Dư âm một chuyến đi: CHO MỘT LỜI HẸN ƯỚC...
- Thứ hai - 12/12/2011 21:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Cũng nhờ NCTG mà tôi và nhiều CTV khác của tờ báo ở khắp nơi trên thế giới đã trở thành bạn của nhau, cho dù có thể chưa có điều kiện gặp nhau. Và như thế, với năm tháng, chúng tôi đã có dịp cùng nhau chia sớt vui buồn cùng tờ báo NCTG trên mỗi bước đi của nó” – chia sẻ của nhà báo, dịch giả Nguyễn Võ Lệ Hà.
Chị Lệ Hà và Hà My cùng anh Phạm Khuê và dịch giả Giáp Văn Chung tại TTTM Thăng Long của người Việt ở Budapest
Mấy năm trước, trong một bài viết gửi cho “Nhịp cầu Thế giới” (NCTG), tôi đã từng hẹn rằng sẽ có lần nào đó tôi sẽ mang hai nàng công chúa của tôi đến đất Hungary để cho các cô bé thấy được nước Hung là một xứ sở diệu kỳ. Và rằng lúc đó sẽ có thể so sánh xem London (nơi các nàng có dịp du học) và Budapest (nơi tôi từng trải qua những năm tháng đẹp đẽ của thời sinh viên) nơi nào đẹp hơn.
Mùa thu năm 2011, tôi đã thực hiện được một nửa điều ước muốn bởi tôi chỉ có thể đưa được cô con gái út của tôi đi cùng (cô lớn đang quá bận với con đường ca hát mới mẻ tại quê hương).
Dẫu vậy tôi cũng đã rất hạnh phúc rồi bởi lần đầu tiên có dịp đặt chân đến Anh. Tôi dạo trên những con đường mà các con tôi đã đi mòn gót trong những năm học tập và làm việc ở đây. Đêm đêm tôi lại được nằm ôm con gái và hai mẹ con có thể nói chuyện thâu đêm suốt sáng. London cũng rất cổ kính và đẹp. Ở với con và hưởng lại cuộc đời sinh viên, tôi cũng hiểu được tình yêu của các con mình dành cho Vương quốc Anh cũng như tôi đã dành cho đất nước Hungary.
Theo lịch trình với đoàn lãnh đạo của Hội Hữu nghị Việt Nam - Hungary do chính Chủ tịch Nguyễn Ðăng Vang dẫn đầu, tôi và con gái sang Budapest trước hai ngày. Trước đó, tôi đã hẹn với Hoàng Linh ra sân bay đón chúng tôi. Không chút đắn đo, chàng TBT NCTG chỉ hỏi số máy bay và giờ bay từ London.
Máy bay hạ cánh con gái tôi hồi hộp hỏi: “Liệu anh Linh có ra đón mình không hở mẹ?”.
Tôi trả lời chắc như đinh đóng cột: “Anh Linh mà hẹn thì không bao giờ sai hẹn!”.
Nói cứng như thế, nhưng đến lúc nhìn thấy Linh và anh Giáp Văn Chung - dịch giả nhiều tác phẩm nổi tiếng của văn học Hungary - đứng bên ngoài chờ thì tôi mới yên tâm như trở về nhà sau một thời gian xa cách. Ôi, xa ơi là xa, cái quãng thời gian để quay trở lại!
Ở Hung tôi có khá nhiều bạn bè nhưng không hiểu sao tôi lại luôn hẹn bạn văn thơ, báo chí đón mình? Phải chăng là cùng... nghiệp viết? Vì... yêu mến tờ báo của bạn mình hay vì khâm phục nhau?
Có thể nói, cộng tất cả lại chính là tình cảm của tôi với NCTG của các bạn văn chương trên đất Hung mà người kiên trì không mỏi mệt cho sự tồn tại của nó 10 năm qua chính là Hoàng Linh.
Từ ngày đầu tôi quen biết Linh đến giờ chắc cũng ngót nghét ngần ấy thời gian... Cậu chàng hôm nay trông có vẻ “phát tướng” hơn nhưng tính khí vẫn vậy: hiền, chân tình và trí tuệ sâu sắc.
Hà My, con gái bé của tôi, lần đầu gặp các cô bác, các anh chị ở đất Hung nhưng cô nàng cũng thấy ngay sự tiếp đó nồng nhiệt của mọi người. Ở xứ sở sương mù 6 năm nay, rời sân bay London lạnh gió thối bay người, chỉ sau 1 giờ bay đã tới tới sân bay Budapest, cô nàng reo lên khi thấy nắng chan hòa.
Ở London, Hà My đã hỏi: “Mẹ và anh Linh gọi nhau là CHỊ EM, vậy thì con phải gọi là... CHÚ chứ?”.
Tôi giải thích rằng không cần câu nệ như vậy vì mẹ cũng gọi mẹ anh Linh là... CHỊ và đã từ lâu rồi chị Hà Anh cũng gọi anh Linh là ANH từ hồi 2006, khi anh Linh và báo NCTG của anh ấy viết bài và phỏng vấn Hà Anh, trước khi các báo trong nước biết đến cái tên Vũ Nguyễn Hà Anh. Và rồi khi nhìn thấy anh Linh thì Hà My cũng tỏ ra thân thiết ngay như Hà Anh dạo trước vậy.
Anh Chung cầm lái và xe chạy qua trung tâm thương mại của người Việt thì dừng lại để cho hai mẹ con được thưởng thức hương vị quê hương: phở và bún! Khỏi phải nói cái cảm giác nếm thức ăn ở lưỡi, hương vị thân quen ngọt ngào ấy khi xa nhà sẽ được nhân lên gấp bội và đáng quý làm sao.
Xe chạy đến con đường ven sông Duna (Danube) rồi dừng lại trước trường Đại học Kỹ thuật, nơi anh Chung và Linh theo học cách đây mấy chục năm. Ở đó, chúng tôi xuống và chụp ảnh trước trường, còn Hà My thì thắc mắc rằng sông Duna không thấy xanh như trong bài hát mẹ nhỉ? Tôi đáp: “Thế mới là... văn thơ, vả lại khi người ta yêu người hay yêu miền quê nào đó thì có bao giờ người ta lại thấy xấu đâu!”. Có lẽ lời giải thích của tôi hợp lý nên dòng Duna sẽ mãi mãi... xanh trong mắt con gái tôi.
Khách sạn chúng tôi ở kế bên ga Keleti (Ga phía Ðông). Đó là nhà ga xe lửa mà cách đây hơn ba chục năm, đoàn tàu đã chở chúng tôi - những đứa trẻ 18, 19 tuổi - rời quê hương đang còn chiến tranh. Cuộc hành trình 13 ngày xuyên qua vài quốc gia cùng với nhiều bỡ ngỡ lo sợ, để rồi chúng tôi “cập bến” nhà ga này và bắt đầu cuộc đời sinh viên trên đất nước Hungary.
Đến hôm nay, khi giới thiệu với con tôi nhà ga ấy, tôi cảm thấy tự hào là mình đã phần nào trả ơn được đất nước đã gửi mình đi học, và trả ơn được cả đất nước thứ hai đã giáo dục mình, cho mình vốn trí thức để bước vào cuộc đời “người lớn” một cách vững vàng. Hôm nay, thế hệ thứ hai của tôi cũng đã được tôi giáo dục theo cách thức mà tôi học được. Điều đó thật là ý nghĩa!
Anh Chung có việc bận nên phải về còn Hoàng Linh thì đã bố trí để dẫn hai mẹ con đi chơi nguyên một ngày. Lâu lắm rồi tôi mới lại được đi tầu điện, ô tô buýt, metro ở Hung..., những phương tiện chính của thuở sinh viên.
Đầu tiên, chúng tôi đến Quảng trường Anh Hùng, nơi trước đây sinh viên chúng tôi luôn “lai vãng” mỗi khi có người quen trong nước sang và cần dẫn đi chơi. Có điều, sau hơn 30 năm vật lộn mưu sinh ở nhà, bây giờ tôi đã quên đi rất nhiều về lịch sử nơi đây. Nghe Linh giải thích cho Hà My mà tôi cũng thật thú vị như... lần đầu được nghe vậy. Đi tới nơi nào chúng tôi cũng được Linh giải thích cặn kẽ và không quên chụp ảnh để giữ làm “tư liệu”.
Budapest khác xưa nhiều, nhưng cũng có nhiều nơi vẫn như xưa. Mẹ con tôi rất thích thú khi đi trên Andrássy, đại lộ chính của thủ đô, đi trên chiếc tàu chạy ngầm dưới mặt đất dọc đại lộ được công nhận là cổ nhất Châu Âu, đến tòa Vương cung Thánh đường nằm trên trục đường dẫn thắng lên Hoàng thành Buda, “long mạch” của thủ đô. Đi qua nhà hát và đến khu phố nghệ sỹ, qua cầu Lánc (Cầu Xích) với những con sư tử oai phong mà không dữ tợn.
Khi hoàng hôn xuống, thành phố lên đèn là lúc chúng tôi dùng chân bên ngọn đồi nhìn lên Thành Vár, để rồi đến nhà hàng Parika, kết thúc ngày du lịch bằng món xúp cá (halászlé) đặc trưng và cổ truyền của dân tộc Hungary.
*
Sau ngày đó, chúng tôi phải đi làm việc cùng đoàn, còn Linh cũng bận với công việc cơ quan việc gia đình. Chị em tôi chỉ còn gặp nhau trong các cuộc tiếp xúc chung.Dù sao, trong dịp sang thăm lại Hungary lần này, tôi cũng có dịp suy nghĩ nhiều hơn về tờ báo của cộng đồng, do Hoàng Linh và một số anh em chủ trương và hoạt động từ 10 năm nay.
Tờ báo NCTG được cả người Hung lẫn người Việt đánh giá cao về chất lượng bài vở. Trong những sự kiện đình đám ở Hungary và Châu Âu, lúc nào báo NCTG cũng cập nhật đầy đủ, nhưng điều đáng nói là báo luôn có cái nhìn và sự nhìn nhận, đánh giá riêng, độc lập.
Thêm nữa, lúc nào có điều kiện là chính “ngài” TBT lại thân chinh cầm máy ảnh đi chụp hình và lấy tin, như các vụ biểu tình ở Budapest do người dân tổ chức để phản đối việc siết chặt quyền tự do báo chí, sưu cao thuế nặng, hay bản Hiến pháp mới phi dân chủ. Hình dung trong đầu sự trấn áp biểu tình ở nhà nên chúng tôi luôn lo lắng cho Linh và khuyên cậu không nên đi, nhưng rồi những tấm ảnh và tin tức về phong trào xuống đường ôn hòa của dân Hung vẫn được NCTG đăng tải đầy đủ.
Rồi như vụ vỡ bể bùn đỏ ở Hungary năm ngoái thì cho dù nước ta có cử một đoàn khoa học sang tận nơi tìm hiểu tình hình thì đọc bài trên NCTG vẫn là đầy đủ và chính xác nhất. Sau đó, có một vài tờ báo lớn của ta “thuổng” lại y nguyên bài này nhưng không đề nguồn gốc cũng như tên người viết - Linh tức lắm nhưng vốn hiền lành cậu chàng cũng cho qua!
Có nhiều lúc, hầu như tờ báo chỉ còn Hoàng Linh, vừa là TBT, biên tập bài vở và làm mọi thứ để tờ báo tồn tại, vừa là tay viết, dịch, chụp ảnh, vậy mà trang, mục nào cũng có bài.
Có lẽ do thạo tiếng Hung cộng với cái đầu nhớ nhiều thứ như máy vi tính đã bổ trợ cho nghề làm báo của Linh. Từ lúc Linh và vài anh chị em khởi xướng tờ báo NCTG cho người Việt tại Hungary với những vất vả và gian truân (phải tự lò dò đi phát hành từng tờ một), cho đến nay khi báo tròn 10 tuổi, là cả một sự nỗ lực lớn lao của mọi người ở đây.
Là một người làm báo và dịch sách từ hơn 30 năm nay, nên tôi có điều kiện để hiểu cái “nghiệp” làm báo gian nan thế nào. Tờ báo của chúng tôi có cả một bề dày lịch sử hơn nửa thế kỷ, đã từng được bao cấp và lực lượng làm báo thì có đủ ban bệ, PV được phân công viết theo trang, chuyên mục, vậy mà nhiều lúc chúng tôi còn lao đao.
NCTG đã tồn tại được 10 năm với một nhóm nhỏ, lực lượng viết quá ít, lại không chuyên, không có kinh phí “rót” xuống từ bất cứ nguồn nào, từ TBT đến các PV, CTV không bao giờ được trả lương hay nhuận bút, vậy mà tờ báo vẫn sống, lại còn có những bài báo hay nữa, thì thật tài.
Có lẽ một “bí quyết” của NCTG trong 10 năm tồn tại là quan hệ chân tình và trọng thị đối với các CTV. Qua các kỷ niệm ra báo, tôi thấy mọi người viết cho NCTG là vì họ nể và quý Linh, khâm phục nghị lực làm báo không màng đãi ngộ mà vẫn say mê của cậu chàng.
Tôi còn nhớ buổi cuối tháng 8 năm nay, nhân dịp Quốc khánh hai nước, Hội Hữu nghị Việt Nam - Hungary có tổ chức lễ kỷ niệm rất lớn tại trường Đại học Kỹ thuật Việt - Hung. Trong khi chúng tôi – đa phần là các cựu DHS - còn mải “buôn chuyện” với nhau thì 2 CTV của NCTG đã nhiệt tình chạy long sòng sọc “tác nghiệp”: người thì đi phỏng vấn ngài Phó Ðại sứ, người chụp ảnh buổi lễ để kịp gửi về Hungary cho NCTG. Và quả thật, bài phỏng vấn với chùm ảnh đó là bài có chất lượng nhất về sự kiện này!
Cũng nhờ NCTG và “nhịp cầu” của Hoàng Linh mà tôi và nhiều CTV khác của tờ báo ở khắp nơi trên thế giới đã trở thành bạn của nhau, cho dù có thể chưa có điều kiện gặp nhau. Và như thế, với năm tháng, chúng tôi đã có dịp cùng nhau chia sớt vui buồn cùng tờ báo NCTG trên mỗi bước đi của nó.
Chúc cho báo NCTG mãi là tờ báo yêu quý của bạn đọc gần xa trên quả đất. Chúc cho những người khai sinh ra tờ báo và những ai còn gắn bó với nó đến hôm nay sức khỏe, niềm tin và hạnh phúc trong sự nghiệp báo chí.