ĐÊM HÀ NỘI
- Thứ hai - 13/12/2010 03:29
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Khuya và lạnh, tôi bảo bạn mình tìm quán nào ngồi đi, mỏi chân quá rồi. Hai vợ chồng bạn ái ngại nhìn tôi, có vẻ đi bộ cả đêm như thế này với họ không hề hấn gì, họ bảo ở Budapest họ toàn đi bộ và đi rất nhiều.
Những khung cửa Hà Nội nhìn từ quán đêm
Rồi nhìn tôi, họ lắc đầu:
- Thế này sang Budapest chơi sao mà đi bộ được?!
11 giờ đêm, các quán ở Hà Nội phần lớn đóng cửa, cũng lang thang hết Hàng Bạc, Mã Mây, Tạ Hiền và một loạt phố mới tìm được một quán còn mở cửa. Chúng tôi leo lên tầng 3, ngồi nơi ban công nhìn xuống đường phố.
Gió nhẹ và se se lạnh, chỉ se se thôi chưa đủ để tôi khoác thêm một áo khoác nữa, và hình như trong gió vẫn thoảng mùi hoa sữa, nhẹ thôi đủ để tôi nhận ra vẫn còn lác đác đâu đó những bông hoa sữa muộn.
Hai vợ chồng bạn chẳng có vẻ gì là mệt cả, mặc dù giọng các bạn đã khào khào sau mấy tiếng karaoke giờ không còn trong nữa và phải đi bộ khá nhiều quanh các phố của Hà Nội.
Chúng tôi im lặng nhìn vu vơ và thi thoảng mỉm cười giữa cái đêm lạnh khe khẽ thế này. Mai bạn đi rồi, mai vợ chồng bạn trở về Budapest vậy là mấy ngày ở Hà Nội đã hết, kỷ niệm thật nhẹ nhàng…
Mãi rồi Eszter cũng cất lời:
- Lần sau, gặp bạn ở Budapest nhé. Tôi sẽ đưa bạn đi dạo bên bờ sông Danube.
Tôi nhìn bạn:
- Bạn sẽ chụp ảnh cho tôi ở cầu Xích nhé, nhưng phải chụp được cả hai con sư tử, và đi cả Thành những người đánh cá nữa nhé.
Laci tròn mắt:
- Bạn cũng biết cầu Xích? Biết Thành người đánh cá?
Tôi cười:
- Biết chứ, có 7 cầu bắc qua sông Danube, trong đó có cầu Xích cổ kính nhất, hơn 150 tuổi với những câu chuyện huyền thoại. Đầu mỗi bên cầu Xích có hai con sư tử rất to. Tôi thích ngắm tòa nhà Quốc hội soi bóng dưới dòng Danube. Bên kia cầu Xích là Pest, bên này là Buda… Rồi đại lộ chính Andrássy…
Laci búng tay đánh tách một cái:
- Năm ngoái đám cưới, bọn tôi chụp ảnh ở cầu Xích và đi dọc đại lộ đó đấy.
Eszter cười sung sướng:
- Nhất định tôi sẽ đưa bạn đi khắp nơi đó. Mùa thu dọc bờ sông Danube đẹp lắm.
Tôi nhìn hai vợ chồng:
- Sẽ đãi tôi món quốc hồn quốc túy của Hung chứ?
Hai vợ chồng nhìn tôi:
- Món gì?
- Xúp cá.
Cả hai cùng kêu lên:
- Ồ, bạn cũng biết cả món đấy sao?
- Biết chứ, xúp được nấu từ cá chép bắt trên sông Danube và một con sông nữa tôi quên tên rồi.
- Món đó ăn đúng kiểu thì vị mặn và khá cay, tôi đi ăn cùng bạn biết bạn không ăn được cay.
- Hung có cả loại ớt không cay mà. Tôi còn biết, ớt của Hung như một quả bom vitamin C nữa.
Eszter kêu lên:
- Đúng đúng…
Như chạm đúng mạch, thế là nàng bắt đầu thao thao kể về ớt của Hung, về các loại gia vị của Hung, kể nhiều lắm làm tôi hiểu không kịp mặc dù bạn diễn đạt bằng cả lời và bằng cả tay, ánh mắt nữa… Thi thoảng Laci lại phụ hoạ thêm một câu cho thêm phần chắc chắn.
- Tôi còn biết cả szalami Hung cực ngon nữa!
- Bạn còn biết về các món gì nữa?
- Bắp cải nhồi thịt, thịt bò kho, thịt gà hầm sữa chua và ớt…
- Bạn biết uống bia không?
Tôi lắc đầu:
- Nhưng tôi biết uống rượu Tokaji, rượu mà vị vua Pháp khi được tặng đã phải tấm tắc khen là “Vua của các loại rượu”.
Lúc này thì Laci trợn tròn mắt, còn Eszter thì há hốc miệng:
- Ồ, ồ! Nếu thế thì bạn là người Hung rồi. Tôi là người Hung mà có khi không biết nhiều bằng bạn.
Cả hai vợ chồng cùng giơ ngón tay cái lên và nói một câu tiếng Hung, tôi lắc đầu không hiểu câu đó nhưng tôi đoán nó là một câu khen, vì ngày xưa mỗi khi các chú phi công Nga khen tôi cái gì đều giơ như thế kèm từ “Khơ-ra-sô!” (tốt).
- Tôi còn biết quán Kulacs là nơi nhạc sĩ sáng tác bản “Chủ nhật buồn” chơi nhạc ở đó.
Eszter thốt lên:
- Nghe xong coi chừng sẽ tự tử đó!
Tôi cười:
- Tôi nghe cả bốn chục bản bài đó, đủ các kiểu, mà vẫn chưa tự tử nè.
Eszter ngạc nhiên:
- Sao có nhiều thế, tôi chỉ có mấy bản thôi.
Hai vợ chồng cứ ồ, rồi à, được thể tôi ba hoa chích chòe về những cái gì tôi biết về Hungary, hết các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh đến các món ăn, bài “Chủ nhật buồn”, tôi vòng về ba nhà thơ Hung, về hai nhà văn Hung và các tác phẩm tôi đã được đọc do anh Giáp Văn Chung dịch.
Hai vợ chồng cứ ồ rồi à và kết thúc hỏi tôi:
- Bạn từng học ở Hung à?
Tôi lắc đầu:
- Chưa, tôi chưa bao giờ đến Hung cả.
- Sao bạn biết nhiều về Hung thế, biết nhiều hơn cả những cái chúng tôi biết mặc dù tôi sinh ra và lớn lên ở Hung.
Tôi cười:
- Tôi đọc trên báo “Nhịp cầu Thế giới” (NCTG) thôi!
Cả hai vợ chồng lại ồ và hỏi tôi về báo này, sau khi tôi giải thích với họ đây là một tờ báo của người Việt ở Hung, và tôi bảo tất cả các món ăn kia tôi đọc trong có vỏn vẹn một bài trên đó thôi.
Cũng phải thôi, báo tiếng Việt và viết cho người Việt đọc nên người Hung không biết là phải. Được thể, tôi cũng tranh thủ khoe rằng nếu không có báo NCTG và anh TBT thì tôi và họ cũng đã không quen nhau, tôi cũng đã không được dẫn họ đi lang thang trong đêm như thế này.
Như chợt nhớ ra, tôi kêu lên:
- Ngày mai, báo NCTG bước sang tuổi thứ 10 đấy.
Thế là hai vợ chồng rót bia và chúng tôi cùng cộc mừng sinh nhật NCTG!
Anh TBT chắc chẳng bao giờ ngờ tới, một đêm đông se se lạnh giữa thủ đô Hà Nội có hai người Hung chưa từng đọc báo anh, chưa từng quen biết anh và một người Việt, ngồi trên tầng 3 một quán cà phê cùng cộc bia chúc mừng sinh nhật tờ báo của anh.
Gần 12 giờ đêm, chúng tôi chia tay nhau, hai vợ chồng bạn đi bộ về khách sạn, họ cứ đi một chút lại quay lại vẫy tay chào tôi, tôi đứng đó nhìn theo hai cái bóng đã khá quen thuộc trong một tuần qua cho đến lúc khuất hẳn nơi ngã rẽ mới lên xe đi về…
Tạm biệt bạn nhé, những người bạn Hung dễ mến, mong sẽ được gặp bạn một ngày gần nhất ở Budapest, cùng tờ báo nhỏ đã nối được mối giao tình giữa con người từ những xứ sở xa xôi…