Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ĐÔI DÒNG CẢM NGHĨ NHÂN ĐỌC “NHỊP CẦU THẾ GIỚI”

(NCTG) “Vốn là một người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử dân tộc, tôi đặc biệt chú ý tới những bài, những mục về sử học được đăng tải trên mặt báo, hầu như không số nào lại không có bài về lịch sử dân tộc” - GS. NGND Đinh Xuân Lâm.
GS. Đinh Xuân Lâm và “Nhịp cầu Thế giới” (năm 2005) - Ảnh tư liệu
Trung tuần tháng Mười vừa qua, nhân sang Hungary thăm con cháu, tôi đã được đọc “Nhịp cầu Thế giới” (NCTG), tuần báo tin tức và văn hóa bằng tiếng Việt phát hành tại thủ đô Budapest.

Thú thật là lúc đầu tôi phần nào có bị bất ngờ, càng đọc càng thấy thích thú vì nội dung báo phong phú, phản ánh khá đầy đủ tình hình đất nước Hungary là nơi có một cộng đồng người Việt đang sinh sống, lao động, học tập và công tác, cũng như đề cập khá kịp thời tình hình các mặt của quê hương Việt Nam.

Vốn là một người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử dân tộc, tôi đặc biệt chú ý tới những bài, những mục về sử học được đăng tải trên mặt báo, hầu như không số nào lại không có bài về lịch sử dân tộc. Có những vấn đề hiện đang được giới sử học trong nước quan tâm: chất lượng giảng dạy lịch sử, yêu cầu bảo đảm tính trung thực trong công tác viết sử, tình trạng xâm phạm di tích lịch sử... đã được thông tin kịp thời trên NCTG, chẳng hạn thông qua các bài “Học sử: tự hào và tự ái”, “Nghĩ về hình tượng Lê Văn Tám”, “Để làm được chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại” (hầu hết đã được đăng trên các tạp chí trong nước như báo “Thế giới”, “VietNamNet”, v.v...)

Bên cạnh những bài có tính nghiên cứu, trao đổi ý kiến nghiêm túc, với mục đích truyền bá, phổ biến rộng rãi kiến thức lịch sử, NCTG cũng đã có sáng kiến mở ra các mục “Câu đố lịch sử”, “Giải ô chữ”... Tiểu thuyết “Bảy Viễn thủ lĩnh Bình Xuyên” của tác giả Nguyễn Hùng đã cung cấp khá nhiều thông tin đặc sắc, có sức hấp dẫn về con người và sự kiện thời kỳ đầu của 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ.

Sẽ là một thiếu sót lớn khi đánh giá nội dung NCTG mà không nói tới giá trị của tờ báo về mặt văn học. “Gió tự thời khuất mặt” của tác giả Lê Minh Hà là một tiểu thuyết hay; bài ký “Hà Nôi niềm riêng tôi” của Cỏ May phản ánh tinh tế tình cảm gắn bó của người viết với đất nước, quê hương trong từng chi tiết của đời sống tình cảm, đã làm xúc động người đọc. Cũng như một vài giai thoại, câu chuyện về nhà văn Nguyễn Tuân, về nhạc sĩ Văn Cao... đã làm cho người đọc hứng thú.

Để kết thúc “Đôi dòng cảm nghĩ nhân đọc NCTG”, tôi chỉ có một đề nghị nhỏ: nên có thêm các bài giới thiệu đất nước và con người Hungary, đặc biệt là các bài về các danh thắng và di tích lịch sử Hung.

Cuối cùng, xin chúc NCTG đã hay càng thêm hay, ngày càng phát triển, được phát hành rộng rãi không chỉ trên đất nước Hungary, mà cả về Việt Nam! (*)

(*) Sử gia lão thành, GS. NGND Đinh Xuân Lâm, một trong “tứ trụ” của giới sử học trong nước.

Tác giả bài viết: Đinh Xuân Lâm - Đầu tháng 11-2005