Ban Nha, Afghanistan, Croatia, Angola, Kazakhstan, Israel cùng một số bạn bè Hungary.

Cạnh đó, nhiều cá nhân, bà con trong cộng đồng - có người đi cả gia đình - cũng đã có mặt tại tòa đại sứ, nơi trong trường hợp bình thường, đa số bà con chỉ tới khi cần làm những thủ tục lãnh sự. Nhiều người đã để lại những dòng rất cảm động trong sổ tang, thể hiện sự kính trọng, ngưỡng mộ, lòng tiếc thương và tình cảm chân thành đối với Đại tướng.


Nhiều bà con trong cộng đồng đã đến tưởng niệm Đại tướng

Hungary là một xứ sở không xa lạ với Đại tướng: sinh thời, ông đã có dịp tới đây dưỡng bệnh dài ngày vào năm 1968. Đặc biệt, tháng 4-1977, cũng vẫn ông đã dẫn đầu Phái đoàn Quân sự Cấp cao gồm hai mươi tướng tá trở lại thăm, cám ơn sự hỗ trợ của nước bạn trong thời kỳ chiến tranh và tặng huân chương cho các chuyên gia quân sự Hungary.

Thông qua những chiến tích lừng lẫy của hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ, tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất gần gũi với thế hệ trung và cao niên Hungary, đặ biệt là những những người từng kinh qua khoảng thời gian nhân dân Hung góp quần áo, thuốc men, đạn được... ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến chống Mỹ thập niên 60-70 thế kỷ trước.

Trong những năm tháng mà khẩu hiệu “Việt Nam, chúng tôi ở bên bạn!” tới giờ không ít người dân Hungary còn nhớ, nhiều cuốn sách của các tác giả Hungary đã ra đời về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - tác phẩm của ông về chiến tranh nhân dân cũng được ấn hành bằng tiếng Hung.

Có ký giả Hungary khi sang Việt Nam còn tìm gặp và khai thác thông tin từ chính vị Đại tướng và những thành viên ban đầu của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, để tìm hiểu bí quyết chiến thắng của Việt Nam, một nước nhỏ trước hai cường quốc quân sự Pháp và Mỹ.


Những vòng hoa tiếc thương của các cá nhân và hội đoàn trong cộng đồng

Tài cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được người dân và giới nghiên cứu quân sử Hungary đánh giá một cách chuẩn xác, như nhận định của ký giả Salgó László trong cuốn sách “Trận chiến Ðiện Biên Phủ” (A Dien Bien Phu-i csata), xuất bản tại Budapest cách đây tròn ba chục năm:

Tướng Giáp đã khiến các địch thủ của ông phải rút ra một kết luận quan trọng: đứng đầu quân đội Việt Nam là một nhà giáo có hiểu biết sâu sắc về lịch sử mấy ngàn năm của đất nước ông, và biết cách áp dụng những bài học lịch sử ấy.

Là thày giáo môn Sử Việt Nam, Giáp đặc biệt nghiên cứu cặn kẽ lịch sử những cuộc chiến giữ nước trong hai ngàn năm của đất nước ông. Từ những bài học lịch sử ấy, Giáp đã cô đúc ra được học thuyết về chiến lược và chiến thuật chiến tranh nhân dân...

Chiến lược và chiến thuật của Giáp trong học thuyết chiến tranh nhân dân đã đưa ra lời giải thích cho việc, từ một nhà giáo, bằng cách nào, ông đã trở thành người anh hùng của Ðiện Biên Phủ (...), một trận chiến vĩ đại của lịch sử...
”.

Mặc dù không mấy khi đưa tin tức có liên quan tới Việt Nam, song chiều thứ Sáu tuần trước (theo giờ Hungary), chỉ ít giờ sau khi nhận được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, nhiều cơ quan truyền thông Hungary đã đưa tin rất trang trọng và khá đầy đủ về nhà quân sự lớn của thế kỷ 20, mà họ gọi một cách thân mật là “tướng Giáp”, hoặc đơn thuần là “Giáp”.


Ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên báo Hung với chú thích: “Ông là hình ảnh biểu tượng của Việt Nam”


Vị tướng huyền thoại”, “siêu tướng quân”, “Napoleon đỏ”, “người chiến thắng hai quân đội Pháp và Mỹ”... là những cách nói mà giới ký giả Hungary đã dùng trong các bài viết, bản tin tràn ngập báo chí và các trang mạng nước này - trong đó có Hãng Thông tấn Hungary MTI và nhật báo lớn nhất “Tự do Nhân dân” - nhân sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Báo chí Hungary, trong dịp này, một lần nữa có dịp đưa ra sự đánh giá nhất quán đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “người đã tổ chức các đơn vị tự vệ Bắc Việt trở thành một quân đội”, xem ông như “một trong những chiến lược gia quân sự vĩ đại của thế kỷ 20” (“Tự do Nhân dân”).

Trận Điện Biên Phủ - đỉnh cao trong sự nghiệp quân sự, cũng như minh chứng cho học thuyết “chiến tranh nhân dân” của Đại tướng - được Hãng Thông tấn Hungary MTI đánh giá là “một chiến thắng thiên tài mà hậu trường chiến lược của nó ngày nay vẫn được các học viên Học viện Quân sự tìm hiểu và nghiền ngẫm”.

Đặc biệt, ngay sau khi được tin Đại tướng qua đời, Hội Hữu nghị Hungary - Việt Nam mà thành phần chủ chốt là những cựu chiến binh Hung đã có mặt tại miền Nam thời kỳ 1973-1975 - trên cương vị các nhân viên gìn giữ hòa bình, giám sát sự thực hiện Hiệp định Paris về Việt Nam - đã có những lời chia sẻ rất chân tình.

Là những thành viên Ủy ban Kiểm soát và Giám sát Quốc tế (ICCS), đây là những người Hung mà khoảng thời gian phục vụ tại Việt Nam đã là một phần cuộc đời của họ. Chủ tịch Hội, TS. Botz László, từng có mặt tại Việt Nam trong phân đội Hungary đầu tiên ngay sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết (27-1-1973), chia sẻ:

Sáng 5-10-2013, những người bạn Hungary của Việt Nam nhận được tin buồn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà quân sự lỗi lạc của thế kỷ 20, một chiến lược gia vĩ đại, đã qua đời! Thiên tài quân sự của ông được mọi quân đội trên thế giới thừa nhận, và được dạy trong mọi Học viện Quân sự.

Với sự ra đi của ông, thế giới mất đi một lãnh đạo quân sự lớn, nhưng lòng kiên cường, bền gan, chí hướng và tình yêu nước của ông mãi mãi là tấm gương cho mọi quân nhân
”.

Tác giả bài viết: Trần Lê