Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Cảm nhận một chuyến đi (1): ĐẾN VỚI KESZTHELY

(NCTG) “Cuộc đời là những chuyến đi” và có những chuyến đi trong đời để lại ấn tượng không thể nào quên. Budapest - Keszthely - Szigliget - Héviz trong 2 ngày 19 và 20/8 là một hành trình như thế đối với tôi.
Quảng trường trung tâm phố cổ, TP. Keszthely
Keszthely, “Thủ đô của vùng hồ Balaton” (Balaton főváros) là thành phố nhỏ, rất nhỏ với diện tích thu bằng mắt thường chắc chỉ tương đương với một thị trấn ở Việt Nam. Thành phố nằm thoải theo triền dốc ôm lấy vùng “Biển hồ” Balaton, mặt còn lại tiếp nối của những dãy núi thấp trùng điệp, xa xa là các đồi nho vàng óng đang đến mùa thu hoạch.

Hình ảnh đầu tiên du khách nhìn thấy khi bắt đầu tiếp cận địa phận của thành phố là san sát những ngôi nhà cấp bốn, ngói đỏ tươi mới, phố nhỏ và thật nhiều ngõ nhỏ, thân quen như hình ảnh vùng quê Bắc Bộ xưa của Việt Nam.

Phương tiện giao thông chủ yếu tôi gặp trên đường trong khu vực nội đô có lẽ là xe đạp... và dòng người đi bộ, tự nhắc mình phải thật êm nhẹ từng bước chân như sợ sẽ phá đi không gian bình yên nơi đây.

Lâu đài Festetics, điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi - có thể gọi là điểm nhấn về kiến trúc và cảnh quan tổng thể của vùng. Qua hơn 200 năm, hai thế kỷ với những cuộc chiến tranh liên miên tại đất nước này, lạ lùng và may mắn thay nơi đây vẫn được “bảo hộ” gần như trọn vẹn, trường tồn cùng tuế nguyệt.

Qua cánh cổng của tòa lâu đài là khuân viên sân rộng lớn phủ nền cỏ xanh mướt, những nàng thân tượng cao đến 4m ngự trị dọc hai bên lối vào, tiếp đến là khối lâu đài sừng sững nguy nga, cổ kính và trầm mặc. Kiến trúc mái vòm và tông mầu xanh dương đẹp đến mê hoặc dù chỉ là cảm nhận thoáng qua bằng trực giác.

Đi qua tiền sảnh, phía sau là khu vườn thượng uyển. Gọi là “vườn” nhưng rộng mênh mông với những sóng cỏ xanh uốn lượn, nhiều cụm thông thẳng tắp, những tán cổ thụ thấp lùn mà thân to đến 2 người ôm có khi không xuể và không thể biết được có bao nhiêu loài hoa đang ngự trị nơi này. Đủ mầu sắc đỏ, hồng, cam, vàng, trắng... tưng bừng khoe hương phấn.

Được nhâm nhi ly cafe, ngắm trọn cảnh quan lâu đài cùng nhịp điệu lóc xóc lóc xóc rộn ràng đều đều của chiếc xe song bạch mã đưa du khách đi tham quan quanh lâu đài... là đủ để được ngây ngất lạc hồn vào thế giới vương giả xa xưa ấy. Lần đi này, tôi chưa dành được thời gian để chiêm ngưỡng nội thất bên trong lâu đài, tiếc nuối lắm mà đành hẹn dip khác trở lại Festetics nhé.

Rời quần thể lâu đài, khu phố cổ và quảng trường trung tâm của Keszthely với cụm kiến trúc đặc trưng cho nhiều đô thị cổ ở Châu Âu (Nhà thờ chính, Trường học và Tòa Thị chính...), mang trong mình vóc dáng cổ kính của năm tháng mà vẫn có vẻ hiện đại tạo thành một khuân viên rộng lớn dành cho những bước chân lơ đãng thảnh thơi mỗi buổi xế chiều.

Phố đi bộ rộng rãi, thoáng đãng và yên tĩnh, dọc hai bên là một vài hàng quán nhỏ nhu mì với nhiều sản phẩm thủ công Hungarikum, thực khách ở đây cũng tĩnh tại, không thấy cảnh xô bồ, dường như ai nấy đều muốn thư giãn tận hưởng những ngày cuối hè, khi đất trời chuẩn bị chuyển sang thu.

Bất ngờ thay, khu phố không dài cũng còn là nơi tọa lạc của 7 bảo tàng nhỏ trong cùng một khu, mang nhiều nét “độc nhất vô nhị”, “chỉ có ở nơi đây” mà người HDV của chúng tôi có nhấn mạnh mấy lần trên đường đi, kèm lời “khuyến cáo” nhiệt tình, “nên đi, sẽ thú vị lắm, đừng sợ hay ngại khi nghe hai chữ “bảo tàng”.

Bảo tàng Danh nhân, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng các vật dụng thời “bao cấp”, Bảo tàng mô hình Nhà Quốc hội Hungary được ghép bởi 4,5 triệu ốc biển có niên đại 28 triệu năm, Bảo tàng cách thức tra tấn thời Trung Cổ, Bảo tàng đồ chơi trẻ em và cả Bảo tàng đồ chơi... dành cho người lớn (có lẽ cũng hiếm thấy trên thế giới ở dạng mà nó giới thiệu), có khi nằm sát bên hè phố, có khi ẩn mình sâu trong ngõ đã mang đến cho chúng tôi nhiều thú vị và bất ngờ.

Với cá nhân tôi, Bảo tàng Danh nhân (với khoảng 50 tượng sáp các nhân vật lịch sử quan trọng nhất của Hungary) và Bảo tàng Dân tộc học, tuy nhỏ lắm, nhưng để lại ấn tượng mạnh khi bước vào bên trong. Đến đây, xin được gọi người HDV của chúng tôi với danh xưng là SỬ GIA về văn hóa và lịch sử Hungary, vì anh xứng đáng với cách gọi ấy.

Biết bao danh nhân với những sự kiện, dấu mốc, những công trạng với dân tộc từ thời chinh phục vùng lòng chảo Kárpát, thời kỳ lập quốc rồi chiến tranh giữ nước - tất cả được anh tái hiện và truyền tải đến mọi người thông qua hình thức kể chuyện, giọng kể xúc cảm đầy thành kính. Người giảng và cả người nghe đều say mê như đang cùng được trải qua những năm tháng lịch sử ấy, đúng vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 20/8 của đất nước. Ngày của vị vua lập quốc, vị thánh Szent István, “quốc phụ” của dân tộc.

Bảo tàng Dân tộc học giới thiệu các trang phục truyền thống của người Hung từ thời cổ xưa lại khiến chúng tôi như bị choáng ngợp, bởi những sắc mầu phong phú và số lượng rất nhiều các bộ trang phuc đặc trưng cho 72 dân tộc của Vương quốc Hungary, từ lễ hội đến trang phục đời thường, là minh chứng cho đời sống văn hóa phong phú của dân Hung trong suốt bề dày lịch sử của họ.

Cũng cần nhắc tới Bảo tàng “đồ chơi” cho người lớn, hay nói đúng hơn, một bộ sưu tầm những hiện vật và biểu hiện của nền văn hóa “gợi tình” thế giới, phần chủ đạo dành cho Châu Âu từ thời Trung Cổ. Để ý thấy các anh chị trong đoàn khi vào đây, người đỏ mặt người mỉm cười kín đáo, nhưng chắc chắn ai cũng vui vì được “mở rộng tầm mắt” trước một đề tài muôn thuở mà có thể còn xa lạ với góc nhìn của người Á Đông.

Sẽ rất thiếu nếu không nhắc đến vẻ đẹp của “Biển hồ” Balaton tại bãi tắm chính của Keszthely, nhất là vào thời khắc chạm môi nhau của các vị thần ánh sáng và bóng đêm. Bình minh và hoàng hôn trên mặt hồ phẳng lặng như nâng niu, níu giữ bước chân những con sóng cứ mải mê chạy vào bờ rồi vụn vỡ, tan vào lòng hồ. Gió như vuốt ve mơn man từng cánh hồng đủ mầu sắc thơm ngát, dãy lau sậy hai bên bờ hồ xào xạc, gợi nhớ âm thanh của cuộc sống, của tình yêu, đẹp cũng đến thế.

Công viên Thành phố rộng lớn và con đường nhỏ dẫn xuống bờ hồ cũng là bức tranh thiên nhiên vô cùng mầu sắc. Hàng phi lao thẳng tắp nghiêng gần nhau bên đường, mầu xanh của lá non, vàng chanh của lá gần già và mầu của các loại hoa đan xen nhau, khiến chúng tôi cứ muốn đi thật chậm, đến khi nào nghe được tiếng sóng xa xa rì rào, rồi để ào xuống đó, vẫy vùng và quên hết mọi phiền muộn.

Những lúc ấy, chỉ muốn nói cám ơn cuộc đời còn để lại nơi này!

Trân trọng cám ơn người thầy, người anh dẫn đoàn cùng và ê-kíp đã tổ chức được một chuyến đi trọn vẹn và nhiều ý nghĩa. Thiết nghĩ, nếu không phải vì tấm lòng thực tâm muốn chia sẻ những kiến thức của mình cho bà con, muốn cộng đồng phần nào được hưởng những giá trị như dân bản địa, chắc chắn khó có thể tổ chức một hành trình với sự hướng dẫn chu đáo và tỉ mỉ, mà thực tế chi phí chỉ bằng một nửa so với hình thức tự tổ chức của mỗi gia đình (*).

Viết ra những dòng này để thêm một lần nữa, cám ơn người HDV và các “trợ lý” của anh thật nhiều! Chắc chắn gia đình tôi sẽ còn tiếp tục với anh và những bạn mới, cũ - có người vừa làm quen trong hành trình này đã thấy thân thiết va tin tưởng - với những chuyến đi ý nghĩa khác trong tương lai!

(*) Trong khi cafe tối, tôi có tò mò hỏi Lễ tân giá cả và cách thức đặt phòng để lần tới quay lại, nếu không thể thu xếp đi theo đoàn thì với kiến thức đã được trang bị trong lần đi này, gia đình tôi sẽ tự đi. Mức giá họ đưa ra, vào thời gian “cao điểm” như 20/8, riêng tiền phòng giao động trong khoảng 60-70.000 Ft cho 1 phòng nhỏ mỗi đêm.

Tác giả bài viết: Viki Nguyễn, từ Budapest - Ngày 21/8/2021