Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ĐẦU VOI ĐUÔI… CHỢ LÀNG

(NCTG) “Với tư duy và cung cách làm ăn như thế này, tôi cho rằng không biết bao giờ hàng của chúng ta mới bán được – và chinh phục một phần - thị trường Châu Âu” - nhận xét của anh Phạm Ngọc Chu, một doanh nhân thành đạt tại Hungary về kỳ triển lãm hàng Việt Nam vừa mới đây.

Một lễ khai mạc được chuẩn bị công phu

Nhân các dịp kỷ niệm lớn (60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hungary, 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, v.v…), nước nhà đã cử phái đoàn doanh nghiệp sang Hungary triển lãm với chủ đề Hàng xuất khẩu và Du lịch Việt Nam tại Trung tâm Thương mại Thăng Long, đây là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ta tiếp xúc, tìm hiểu thị trường và thị hiếu khách hàng Hungary cũng như Châu Âu.

Tôi được mời đến dự lễ khai mạc triển lãm trên tư cách ủy viên Ban Chấp hành Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary. Bước vào hội trường, tôi phấn khởi khi được chứng kiến khung cảnh chuẩn bị buổi lễ. Hội trường to cao mới được quét vôi sơn mới tinh, khang trang, nửa hội trường đã được trưng bầy những sản phẩm nội thất cổ truyền của Việt Nam như bộ bàn ghế bằng mây tre, võng cói đung đưa.

Trên tường có rất nhiều tranh  tượng nón mũ treo mô tả những cảnh đẹp đồng quê Việt Nam được làm bằng các nguyên liệu khác nhau như: thảm cói, mành tre, sơn mài... Cạnh đó, tôi còn thấy những chum, vại cùng bộ quang gánh gợi nhớ lại những người lao động Việt cần cù chịu khổ, chịu khó.

Đường vào hội trường được trải thảm đỏ, khách tới dự được những cô gái tiếp tân xinh đẹp, mặc áo dài truyền thống luôn nở nụ cười tươi tiếp đón tận tình. Khách mời phía bạn Hungary có nhiều chính khách cao cấp như Quốc vụ Khanh Bộ Ngoại giao, các đại diện chính quyền Quận, cùng giám đốc một số công ty đã có quan hệ kinh doanh với Việt Nam.

Các vị khách Hungary đánh giá cao sự phát triển kinh tế của Việt Nam

Ngoài ra, tôi còn thấy sự có mặt của ông Botz László, Chủ tịch Hội Hữu nghị Hung - Việt, từng là thành viên Ủy ban Kiểm soát và Giám sát Quốc tế gìn giữ hòa bình tại Việt Nam những năm 1973-75. Ông vừa cùng một số đồng sự sang Việt Nam dự lễ kỷ niệm 35 năm Ngày Thống nhất và luôn ấn tượng bởi sự đổi thay năng động của đất nước, sự phát triển kinh tế thần kỳ của dân tộc Việt Nam.

Trong phát biểu mở đầu buổi lễ, ông Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Hungary Szabó Vilmos đã đánh giá cao sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, coi đó là nguyên nhân chính khiến các công ty Hungary luôn mong muốn hợp tác và đầu tư vào Việt Nam.

Ngoài ra, những bài phát biểu chân thành của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHXHCN Việt Nam tại Hungary, các vị quận trưởng, quận phó của ta và của bạn... đều khiến tôi cảm động, nhất là khi thấy các nhà chính trị sau bài phát biểu đã đến tay bắt mặt mừng như anh em xa lâu ngày gặp lại.

Phải thấy rằng, trong hợp tác trao đổi hàng hóa thế giới, nếu các chính khách có quan hệ thân thiện với nhau thì đó là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp, còn đã… ghét nhau thì đừng có nghĩ tới chuyện “mang chuông đi đấm xứ người”, sẽ bị “ngăn sông cấm chợ”, tăng thuế phạt hàng... đủ kiểu.

Sau lễ cắt băng khai mạc của các quan chức, tôi có cơ hội cùng phái đoàn lần lượt đi thăm các gian hàng triển lãm bày các sản phẩm xuất khẩu và quảng bá du lịch của Việt Nam. Điều đáng nói là sự khâm phục và cảm động dành cho lễ khai mạc trong tôi đã nhanh chóng tan đi, nhường chỗ cho cảm giác thất vọng khi xem các gian hàng hóa xuất khẩu.

Đâu đâu cũng chỉ thấy... lọ hoa các kiểu!?

Hơn bốn mươi doanh nghiệp tham gia triển lãm đa phần chỉ thấy mang sản phẩm lọ hoa, đủ các kiểu to nhỏ cao thấp, bẹt tròn, to béo làm bằng mọi nguyên liệu khác nhau như giấy, bèo hoa tây, tre gỗ sắt, sơn mài... - chẳng nhẽ đi triển lãm khoe bạn, chúng ta chỉ làm được lọ hoa thôi, bao nhiêu công ty lớn với những sản phẩm xuất khẩu nổi tiếng đi đâu hết rồi?

Nhiều gian hàng trưng bày hàng hóa thiếu thẩm mỹ và không có sự trình tự chiêu mời quyến rũ khách hàng, có gian hàng chỉ độc một người đứng phân phát tờ rơi, không có biểu tượng logo công ty, không có tranh áp-phích mô tả hoạt động công ty, phần lớn đại diện công ty đi giới thiệu sản phẩm của mình đều không mặc đồng phục, nên không thể biết ai là người giới thiệu, ai là người xem hay khách hàng.

Có một gian hàng trưng bầy hàng mây tre, tất cả các sản phẩm đều quen thuộc với người tiêu dùng Châu Âu vì đã được bày bán hầu hết các chợ từ Bắc Âu xuống Nam Âu do các doanh nghiệp Việt Nam nhập sang.

Tuy nhiên, có một sản phẩm được tôi chú ý: đó là cái nôi dành cho trẻ sơ sinh, sản phẩm rất đẹp, mềm mại quyến rũ và phù hợp với xu hướng bảo vệ môi trường (sản phẩm này ở đây đa phần làm bằng sắt, gỗ nhựa nên nhiều bà mẹ không thích). Thế nhưng, khi nhìn gần và kiểm tra kỹ thì thấy nôi quá thấp vì người mẹ Châu Âu không bao giờ ngồi bệt xuống đất ru con được, ngoài ra, nó không có độ an toàn, vững chãi cần thiết khi sử dụng.

Nôi cho trẻ sơ sinh quá thấp và chưa đạt yêu cầu an toàn trong sử dụng

Đi thăm các gian hàng trưng bày xuất khẩu tại đây, tôi khẳng định phần lớn các sản phẩm này đều khó có cơ hội tiêu thụ ở Châu Âu, nguyên nhân chính là chúng không phù hợp với nền văn hóa Châu Âu. Có những sản phẩm tôi tin chắc hàng triệu khách hàng bên này may ra có một người mua, như ảnh thêu màu rất công phu thể hiện chân dung các nhà chính trị, tượng, câu đối...

Dẫn đầu phái đoàn doanh nghiệp sang triển lãm hàng xuất khẩu Việt Nam là Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội, một người làm công tác quản lý, không thể có tầm nhìn bao quát và thông hiểu về thị trường Châu Âu. Tôi nghĩ, lẽ ra, cần cử một doanh nhân tài giỏi làm tổng chỉ huy chọn người, chọn hàng chọn chủng loại sao cho có chất lượng, phong phú thì mới có khả năng chào bán được ở nước ngoài.

Chúng ta mở chợ cũng phải có nhiều doanh nghiệp tham gia với nhiều mặt hàng, chủng loại khác nhau thì mới thành chợ, thì mang hàng đi triển lãm cũng vậy. Tôi nghĩ, còn may là đại diện, phụ trách kinh doanh các công ty lớn của Hungary chưa đến dự triển lãm, bằng không, có thể vĩnh viễn không bao giờ họ quay lại lần thứ hai nữa!

Với tư duy và cung cách làm ăn như thế này, tôi cho rằng không biết bao giờ hàng của chúng ta mới bán được – và chinh phục một phần - thị trường Châu Âu. Chúng ta đã có nền móng (Ban lãnh đạo Trung Tâm Thăng Long đã cho chỗ trưng bày triển lãm miễn phí, đồng thời cũng hỗ trợ rất nhiều cho quảng cáo đại chúng trên đài báo, áp-phích...), nhưng vẫn không thể có hiệu quả nếu bản thân các doanh nghiệp tại Việt Nam không nỗ lực, sáng tạo khi mang hàng mình đi “Tây du”.

Tất nhiên, tôi cũng ý thức được rằng “vạn sự khởi đầu nan”, nhất là trong công việc kinh doanh, thế nhưng nếu không làm thì không bao giờ đúc kết được kinh nghiệm. Những suy nghĩ tản mạn này của tôi, xin được mạnh dạn nêu ra với hy vọng lần triển lãm tiếp theo chúng ta sẽ làm tốt đẹp hơn, thành công hơn…

Tác giả bài viết: Phạm Ngọc Chu - Ảnh: Trần Lê