Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“ĐỂ CÁC THẾ HỆ CÓ THỂ CẢM THÔNG VÀ GẮN BÓ HƠN”

(NCTG) Những năm gần đây, cộng đồng Việt Nam tại Hungary đã có thêm nhiều hoạt động mới lạ, tươi trẻ và ít nhiều mang tính đột phá, mà những người tổ chức không phải thành viên các hội, đoàn truyền thống như thông lệ từ trước đến nay.

Heni Nguyễn và Elly Trần

Đó là các bạn trẻ đã có nhiều năm sinh sống, thậm chí trưởng thành trên đất bạn, do đó không gặp phải vấn đề ngôn ngữ, hội nhập trong giao tiếp, sinh hoạt nghệ thuật. Vì vậy, những sự kiện do họ chủ trì cũng không chỉ nhắm vào cộng đồng Việt Nam tại Hungary, mà mang tính giao lưu và gắn kết rộng mở hơn.

Trong câu chuyện cộng đồng ngày hôm nay của NCTG, chúng tôi có dịp làm quen với hai bạn trẻ như thế. Heni Nguyễn (Nguyễn Thị Bích Hường), 24 tuổi, sang Hungary từ năm 12 tuổi, hiện là sinh viên Quản trị Kinh doanh Khoa Kinh tế, Đại học Óbudai (Budapest). Đồng nghiệp của cô, Elly Trần (Trần Thị Thùy Anh), 25 tuổi, sang Hungary từ năm 9 tuổi, hiện đang học Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh Đại học Kinh tế Budapest (Corvinus).

Trong vòng một năm rưỡi trở lại đây, cả hai đã từng tham gia công tác tổ chức nhiều hoạt động như Cuộc thi Asian Stars (năm 2010), các trận đấu bóng đá giao hữu Việt Nam - Trung Quốc (năm 2010), giao hữu Việt Nam tại Hungary và Slovakia (năm 2011), Miss Asia Germany 2010, Miss Asia Hungary 2011 và Face of Asia 2012. Gần đây nhất, công ty tổ chức sự kiện do chính hai bạn trẻ lập ra đã tổ chức khá thành công Đại nhạc hội Vietnami Est, được đánh giá là có rất nhiều nỗ lực trong cách thể hiện.
 

Poster đêm đại nhạc hội Vietnami Est

NCTG đã có một cuộc trao đổi thân mật với Heni Nguyễn và Elly Trần khi hai bạn lại tiếp tục gắng sức cho một chương trình mới, tìm kiếm những giọng ca triển vọng gốc Á châu tại Hungary: Asian Voice. Trả lời câu hỏi tại sao lại tham gia và tổ chức những sự kiện nói trên và với hai bạn trẻ, những sinh hoạt ấy có ý nghĩa như thế nào, Heni Nguyễn thổ lộ:

Sau một thời gian làm việc trong ngành này thì chúng em nghĩ rằng nên làm một cái gì đó riêng cho mình. Và chúng em đã đi đến quyết định lập một công ty để có thể tổ chức được những chương trình mang tính chất sáng tạo của riêng mình. Cả hai chúng em đều muốn tổ chức những chương trình văn hóa và cộng đồng.

Những khán giả công ty chúng em hướng tới là người Việt Nam nói riêng và người Châu Á nói chung, không những ở Hungary mà còn nhiều nơi trên Châu Âu.

Xin phép được nêu lên cách nhìn của chúng em về cuộc sống cộng đồng Việt Nam tại Hungary.

Ở trong cộng đồng mình hiện nay đã có ba thế hệ. Các vị phụ huynh Việt Nam luôn luôn mong muốn con cái mình hướng về quê hương và sống theo văn hóa Á Đông, muốn con cái họ nói thạo tiếng Việt.

Tuy nhiên thế hệ trẻ bây giờ ít quan tâm đến văn hóa của nước mình, có vẻ như đối với họ cuộc sống và văn hóa ở nước sở tại hơp với họ hơn.
 

Heni Nguyễn trước Đại học Óbudai (Budapest)

Có lẽ chính những khác biệt này đã khiến cho thế hệ trung niên và thế hệ trẻ khó xích lại gần nhau. Thế hệ trung niên thì không thích tham gia những chương trình mang tính chất thanh niên, và ngược lại.

Ý thức được điều này đang xảy ra trong cộng đồng mình, chúng em quyết định tổ chức những chương trình mà cả thế hệ trung niên và thế hệ trẻ đều cùng có thể tham gia. Ví dụ như chương trình Vietnami Est vừa qua đã có hiệu ứng rất tốt đối với cộng đồng mình tại đây.

Và chúng em sẽ cố gắng phát triển chuỗi chương trình Vietnami Est này lâu dài, để cộng đồng ta tại Hungary bền chặt và xích lại gần nhau hơn”.

- Hai bạn có thể chia sẻ một số kỷ niệm sâu sắc trong hoạt động từ trước đến nay của mình?

Heni Nguyễn: Kỷ niệm đáng nhớ nhất của em trong suốt thời gian vừa qua có lẽ là hôm diễn ra chương trình Vietnami Est. Vì ê-kíp hôm đó ít người nên em lo phần hậu trường còn Thùy Anh lo phần điều chỉnh âm thanh ánh sáng.

Hôm đó em cũng phải diễn hài, vào vai bà bói Lắc Thị Lục Bưởi. Là người viết kịch bản, nhưng đến đêm hôm đó em cũng vẫn chưa thuộc lời. Nên hôm đó mọi người sau cánh gà thì thoải mái xem chương trình, còn em thì vừa phải học kịch bản vừa lo các tiết mục tiếp theo cho các bạn diễn.
 

Elly Trần

Vì không có đủ thời gian học kịch bản, nên phần lớn đêm hôm đó, lời thoại trên sân khấu phần lớn là em... tự bịa ra (cười). Bịa ra như vậy nhưng trong đầu em vẫn cứ thấy lo là không biết những gì mình bịa ra như thế này có hợp lý không, có gây cười không nữa…

Nhưng rồi khi nghe mọi người vỗ tay nhiệt tình ủng hộ thì em cũng thấy bớt lo nhiều (cười).

Elly Trần: Kỷ niệm của em cũng ở chương trình Vietnami Est, hôm đó hầu như ê-kíp không ai là không bận rộn cả. Lúc chương trình kết thúc, em và Hường và ba người bạn ở lại thu dọn hết đồ đạc. Lúc đó hai đứa em chưa ăn gì hết. Thú thật xong show là em và Hường đều mệt lả và như là hết năng lượng, vì chạy nhiều, nên hai đứa đau chân vô cùng.

Sau khi về nhà, nằm trên giường, em những tưởng là lúc đó sẽ có thể ngủ được một giấc rất là say, nhưng vì đau chân và quá mệt mỏi cho nên em thức đến sáng. Sau hôm đó, cả em và Hường ốm ba ngày liên tục.

Nhưng đáng nhớ nhất là bữa liên hoan Vietnami Est, hôm đó tất cả các bạn diễn đã có những giây phút giao lưu và thật sự thoải mái giống như một gia đình vậy. Đó có lẽ là những điều mà bọn em không bao giờ quên được!

- Những dự án mà công ty của các bạn đang, hoặc sẽ triển khai trong tương lai?

Heni Nguyễn: Dự án chúng em đang thực hiện là Cuộc thi tiếng hát Châu Á (Asian Voice), vòng sơ khảo đã diễn ra tại Ngôi Nhà Việt vào giữa tháng 3 với sự tham gia của đông đảo thí sinh Châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Mông Cổ... Ban giám khảo (BGK) là những người có chuyên môn trong lĩnh vực âm nhạc như Zhang Yu, Pankotay Péter là ca sĩ opera, Újvári Péter thành viên chính nhóm nhạc UP và Phạm Trường Sơn, Giải nhất cuộc thi tìm kiếm Giọng ca Châu Á (Asian Stars) năm 2010.
 

Poster cuộc thi Tiếng hát Châu Á (chung kết: 28-4-2012)

Tại vòng sơ khảo, các thí sinh Việt Nam đã khẳng định được vị trí rất vững chắc trong lòng BGK. Thí sinh được BGK khen là có giọng hát hay nhất là thí sinh Annamária Berta (Hà My), mẹ là người Việt, còn bố là người Hungary. Thí sinh nhỏ tuổi nhất là người Trung Quốc, 14 tuổi, Cao Csilla cũng đã được chọn vào vòng chung kết với tài đánh đàn và giọng hát lạ.

Thí sinh lớn tuổi nhất là Nguyễn Lân, đã 40 tuổi nhưng đã quyết định tham gia cuộc thi vì lòng đam mê ca hát và sáng tác. Tại vòng sơ khảo, gia đình anh đã đi và ủng hộ anh hết mình. Anh đã hát một bài tự sáng tác “Mười năm tìm lại” và ca khúc “Một ngày mùa đông” của Bảo Chấn.

Kết thúc vòng sơ khảo, thành viên nữ duy nhất của BGK, cô Zhang Yu đã cho biết cô rất thích những hoạt động mang tính chất cộng đồng như thế này, mọi việc diễn ra thật êm đẹp và đầy ý nghĩa. Thành viên Hungary Újvári Péter thì chia sẻ: “Tôi rất thoải mái khi làm giám khảo tại đây, và tôi bất đầu yêu những con người Châu Á rồi”.

Để chuẩn bị cho đêm chung kết cuộc thi Asian Voice vào 28-4 tới, các thí sinh sẽ được tập luyện thanh nhạc cùng các chuyên gia âm nhạc và nhóm nhảy để tăng thêm phần hấp dẫn cho chương trình. Hy vọng bà con Việt Nam nói riêng và cộng đồng Châu Á nói chung tại Hungary sẽ ủng hộ cho chương trình.

Trong năm nay, chúng em còn rất nhiều dự án để phục vụ cộng đồng mình tại đây như Cuộc thi Hoa hậu Quý bà Hungary, Cuộc thi Nữ hoàng Việt Nam tại Châu Âu (Queen of Vietnam Europe) và các chuỗi cuộc thi mang tên Queen of Asia tại các nước khu vực Châu Âu.

Chúng em sẽ cố gắng tổ chức thêm nhiều hoạt động hữu ích dành cho các cộng đồng Châu Á tại Hungary, để tất cả các thế hệ có thể cảm thông và gắn bó hơn!

- Chúc các bạn thành công và đi xa hơn nữa trên con đường đã chọn!

Tác giả bài viết: Trần Lê thực hiện