ÐỂ TỜ BÁO GẮN KẾT HƠN VỚI CỘNG ÐỒNG
- Thứ ba - 27/12/2011 21:42
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Mọi người đón đọc NCTG vì trước hết cảm thấy đó là tờ báo của cộng đồng mình, là cây nhà lá vườn và thường xuyên đề cập tới những câu chuyện của chính họ”.
Ông Ðặng Ngọc Hoản phát biểu tại Ðại hội lần thứ 3 Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary (8-7-2011) - Ảnh tư liệu
Nhân kỷ niệm 10 năm ngày báo NCTG ra số đầu tiên, người viết mấy dòng ngắn ngủi này, với tình cảm vừa là bạn đọc của báo vừa là một “công dân” của cộng đồng, xin nói lên cảm tưởng và vài suy nghĩ của mình.
1. Cảm tưởng
Cách đây 10 năm khi công việc làm ăn của cộng đồng còn tương đối khấm khá, ngoài công việc kinh doanh mọi người còn quan tâm nhiều tới đời sống văn hóa. Internet ngày đó chưa phổ biến như bây giờ. Cứ tan chợ nhiều người không quên qua cửa hàng Tomi (1) mua một hai tờ báo Việt Nam về đọc. Cửa hàng Tomi luôn có hàng chục tờ báo Việt Nam, được gửi sang cập nhật, đều đặn. Tuy vậy mọi người vẫn rất vui mỗi khi cầm trong tay tờ NCTG. Tờ báo lúc đó đã được in trên giấy tốt, trình bày khá đẹp.
Mọi người đón đọc NCTG vì trước hết cảm thấy đó là tờ báo của cộng đồng mình, là cây nhà lá vườn và thường xuyên đề cập tới những câu chuyện của chính họ.
Giới trẻ có thể tìm đọc rồi tranh luận về chương trình thi đấu thể thao hè của cộng đồng, về những bình luận, dự đoán các đội bóng đá, tennis, bóng bàn, cờ vua, v.v.. của các nhà báo thể thao “người nhà”.
Những người khác thì tìm đọc những bài viết về tình hình kinh tế chính trị của Hungary và thế giới, nhất là những bài báo liên quan tới việc cư trú, làm ăn của cộng đồng. Người đọc còn tìm thấy trong báo NCTG những tin ngắn, những bài viết về quê hương đất nước Việt Nam, về cộng đồng Việt Nam ở nước khác. Mọi người còn nhớ loạt bài về lịch sử Việt Nam của tác giả Giáp Văn Chung, giống như một bộ biên niên sử tóm tắt. Rồi những thơ, tranh vẽ, truyện ngắn tự sáng tác hoặc dịch từ tiếng nước ngoài của các tác giả trong cộng đồng như Phan Bích Thiện, Hồng Nhung, Hứa Nam Sơn, Nguyễn Thụ, Giang Tuấn Đạt, Lê Thương và nhiều người khác.
Những nội dung này đã rất có ý nghĩa đối với việc làm ăn và đời sống văn hóa của cộng đồng. Cá nhân tôi những ngày không có mặt ở Hungary thường vào trang mạng NCTG để biết tin tức về bà con, bạn bè mình tại Hungary.
Có thể nói báo viết và sau này báo điện tử NCTG trong 10 năm qua đã có những đóng góp rất quý cho cộng đồng Việt Nam chúng ta.
Tôi xin chuyển sang một vài suy nghĩ hay đúng hơn là những mong muốn tiếp tục được thấy trong nội dung của báo NCTG trong thời gian tới. Xin tạm gọi điều này là:
2. Để tờ báo gắn kết hơn với cộng đồng.
Cộng đồng Việt Nam ở Hungary của chúng ta là một cộng đồng nhỏ bé về số lượng và nghèo về kinh tế. Trong tình hình kinh tế thế giới và Hungary khó khăn như hiện nay thì việc tồn tại và tồn tại vững chắc của cộng đồng Việt Nam ta là vấn đề rất quan trọng. Ở mọi nhà, cha mẹ phải cố gắng làm ăn thế nào để sau khi trừ các khoản thuế má gia đình ít nhất phải còn đủ ăn và đủ để con cái đến trường. Tồn tại vững chắc nghĩa là các thế hệ sau phải có đủ tri thức để làm việc trong các cơ quan, trong các công ty của Hungary. Nếu ai đó vẫn theo nghiệp kinh doanh thì cũng phải kinh doanh đàng hoàng hơn cha mẹ.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc nào cũng đẫm máu, mồ hôi và nước mắt, Hungary cũng vậy. Người Việt ta có câu “Đất có thổ công, sông có Hà Bá”. Suy rộng ra đất nước nào cũng có hồn thiêng sông núi. Do đó, mỗi chúng ta - những người Việt Nam đang sống tại Hungary - đều mang ơn nước Hung nhiều lắm. Chúng ta phải thấy vui những niềm vui của người Hung, thấy đau những nỗi đau của người Hung. Và, cộng đồng Việt Nam chúng ta chỉ tồn tại vững chắc được khi chúng ta thực sự gắn bó và là một bộ phận hữu ích của Hungary.
Trong vấn đề này, tôi thiển nghĩ giá như NCTG có nhiều hơn những thông tin về việc làm ăn trong nội bộ cộng đồng, của những cộng đồng Việt Nam ở các nước xung quanh, những thông tin về kinh tế, xã hội của Hungary, của thế giới và nhất là của các nước láng giềng. Những thông tin ấy có thể có lúc là sự gợi mở cho ai đó cách làm ăn, ứng phó với thời cuộc. Bên cạnh đó, những bài báo, những tác phẩm văn học hoặc những bài viết giới thiệu về lịch sử, đất nước, con người Hungary v.v... trên báo NCTG có thể góp phần nho nhỏ vào việc vun đắp lòng yêu nước Hungary, tổ quốc thứ hai của cộng đồng Việt Nam chúng ta, nhất là đối với lớp người trẻ.
Mảng nội dung thứ 2 tôi muốn đề cập tới là thông tin về Việt Nam.
Sâu thẳm trong trái tim mỗi người Việt nam sống ở nước ngoài luôn có nơi cất giữ tình cảm thiêng liêng về Quê hương,Tổ quốc, để đêm đêm lại day dứt nỗi nhớ về những người thân, về những con phố, những con đường làng thân quen. Ta gọi đó là lòng yêu nước. Nhà thơ Tế Hanh từng viết “Anh xa nước nên thêm yêu nước” (2). Cám ơn ông đã nói giùm chúng ta.
Thời đại Internet, chỉ cần lướt web là mọi người đã nắm hết mọi tin tức, sự việc diễn ra ở Việt Nam và thế giới. Tuy vậy, vẫn còn nhiều khoảng trống để NCTG có thể tác nghiệp. Chẳng hạn, giá như trên báo có mục “Tháng này năm ấy” để nhắc tới những sự kiện đã xảy ra trong lịch sử và nhất là nếu sự kiện lịch sử ấy gắn bó với những tên tuổi, sự nghiệp của các danh nhân dân tộc. Những thông tin này có tác dụng rất tốt trong việc bồi dưỡng tình cảm với tổ quốc và dù ai đã từng đọc, đã từng biết nhưng khi thấy vẫn muốn đọc lại.
Mảng nội dung thứ 3 rất quan trọng là thông tin phản ánh về các hoạt động của cộng đồng, từ các sự việc thường nhật trong đời sống cộng đồng cũng như hoạt động của các hội đoàn như những buổi tổng kết năm học hàng năm của học sinh, sinh viên Việt Nam tại Hungary, tổ chức ngày văn hóa Việt Nam, các sự kiện quan hệ Việt Nam – Hungary, v.v...
Có những hoạt động mà NCTG như là một cộng sự của hội đoàn. Cũng có những hoạt động mà NCTG bằng lòng như một công cụ, một phương tiện giúp cho hội đoàn tổ chức sự kiện thành công.
Những người lãnh đạo hội đoàn trong cộng đồng Việt Nam chúng ta đều là những người đến với công việc bằng tấm lòng. Những người làm báo NCTG cũng là những người làm việc bằng tấm lòng. Những người có tấm lòng thường dễ hòa quyện với nhau.
Cuối cùng, dù cuộc sống khó khăn nhưng bên cạnh những thông tin về chỉ tiêu GDP sụt giảm, về đồng tiền mất giá, về mùa hè lạnh lẽo, v.v.., tôi nghĩ rằng, NCTG vẫn cần quan tâm, làm phong phú hơn mảng nội dung văn học, nghệ thuật của tờ báo. Những tác phẩm hay của văn học Việt Nam đương đại, những tác phẩm văn học của tiền nhân như những bài thơ bất hủ của Cao Bá Quát, của Bà Huyện Thanh Quan, v.v..., hoặc những bài trích giới thiệu các tác phẩm dịch của các dịch giả Việt Nam, đặc biệt là những bài thơ, truyện ngắn của chính những người Việt Nam trong cộng đồng viết ra luôn có sức hấp dẫn với bạn đọc.
Trên báo NCTG đã luôn có những mảng nội dung trên và còn nhiều nội dung khác nữa. Tuy nhiên, từ góc nhìn của một bạn đọc là thành viên trong cộng đồng, tôi mạo muội nói lên cảm tưởng của mình và mong muốn những thông tin trong các mảng nội dung trên súc tích hơn, giàu có hơn. Những nội dung súc tích, gần gũi và thiết thực luôn là những chất kết dính tự nhiên gắn bó tờ báo với cộng đồng. Bởi, cộng đông người Việt tại Hungary là bạn đọc chính của NCTG, hay nói theo ngôn ngữ ngày nay, cộng đồng là đối tượng phục vụ của tờ báo, là lẽ để tờ báo nảy sinh, tồn tại và phát triển.
Xin chúc mọi điều tốt đẹp cho báo NCTG. (*)
Ghi chú (của NCTG):
(1) Tại chợ Tứ Hổ, nơi tập trung nhiều hộ kinh doanh của cộng đồng Việt Nam tại Hungary.
(2) Thi phẩm “Bài thơ tình ở Hàng Châu” của nhà thơ Tế Hanh.
(*) Tác giả bài viết, ông Ðặng Ngọc Hoản là một thành viên cao niên và uy tín của cộng đồng Việt Nam tại Hungary, một độc giả của NCTG từ những ngày đầu.