Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CÔNG TY VÀ CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ (4)

Tuần trước, tôi được tận mắt chứng kiến một “vụ hành động” của cơ quan Hải quan tại một trong những chợ mà trên 60% người bán hàng là người Việt. Các nhân viên hải quan bận rộn xem xét những chiếc túi và những mặt hàng khác; mỗi mặt hàng đều được gắn nhãn hiệu nổi tiếng - mà với cá nhân tôi thì tôi chẳng bao giờ trả thêm tiền cho cái gọi là nhãn mác đó cả. Tuy nhiên, đó là vấn đề của tôi.

Các nhân viên thuế quan thu giữ hàng nhái mác tại Chợ Bốn Con Hổ - Ảnh: MTI

Vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu và những hậu quả pháp lý

Từ ngoài nhìn vào thì có vẻ lần này các nhân viên thi hành nhiệm vụ của họ một cách rất nghiêm túc và chính xác - không hối lộ, không bỏ qua. Và tôi tự hỏi: liệu người bán có biết anh ta đang đùa với lửa hay không. Tôi nghĩ là anh ta không biết mà chỉ đơn giản nghĩ rằng, đây là cách kiếm lời dễ nhất và nếu chẳng may bị bắt, anh ta có thể thoát thân bằng cách đưa ai đó tiền. Vì rằng không phải lúc nào mọi việc cũng diễn ra đúng như anh ta nghĩ, tốt hơn hết là nên biết những hậu quả pháp lý đối với những hành vi vi phạm nhãn hiệu.

Những hậu quả hình sự

1. Tội làm giả hàng hóa

Tội này được cấu thành khi có người, khi không có sự đồng ý của đối thủ thương mại, sản xuất hàng hóa có cùng đặc điểm, bao bì hoặc tên gọi khiến khách hàng tưởng rằng đó là sản phẩm của đối thủ. Tội này cũng được cấu thành khi có người bán các mặt hàng trên hoặc mua chúng để rồi bán lại. Hình phạt có thể lên tới 3 năm tù giam.

2. Vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu

Theo Bộ Luật Hình sự Hungary, một người, khi không có sự đồng ý của chủ nhãn hiệu, mà sử dụng nhãn hiệu đó hoặc một nhãn hiệu có thể gây lầm lẫn đối với nhãn hiệu đó, qua đó gây nên những thiệt hại về mặt kinh tế đối với chủ nhãn hiệu, có thể bị phạt tới mức 2 năm tù giam, lao động công ích hoặc bị phạt tiền.

Nếu thiệt hại kinh tế gây ra bởi chủ nhãn hiệu cao hơn 2 triệu Ft hoặc việc phạm tội được thực hiện nhằm kiếm lợi thường xuyên, hình phạt sẽ là án tù giam (lao động công ích và nộp tiền phạt không được áp dụng trong trường hợp này) và thời gian ở tù có thể lên tới 3 năm. Nếu thiệt hại nói trên cao hơn 500 triệu Ft, thời gian phạt tù sẽ lên tới 8 năm tù giam.

Những hậu quả dân sự

Bên cạnh những hậu quả hình sự, cá nhân hoặc công ty vi phạm quyền lợi của chủ sở hữu nhãn hiệu có thể phải đối mặt với những kiện cáo dân sự, trong đó chủ nhãn hiệu có thể yêu cầu tòa án cho dừng ngay hành động vi phạm, trả lại những khoản lợi nhuận thu được từ việc vi phạm và đền bù thiệt hại.

Kết luận

Hoàn toàn tôn trọng những người dám mạo hiểm, nhưng tôi không cho rằng việc đó là đáng giá.

Tác giả bài viết: Luật sư Dukkon Zsolt (Công ty Luật Dukkon)