Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ĐIỀU QUAN TÂM CỦA NGƯỜI VẼ (Khởi nguồn văn hóa Việt và tiếp thu văn hóa Hung)

(NCTG) Độc giả NCTG, qua từng số báo, đều được chiêm ngưỡng những minh họa theo nhiều phong cách khác nhau của họa sĩ Lê Thương. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng trong hơn một thập niên sinh sống tại Hungary, anh đã có một sức lao động nghệ thuật rất đáng kể với chừng 150 bức tranh sơn dầu cùng Temperá và một cuộc triển lãm khá thành công - được bạn hữu và giới thưởng ngoạn hội họa Hung đánh giá cao - vào tháng 5-2001.

Lê Thương (trong mắt Nguyễn Tấn Cương)

Nhân dịp Lê Thương đang chuẩn bị cho một cuộc triển lãm mới, xin gửi đến bạn đọc NCTG một số ý nghĩ tản mạn của người họa sĩ về bản thân, về quan niệm nghệ thuật và về hai nền văn hóa Hung - Việt, thông qua một bài viết nhỏ thay cho lời phát biểu trong kỳ triển lãm trước. (Bài này, đã được Nguyễn Hưng dịch ra tiếng Hung, và cũng được trích đọc trên Pannon Rádió). (BBT)

Tại Pannon Rádió

Tôi sinh ra ở một thành phố cổ (Hà Nội), tuổi thơ sống với mẹ làm nghề dạy học ở nơi có nhiều nét văn hóa cổ (Hà Bắc). Ngoài việc để tâm đến những hình hài, họa tiết, hoa văn, điêu khắc, tranh cổ của cả miền xuôi lẫn miền núi (là điều tất yếu), tôi còn chú trọng đến hình tượng phong tục, đồ chơi giấy, gỗ. Mang tinh thần Đông phương lấy cảnh tả tình, ý tại ngôn ngoại, dùng hình tượng cụ thể để so sánh ví von: thiên nhiên thành con người, con cò mang hình bóng người đàn bà phương Bắc, con sáo mang hình bóng người đàn bà phương Nam, hòn núi đá như người đàn bà chờ chồng, bánh chưng & bánh dày tượng trưng đất trời thiên nhiên.

Sinh ở Bắc, nhưng tôi nghĩ và yêu thích phương Nam vì thuở nhỏ nghe thơ bố tôi gửi cho gia đình ở miền Nam xa cách.

Văn hóa Việt - cũng như văn hóa ở mọi nơi - có nhiều nội dung ca ngợi, phê phán, tiềm ẩn nội dung có trong Phật học, Thần học. Triết học người Việt nằm sâu trong tục ngữ, ca dao, dân ca "cứng quá thì gãy, mềm quá thì oặt", "giận mà thương", v.v... Tinh thần Đông phương, Tây phương tôi được tiếp thu hồi chưa đi học, từ tranh ảnh, sách vở bố tôi rồi thông qua trường học, xã hội. Sau này, học vẽ ở cả hai trường Mỹ thuật (Hà Nội, Sài Gòn), tôi được đào tạo theo lối phương Tây.

Văn hóa Việt đề cao việc giữ gìn truyền thống và cũng dạy "đi một ngày đàng, học một sàng khôn", hay "bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn" (văn, thơ của bố tôi, dù không nhiều, nhưng cũng mang tinh thần ấy). Điều này khiến người vẽ, người Việt lấy tâm hòa trong ứng xử thương người, trọng nghĩa, quý bạn, hiếu khách.

Hồi phổ thông, tôi đã thuộc "Dưới chân núi Csita", đọc "Những ngôi sao thành Eger", xem sách báo, phim ảnh về Hungary. Đến giờ, nghe dân vũ Hung qua đài FM Rádió, tôi vẫn thích. Mười hai năm ở Hung, được đi nhiều nơi, tôi rất thích tìm hiểu thiên nhiên, con người, tranh sách, hiện vật trong mỹ thuật dân gian. Còn nhiều danh nhân của hai nền văn hóa mà tôi chưa có dịp đề cập.

Tranh: Lê Thương (Ảnh chụp: Cao Thế Mạnh)

Văn hóa Việt - Hung là HAI, giống như tôi và bạn, một và mỗi, vuông - tròn, cứng mềm, tĩnh - động, cũng như Adam và Eva, nửa trái táo luôn tìm nửa kia. Con người luôn thích bổ khuyết những cái họ thiếu hoặc không có. Nhưng trên phương diện văn hóa, con người đúng nghĩa nhất, tất cả chỉ là MộT.

Một buổi triển lãm khó nói được mọi điều của cuộc sống, của muôn đời. Cám ơn tạo hóa đã mang lại cho bạn bè, tình yêu những cơ duyên, dấu ấn và trao quyền sáng tạo cho tất cả trong cuộc sống hiện tại này.

Chúc điều tốt đẹp, vui vẻ, may mắn, thành đạt cho tất cả mọi người!

Tác giả bài viết: Lê Thương