GẶP GỠ “NHỊP CẦU THẾ GIỚI” VÀ CỘNG ĐỒNG VIỆT TẠI BUDAPEST
- Thứ sáu - 07/01/2011 03:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Thông qua những mối quan hệ thân mật, gần gũi, đầy tình cảm, bà con, anh em tại Budapest đã để lại trong chúng tôi một cảm nhận ban đầu, một niềm tin sâu sắc vào sự ổn định, phát triển của cộng đồng Việt Nam tại Hungary. Chắc chắn rằng những hoạt động văn hóa, xã hội, từ thiện của cộng đồng sẽ giúp cho mỗi người Việt ở Hung giàu có hơn về về tri thức, tính nhân văn và tình yêu quê hương, đất nước”.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tại thành Vajdahunnyad (Budapest)
Cuối năm 2009, tôi có một người bạn vong niên là nhà văn, dịch giả, TS. Giáo dục học Thụy Anh mới về nước sau 16 năm sống, học tập, làm việc tại Liên bang Nga. Những câu chuyện chân thực của Thụy Anh về cộng đồng người Việt ở Nga, ở Đức, ở Ba Lan… đã giúp tôi hình dung được phần nào về cuộc sống của đồng bào mình qua những thăng trầm, phức tạp trước, trong và sau thời kỳ chuyển đổi thể chế chính trị ở Đông Âu.
Khoảng đầu năm 2010, một lần Thụy Anh chuyển cho tôi link tờ báo điện tử “Nhịp cầu Thế giới” (NCTG) của cộng đồng Việt Nam ở Hungary. Tôi đọc và ngạc nhiên với những thông tin, những chuyên mục từ tin tức cộng đồng, tin trong nước, tin thế giới, các chuyên mục văn hóa, lịch sử… của tờ báo.
Lâu nay, người dân trong nước thường có quan niệm báo, tạp chí của “người Việt hải ngoại” có hai dòng: hoặc mang tư tưởng chống đối chế độ trong nước, hoặc đi sát “lề bên phải”, giống hệt các tờ báo, tạp chí chính thống trong nước… Thế nhưng khi đọc NCTG tôi đã có cảm giác khác hẳn, vì tờ báo không bị rơi vào cả hai dòng, hai quan niệm trên.
NCTG phản ánh những vấn đề thế giới, Việt Nam, cộng đồng người Việt Đông Âu… với góc nhìn khách quan, riêng biệt, mang đậm tính nhân văn. Qua NCTG tôi có điều kiện để hiểu rõ hơn về đất nước, con người, nền văn hóa, khoa học - kỹ thuật của Hungary, cũng như về cuộc sống, của người Việt Nam ở đất nước này. Tôi đã có cảm tình và ngày càng yêu quý tờ báo của các bạn đồng nghiệp mà tôi chưa hề gặp mặt.
Đầu năm 2009, tôi có một dự án sáng tác, sản xuất chương trình game show truyền hình mang tên “Hà Nội ba sáu phố phường” với mục địch đưa các đội chơi thuộc mọi thành phần xã hội (trong nước, Việt kiều và cả người nước ngoài đang sống tại Việt Nam) cùng tham gia tìm kiếm vẻ đẹp, truyền thống lịch sử, văn hóa… của Thăng Long - Hà Nội nhân dịp Đại lễ kỷ niệm thành phố 1.000 năm tuổi. Thụy Anh nói với tôi rằng NCTG là tờ báo không chỉ của Việt kiều ở Hungary mà còn được đông đảo người Việt ở các nước Đông Âu đón đọc, nên tôi đã viết một tâm thư gửi bà con trong cộng đồng.
NCTG đã đăng bức thư của tôi và sau đợt đó, chúng tôi đã nhận được nhiều thư, điện của bà con gửi về, bày tỏ tình cảm yêu quý, nhớ thương với Hà Nội, đồng thời động viên, khuyến khích những người làm chương trình cố gắng để sản xuất được một show truyền hình hay, để khán giả trong và ngoài nước cùng được xem, được tìm hiểu, khám phá những vẻ đẹp còn ẩn giấu của một thủ đô giàu truyền thống.
Cũng từ trang báo trên của NCTG, bà con trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã quan tâm theo dõi chương trình của chúng tôi, phát trên kênh sóng VTV4 suốt một năm tròn, từ ngày 3-10-2009 đến ngày 9-10-2010. Tôi thực sự biết ơn các anh các chị trong Ban biên tập (BBT) NCTG đã giúp đỡ chúng tôi và rất hy vọng có điều kiện gặp gỡ với mọi người.
Tháng 5-2010, tại Liên hoan Điện ảnh và Truyền hình Thể thao - Du lịch Quốc tế tổ chức tại Đà Nẵng, chương trình game show của chúng tôi đã được trao giải nhất của thể loại Giải trí - Giáo dục trên truyền hình. BTC Liên hoan đã chuyển cho chúng tôi giấy mời tham dự Liên hoan Điện ảnh - Truyền hình Thể thao - Du lịch Quốc tế tổ chức tại Milano (Ý) cuối tháng 10-2010.
Trước khi đi Milano, tại Hà Nội, tôi đã có dịp được gặp và trò chuyện với dịch giả Giáp Văn Chung trong dịp anh về Hà Nội giới thiệu hai tác phẩm văn học dịch Hungary vừa được xuất bản. Anh Giáp Văn Chung bảo chúng tôi nên ghé qua Budapest chơi, gặp gỡ BBT NCTG và thăm bà con trong cộng đồng.
Anh Lê Quốc Bảo (thứ hai, từ phải qua) cùng đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, TS. Sử học Nguyễn Mạnh Tùng và nhà giáo Nguyễn Thị Tuyết Nhung tại Phi trường Quốc tế Budapest
Nhóm ba người (tôi và vợ chồng Tiến sĩ Sử học Nguyễn Mạnh Tùng) đã bay từ Ý sang Hungary và ở lại Budapest trong 5 ngày. Cả ba chúng tôi nói chung ít ra nước ngoài. Bản thân tôi có một vài chuyến đi qua Pháp, Nhật, Hàn… hoặc đến một vài nước thuộc khối ASEAN, những lần đi ấy đều thuần túy công việc như tham gia một liên hoan phim (LHP), hội thảo gì đó…, rồi bớt được chút thời gian tranh thủ đi chơi, thăm quan cảnh sắc, con người ở các xứ sở xa lạ đó.
Những dịp đó, tôi luôn có cảm giác xa lạ, chỉ là người ngoài cuộc nhìn ngó vào bề mặt cuộc sống của những người “không giống mình”… Ngay cả những ngày ở Milano, Roma cũng vậy, chúng tôi như những khách lạ đến ngắm nhìn cảnh sắc, con người của Ý và không khí LHP mà thôi…
Thế nhưng khi sang Hungary, ngay ở sân bay tôi đã có được cảm giác như “về nhà” khi thấy những “người nhà” không quản ngại đêm khuya lạnh giá ra đón và đưa chúng tôi vào thành phố. Đến lúc này tôi mới được biết anh Lê Quốc Bảo, anh Nguyễn Hoàng Linh (TBT tờ NCTG, mà trước đó tôi chỉ mới trao đổi qua e-mail, điện thoại).
Chúng tôi được đưa về ở ngay trong gia đình vợ chồng anh Lê Quốc Bảo - chị Nguyễn Duyên Hải. Anh chị là doanh nhân, đạt nhiều thành công trong kinh doanh, nhưng rất nhiệt tình tham gia các sinh hoạt cộng đồng và rất yêu quý bạn bè từ trong nước sang.
Thăm bà con kinh doanh tại khu chợ ở Budapest
Ngay từ sáng hôm sau, anh Lê Quốc Bảo, anh Nguyễn Hoàng Linh đã bỏ hết công việc để đưa chúng tôi đi thăm bà con ta kinh doanh ở chợ Bốn Con Hổ. Tôi rất ngạc nhiên vì cả khu chợ rất giống chợ Việt Nam. Các quầy hàng trong chợ đều giống như ở nhà và đông đảo người buôn bán ở đây đều là bà con mình.
Chúng tôi được anh chị em chủ các quầy, sạp chào đón, mời uống trà Thái, uống rượu… như những người thân mới về nhà. Nhiều bà con chưa bao giờ biết mặt hoặc trò chuyện với tôi nhưng khi nghe anh Linh, anh Bảo giới thiệu tôi là tác giả, đạo diễn của một số bộ phim về đề tài nông thôn như “Đất và người”, “Ma làng”, “Gió làng Kình” thì bà con đều “nhận ra” ngay và những cuộc trò chuyện bên chén trà, ly rượu về phim Việt Nam, về nông thôn và người dân ở quê nhà càng vui vẻ, gần gũi hơn.
Những ngày sau, anh Linh, anh Bảo tiếp tục đưa chúng tôi đi tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử… của Budapest, của thành cổ Eger... Ngoài vai trò TBT tờ NCTG, anh Hoàng Linh còn là một “hướng dẫn viên du lịch” tuyệt vời. Những hiểu biết sâu sắc về đất nước Hungary, Budapest của anh đã cung cấp cho chúng tôi những thông tin đầy đủ, cần thiết, mới lạ về mỗi địa danh, mỗi nhân vật lịch sử của đất nước xinh đẹp, bình yên này.
Bên bờ sông Danube
Qua những câu chuyện của anh Lê Quốc Bảo, tôi có thể hình dung được cả quá trình hình thành, phát triển, việc sinh sống, làm ăn của cộng đồng người Việt tại Hungary, giúp tôi khẳng định được những cảm nhận ban đầu của mình về bà con mình. Cũng như ở các nước Đông Âu khác, cộng đồng Việt ở Hungary trải qua nhiều biến cố chính trị - xã hội đa dạng từ nửa cuối thế kỷ 20 đến nay, nhưng dường như bà con vẫn giữ được sự bình yên trong cuộc sống, trong việc làm ăn, buôn bán, cũng như trong các mối quan hệ cộng đồng… chứ không có nhiều xáo trộn, phức tạp như ở các nơi khác.
Có thể do số người Việt ở đây không quá đông, họ tiếp nhận được bản tính ôn hòa, trầm lắng của người bản xứ; cũng có thể do điều kiện sống, cách làm ăn, buôn bán ở đất nước này thuận lợi, dễ dàng hơn so với các quốc gia khác... nên người Việt mình không thực sự quyết liệt trong sự làm giàu và bằng lòng với sự bình ổn, yên lành.
Trước khi trở về Việt Nam, các anh Giáp Văn Chung, Lê Quốc Bảo, Nguyễn Hoàng Linh… đã tổ chức cho chúng tôi một buổi gặp gỡ, giao lưu với cộng đồng tại Trung tâm Thương mại Thăng Long. Không có nhiều thời gian chuẩn bị nên cuộc gặp mặt không được đông đúc lắm, nhưng không khí gặp gỡ, trò chuyện thì thật đầm ấm, thân mật. Các anh chị trong Ban lãnh đạo Hiệp hội Người Việt Nam tại Hungary, anh chị em trong cộng đồng cởi mở trò chuyện với chúng tôi như với những người thân trong gia đình mình.
Trò chuyện với BS. Đặng Phương Lan trước cuộc giao lưu
Cũng trong buổi giao lưu, tôi còn được gặp vợ chồng cháu Đặng Phương Lan, con gái đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, một người anh, người đồng nghiệp từng gắn bó với sự nghiệp điện ảnh của tôi từ những năm 70 của thế kỷ trước. Tôi và cháu Lan đã biết nhau từ những ngày Lan còn “mặc quần thủng đít” (theo cách nói của Lan)…
Và bất ngờ hơn nữa, tôi gặp lại Thu Hiền, người diễn viên lần đầu tiên đóng phim (khi còn đang học năm thứ Ba trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) với vai nữ chính trong bộ phim truyền hình đầu tiên mà tôi làm cho chương trình “Văn nghệ Chủ nhật” (ra đời tháng 9-1994). Chúng tôi có dịp ôn lại những kỷ niệm làm phim từ 16 năm trước…
Những cuộc gặp gỡ riêng, cũng như những dịp giao lưu với nhiều anh chị em hôm đó đã cho tôi nhiều hiểu biết và xúc cảm sâu sắc về tình yêu, sự quan tâm đến những thay đổi, phát triển của quê hương, đất nước. Có thể nói, ngay từ khi được gặp dịch giả Giáp Văn Chung tại Hà Nội, rồi gặp vợ chồng anh Bảo - chị Hải, anh Nguyễn Hoàng Linh và những người bạn khác tại buổi giao lưu… tôi đã cảm nhận được bản sắc của cộng đồng Việt đang sống trên đất Hung.
Hình như chừng 5.000 người Việt ở đây không quá coi trọng mục tiêu trở thành những “đại gia” đến mức lãng quên các hoạt động tri thức và bồi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn mình. Hình như những người từng được trang bị tri thức thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, giờ đã ổn định cuộc sống tại Hungary, vẫn coi việc đọc, dịch, nghiên cứu, làm báo, công tác cộng đồng, giáo dục con em mình về quê hương, đất nước… là niềm say mê, là cách sống có ý nghĩa nhất…
Chụp ảnh kỷ niệm với bà con trong cộng đồng
Nhờ có những người tổ chức, lãnh đạo hội đồng hương, những dịch giả, nhà nghiên cứu, nhà báo trong cộng đồng mà bạn bè, độc giả trong nước và ở các nước khác có điều kiện tiếp xúc với bà con Việt Nam ở Hungary, với những giá trị của văn hóa của đất nước này. Độc giả ở Việt Nam có cơ hội được đọc và chia sẻ cảm xúc với nhiều tác phẩm xuất sắc của nền văn học Hungary qua các bản dịch công phu, tâm huyết của dịch giả Giáp Văn Chung…
Cạnh đó, bạn đọc trong nước và tại các cộng đồng Việt xa xứ cũng thường xuyên được cung cấp những thông tin hữu ích qua tờ báo NCTG rất chững chạc, có phong cách riêng và gần gũi, thân thiết với người đọc..., nhờ sự cần cù, trách nhiệm của vị TBT trẻ Nguyễn Hoàng Linh.
*
Những ngày qua thăm Hungary và tiếp xúc với cộng đồng quá ngắn ngủi, chưa đủ để chúng tôi đi hết, hiểu hết đất nước xinh đẹp, yên bình này. Cũng không đủ để chúng tôi tìm hiểu kỹ lưỡng cuộc sống, quá trình vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, xây dựng cuộc sống của bà con, anh em người mình ở đây.
Chia tay những người bạn ở Budapest
Nhưng, thông qua những mối quan hệ thân mật, gần gũi, đầy tình cảm, bà con, anh em tại Budapest đã để lại trong chúng tôi một cảm nhận ban đầu, một niềm tin sâu sắc vào sự ổn định, phát triển của cộng đồng Việt Nam tại Hungary. Chắc chắn rằng những hoạt động văn hóa, xã hội, từ thiện của cộng đồng sẽ giúp cho mỗi người Việt ở Hung giàu có hơn về về tri thức, tính nhân văn và tình yêu quê hương, đất nước.
Tôi hy vọng còn có nhiều dịp đến Budapest, sống giữa cộng đồng Việt để có thể viết, làm phim về những vấn đề của bà con, anh em.