Đêm thơ Phạm Tiến Duật tại Budapest: BỒI HỒI VÀ CHAN CHỨA CẢM XÚC
- Thứ hai - 28/01/2008 17:43
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cử tọa trong Đêm thơ Phạm Tiến Duật
Có lẽ chưa có một sinh hoạt văn hóa, xã hội nào của cộng đồng Việt Nam tại Hungary mà tất cả những người đến dự - từ vị đại sứ, tham tán ĐSQ đến nhiều gương mặt trụ cột của các hội đoàn - đều với tư cách cá nhân, tư cách của người yêu thi ca nói chung, yêu thơ Phạm Tiến Duật và cảm mến tác giả nói riêng. Có thể giải thích điều này bởi sức lan tỏa, hấp dẫn, thậm chí quyến rũ, của thơ Phạm Tiến Duật, người được nhìn nhận như nhà thơ đầu đàn của nền văn học cách mạng miền Bắc thời kỳ 1965-1975.
Trước đây và sau khi nhà thơ ra đi, về Phạm Tiến Duật và thi ca của ông, đã có nhiều ý kiến xác đáng và tâm đắc từ các đồng nghiệp, bạn hữu, cũng như người yêu thơ. Vũ Quần Phương, Hoàng Cát, Nguyễn Văn Thọ... - những người đã song hành với nhà thơ và với cuộc chiến của dân tộc -, dường như đã nói đầy đủ, nói hết về con người và sự nghiệp Phạm Tiến Duật. Gần đây nhất, Đặng Tiến, nhà phê bình văn học nổi tiếng ở Hải ngoại, cũng đã có một bài viết (1) rất hay về ba nhà thơ miền Bắc mới quá cố (Chính Hữu, Vũ Cao, Phạm Tiến Duật), trong đó, ông đã gọi thơ Phạm Tiến Duật là dòng thơ "ào ào như trên đường Trường Sơn những đoàn quân trùng trùng ra trận", "và giữa hàng triệu khuôn mặt chập chờn lửa đạn, thì Phạm Tiến Duật nhìn nhau mặt lấm cười ha ha". Điều đẹp nhất ở đây là, Đặng Tiến, một cây bút ở miền Nam trước năm 1975, và ở Hải ngoại sau biến cố ấy, lại có những dòng thật trân trọng và xác đáng về Phạm Tiến Duật, khi đưa ra những phân tích tinh tế về cái tài ba của "thi pháp Phạm Tiến Duật", một nhà thơ "nhìn vào cái gì, đụng đến cái gì, cái ấy cũng thành thơ": bên cạnh những từ ngữ, sự kiện thông thường, ngồn ngộn chất tư liệu và thực tế của thời đại, đánh mạnh vào tâm thức độc giả đương thời, thơ Phạm Tiến Duật hàm chứa những nét cổ điển, kèm chất lãng mạn riêng của người lính trẻ. Do đó, Phạm Tiến Duật đã thành công vì "đáp ứng lại yêu cầu của nhiều thành phần độc giả, chủ yếu là người trong cuộc cùng lứa tuổi", và "những người ngoài cuộc, nếu không có thiên kiến cũng có thể ưa thích". (2)
Trước sự phong phú của những đánh giá, những phân tích "bài bản", có lẽ các diễn giả, những cây bút nghiệp dư, những người yêu văn nghệ trong cộng đồng Việt Nam tại Hungary hẳn khó nói thêm được điều gì mới về thi ca Phạm Tiến Duật. Những tưởng, sẽ khó đủ cái để nói, trong vòng mấy giờ của Đêm giao lưu, như nhận xét của Đặng Tiến: "Ngày nay, chúng ta, ngồi trong phòng khách gia đình, không thể cảm thụ lối thơ Phạm Tiến Duật như người chiến sĩ dưới bom đạn, khi chuyển quân giữa mưa rừng gió núi, hay canh phòng một mình nơi biên trấn". Ấy vậy mà, mạch thơ và những kỷ niệm của một thời chiến tranh gian khó qua thơ Phạm Tiến Duật vẫn tuôn tràn như không hề muốn dứt, qua những ý kiến phát biểu, những hồi tưởng và những cảm nhận về thơ ông. Cử tọa đã lặng người tưởng nhớ nhà thơ và cùng lúc ấy, bài thơ nổi tiếng "Vòng trắng" (sau này gây không ít trầm luân cho tác giả) đã được đọc lên để nhắc nhớ về một thời mà sau đó nhiều năm, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã tái khắc họa với những hình ảnh tương tự: "Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên - Bão thổi chưa ngừng trong những vành khăn trắng". Anh Lê Hữu Thủy, từng là một cựu chiến binh, một nhà giáo có nhiều năm trên bục giảng, trong phần tóm tắt về tiểu sử, cuộc đời, cũng như một số nhận xét về thơ Phạm Tiến Duật, đã kể lại một câu chuyện bi tráng và lãng mạn mang màu sắc huyền thoại, khi những người lính mắc kẹt dưới một căn hầm trong thành cổ Quảng Trị, trong những giây phút cuối của cuộc đời, khi được hỏi mong muốn cuối cùng, đã trả lời họ muốn nghe thơ Phạm Tiến Duật! Gần 40 năm sau khi ra đời, "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây" - thi phẩm được biết đến nhiều nhất của Phạm Tiến Duật, đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc - vẫn giữ nguyên sự tươi trẻ, hào hùng như ngày mới ra đời, với phần cảm nhận của anh Nguyễn Bá Hiệp, và sự trình diễn của cặp song ca rất ăn ý Minh Hợp - Minh Tâm. Anh Giáp Văn Chung, một cây bút "cứng cáp" của cộng đồng, đã chinh phục cử tọa với những “mổ xẻ”, phân tích về thơ Phạm Tiến Duật, cũng như, khi anh đọc lại rất truyền cảm "Bài thơ về Hạnh phúc" của Bùi Minh Quốc (Dương Hương Ly) - một đồng đội, đồng nghiệp của Phạm Tiến Duật, khóc vợ, nhà thơ Dương Thị Xuân Quý, hy sinh trên chiến trường Duy Xuyên -, để tái hiện một thời, khi những tình cảm của con người, đặc biệt của người lính, còn giữ nguyên vẻ thuần thiết với những niềm tin trong trắng: "Trong một góc vườn cháy khét lửa Na-pan - Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc - Và em gọi đó là hạnh phúc... - Như chồi biếc gặp mưa xuân, như chim én say trời..."
Đêm thơ đã có những lúc chùng xuống vì cảm xúc khi một số bài thơ của Phạm Tiến Duật được thể hiện qua nhiều giọng đọc, và cũng có những phút vui vẻ, lắng đọng, khi Phan Bích Thiện, một nhà thơ cộng đồng, kể lại những kỷ niệm riêng (3) của chị với Phạm Tiến Duật, người đã khích lệ chị dấn bước vào con đường sáng tác; hay khi anh Giáp Văn Chung kể về tài ứng biến của nhà thơ (4) trong một dịp ông bình thơ tại một trường đại học mà khi đó, anh Chung là giảng viên. Cũng thật xúc động khi nghe chị Kim Hưng, trước đây công tác tại Đài Truyền Hình Việt Nam, ngâm bài thơ “Gửi em cô thanh niên xung phong” trong cơn sốt 39 độ, thỉnh thoảng phải ngừng lại vì những cơn ho; được tin công đồng Việt tại Hungary tổ chức Đêm thơ tưởng nhớ Phạm Tiến Duật, không quản ngại xa xôi cách trở, chị đã bay từ Berlin sang dự. Những giọng ca, những câu hát nghiệp dư của các bạn trẻ, khi thể hiện một số nhạc phẩm thời chiến - "Quê hương anh bộ đội" (Xuân Oánh), "Gửi em ở cuối sông Hồng" (Thuận Yến & Dương Soái)... -, có lúc nhạc còn chưa "chuẩn", ngân lên cao chưa "tới", nhưng cái quý là, Đêm thơ là dịp hiếm hoi để lớp trẻ được tiếp cận phần nào với bầu không khí, với những con người một thời gian nan của đất nước. Như lời tâm sự của Nguyễn Hoàng Phương, một bạn trẻ trong Hội Sinh viên Việt Nam đến "góp vui" tiết mục song ca với Đêm giao lưu, rằng trước đây, Phương "không có cảm giác gì với thơ Phạm Tiến Duật cho lắm, ngoài chuyện ông là một nhà thơ chiến sĩ, thực ra vì ngoài "Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây" với "Tiểu đội những chiếc xe không kính" ra thì mình cũng không biết bài nào khác cả. Đúng là chuyện gì cũng phải có dịp, có cơ hội mới nhận ra được, mới nhìn nó dưới góc độ khác. Đọc mấy bài về ông, đọc vài bài thơ ông, thấy quý trọng một tâm hồn trong sáng và thuần khiết, một tài thơ sâu sắc, quý cách sống đơn giản, không hàm phú quý, gần gũi và giản dị, một cốt cách rất "lính" của ông. Thấy ngày xưa, sao người ta sống đẹp và đáng yêu đến thế".
Đêm thơ đã có một kết thúc hết sức cảm động với bài thơ giã biệt (5) Phạm Tiến Duật của chị Thanh Sơn, người từng có dịp tới thăm nhà thơ bên giường bệnh trước khi ông qua đời. Nhưng bất ngờ nhất là ông Đặng Ngọc Hoản, một vị khách mời, đã chia sẻ với cử tọa câu chuyện của ông - mà ông coi là "một kỷ niệm không dễ chịu" - với nhà thơ Phạn Tiến Duật. Năm 1974, khi "Vòng trắng" được đăng trên tờ “Thanh Niên”, ông Hoản còn là một thanh niên ở độ tuổi đôi mươi, đã viết một lá thư lên BBT báo hàm ý trách báo đăng một bài thơ mà khi đó, ông coi là mang màu sắc "yếm thế". Tự cho rằng, không chắc BBT báo đã thật để tâm đến lá thư của một độc giả với nhận thức còn non nớt như thế, nhưng ông Hoản tâm sự: ông vẫn canh cánh trong lòng sự khắc khoải về một "món nợ tinh thần" đối với nhà thơ Phạm Tiến Duật mà sau đó, trong một số dịp gặp gỡ với thi sĩ, ông đã không thể nói lên lời tạ lỗi. Và, sự có mặt của ông Đặng Ngọc Hoản trong Đêm thơ, sự chia sẻ của ông với cử tọa, cũng mang ý nghĩa một lời xin lỗi muộn mằn trước hương hồn nhà thơ vừa quá cố!
Đêm giao lưu tưởng nhớ Phạm Tiến Duật đã là dịp gặp gỡ của những người yêu thơ, đồng thời, cũng là mối giao cảm của nhiều thế hệ - có những ký ức, cảm xúc khác nhau - khi đọc thơ Phạm Tiến Duật. Trong bài viết đã dẫn của nhà phê bình Đặng Tiến, có trích một đoạn từ bài đăng trên tạp chí "Quân đội Nhân dân" (tháng 12-2007) của một nhà văn cũng từng là lính Trường Sơn - Nguyễn Văn Thọ (một CTV NCTG, hiện sinh sống ở Berlin): “Đọc thơ Phạm Tiến Duật, người ta thấy rõ chân dung đa diện của con người Trường Sơn, từ những người coi kho tới công binh, thanh niên xung phong, chiến sĩ cao xạ, những chiến sĩ lái, xe v.v…mọi thành phần có mặt trên con đường đều được Phạm Tiến Duật khắc họa bằng thơ. Chính điều đó làm tăng thêm sự lan tỏa của thơ anh. Những người lính, đủ mọi thành phần, nhận ra chính họ, thân phận họ trong đó và, đấy là điều cốt tử để thơ Phạm Tiến Duật mau chóng trở thành một sinh thể tồn tại song hành cùng con đường (vốn nhiều huyền thoại), một sinh thể có sức sống rất lâu trong tâm hồn của nhiều người”. Mấy chục năm sau khi cuộc chiến kết thúc, đến nay, sức lan tỏa ấy vẫn còn nguyên vẹn, vẫn trở thành sợi dây liên kết nhiều con người từ những mảnh đất xa xôi: nhà văn Nguyễn Văn Thọ, một lần nữa, đã “ứa nuớc mắt” khi có dịp đọc bài (6) của BS Nguyễn Lam Thủy về Phạm Tiến Duật trong Đêm thơ, như chính lời anh tâm sự: "Nước mắt hôm qua tôi khóc, ngày Duật mất, dành cho Duật, vì thương anh. Nước mắt nay tôi khóc vì mừng: mừng cho đời một nghệ sĩ sinh ra vì chiến cuộc, chết đi lại xanh dậy tình yêu ở khắp nơi, không chỉ quê hương giữa bè bạn, đồng đội đồng bào, mà tận nơi xứ tuyết... Xin gửi từ nước Đức, lời tri ân sâu sắc của một người thương yêu thơ anh, được thơ anh và nhiều câu thơ khác, sưởi ấm giữa rừng đầy bom đạn và trống trải, nay đọc bài này, thấy ấm lòng lên, khi ngoài kia tuyết giá cuốn tung trời..."
Phạm Tiến Duật, tác giả những vần thơ được coi là một trong những áng thơ đẹp nhất của nền văn học miền Bắc thời chiến: "Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng - Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay" (“Đi trong rừng”), hẳn đã hạnh phúc biết chừng nào khi biết rằng những vần thơ của ông, sau khi ông ra đi, vẫn làm ấm lòng những người ngưỡng mộ ông nơi xa xăm “tuyết giá cuốn tung trời”! (*)
Trần Lê, Budapest 20-1-2008
Ghi chú – Tham khảo:
(1) "Đồng Chí, từ Núi Đôi đến Trường Sơn" - Đặng Tiến ("Diễn Đàn Forum", Paris, 20-1-2008)
(2) "Những người ngoài cuộc", ở đây, có thể chính là những người ở bên kia chiến tuyến! Nhiều quân nhân Việt Nam Cộng hòa cho hay, họ tìm thấy trong thơ - và trong những ca khúc phổ nhạc từ thơ Phạm Tiến Duật - được chất tếu táo, nhưng ngang tàng và can trường, coi thường gian nguy của người lính, và đó là điểm đồng điệu của tất cả những người lính nói chung, bất kể ý thức hệ. Ca sĩ Anh Khoa của Sài Gòn thời trước 1975, trong một cuộc trò chuyện với người viết bài này, cũng kể rằng ngay thời gian đầu sau khi đất nước thống nhất, giữa bao nhiêu bỡ ngỡ và nhọc nhằn của "đời sống mới", khi đi diễn, anh đã hát một số ca khúc miền Bắc, trong đó có "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây" phổ thơ Phạm Tiến Duật).
(3) “Bài thơ chắp cánh những vần thơ” – Phan Bích Thiện (“Nhịp cầu Thế giới Online”, 8-12-2007)
(4) “Vài kỷ niệm với Phạm Tiến Duật, thi sĩ của những cung đường” – Giáp Văn Chung (“Nhịp cầu Thế giới Online”, 19-11-2007)
(5) “Vĩnh biệt anh, người lính, nhà thơ Phạm Tiến Duật” – Thanh Sơn (“Nhịp cầu Thế giới Online”, 20-1-2008)
(6) “Nhớ thương nhà thơ Phạm Tiến Duật” – BS Nguyễn Lam Thủy (“Nhịp cầu Thế giới Online”, 18-1-2008)
(*) Bài viết đã được đăng trên chuyên san "Người Viễn Xứ" của mạng điện tử "VietNamNet" (ngày 28-1-2008).
Một số hình ảnh về Đêm thơ Phạm Tiến Duật: