ĐI TÌM KỶ NIỆM
- Thứ năm - 10/09/2020 10:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Nhưng giờ tất cả dường như chìm vào giấc ngủ của thời gian, sẽ không có ai đánh thức dậy nữa, có chăng chỉ còn lại trong ký ức của những sinh viên đã từng xa nhà đi học trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt”.
Nghe tin Ký túc xá (KTX) Budaörsi, một trong những tòa nhà gắn liền với ký ức lần đầu xa nhà của rất nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam sắp sửa bị phá bỏ, tôi cùng một chị bạn nảy ra ý tưởng quay về đó thăm lại vào một ngày đầu thu.
Nằm ngay trên đầu trục đường từ Budapest dẫn tới xa lộ đi hồ Balaton, hơi cao do địa hình đồi, ngay cạnh một doanh trại bộ đội cũ và tách biệt với nhà dân, KTX Budaörsi - nơi các sinh viên ngoại quốc theo học dự bị ngoại ngữ một năm trước khi vào đại học đập ngay vào mắt tất cả những ai đi qua đó. Với kiến trúc điển hình của các công trình xây dựng thời XHCN: vuông thành sắc cạnh như một viên gạch, các cửa số đều tăm tắp, tường sơn mầu vàng, tòa nhà ấy đã chứng kiến biết bao đổi thay của xã hội Hungary.
Nằm ngay trên đầu trục đường từ Budapest dẫn tới xa lộ đi hồ Balaton, hơi cao do địa hình đồi, ngay cạnh một doanh trại bộ đội cũ và tách biệt với nhà dân, KTX Budaörsi - nơi các sinh viên ngoại quốc theo học dự bị ngoại ngữ một năm trước khi vào đại học đập ngay vào mắt tất cả những ai đi qua đó. Với kiến trúc điển hình của các công trình xây dựng thời XHCN: vuông thành sắc cạnh như một viên gạch, các cửa số đều tăm tắp, tường sơn mầu vàng, tòa nhà ấy đã chứng kiến biết bao đổi thay của xã hội Hungary.
Tôi sang Hung vào năm 1990, ít lâu sau khi bức tường Berlin sụp đổ - mốc chuyển biến lịch sử quan trong nhất của vùng Đông Âu trong cả thập kỷ. Vậy mà hội sinh viên chúng tôi với kiến thức chính trị - xã hội gần như bằng không chẳng hề hay biết chút gì về những biến động xảy ra quanh mình. Có chăng, chỉ loáng thoáng cảm nhận các nước Đông Âu “cắt suất học bổng” nên đáng nhẽ cả 40 bạn được đi du học, mà giờ còn có 5 bạn sang năm đầu tiên và 5 bạn năm tiếp theo.
Tôi nhớ như in buổi chiều lúc mình xách va-li lên nhận phòng KTX: mở cửa căn buồng rất hẹp, chỉ kê đủ hai giường theo chiều dọc, hai chiếc bàn con đối diện, tủ quần áo ngay cạnh cửa ra vào và bồn rửa tay. Việc tôi làm đầu tiên là mở toang cửa sổ. Phòng của chúng tôi nhìn ra đường Budaörsi tấp nập xe cộ, nắng, gió…và tôi thấy nhớ cái phố nhỏ của nhà tôi ở Hà Nội với rất nhiều cây xanh.
Thực ra xung quanh KTX cũng có rất nhiều cây, thảm cỏ và sân chơi của trường tương đối rộng. Lúc tôi học, tòa nhà đã được khánh thành hơn 20 năm mà trông vẫn mới, giống hệt như hình vẽ trong cuốn sách học tiếng Hung thời đó. Một hai tháng đầu tiên, tôi ở với một bạn gái đi cùng đoàn. Ngày nào bọn tôi cũng rủ nhau ra một cửa hàng Non Stop (mở cửa cả ngày lẫn đêm) gần đó mua sô-cô-la, sữa chua và kẹo bánh các thứ. Có hôm tối mịt vẫn rủ nhau đi mua, phải chạy lên cầu thang một cái dốc dắt vào KTX, hốt hoảng khi gặp mấy ông râu ria xồm xoàm kiểu vô gia cư đứng đó. Ít lâu sau, chỉ mình tôi học Y khoa ở lại tòa nhà này, các bạn học khối Tự nhiên như Bách khoa, Tổng hợp được phân ở một KTX khác và học tiếng luôn ở đó.
Cuộc sống năm học dự bị của chúng tôi khá đơn giản: sáng ngủ dậy xuống tầng một vào lớp học tiếng. Nghỉ trưa ăn cơm tập thể ngay dưới tầng đất. Chiều lên phòng học bài rồi lơ phơ đi chơi thăm thành phố. Chúng tôi tập đi xe buýt, tầu điện với vô số lần nhầm hướng, nhầm bến lên xuống, chen lấn lúc đông người và đủ các chuyện buồn cười như nói “cám ơn” khi chẳng may dẫm phải chân người khác.
Chuyện học tiếng và các môn cơ bản đối với tôi lúc đó không khó vì đã quen với thời gian luyện thi đại học ở nhà. So với các sinh viên nước ngoài khác chưa từng nghe tiếng Hung trong đời, sinh viên Việt Nam luôn đứng đầu lớp vì đã được học lõm bõm tiếng Hung một năm ở trường Ngoại ngữ Thanh Xuân. Thời đó, có lần tôi nghe phong thanh Đại sứ quán Việt Nam chỉ thị sinh viên nào không được tất cả các môn điểm 5 (điểm tối đa) sẽ không được làm giấy mời bố mẹ sang thăm. Thế nên một bận bà giáo cho tôi điểm 4, tôi liền dỗi bỏ lớp lên phòng không xuống học nữa. Sau này mới ân hận vì điểm 4 hay 5 đều chẳng có nghĩa lý gì, “luật lệ” của sứ quán cũng thay đổi xoành xoạch.
Đối với tôi, khó khăn nhất trong năm đầu xa nhà là học cách sống. Quen sống trong sự bao bọc của gia đình, quanh mình là các bạn cùng lớp cấp Ba, giờ sang hẳn một môi trường mới, tôi luôn cảm thấy mình cô đơn. Các bạn cùng đoàn ở chỗ khác, thỉnh thoảng cuối tuần mới sang thăm nhau. Lớp học dự bị trường Y khoa rất nhiều sinh viên Ả Rập cao to, mùi mồ hôi rất nặng và hay thích hát. Nhóm sinh viên Châu Âu có Ba Lan, Tiệp, Đức… hay tụ tập với nhau. Tôi kết bạn với một cô Hàn Quốc học Kinh tế, một bạn Mông Cổ sau này ở cùng phòng với tôi suốt 6 năm trường Y.
Chẳng có gì có thể đáp ứng đủ nhu cầu tình cảm trong tôi thời đó. Niềm vui nhất của tôi mỗi ngày là giờ nhận thư. Thời đó thư bưu điện gửi từ nhà sang có khi phải mất tới hai, ba tuần. Khoảng đầu giờ chiều, ông đưa thư mang tới trải ra ở một cái bàn cạnh thường trực. Các sinh viên nước ngoài ra đó tự chọn thư nào gửi cho mình. Chạy từ trên cầu thang xuống, chỉ nhìn trong chớp mắt tôi đã nhận ra những lá thư của mẹ gửi trong những phong bì viền sọc đỏ xanh trắng. Sướng rơn lên, tim đập thình thịch, vội lên phòng xé thư ra đọc rồi lại nhớ nhà nhớ gia đình nước mắt lã chã.
Năm học ở trường dự bị là năm tôi nhận được nhiều thư nhất, ngoài thư của gia đinh còn thư của bạn bè, cất đầy một cái hộp toàn thư. Và tất nhiên tôi cũng chăm viết thư. Tối nào cũng cặm cụi ngồi viết, cứ như viết nhật ký thời trẻ con. Thư nào cũng dài, chữ li ti rồi đem ra bưu điện chỗ Quảng trường Tròn (*) gửi, hồi hộp không biết bao giờ thư mới tới nhà. Thời nay chắc chẳng còn mấy người biết tới cảm giác chờ đợi lá thư tay.
Phải thú thực, mặc dù sống không xa tòa nhà KTX Budaörsi và vẫn đi xe qua đó nhiều lần, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ “thăm lại trường xưa”. Mấy năm gần đây, nhìn cảnh tòa nhà bỏ hoang tróc sơn loang lổ, đứng chơ vơ trong khung cảnh cây cỏ mọc dại um tùm, tàn lụi dần theo năm tháng, tôi thấy quyết định của chính phủ phá bỏ cũng là có lý. Nhưng dẫu sao khi đi cùng chị bạn dạo quanh toà nhà, chạy lên mấy bậc thang cũ kỹ, đi lại con đường một thời đã từng rảo bước, chúng tôi vẫn thấy thật bùi ngùi xúc động khó tả. Tòa nhà hiện nay đã bị niêm phong, có hàng rào sắt và dây xích chăng biển “Cấm vào”.
Bọn tôi liều bước cả qua dây xích tới tận cổng bấm chuông nhòm vào, chỉ có một em mèo hoang chạy ra đón. Đúng cái cửa thường trực đó với bà già đeo kính cáu kỉnh mỗi khi phải ra mở cửa cho sinh viên nào đi chơi tối về muộn, đúng phòng sinh hoạt chung có chiếc đàn piano cũ kỹ rung rinh mỗi khi có ai sờ tới, đúng cầu thang giữa dắt xuống phòng ăn có món xúp hoa quả gây sốc mạnh cho các bạn Châu Á lần đầu nếm thử, đúng cửa sổ phòng học nhìn ra hướng núi với tấm bảng xanh và các thầy cô giáo rất yêu quý học sinh, đúng những ô cửa phòng ký túc xá sinh viên tầng trên văng vẳng tiếng nói cười… tôi vẫn hình dung ra rõ mồn một.
Nhưng giờ tất cả dường như chìm vào giấc ngủ của thời gian, sẽ không có ai đánh thức dậy nữa, có chăng chỉ còn lại trong ký ức của những sinh viên đã từng xa nhà đi học trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt.
Trên đường về, chúng tôi ngồi vào quán trà sữa xem lại ảnh và kết luận: kỷ niệm là vậy đó, kể cả vui hay buồn, cái chính là không thể quên được.
Ghi chú:
(*) Móricz Zsigmond körtér, thường được giới DHS Việt Nam những năm 80 thế kỷ trước gọi bằng cái tên “Quảng trường Tròn”, tại trung tâm Quận 11, Budapest.